STOQ : sự vô hạn trong ba ngày (tạo thành vũ trụ)

 

 

Rôma ngày 9/11/2005

 

Hội nghị quốc tế ba ngày trong bối cảnh dự án STOQ (khoa học, thần học và sự tìm kiếm siêu hình) đã khai mạc sáng thứ tư hôm nay tại đại học giáo hoàng Latran với đề tài « Sự vô hạn trong khoa học, triết học và thần học ». Nên nhắc lại rằng dự án này nhằm mục đích tạo điều kiện cho sự đối thoại giữa nhãn quan kitô giáo về thế giới, con người và sự phát triển của các khoa học.

 

ĐHY Paul Poupard, chủ tịch Uỷ Ban Giáo Hoàng về Văn Hoá và chủ tịch dự án STOQ đã gợi lại quan niệm kitô giáo về sự vô hạn trên đài Radio Vatican.

 

« Quan niệm kitô giáo về sự vô hạn dĩ nhiên là Thượng Đế, bởi vì Thương Đế thì vô hạn. Nhưng bằng cách nào điều đó phản ảnh trong sự vô hạn ? Suy tư đầu tiên dĩ nhiên liên quan tới sự nghịch lý là chúng ta thì có hạn, do đó trong mức độ nào chúng ta, đầu óc giới hạn, có thể nói về sự vô hạn ? Đó là nghi vấn nền tảng ».

 

ĐHY nhấn mạnh rằng hội nghị sẽ đề cập đến thế giới bằng từ ngữ « vũ trụ giãn nở  » : sự giãn nở có nghĩa là từ một điểm nào đó. Trái lại, khi người ta nói đến sự vô hạn của Thượng Đế, người ta phủ nhận có một khởi điểm.

 

Về tương quan giữa thuyết tiến hoá (évolutionnisme) và thuyết sáng tạo (créationnisme), ĐHY Poupard thêm : « Để chính xác, tôi phải phân biệt giữa sự tiến hoá và thuyết tiến hoá. Vào năm 1986, ĐGH Gioan Phaolô II nói rằng thuyết tiến hoá còn hơn là một giả thuyết. Nghĩa là từ nay, trong sự đồng tình của thế giới các khoa học gia, đó là một thâm tín. Nhưng thế giới truyền thông đã giải thích sai như thể ĐGH đã phong thánh cho lý thuyết tiến hoá với tư cách là lý thuyết không cần Thương Đế, tôi nhấn mạnh cách diễn đạt này để muốn nói rằng sau sự tiến hoá, con người là sự khởi đầu tuyệt đối ».

 

Nhưng nếu ông Darwin tin có Thượng Đế, làm sao mà thuyết tiến hoá của ông có thể được xử dụng chống lại những quan niệm của Giáo Hội ? ĐHY trả lời : « Đó là một sự kiện quen thuộc với tôi sau nhiều năm nghiên cứu trường hợp của Galilée theo lời yêu cầu của ĐGH Gioan Phaolô II. Làm sao giải thích sự kiện ông Galileo Galilei, một tín hữu, đã bị xử dụng trong nhiều thế kỷ bởi những người vô tín để chống lại Giáo Hội ? Trường hợp của ông Darwin cũng thế ».

 

Con người luôn tìm kiếm sự vô hạn ngay khi không biết như vậy ? ĐHY Poupard trả lời : « Đúng thế. Một thi sĩ đã nói rằng con người là một hữu thể rơi xuống từ cõi vô biên và luôn ao ước trở về với cõi vô biên. Chúng ta có chìa khoá cho câu hỏi trong Sách Sáng Thế Ký : chúng ta được hình thành giống Thượng Đế. Bởi thế chúng ta có trong lòng ước mong trở lại cội nguồn. Đó là nền tảng của mọi suy tư về Thượng Đế. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài cho nên chúng ta có nỗi nhớ quê hương mình. Tất cả chúng ta không chỉ chờ đón trở về thiên đường đã mất mà còn tiến tới thiên đường được hứa hẹn ».

 

ĐHY thêm : « Khoa học có thể luôn nói thêm hơn và luôn biết hơn về con người là điều quan trọng đối với chúng ta, nhưng khoa học - chúng tôi muốn nói đến những định nghĩa của bao khoa học gia danh tiếng - chỉ có giá trị nơi những điều có thể đo lường và có thể lập lại, con người bằng định nghĩa thì không thể đo lường và không thể lập lại như ĐGH Gioan Phaolô II thường nói. Một thực tại càng mang tính chất con người thì nó càng ít có thể được định nghĩa bởi khoa học. Tóm lại, đâu là thực tại sâu xa nhất của con người ? Đó là tình yêu. Các khoa học nói gì với chúng ta về nó ? Rất nhiều điều, nhưng khoa học vẫn để mầu nhiệm này trọn vẹn ».

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch




Về Trang Mục Lục