Bài diễn văn của Đức Thánh Cha trước các Đức Giám Mục Hàn Quốc ngày 14.08.2014

Cha xin nhiệt liệt chào mừng tất cả anh em, và xin cám ơn Đức Cha Peter U-li Kang về những lời chào mừng thắm tình huynh đệ của Ngài nhân danh anh em. Được hiện diện tại đây, và lần đầu tiên được chia sẻ cuộc sống năng động của Giáo Hội tại Hàn Quốc, đó là một hồng ân đối với Cha. Với tư cách là những vị mục tử, anh em có trách nhiệm bảo vệ và trông coi đàn chiên của Chúa. Anh em đang là những người bảo vệ những công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện trong dân của Người. Bảo vệ là một sứ mạng được ủy thác một cách đặc biệt cho Giám Mục, và nói cho chính xác hơn, đó là sứ mạng chăm sóc dân Chúa. Hôm nay, với tư cách là người anh em trong hàng Giám Mục, Cha muốn cùng với anh em suy tư về hai khía cạnh trung tâm của sứ vụ chăm sóc và bảo vệ dân Chúa trong quốc gia này: Trở nên người bảo vệ những ký ức và bảo vệ niềm hy vọng.

Trở nên người bảo vệ ký ức: Thánh Lễ tôn phong Chân Phúc cho vị Tử Đạo Paul Yun Ji-Chung và các bạn của Ngài là một cơ hội cho chúng ta tạ ơn Chúa, Đấng đã làm cho mùa gặt ân sủng trong đất nước này phát sinh từ hạt giống được rắc gieo bởi các Thánh Tử Đạo. Anh em là con cái của các Thánh Tử Đạo, là di sản của chứng tá Đức Tin anh dũng mà các Ngài đã có đối với Chúa Ki-tô. Anh em cũng là di sản của một truyền thống đầy ấn tượng đã tiếp nhận sự khởi đầu của nó từ trong sự tín trung, trong sự kiên định và trong công việc của các thế hệ Giáo dân, và trải dài ra một cách mênh mông. Điều này có nghĩa là, lịch sử của Giáo hội tại Hàn Quốc đã khởi đầu từ một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Lời Chúa. Đó là vẻ đẹp và sự trong sáng vốn có của sứ điệp Ki-tô giáo – Tin Mừng và lời kêu gọi trở về, sự canh tân nội tại và một đời sống mến yêu tha nhân – Sứ điệp ấy đã bắt chuyện với Yi Byeok và những vị tiền bối đáng kính của thế hệ đầu tiên; và trên sứ điệp này, trong sự thuần khiết của nó, Giáo Hội tại Hàn Quốc đã ngắm nhìn như nhìn vào trong một tấm gương để thấy được bản chất thâm sâu của mình.

Sự phong phú của Tin Mừng trên mảnh đất Triều Tiên và di sản phong phú mà các vị tiền nhân của anh em đã tiếp tục trao đi trong Đức Tin, đang biểu lộ trong sự đơm bông kết trái của các Giáo xứ đầy năng động và những phong trào thuộc Giáo Hội, trong những chương trình nghiêm túc đối với việc dậy Giáo Lý và công ăn việc làm cho thế hệ trẻ, cũng như trong các trường học, Chủng Viện và Đại Học Công Giáo. Giáo Hội tại Hàn Quốc được đánh giá cao vì vai trò của Giáo Hội này trong đời sống tinh thần và văn hóa của đất nước, và sự thúc đẩy truyền giáo mạnh mẽ của Giáo Hội này. Từ một quốc gia đón nhận sự truyền giáo, giờ đây đất nước của anh em đã trở thành một quốc gia của những nhà truyền giáo; và Giáo Hội hoàn cầu đang thu lợi từ nhiều Linh Mục và Tu Sĩ mà anh em đã sai đi.

Trở thành người bảo vệ ký ức mang nhiều ý nghĩa hơn là việc duy trì trong ký ức những bằng chứng về những đặc ân của quá khứ; nó cũng có nghĩa là rút ra từ chúng những vốn kiến thức về tinh thần để tiếp cận với những niềm hy vọng, những mong chờ và những thách đố của tương lai, với tầm nhìn xa và sự quyết tâm. Như chính anh em đã nhận thấy, thước đo đối với đời sống và sứ vụ của Giáo Hội Hàn Quốc rốt cuộc không nằm trong những yếu tố đến từ bên ngoài, mang tính số lượng và thuộc thể chế; những yếu tố ấy phải được đánh giá trong ánh sáng rõ ràng của Tin Mừng, cũng như trong lời mà Tin Mừng mời gọi quay trở về với ngôi vị của Chúa Giê-su Ki-tô. Trở thành người bảo vệ ký ức có nghĩa là thừa nhận rằng, sự phát triển, thực ra đến từ Thiên Chúa (xc 1Cr. 3, 6), nhưng đồng thời cũng là hoa trái của những công việc âm thầm và bền bỉ trong quá khứ cũng như hiện tại. Sự tưởng nhớ của chúng ta tới các Thánh Tử Đạo và những thế hệ trước đây của các Ki-tô hữu phải là một điều thực tế chứ không phài là một điều có tính lý tưởng hóa hay „có tính đắc thắng“. Nhìn vào quá khứ  mà không lắng nghe lời mời gọi quay trở về trong hiện tại của Thiên Chúa, sẽ không lám chúng ta tiến bộ; thay vào đó, nó sẽ chỉ ngăn chúng ta lại, thậm chí còn chặn đứng bước tiến tâm linh của chúng ta.

Anh em thân mến, ngoài việc trở thành người bảo vệ ký ức, anh em cũng còn được kêu gọi để trở thành người bảo vệ niềm hy vọng: Niềm hy vọng phát xuất từ Tin Mừng về ân sủng và lòng khoan hậu của Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô; Niềm hy vọng đã đem sinh khí đến cho các Thánh Tử Đạo. Công bố niềm hy vọng này cho một thế giới đang kiếm tìm từ chính sự phồn thịnh vật chất của nó một cái gì đó nhiều hơn, một cái gì đó to lớn hơn, và một cái gì đó thực sự và tròn đầy: đó là thách đố của chúng ta. Anh em và những người anh em của anh em trong sứ vụ Linh Mục hãy giới thiệu niềm hy vọng này thông qua sự phụ vụ ơn cứu độ của anh em, mà sự phục vụ ấy không chỉ dẫn các tín hữu đến với nguồn mạch của ân sủng trong Phụng Vụ và các Bí Tích, nhưng cũng còn thường xuyên thôi thúc và xô đẩy họ tiến về phía trước, như là câu trả lời trước tiếng gọi từ trời mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta (xc. Phil. 3, 4). Anh em hãy bảo vệ niềm hy vọng này bằng cách đón nhận vào trong cuộc sống của anh em ngọn lửa bừng cháy của sự thánh thiện, của tình yêu huynh đệ và của sự hăng say truyền giáo trong cộng đoàn Giáo Hội. Từ lý do đó, Cha xin anh em hãy luôn gần gũi với các Linh Mục của anh em, hãy khích lệ họ trong những cố gắng hằng ngày của họ, trong sự cố gắng nên thánh của họ và trong việc họ công bố Tin Mừng cứu độ. Cha xin anh em, hãy chuyển đến cho họ lời chào nồng nhiệt của Cha, cũng như sự biết ơn của Cha đối với sự phục vụ dân Chúa đầy nhiệt tình của họ.

Nếu chúng ta chấp nhận những thách đố để trở nên một Giáo Hội truyền giáo, một Giáo hội thường xuyên đi ra khỏi chính mình để đi vào thế giới, và đặc biệt là đi tới những vùng ngoại vi của cộng đồng ngày nay, chúng ta phải thúc đẩy bất cứ „sự hài lòng tinh thần“ nào mà nó thường xuyên làm cho chúng ta ôm ghì lấy từng thành viên của thân thể Chúa Ki-tô, và đồng nhất chúng ta với Chúa Ki-tô (xc. Evangelii gaudium, 268). Điều ấy có nghĩa là đối xử với các em nhỏ và những vị cao niên trong các cộng đoàn của chúng ta với một sự yêu thương, quan tâm, và chăm sóc đặc biệt. Chúng ta có thể trở thành người bảo vệ niềm hy vọng thế nào nếu chúng ta giả điếc làm ngơ trước ký ức, trước sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người lớn tuổi, và trước những nỗi khát khao của giới trẻ trong thời đại chúng ta? Trong mối liên hệ này, Cha muốn xin anh em hãy quan tâm đến việc giáo dục các em nhỏ với một cách thức đặc biệt, bằng cách hỗ trợ những nhiệm vụ thực sự cần thiết, không chỉ của các đại học, mà cũng còn cả của các trường Công giáo ở mọi cấp, được bắt đầu từ các trường tiểu học, nơi mà tinh thần và con tim của các em nhỏ được nhào nặn trong Tình Yêu của Thiên Chúa và Giáo Hội của Người, trong Chân Thiện Mỹ, và là nơi mà các em học hỏi để trở thành những Ki-tô hữu tốt và những công dân chính trực.

Trở thành người bảo vệ niềm hy vọng cũng đòi hỏi phải quan tâm tới điều rằng, chứng tá Ngôn Sứ của Giáo Hội tại Hàn Quốc phải luôn luôn trong tình trạng rõ ràng có thể thấy được, trong mối quan tâm của Giáo Hội này đối với những người nghèo và trong các chương trình trợ giúp của Giáo Hội, đặc biệt đối với những người tị nạn, những di dân cũng như đối với những người đang sống bên lề xã hội. Yêu sách này không nên chỉ được thể hiện trong những chương trình Caritas cụ thể, dù rằng những chương trình đó rất cần thiết, mà cũng còn trong sự tham gia liên tục trong việc xúc tiến trên bình diện thuộc về xã hội và nghề nghiệp, cũng như trong nền giáo dục. Có thể chúng ta đang có nguy cơ hạn chế công việc của chúng ta đối với những những người cùng khốn, chỉ riêng trên bình diện thể chế, và qua đó cố tình không để ý tới việc thể hiện cá tính, năng lực sáng tạo và văn hóa riêng trên những nhu cầu riêng lẻ của mỗi cá nhân, nhằm phát triển với tư cách là một con người và trên những cách thế xứng hợp. Sự liên đới với những người nghèo phải được nhìn như là thành tố căn bản của đời sống Ki-tô giáo; nhờ vào việc giảng thuyết và việc dậy Giáo Lý trên nền tảng các di sản phong phú của học thuyết Giáo Hội về xã hội, tình liên đới phải thấm vào con tim và lý trí của các tín hữu, và phải phản chiếu trong tất cả mọi khía cạnh nơi đời sống Giáo Hội. Ý tưởng tông đồ của một „Giáo Hội vì người nghèo và cho người nghèo“ được thể hiện một cách rõ ràng trong các cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi tại đất nước anh em. Cha ước mong rằng, ý tưởng này sẽ vẫn có thể tiếp tục thể hiện trên con đường lữ hành của Giáo Hội tại Hàn Quốc trong cái nhìn của anh em về tương lai. Cha tin tưởng rằng: Nếu gương mặt của Giáo Hội, trước hết và trên hết là một gương mặt của Đức Ái, thì giới trẻ sẽ càng ngày càng được lôi cuốn tới với con tim bừng cháy của Chúa Giê-su trong cộng đoàn là thân thể mầu nhiệm của Ngài, bởi Tình Yêu Thiên Chúa.

Anh em thân mến, một chứng tá mang tính Ngôn Sứ đối với Tin Mừng có ý nghĩa như là một thách đố đặc biệt đối với Giáo Hội tại Hàn Quốc, vì Giáo Hội này thi hành đời sống và sứ vụ của mình giữa một cộng đồng giầu có, và vì thế ngày càng bị tục hóa và thiên về vật chất. Trong những hoàn cảnh như vậy, sẽ là một cơn cám dỗ đối với những người hoạt động trong công tác mục vụ nhằm khoác lên vai không chỉ những mô hình thực thụ của việc quản trị, của việc lên kế hoạch và tổ chức từ thế giới kinh doanh, nhưng cũng còn bị đưa tới một lối sống và một tâm tính, những tiêu chuẩn thành công nghiêng nhiều về khía cạnh thế tục – và thực tế là quyền lực – hơn là theo những tiêu chuẩn mà Chúa Giê-su đã đề xuất trong Tin Mừng. Thật khốn cho chúng ta nếu như thập giá được mang đến bởi sức mạnh của chính nó nhằm kết án sự khôn ngoan của thế gian (xc. 1Cr. 1, 17)! Cha khẩn khoản nài xin anh em và những người anh em của anh em trong sứ vụ Linh Mục, hãy chống cự lại cơn cám dỗ ấy nơi tất cả mọi dạng thức của nó. Ước gì chúng ta được bảo vệ trước bất cứ loại thế tục hóa nào về tinh thần cũng như về mục vụ, mà nó trấn áp Thần Khí, thay thế việc trở lại thông qua thói tự mãn, và vì thế xua tan đi bất cứ sự hăng say truyền giáo nào (xc. Evangelii gaudium, 93-97)!

Anh em trong hàng Giám Mục thân mến, với những suy tư vừa rồi về vai trò của anh em như là người bảo vệ ký ức và niềm hy vọng, Cha muốn khích lệ anh em về những nỗ lực mà anh em đang có nhằm xây dựng các tín hữu tại Hàn Quốc trong sự hiệp nhất, thánh thiện và hăng say. Ký ức và niềm hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta và dẫn chúng ta đi vào tương lai. Cha sẽ nhớ tới tất cả anh em trong lời cầu nguyện của Cha, và Cha tha thiết xin anh em, hãy tín thác vào sức mạnh của ân sủng Chúa: „Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần“ (2Tx 3, 3). Ước gì lời cầu bầu của Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội, làm cho những hạt giống được rắc gieo bởi các Thánh Tử Đạo, được vun tưới bởi các thế hệ tín hữu Công Giáo trong đất nước này, và được trao phó cho anh em như là một bảo chứng đối với tương lai của đất nước anh em và của thế giới chúng ta, được trổ sinh hoa trái dồi dào. Từ tận đáy con tim, Cha ban phép lành Tông Tòa cho anh em và cho tất cả những ai được ủy thác cho sự chăm sóc và bảo vệ của anh em.

Trụ sở Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc ngày 14 tháng 08 năm 2014 

ĐTC Phan-xi-cô

 


Mục Lục Tin Giáo Hội