Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ

cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải tại Đại Thánh Đường Myeong-dong, Seoul, Hàn Quốc ngày 18.08.2014

 

Anh chị em thân mến,

 

Giờ đây, sự lưu lại của Cha trên đất Hàn Quốc đang đi đến hồi kết của nó, Cha tạ ơn Thiên Chúa về muôn phúc lộc giầu sang mà Ngài đã ban tặng cho đất nước đáng yêu này – và trong một cách thế đặc biệt, cho Giáo Hội tại Hàn Quốc. Trong số những phúc lộc này, Cha sẽ giữ lại trong ký ức một cách đặc biệt về biến cố mà nó có một tầm quan trọng đối với tất cả chúng ta trong những ngày vừa qua, đó là sự hiện diện của rất nhiều người lữ hành trẻ đến từ khắp Á Châu. Tình yêu của anh chị em đối với Chúa Giê-su và sự nhiệt tình của anh chị em đối với việc loan báo triều đại của Ngài, đã đem đến sự khích lệ cho tất cả chúng tôi.

 

Giờ đây chuyến viếng thăm của Cha đang đạt tới cực điểm trong Thánh Lễ này. Với việc cử hành Thánh Lễ này, chúng ta nài xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình và hòa giải. Việc cầu nguyện này có được một một sự hưởng ứng đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên. Chủ đích của Thánh Lễ hôm nay là cầu xin ơn hòa giải trong nội bộ gia đình Triều Tiên. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết về việc cầu nguyện của chúng ta có sức mạnh như thế nào, nếu như hai hoặc ba người trong chúng ta cùng cầu xin một điều gì đó (Mt 18, 19-20). Và sức mạnh ấy sẽ còn nhiều hơn gấp bội khi cả một dân tộc cùng dâng lên trời lời cầu xin chân thành của mình!

 

Bài đọc thứ nhất giới thiệu cho chúng ta lời hứa của Thiên Chúa về việc Ngài sẽ dẫn đưa một dân tộc đang bị tan rã bởi tai họa và những mối bất hòa, đi tới sự hiệp nhất và thịnh vượng. Đối với chúng ta cũng như đối với dân tộc Israel, đó là một lời hứa đầy hy vọng: Lời hứa ấy chỉ về tương lai mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta ngay từ bây giờ. Nhưng lời hứa này được gắn kết một cách không thể tách rời với một giới luật: Giới luật quay trở về với Thiên Chúa và thi hành các giới răn của Ngài với tất cả tấm lòng (xc Đnl 30, 2-3). Ơn giao hòa, ơn hiệp nhất và ơn hòa bình của Thiên Chúa được nối kết một cách bền vững với ơn trở lại, với một sự thay đổi tấm lòng mà nó có thể làm thay đổi quá trình của cuộc đời chúng ta cũng như của lịch sử chúng ta, với tư cách là một cá nhân và với tư cách là một dân tộc.

 

Trong Thánh Lễ này chúng ta cũng nghe thấy lời hứa ấy, tất nhiên trong mối liên hệ về kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Triều Tiên, một kinh nghiệm về sự chia tách và xung đột mà nó đã kéo dài tới hơn sáu chục năm qua. Nhưng lời mời gọi khẩn khoản của Thiên Chúa trong việc mời chúng ta quay về,cũng thôi thúc những môn sinh của Chúa Ki-tô tại Hàn Quốc, đòi họ phải thẩm tra lại phẩm chất của sự đóng góp riêng mà họ dành cho công cuộc kiến tạo nên một cộng đồng thực sự công lý và nhân bản. Ngài mời gọi mỗi người trong anh chị em hãy suy nghĩ về mức độ mà anh chị em – với tư cách là những cá nhân và với tư cách là những cộng đoàn - đang thể hiện một mối bận tâm được định hướng bởi Tin Mừng, cho những người bị đối xử bất công, những người bị đẩy ra bên lề, những người không có công ăn việc làm và những người không được tham dự vào sự thịnh vượng giầu có của nhiều người. Và Ngài cũng mời gọi anh chị em, với tư cách là những Ki-tô hữu và những người Triều Tiên, hãy cương quyết trút bỏ một thứ tâm thức mà nó được cấu tạo nên bởi sự nghi kỵ, bởi sự đương đầu và bởi lối suy nghĩ ganh đua, và thay vào đó là sự phát triển một nền văn hóa được khắc ghi bởi giáo huấn của Tin Mừng và bởi những giá trị cao quý nhất của truyền thống dân tộc Triều Tiên.

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Phê-rô đã hỏi Chúa: „Con phải thường xuyên tha thứ cho người anh em của con như thế nào nếu người anh em đó xúc phạm tới con? Phải chăng là bảy lần?“ Chúa Giê-su đã trả lời cho câu hỏi của ông: „Không phải là bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy“ (Mt 18, 21-22). Những lời này liên quan đến tính cốt lõi thực sự của sứ điệp mà Chúa Giê-su mang đến đối với hòa giải và hòa bình. Vâng theo mệnh lệnh của Ngài, hằng ngày chúng ta vẫn cầu xin với Cha trên trời của chúng ta để Ngài tha tội cho chúng ta, „như chúng ta cũng tha cho những người mắc lỗi chúng ta“. Nếu chúng ta không sẵn sàng thực hiện điều đó, thì rồi chúng ta sẽ có thể cầu nguyện một cách trung thực thế nào đây cho hòa bình và hòa giải?

 

Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin rằng, sự tha thứ chính là cánh cửa dẫn tới ơn giao hòa. Trong khi Ngài ra lệnh cho chúng ta phải tha thứ một cách vô hạn định cho những người cùng sống với chúng ta, thì có nghĩa là Ngài đã mời gọi chúng ta thực hiện một điều gì đó hoàn toàn triệt để, tuy nhiên Ngài cũng ban ơn để chúng ta có thể hoàn thành được việc đó. Điều gì xem ra không thể, không khả thi và thậm chí đôi khi còn kinh khủng xét theo cái nhìn của con người, thì Ngài vẫn có thể thực hiện và làm cho chúng được đơm bông kết trái nhờ vào sức mạnh vô bờ của Thập Giá Ngài. Thánh Giá của Chúa Ki-tô mạc khải về sức mạnh của Thiên Chúa, vượt qua bất cứ sự chia rẽ nào, chữa lành bất cứ vết thương nào và tái khôi phục mối hiệp thông nguyên thủy của tình bác ái huynh đệ.

 

Như vậy, đó là sứ điệp mà Cha muốn để lại cho anh chị em nhân dịp kết thúc chuyến viếng thăm của Cha tại Hàn Quốc. Anh chị em hãy tin tưởng vào sức mạnh của Thập Giá Chúa Ki-tô! Anh Chị em hãy đón nhận ơn giao hòa của Ngài trong con tim riêng của anh chị em, và hãy chia sẻ ân sủng đó với những người khác! Cha xin anh chị em hãy thực hiện việc làm chứng một cách đáng thuyết phục đối với sứ điệp của Chúa Ki-tô về sự tha thứ, ở ngay trong gia đình, trong các cộng đoàn của anh chị em, và trong tất cả mọi bình diện của đời sống sinh hoạt quốc gia. Cha tin tưởng rằng, anh chị em sẽ trở nên một khối men của triều đại Thiên Chúa  trong đất nước này, trong tinh thần của tình bạn, của việc cùng cộng tác với các Ki-tô hữu khác, với những tín đồ của các tôn giáo khác, và với tất cả những ai có thiện chí mà họ đang đặt tương lai của cộng đồng Hàn Quốc trong con tim mình. Bằng cách ấy, những lời cầu nguyện của chúng ta cho hòa bình và hòa giải, từ con tim càng ngày càng thuần khiết, sẽ bay lên tới tòa Chúa, và nhờ vào quà tặng ân sủng của Ngài dành cho mỗi người, sẽ đạt tới được điều thiện hảo quý báu mà tất cả chúng ta hằng khát khao.

 

Vì thế chúng ta hãy cầu ngyện, và hãy xin cho được những cơ hội mới để đối thoại, để gặp gỡ và để giải quyết những mâu thuẫn, cũng như xin cho được lòng rộng lượng không hề dứt trong việc luôn sẵn sàng trợ giúp nhân đạo đối với những người cùng khốn, và xin cho được ơn càng ngày càng nhận thức sâu hơn rằng, tất cả mọi người Triều Tiên đều là anh em và chị em của nhau, cùng là một thành viên trong một gia đình, một dân tộc, cùng nói một ngôn ngữ.

 

Trước khi Cha rời Hàn Quốc, Cha muốn thể hiện lòng biết ơn của Cha đối với các cơ quan dân sự và Giáo hội, và với tất cả những người đã đóng góp, bằng bất cứ cách nào, cho sự hoàn tất của chuyến viếng thăm này. Hoàn toàn đặc biệt, Cha muốn thể hiện lòng kính trọng riêng của Cha với các Linh Mục Hàn Quốc, họ đã lao công hằng ngày trong sự phục vụ đối với Tin Mừng và đối với sự dựng xây dân Thiên Chúa trong Đức Tin, Niềm Hy Vọng và Đức Ái. Cha xin anh em, với tư cách là những người được sai đi của Chúa Ki-tô, và với tư cách là những tôi tớ thuộc về Tình Yêu hòa giải của Ngài (xc. 2Cr 5, 18-20), hãy tiếp tục kiến tạo nên những cây cầu của lòng kính trọng, của sự tin tưởng và của việc cộng tác hài hòa trong các xứ đạo của anh em, với nhau và với các Đức Giám Mục của anh em. Gương sáng của anh em trong Tình Yêu vô hạn đối với Thiên Chúa, sự trung tín và tận hiến của anh em cho việc phục vụ và cho sự quan tâm đầy tình yêu đối với những người cùng khốn, chính là một đóng góp quan trọng đối với công cuộc hòa gải và hòa bình trong đất nước này.

 

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta trở về với Ngài và lắng nghe tiếng Ngài. Ngài trao cho chúng ta lời hứa sẽ làm cho đất nước chúng ta được hòa bình và phồn thịnh hơn nữa, hơn cả những gì các vị tiền nhân của chúng ta đã trải qua. Ước gì tất cả những ai đang đi theo Chúa Ki-tô tại Hàn Quốc, hãy chuẩn bị sẵn sự bắt đầu cho một ngày mới, mà trong ngày ấy „đất nước của phong cách ban mai“ này sẽ có niềm vui của mình về ơn hòa giải và hòa bình một cách dồi dào do Thiên Chúa gủi đến! Amen.

 

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyền ngữ

 


Mục Lục Tin Giáo Hội