Diễn văn của Đức Thánh Cha trước các Giám Mục Châu Á tại Haemi, Hàn Quốc ngày 17.08.2014

Anh em trong hàng Giám Mục thân mến:

Xin kính chào tất cả anh em với lời chào nồng nhiệt và huynh đệ từ tận đáy lòng, vì chúng ta đang tập trung tại Thánh Địa này, nơi rất nhiều Ki-tô hữu đã trao hiến mạng sống của các Ngài trong sự trung tín với Chúa Ki-tô. Chứng tá của các Ngài đối với Đức Ái đã không chỉ mang phúc lành và ân sủng đến cho Giáo hội tại Hàn Quốc, mà còn vượt ra bên ngoài quốc gia này; ước chi lời bầu cử của các Ngài sẽ trợ giúp chúng ta hầu trở nên những mục tử trung tín của các tâm hồn đang được trao phó cho sự chăm sóc của chúng ta. Cha cám ơn Đức Hồng y Gracias về những lời chào nồng ấm của Ngài, cũng như về công việc của liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhằm hỗ trợ tình liên đới và khích lệ một sự lên đường truyền giáo đầy hữu hiệu trong Giáo hội địa phương của anh em.

Tại châu lục rộng lớn này, mà trong đó một sự đa dạng to lớn về văn hóa đã khởi phát, Giáo hội được kêu gọi trở nên linh động và sáng tạo trong chứng tá của mình đối với Tin Mừng, thông qua sự đối thoại  và sự cởi mở đối với tất cả. Trong thực tế, đối thoại là „một thành phần chính yếu trong sứ mạng của Giáo Hội“ tại Á Châu (Ecclesia in Asia. 29). Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn con đường đối thoại với những cá nhân và với các nền văn hóa, thì điều gì nên trở thành điểm xuất phát cũng như là điểm quy chiếu nền tảng của chúng ta, mà nó dẫn chúng ta tới đích? Chắc chắn đó là căn tính riêng của chúng ta, tức căn tính với tư cách là người Ki-tô hữu của chúng ta. Chúng ta không thể tham gia vào một cuộc đối thoại thực thụ nếu chúng ta không ý thức về căn tính riêng của mình. Không thể có được một cuộc đối thoại đích thực nếu chúng ta không có khả năng mở tinh thần và con tim ra với khả năng tinh tế cũng như độ nhậy cảm của những người mà chúng ta nói chuyện với. Một sự cảm nhận rõ ràng về căn tính riêng và khả năng tinh tế chính là điểm xuất phát đối với bất cứ cuộc đối thoại nào. Nếu chúng ta muốn có được sự tự do, cởi mở và sự hiệu quả trong việc nói chuyện với người khác, chúng ta phải trở nên rõ ràng đối với bản thân chúng ta, chúng ta là ai, Thiên Chúa đã làm gì cho chúng ta, và Ngài đang đòi hỏi điều gì từ nơi chúng ta. Và nếu chúng ta muốn rằng, các mối tương giao của chúng ta không nên trở thành sự độc thoại, thì chúng ta phải mở tinh thần và con tim của mình ra để đón nhận những cá nhân và những nền văn hóa.

Nhiệm vụ xác định và diễn tả căn tính của chúng ta không phải là điều luôn luôn dễ dàng, vì chúng ta, với tư cách là những tội nhân, chúng ta luôn bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục đang được thể hiện dưới muôn nghìn vạn kiểu. Chúng ta có thể vạch trần ra ba loại cám dỗ đó. Một là ánh sáng ảo của chủ nghĩa tương đối đang phủ lấp ánh rạng ngời của chân lý, nó khiến những bước chân của chúng ta lảo đảo, kéo chúng ta vào trong sự lúng túng và nghi nan. Đó là một cơn cám dỗ đang tấn công ngay cả đối với các cộng đoàn Ki-tô hữu ngày nay, và làm cho con người quên đi rằng, có „nhiều điều không đổi dời“ trong một thế giới có nhiều đổi thay nhanh chóng, và đang bị mất phương hướng, mà điều không đổi dời ấy „có nền tảng cuối cùng của nó trong Chúa Ki-tô, Đấng vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời“ (GS, 10; Hr.13, 8). Ở đây, Cha không chỉ nói về chủ nghĩa tương đối như là một cách nghĩ, một kiểu nghĩ, nhưng còn nói về bất cứ chủ nghĩa tương đối nào có tính thực dụng trong cuộc sống hằng ngày, mà chúng đang phá hoại sự ý thức của chúng ta về căn tính riêng một cách hầu như không thể thấy.

Loại cám dỗ thứ hai, như thế gian đang đe dọa tính bền vững của căn tính Ki-tô giáo chúng ta, chính là tính nông nổi, là xu hướng chạy theo mốt thời thượng, để bận rộn với những chuyện nhảm nhí và những điều tiêu khiển, thay vì quan tâm tới những điều thực sự quan trọng (xc. Phil. 1, 10). Trong một nền văn hóa đang đề cao lối sống vội, sống gấp và giới thiệu rất nhiều những khả năng lẩn tránh và cách thức trốn chạy, loại cám dỗ này có thể là một vấn đề mục vụ nguy hiểm nhất. Đối với những người phục vụ Giáo hội, điều đó cũng có thể làm cho họ tìm cách thu hút sự chú ý về mình trong lúc phấn khích với những chương trình và lý thuyết mục vụ, gây hại cho một cuộc gặp gỡ trực tiếp và hiệu năng với các tín hữu của chúng ta, đặc biệt là với giới trẻ, tức những người mà họ đang cần tới một Giáo lý đáng tin cậy và sự hướng dẫn tinh thần lành mạnh. Nếu không có sự thả neo trong Chúa Ki-tô thì những chân lý mà trên nền tảng của chúng, chúng ta trình bày cuộc sống của mình, sẽ có thể dần dần bị biến mất; sự luyện tập các nhân đức sẽ bị đông cứng trong hình thức; và sự đối thoại có thể bị giảm thiểu để trở thành một dạng thức của việc đàm phán thương thảo, hay bị giản lược hóa vào một sự thống nhất trên các mối bất hòa.

Và sau đó cũng còn một loại cám dỗ thứ ba: loại cám dỗ này khiến người ta chỉ có được một thứ chắc chắn ảo mà trong đó người ta nhìn thấy sự lẩn trốn đàng sau những câu trả lời dễ dãi, những công thức, những quy định và những điều lệ chỉ có tính giáo điều. Từ bản chất, Đức Tin gây ra mối bận tâm, không phải với chính nó; Đức Tin „làm cho người ta đi ra khỏi chính mình“. Nó kiếm tìm sự cảm thông, khơi dậy việc làm chứng, sản sinh ra sứ vụ. Trong ý nghĩa này, Đức Tin tạo cơ hội cho chúng ta không những không sợ hãi mà còn khiêm tốn trong việc làm chứng của chúng ta đối với niềm hy vọng và Đức Ái. Thánh Phê-rô nói với chúng ta rằng, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (1 Phr, 3, 15). Rốt cục, căn tính của chúng ta được thể hiện qua những cố gắng âm thầm của chúng ta trong việc tôn thờ một mình Thiên Chúa, yêu thương nhau, phục vụ lẫn nhau, và không chỉ được thể hiện thông qua đời sống gương mẫu của chúng ta về điều mà chúng ta tin, nhưng cũng còn được thể hiện qua việc chúng ta đặt niềm hy vọng của chúng ta ở đâu, cũng như làm sáng tỏ về Đấng mà chúng ta tin tưởng (xc. 2 Tm 1, 12).

Tóm lại: Đức Tin sống động của chúng ta vào Chúa Ki-tô chính là điều mà căn tính riêng của chúng ta thể hiện; đó là điểm xuất phái đối với sự đối thoại của chúng ta, và đó là điều mà chúng ta được kêu gọi để chia sẻ trong sự chân thành, trung thực và không đòi hỏi, trong cuộc đối thoại hằng ngày, sự đối thoại của Đức Ái, và trong bất cứ những cơ hội có tính nghi thức nào mà chúng có thể đưa đến từ chính chúng. Vì Chúa Ki-tô chính là sự sống của chúng ta (xc. Phil 1, 21), làm cho chúng ta nói „về Ngài và từ Ngài“, trong sự sẵn sàng và không hề có sự do dự hay sợ hãi. Sự giản dị của những lời nói sẽ trở nên rõ ràng trong sự giản dị của cuộc sống, trong sự giản dị nơi việc thông tin của chúng ta, trong sự giản dị nơi thái độ phục vụ đầy tình yêu của chúng ta đối với những người anh em và những người chị em của chúng ta.

Và giờ đây Cha muốn nói về một khía cạnh tiếp theo nơi căn tính mang tính Ki-tô giáo của chúng ta. Nó đưa tới sự phong phú trong việc đơm bông kết trái. Vì nó được phát xuất từ ân sủng nơi cuộc chuyện vãn của chúng ta với Chúa Giê-su, và với những cảm quan về tinh thần của Ngài, cũng như được nuôi dưỡng thường xuyên, nên nó dẫn tới một mùa gặt bội thu về đức công chính, về những điều thiện hảo và bình an. Giờ đây anh em hãy để cho Cha tra vấn về những hoa trái mà nó mang đến trong đời sống riêng của anh em cũng như trong đời sống của các cộng đoàn đã được trao phó cho sự chăm sóc của anh em. Căn tính Ki-tô giáo nơi các Giáo hội địa phương của anh em có chiếu sáng vào trong những chương trình dành cho việc dậy Giáo Lý và mục vụ giới trẻ, trong sự phục vụ của anh em đối với những người nghèo và những người đang sống lay lắt bên lề những cộng đồng xã hội phồn thịnh của chúng ta, cũng như trong những nỗ lực của anh em nhằm đánh thức những ơn gọi để trở thành Linh Mục và Tu Sĩ không?

Sau cùng, một cuộc đối thoại đích thực, bên cạnh một cảm quan rõ ràng đối với căn tính Ki-tô giáo riêng của chúng ta, cũng đòi hỏi một khả năng đồng cảm. Chúng ta được kêu gọi không phải chỉ để lắng nghe những lời mà người khác nói, nhưng cũng còn được mời gọi lắng nghe những thông tin của những người không thể diễn tả ra hết được những kinh nghiệm, những niềm hy vọng và những nỗ lực của họ, lắng nghe những dằn vặt hay những nguyện vọng thầm kín của họ. Khả năng cảm thông này phải trở nên hoa trái từ sự hiểu biết riêng cũng như kinh nghiệm cá nhân của chúng ta. Hoa trái này dẫn đưa chúng ta tới việc nhìn xem người khác như là anh em, chị em, và „lắng nghe“ từ trong cũng như từ đàng sau những lời của họ, điều mà con tim của họ muốn chia sẻ. Trong ý nghĩa này, sự đối thoại đòi hỏi từ nơi chúng ta một tinh thần cởi mở mang chiều kích chiêm niệm thực sự, cũng như tính bén nhậy đối với những người khác. Khả năng cảm thông này tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại thực sự nhân bản, trong đó, những lời nói, những ý tưởng, những vấn nạn đều phát xuất từ một kinh nghiệm về tình huynh đệ cũng như từ một nhân vị đã từng trải trong cuộc sống chung. Nó dẫn tới một cuộc gặp gỡ thực sự, mà trong đó người ta có thể nói từ con tim với con tim. Chúng ta được phong phú hóa nhờ vào sự khôn ngoan của những người khác, và điều này mở chúng ta ra để cùng đi vào con đường dẫn tới sự hiểu biết lớn hơn, dẫn tới tình bằng hữu và tình liên đới hơn nữa. Như Đức Gio-an phao-lô II đã đã công nhận một cách đầy hữu lý, bổn phận đối thoại của chúng ta đã được đặt nền móng trong sự lo-gich của sự hóa thân: Trong Chúa Giê-su, chính Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta, đã chia sẻ cuộc sống với chúng ta, và đã nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của chúng ta (Ecclesia in Asia, 29). Trong tinh thần cởi mở này đối với những người khác, Cha hy vọng một cách nghiêm túc rằng, bất cứ quốc gia nào trong toàn châu lục của anh em mà Tòa Thánh chưa có được những mối quan hệ đầy đủ, thì cũng đừng do dự trong việc xúc tiến một cuộc đối thoại cho hạnh phúc của tất cả.

Anh em trong hàng Giám Mục thân mến, Cha xin cám ơn anh em về sự đón tiếp nồng hậu và đầy tình huynh đệ của anh em. Nếu chúng ta quan sát lục địa Á châu rộng lớn với những phần đất trải dài, với những truyền thống và những nền văn hóa cổ kính của châu lục này, chúng ta sẽ ý thức rằng, các cộng đoàn Ki-tô giáo của anh em, trong kế hoạch của Thiên Chúa, thực sự là một đàn chiên bé nhỏ, tuy nhiên nó lại được ủy thác để mang ánh sáng Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Ước gì vị Mục Tử tốt lành, Đấng biết và yêu thương từng con chiên của mình, sẽ dẫn dắt và tăng cường cho những nỗ lực của anh em trong việc kiến tạo nên sự hiệp nhất của những con chiên nơi châu lúc này với Chúa Ki-tô và với tất cả mọi thành viên khác trong đàn chiên của Ngài trên toàn thế giới. Cha xin trao phó tất cả anh em cho lời bầu cử của Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, và từ đáy tâm hồn, Cha ban phép lành của Cha cho anh em như là bảo chứng của ân sủng và sự bình an trong Thiên Chúa.

Haemi, Hàn Quốc ngày 17 tháng 08 năm 2014 

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đaminh Thiệu. O.Cist – chuyển ngữ

 


Mục Lục Tin Giáo Hội