Chúng ta có một gương mẫu hoàn hảo để trở thành những nhà truyền giáo : Đức Giêsu Kitô

 

Phần 2

 

 

Rôma ngày 19/10/2007

 

Zenit : Ông đề nghị noi gương Đức Kitô như các sách Phúc Âm cho thấy trong thời gian ba năm của đời sống công cộng của Ngài ra sao thưa ông ?

 

J.L. Moens : Các sách Phúc Âm cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu tự cho mình mà không tính toán. Ngài không sợ lên tiếng. Ngài rất tự do trong lời nói. Ngài đã rao giảng sự hoán cải trong mọi nơi vào thời đó. Ngài nói với đám đông nơi nhà quê hay thành thị, ngoài đường hay trong nhà. Ngài nói với mọi người : với dân chúng, với mọi tầng lớp, người pharisêu, người làm luật, người làm chính trị, những người mua bán mại dâm, người Do Thái, người La Mã. Tuy nhiên rõ ràng là Ngài thích những người nghèo và những người tội lỗi : « Không phải những người khoẻ khắn thì cần thầy thuốc, nhưng là những người bệnh tật. Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi » (Mc 2,17). 

 

Theo tôi, đặc điểm trước hết của lời rao giảng của Đức Giêsu là Ngài luôn đầy lòng thương yêu và nhân ái. Đó là điều mà mọi người chúng ta đều có thể bắt chiếc. Ngài đã loan báo lòng nhân từ của Chúa Cha. Ngài đã thực hành điều đó ngay cả tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài. Khi thánh Matthêu nói về ngày phán xét chung, ngài mô tả Đức Giêsu cám ơn những người đã cho Ngài ăn khi Ngài đói, thăm viếng Ngài khi Ngài ở trong tù… Những người này hỏi khi nào Ngài đói mà họ cho Ngài ăn, khi nào Ngài bị tù tội mà họ thăm viếng thì Đức Giêsu trả lời : « Điều mà bạn làm cho người nhỏ bé nhất của ta là bạn làm cho chính ta ! ». Chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta biết là chúng ta phục vụ Đức Kitô trong những người nghèo. Tôi nghĩ như nhà thần học tin lành Joachim Jeremias là dụ ngôn này của Đức Giêsu dậy chúng ta về ơn cứu độ của những người đã không biết Ngài trên trái đất này. Ơn cứu độ của họ đến từ tình thương mà họ đã trao ban trong đời họ. Điều này theo tôi mở rộng những viễn tượng cho việc truyền giáo. Thật vậy, sự loan báo trực tiếp Phúc Âm không luôn luôn là điều có thể. Ngay cả có những nước có luật cấm điều đó. Trái lại, điều luôn luôn có thể là làm nhân chứng của tình thương, khuyến khích tha nhân yêu thương hơn. Tôi đã có cơ hội chứng kiến nhân chứng của tình yêu đã bắt đầu làm thay đổi một số xã hội Á châu… Chẳng hạn như công trình đặc biệt của á thánh Mẹ Têrasa thành Calcutta.

 

Zenit : Điều đó có nghĩa là ông cho là điều ưu tiên là chứng nhân đời sống hơn là sự loan báo trực tiếp ?

 

J.L. Moens : Theo tôi, đối lập chứng nhân đời sống và sự loan báo trực tiếp là điều cằn cỗi. Nếu chúng ta nhìn Đức Kitô, chúng ta thấy rằng Ngài luôn kết hợp hai điều này. Ngài là vị thánh của Thượng Đế và Ngài đã gây ấn tượng cho tất cả những ai biết ngài với sự thánh thiện toả sáng này. Đồng thời, Ngài đã không ngừng loan báo Tin Mừng, đã rao giảng trước các đám đông đông đảo… Chúng ta đừng quên là nếu Ngài đã bị kết án, đó là vì Ngài đã lên tiếng công khai và đã động chạm đến các tầng lớp lãnh đạo thời đó. Theo gương Đức Kitô là chấp nhận làm chứng nhân bằng đời sống của mình và bằng lời nói.

 

Zenit : Và đi đến tận cùng thánh giá như Ngài ?

 

J.L. Moens : Mỗi người Kitô giáo đều gặp thánh giá lúc này hay lúc khác. Điều đánh động tôi là sứ vụ hoàn hảo của Con Thiên Chúa kết thúc bằng một sự thất bại. Ít ra là theo bề ngoài. Điều đó phải soi sáng cho sứ vụ của chúng ta ngày hôm nay. Thiên Chúa không hứa rằng mọi sứ vụ của chúng ta sẽ là những thành công với từng đoàn người theo đạo ! Gặp những chống đối và những khó khăn là điều bình thường. Nhưng điều phi thường với niềm tin kitô giáo là những thất bại này, trong sự hiệp thông với thập giá của Đức Kitô, có thể trở thành những chiến thắng ! Bởi vì thập giá của Đức Kitô không phải là một thất bại. Đó là chiến thắng của mọi chiến thắng. Như ĐHY Lustiger đã nói : « Người kitô hữu thấy trong thập giá của Đức Kitô dấu chỉ của sự chiến thắng của tình yêu, trong khi những người chứng kiến sự đóng đinh chỉ thấy sự thất bại của kẻ bị kết án ». Người ta không thể tách rời việc phúc âm hoá khỏi biến cố quan trọng nhất của lịch sử nhân loại : sự sống lại của Đức Kitô. Chúng ta loan báo một vị cứu tinh bị đóng đinh, nhưng nhất là Thiên Chúa sống lại mang sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Tôi tin rằng con người ngày hôm nay cần nghe lời loan báo này hơn bao giờ hết…

 

Zenit : Cuốn sách của ông kết thúc bằng một chương về Giáo Hội. Điều này có thể làm phiền đến những người tìm cách đối lập Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài…

 

J.L. Moens : Nếu ông đọc một cách chú ý các Phúc Âm, chắc chắn ông sẽ thấy như tôi rằng Đức Giêsu không truyền giáo một mình. Ngay từ đầu, Ngài đã có các môn đệ. Trong số đó, có các tông đồ nhưng cũng có các người nam người nữ thời đó mà tôi có khuynh hướng coi họ như những giáo dân. Đức Giêsu đã dành nhiều thì giờ để huấn luyện nhóm theo Ngài. Các tông đồ đã theo Ngài dòng dã ba năm và đã trải qua như một trường truyền giáo hay như một chủng viện ! Tất cả những điều đó cho thấy ý muốn của Đức Giêsu xây dựng Giáo Hội của Ngài, liên kết con người vào sứ vụ của Ngài. Tôi tin là điều đó có nghĩa là mọi nhà truyền giáo phải liên kết với Giáo Hội mà chính Đức Giêsu đã muốn. Truyền giáo như Đức Kitô bao hàm làm điều đó trong Giáo Hội như Ngài làm !

 

Zenit : Thánh Thể có một chỗ đứng quan trọng trong cuốn sách của ông. Người ta thấy điều đó trong mỗi chương. Tại sao thưa ông ?

 

J.L. Moens : Thánh thể là Đức Kitô. ĐGH Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng Thánh Thể là tột đỉnh của mọi truyền giáo. Đó là cội nguồn bởi vì người gặp gỡ Đức Kitô trong Thánh Thể không thể không tuyên bố bằng đời sống của mình tình yêu nhân từ của Đấng Cứu Thế. Đó là tột đỉnh bởi vì mọi truyền giáo đều dẫn tới Thánh Thể.

 

Điều làm tôi chú ý trong lãnh vực này là sức mạnh truyền giáo của Thánh Thể ngày hôm nay. Tôi đã dẫn chứng nhiều chứng nhân trong cuốn sách. Riêng tôi đã sống kinh nghiệm nhiều lần cho thấy sự toả sáng của Thánh Thể có khả năng đánh động con người hiện đại như thế nào. Bao nhiêu người vô tín đã cảm nhận điều đó. Chỉ cần mời họ vào một thánh đường ! Đức Giêsu vẫn tiếp tục truyền giáo ngày hôm nay qua Thánh Thể của Ngài !

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 




Về Trang Mục Lục