Giáo Xứ Chính Toà Đà Lạt Mừng
Lễ Bổn Mạng Và Bế Mạc Năm Thánh Giáo Xứ
Lễ
thánh Nicolas, ngày 06.12 – bổn mạng giáo xứ Chính toà Đà Lạt năm nay rơi vào
Chúa Nhật thứ II Mùa vọng. Đó là một ngày thật đặc biệt đối với giáo xứ vì lúc
18 giờ, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, giám mục giáo phận sẽ cử hành Thánh lễ Tạ
ơn bế mạc năm thánh mừng kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của Họ đạo miền
cao nguyên này.
Hơn
trăm năm trước, khi vùng đất lạnh nơi đây mới được khai phá để xây dựng thành
nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp làm việc tại
Đông dương. Thỉnh thoảng, một số linh mục thuộc Hội thừa sai Paris (M.E.P) cũng
đến nghỉ dưỡng và cử hành các nghi thức cho những người công giáo đến ở lập
nghiệp hoặc cho khách vãng lai. Sớm nhìn thấy nhu cầu phát triển của số giáo
dân công giáo nơi vùng đất mới và triển vọng truyền giáo cho người bản địa, năm
1918, Giám quản tông toà địa phận Tây Đàng Trong lúc đó - Đức cha Lucien
Morsard đã nhiều lần kinh lý và giao cho cha Nicolas Couvreur – quản lý Hội thừa
sai Paris tại Viễn Đông thiết lập tại đây một dưỡng viện cho các cha Thừa sai
khắp vùng Đông Dương. Theo lệnh bề trên, ngài đã chọn khu đất đối diện với Bưu
điện để xây dựng một ngôi nhà ở gọi là Dưỡng viện Giáo sỹ (Sanatorium-Presbytère)
và liền khối với dưỡng viện là một ngôi nhà nguyện. Ngày 10.5.1920, cha
Fredéric Sidot, một linh mục 66 tuổi, thuộc Hội Thừa sai Paris được cử đến ở tại
dưỡng viện để nhận phụ trách công việc mục vụ. Ngày đó được đánh dấu là ngày
khai sinh ra Họ đạo mới mẻ chỉ có khoảng 200 tín hữu này.
Vài
tháng sau, ngày 11.9.1920, một cha Thừa sai trẻ, đó là cha Celéste Nicolas, năm
ấy mới tròn 40 tuổi, cũng đến đây để nghỉ dưỡng vì cơ địa của ngài không chịu
được khí hậu nhiệt đới tại các miền khác của xứ An nam. Có lẽ đấy là chính một
sự an bài đặc biệt để lưu ngài ở lại lâu dài và làm nên nhiều việc vĩ đại cho Họ
đạo. Ít lâu sau, ngày 11.07.1921, cha Fredéric Sidot chuyển đi sứ vụ tại Cap
Saint Jacques (Vũng Tàu) và cha Celéste Nicolas được cử thay thế làm cha sở Họ đạo
Đà Lạt trong suốt 25 năm, từ năm 1921 đến cuối năm 1946. Trong thời gian dài ấy,
cha Nicolas đã vận động để xây dựng nên hai ngôi nhà thờ thật sự, một hướng ra
đường Nhà Chung, tại khu đất nay là khuôn viên Trường THCS Quang Trung (xây dựng
1922 – 1923) và một là ngôi nhà thờ Chính toà hiện nay (xây dựng 1931 – 1942).
Cùng với việc xây dựng các ngôi giáo đường để phục vụ cho số giáo dân tăng
nhanh, cha còn xây dựng cộng đoàn giáo xứ lớn mạnh theo đà phát triển của đô thị
Dalat.
Từ khi
thành lập, các đấng chủ chăn đã hết sức tôn kính đặt Họ đạo Dalạt dưới sự bảo
trợ của thánh Nicolas thành Bari. Người đời nay còn thấy bức ảnh nội thất của
ngôi nhà thờ thứ hai (xây dựng năm 1922 – 1923), tượng thánh Nicolas được đặt
trang trọng giữa chính điện cung thánh (tượng này cũng được cung kính đưa trở lại
cung thánh trong thánh lễ Bế mạc Năm thánh hôm nay). Khi khánh thành giai đoạn
1 của ngôi nhà thờ thứ ba (xây dựng 1931, khánh thành năm 1932), cha Nicolas lại
cho đặt một tượng thánh Nicolas rất uy nghi bằng đá cẩm thạch, kích thước lớn
hơn bức tượng trước, cũng được đặt ở chính điện cung thánh (tượng này hiện nay được
đặt bên trên cửa chính phía cuối nhà thờ, hướng lên cung thánh). Ngoài ra, trong
số 38 tấm kính ảnh màu của nhà thờ thì đã đến hai tấm là hình ảnh về thánh
Nicolas, một tấm phía sau cung thánh - ảnh thánh giám mục Nicolas và một tấm
phía trên cửa phòng âm thanh - tả cảnh cha Nicolas và cha Decoopman (cha quản
lý Hội Thừa sai Paris, bạn thân thiết của cha Nicolas) quỳ dâng ngôi nhà thờ
này cho thánh nhân.
Từ hạt
giống nhỏ nhoi ở một dưỡng viện khiêm tốn tại vùng đất hoang sơ đầu thế kỷ XX,
cánh đồng truyền giáo đã dần lan toả và mở rộng thành nhiều họ đạo. Thoạt tiên
là Họ đạo Dilinh với cha Jean Cassagnes (1927), sau là các họ đạo Cầu đất, Công
Hinh (1941) …và dần dần mở thêm điểm truyền giáo mới. Từ đây, các linh mục người
Việt từ các giáo phận Sài gòn, Mỹ tho cũng được sai đến phục vụ những họ đạo mới
ở miền cao nguyên để phụ tá cho các cha sở.
Ngày
24/11/1960, Tòa Thánh ra sắc chỉ Venerabilium nostrorum thiết lập Hàng giáo phẩm
Việt Nam và Giáo phận Đà Lạt được thành lập. Giáo phận mới được trao cho Đức
cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, nguyên Giám quản Tông tòa Sài Gòn (1955-1960)
làm giám mục tiên khởi. Lúc đó, giáo phận có 81 linh mục Triều và Dòng, coi sóc
77.324 giáo dân trên tổng số dân là 254.669 người, trong đó có 1.547 giáo dân
người Thượng trên tổng số gần 100.000 người dân tộc thiểu số. Đà Lạt được chọn
là nơi để đặt Tòa Giám Mục. Nhà thờ Nicolas Đà Lạt được chọn là Nhà thờ Chính
Tòa với tước hiệu thánh Nicolas thành Bari và Họ đạo Đà Lạt trở thành Giáo xứ
Chính toà.
Mừng
100 thành lập và phát triển 1920 - 2020, Giáo xứ Chính toà được Toà thánh ân
ban cho Năm Thánh Giáo xứ, khai mạc từ ngày 01.01.2020 – Lễ Đức Mẹ là mẹ Thiên
Chúa – lễ tước hiệu thứ hai của nhà thờ Chính toà và kết thúc vào lễ thánh
Nicolas 06.12.2020 – Lễ bổn mạng của giáo xứ. Mỗi tháng trong Năm thánh đều được
Đấng Bản quyền ấn định một ngày lễ để Cộng đoàn Dân Chúa lãnh nhận Ơn Toàn xá
Năm thánh khi tham dự với đủ điều kiện như luật định. Ơn Toàn xá cũng được áp dụng
đối với tín hữu hành hương đến nhà thờ Chính toà trong thời gian khai mở Năm
thánh.
Trong
tâm tình tạ ơn và thống hối trước hồng ân của Thiên Chúa đã ban cho giáo xứ qua
lời cầu bàu của thánh bổn mạng Nicolas, giáo xứ Chính toà tri ân các bậc chủ
chăn đáng kính từ thời khai mở họ đạo cho đến nay đã tận tụy vì đoàn chiên. Đó
là các vị giám quản Tông toà giáo phận Tây Đàng Trong (sau là giáo phận Sài
gòn) là đức cha Lucien Mossard (1898-1920), đức cha Victor Quinton (1920 –
1924), đức cha Isidore Dumontier (1925 – 1940), đức cha Jean Cassagnes (1941 –
1955), đức cha Simon - Hoà Nguyễn Văn Hiền (1955 – 1960); các đức giám mục giáo
phận là đức cha Simon - Hoà Nguyễn Văn Hiền (1960 – 1973) – giám mục tiên khởi,
đức cha Bartholomêo Nguyễn Sơn Lâm (1975 – 1994), đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
(1994 – 2010), đức cha Antôn Vũ Huy Chương (2011 – 2019) và đức cha Đaminh Nguyễn
Văn Mạnh – giám mục đương nhiệm.
Giáo xứ
cũng luôn ghi tạc và tri ân 10 đời cha sở của họ đạo và giáo xứ là các cha
Fredéric Sidot – cha sở tiên khởi (1920 – 1921), cha Celéste Nicolas (1921 –
1946), cha Jean Perrin (1947 – 1948), cha Fernand Parrel (1948 – 1961), cha
Giuse Phùng Thanh Quang (1961 – 1962), cha Giuse Nguyễn Ngà (1962 – 1975), cha
Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (1975 – 1991), cha Giuse Võ Đức Minh (1991 – 2005), cha
Phaolô Lê Đức Huân (2005 – 2017) và cha sở đương nhiệm Phaolô Phạm Công Phương
(từ 2017) cùng với khoảng 60 cha phó và cha phụ tá đã cộng tác đắc lực với các
cha sở qua các thời kỳ. Các ngài đã hết lòng phục vụ công đoàn Dân Chúa và xây
dựng giáo xứ.
Giáo xứ
cũng đồng thời nhớ ơn các bậc tiền nhân – và ân nhân của giáo xứ, nhiều và không
thể kể hết được danh tánh của từng người. Chỉ có thể gợi nhớ những gương mặt tiêu biểu
là ông bà Martino Phan Trường Sanh (qua đời năm 1924) – Lucia Huỳnh Thị Tứ (ông
bà trùm Sanh) là hai ông bà trùm tiên khởi của họ đạo (1919 – 1926). Ông bà
Tadeo Nguyễn Văn Sang – M. Madalena Phan Thị Vàng (ông bà Trùm Sang - song thân
của Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn) làm trùm xứ đạo từ 1926 - 1968. Năm 1968,
ông biện Định thay thế ông Trùm Sang làm trùm xứ đến năm 1972. Ông Antôn Nguyễn
Văn Trị (ông giáo Trị) được bầu làm Chủ tịch Hội đồng giáo xứ từ năm 1972 –
1975. Từ năm 1975 đến 1992, ông Đaminh Nguyễn Văn Tiềm (ông biện Tiềm) giữ vai
trò ông trùm của xứ đạo. Ông Giuse Đỗ Văn Kỳ (ông cố Kỳ) làm trưởng ban đại diện
gia trưởng từ năm 1992 đến năm 2010, ông Giuse Bùi Văn Tường (thầy Tường) nối
tiếp làm Trưởng ban đại diện gia trưởng đến năm 2013. Ông Antôn Nguyễn Văn Nhân
được đại hội giáo xứ bầu làm Chủ tịch Hội đồng giáo xứ nhiệm kỳ 2013 – 2017.
Trong 100 năm, các thế hệ tiền nhân của giáo xứ đã nối tiếp nhau tham gia vào Ban
chức việc, vượt qua những bất trắc khó
khăn của thế sự, âm thầm hy sinh, nhiệt tình cộng tác với các cha xứ, làm cầu nối
gắn kết các cha xứ với mọi thành phần giáo dân, tham gia vào các phụng vụ và
nghi lễ của nhà thờ cũng như phục vụ các sinh hoạt đạo đức tại gia ở các xóm đạo.
Thánh lễ
long trọng vào lúc chiều muộn do Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục giáo
phận chủ sự. Hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ, các cha phó xứ đương nhiệm và một
số cha cựu phó xứ. Đông đảo thành phần Dân Chúa của Giáo xứ đã đến hiệp thông với
thánh lễ. Trong đoàn rước danh dự có những cụ ông cụ bà cựu chức việc cao niên,
có cụ đã trên 90 tuổi đời, từng phục vụ giáo xứ từ khi còn tráng niên. Cùng với
các cụ có các hậu bối là thành viên của Hội đồng giáo xứ đương nhiệm và tiền
nhiệm, quý gia trưởng và hiền mẫu, quý tu sĩ nam nữ, giới trẻ và thiếu nhi, thiếu
niên của giáo xứ. Có thể thấy, nhờ ơn Chúa, các thế hệ con cái của giáo xứ như
thể những lớp sóng nối tiếp, đan quyện với nhau để gìn giữ và cùng thúc đẩy cho
sự phát triển của giáo xứ.
Qua bài
giảng lễ, Đức cha Đaminh mời gọi mọi thành phần Dân Chúa của giáo xứ hãy tiếp tục
sống tinh thần của Năm Thánh vì “…100 năm hình thành và phát triển – tất cả là
bời tình yêu và ân sủng của Chúa và bởi Chúa, chúng ta hy vọng mọi sự của giáo xứ sẽ tồn tại với thời
gian và phục vụ cho hạnh phúc và sự sống của bao người như giáo xứ đang làm
...”. Đức cha cũng nhắc nhở cộng đoàn “Mẹ Hội Thánh muốn nói với chúng ta trong
ngày lễ bế mạc Năm Thánh 100 năm giáo xứ Chính tòa hôm nay rằng, dù Giáo xứ có
thể nào, hãy yêu mến và trung thành. Trung thành với Mẹ Giáo hội, Mẹ Giáo phận
và Mẹ Giáo Xứ vì Mẹ Giáo hội đã sinh chúng ta trong đức tin, đã dạy chúng ta
ngôn ngữ đức tin, đã chăm sóc đức tin cho chúng ta qua những vị mục tử mà Giáo
hội sai đến …”.
Trước
khi kết thúc thánh lễ, ông Chủ tịch Hội đồng giáo xứ đương nhiệm đã có lời tóm
lược quá trình hình thành và phát triển của giáo xứ, đề cao công đức của các vị
chủ chăn và gương hoạt động tông đồ của các bậc tiền nhân trong giáo xứ qua nhiều
thế hệ. Giáo xứ cũng xin Đức giám mục Giáo phận trao bằng tri ân cho ông Chủ tịch
Hội đồng giáo xứ tiền nhiệm, cũng là Chủ tịch Hội đồng cấp giáo hạt và giáo phận
nhiệm kỳ 2013 – 2017 – ông Antôn Nguyễn Văn Nhân, đã được Chúa gọi về ngày 04.01.2018
sau khi mãn nhiệm không lâu. Đó cũng là cử chỉ nói lên lòng biết ơn của giáo xứ
đối với các bậc tiền nhân đã đóng góp nhiều công sức và tâm huyết để xây dựng
giáo xứ không ngừng phát triển cả về vật chất và cả lòng đạo đức.
Sau thánh lễ, có khoảng 500 giáo dân cùng dự
tiệc mừng với các vị chủ chăn tại hội trường nhà mục vụ của giáo xứ trong tình
thân ái.
Ước mong Năm Thánh 100 năm Giáo xứ chính tòa
Đà Lạt tiếp tục làm cho mỗi người, mỗi giới và làm cho giáo xứ trở nên “Một cộng
đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái để trở thành một cộng
đoàn truyền giáo”. Xin những ơn ích thiêng liêng Năm thánh luôn tác động đến với
từng người trong giáo xứ như lời căn dặn của Đức cha Đaminh ở cuối bài giảng “ …Kỷ
niệm 100 năm Giáo xứ Chính tòa sẽ qua đi nhưng tinh thần hoán cải và canh tân
lòng Tin Cậy Mến đối với Chúa và đối với Giáo hội phải tiếp tục”.
Ngày Chúa nhật thứ II Mùa Vọng năm 2020
Ban
Truyền thông Giáo xứ Chính tòa Đà Lạt
Hình ảnh:
Tiến Huân, Đinh Quang;
Bài viết:
Tuấn Minh