Tại sao Giáo Hội cần ĐGH Bênêđictô XVI ?

 

 

Rôma ngày 11/11/2005

 

ĐGH Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng mà Giáo Hội cần ngày hôm nay. Đó là điều mà ông Patrice de Plunkett, một nhà bình luận và nhà báo, muốn chứng minh trong cuốn sách với tựa đề « ĐGH Bênêđictô XVI và chương trình của Thiên Chúa ». Ông đã trả lời những câu hỏi của Zenit.

 

Zenit : Thưa ông định nghĩa tác phẩm của ông ra sao ?

 

P. de Plunkett : Đó không phải là một cuốn tiểu sử, đó là một cố gắng tìm hiểu của nhà báo về niềm tin kitô giáo và xã hội hiện đại dưới ánh sáng của những phân tích của cha Joseph Ratzinger trở thành ĐGH Bênêđictô XVI. Ngày hôm nay, trong những nước giầu có và nhất là Tây Âu có một hố sâu chia cách giữa ý nghĩ của quần chúng và niềm tin kitô giáo. Điều khẩn trương là lấp đầy hố sâu này, xoá bỏ sự hiểu lầm và giúp những người chung quanh hiểu sứ điệp công giáo thật sự. Đó là công trường mà ĐGH Bênêđictô XVI kêu gọi chúng ta. Ngài là người đã phân tích những vấn đề này một cách mạnh mẽ và tinh tế nhất, ngài đã mở ra tất cả những đường hướng suy tư. Ngài, một ngưòi trí thức âu châu, đã được bầu bởi một hội nghị mật ít tích cách âu châu nhất trong lịch sử của Giáo Hội ! Chương trình của Thiên Chúa được thể hiện qua các vị giáo hoàng kế tiếp nhau và vào thời đại của chúng ta, Ngài đã chọn ĐGH Bênêđictô XVI : đến phiên chúng ta phải hiểu điều đó và đáp ứng lại lời mời gọi mà người kế vị ĐGH Gioan Phaolô II gửi đến toàn thế giớí công giáo.

 

Zenit : Sự tìm hiểu của ông vừa nhằm đến tư tưởng của ĐGH và đến xã hội hiện đại ?

 

P. de Plunkett : Cuốn sách này cố gắng cho thấy làm sao ĐGH Joseph Ratzinger qua kinh nghiệm sâu xắc về thế kỷ 20 của ngài và nhãn quan rất sáng suốt trong thế kỷ 21 chính là ĐGH mà thời đại chúng ta cần có. Ngài sẽ giúp chúng ta phân biệt được những vấn đề thật sự và những vấn đề sai của Giáo Hội, những vấn đề sai là do sức ép của phương tiện truyền thông gây ra mà tôi cố tìm kiếm nguồn gốc và nguyên do. Ngài sẽ giúp chúng ta tập trung vào điều nền tảng. Ngài sẽ giúp chúng ta tìm ra ngôn ngữ làm cho niềm tin kitô giáo dễ đến với con người hôm nay : đám đông bao la không biết kitô giáo là gì hay có một ý tưởng không đúng... Người kitô hữu trở thành thiểu số tại âu châu và do đó trở thành dễ nhìn ra hơn ngày xưa : họ sẽ phải giải thích những lý do của niềm tin của họ cho tất cả những người yêu cầu họ. Điều khẩn trương là thành công trong việc để cho những người chung quanh hiểu rằng sự Mặc Khải và Ơn Cứu Độ mang đến cho mỗi cá nhân một hứa hẹn hạnh phúc vô cùng. Hình ảnh này rất khác xa với những hí hoạ đang loan truyền trong xã hội của chúng ta về một tôn giáo...

 

Zenit : Tại sao có những hí hoạ này ? Cần làm gì để thay đổi tình huống ?


P. de Plunkett : Đó là một trong những hiện tượng mà cuốn sách của tôi nghiên cứu. Nguồn gốc của những hí hoạ này có nhiều nguyên do mà chúng ta phải hiểu để ủng hộ sự Loan Truyền Phúc Âm Mới, nếu chúng có đó thì chúng ta không hoàn toàn vô tội, sự tiêu cực của những người kitô hữu âu châu làm dư luận hiểu rằng Giáo Hội đang đứng trên dốc đi xuống. Thay vì luôn đổ lỗi cho những phương tiện truyền thông, chúng ta hãy tự hỏi mình có hình ảnh nào về niềm tin của mình và hình ảnh khác nào chúng ta có thể có. ĐGH Bênêđictô XVI nói : “ Sự Loan Truyền Phúc Âm Mới khởi đi từ sự trở lại của những người công giáo ”. Chúng ta phải hoán cải từng lúc để đón nhận Đức Kitô trong đời sống của chúng ta, nếu không chúng ta làm chứng cho ai hay cho điều gì ? Chúng ta cũng phải trở lại với niềm hy vọng, đặc biệt những người âu châu thời đại; nghĩa là hãy ngừng tiêu cực, đóng kín trong những ngõ cụt của âu châu nhỏ bé này ! Thiếu niềm tin, thiếu ơn gọi, thiếu sự sống đạo chỉ có trong những nước giầu có và già đi của chúng ta, nơi mà mọi lãnh vực đều bị trục trặc. Nhưng có một tỉ người công giáo trên trái đất và đó là một nguồn sinh lực và đổi mới cho chúng ta, những người âu châu, nếu chúng ta ý thức. Hãy mở cửa với cộng đồng thánh thể thế giới này và chúng ta sẽ ngừng nghĩ rằng tất cả đang xuống dốc ! Tôi dành phần thứ hai của cuốn sách nói về những con đường mà ĐGH Bênêđictô XVI mở ra và chúng ta, những giáo dân, có thể đi theo với ngài.

 

Zenit : Với danh nghĩa gì mà ông can thiệp như thế ?

 

P. de Plunkett : Công đồng Vatican II mà người ta chưa học hỏi đủ đã kêu gọi những giáo dân lên tiếng. Trong Giáo Hội, tất cả những người đã được rửa tội phải tham gia vào đời sống cộng đoàn; đối với những người cùng thời đại, công đồng dậy chúng ta bổn phận phải làm chứng, mỗi người theo cách thức và trạng huống của mình. Nghề của tôi là viết và tìm hiểu xã hội hiện đại, do đó tôi viết cuốn sách này. Đó là một cuốn sách dấn thân. Nhưng đó là một cuốn sách trái ngược lại với một cuốn sách tranh luận : đó là một công việc của một nhà báo giáo dân nói với những người giáo dân khác để chia sẻ những lý do để hy vọng và làm chứng nhân và để nói về xã hội hoàn toàn mới mẻ mà thế kỷ 21 cống hiến cho sự phúc âm hoá.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 




Về Trang Mục Lục