Chân Phước Oscar Romero – Một chiến thắng cho Giáo hoàng Phanxicô

(phanxico.vn) 23/05/2015

Paul Vallelymay – 22/5/15

Tổng Giám mục bị ám sát, Oscar Arnulfo Romero, đang ở mốc cuối cùng trên con đường hiển thánh, khi được phong chân phước ngày thứ bảy, hôm nay. Dịp này đã đem lại không khí lễ hội tưng bừng cho El Salvador, quê hương của ngài. Nhưng sự kiện này còn đem lại một niềm hân hoan rộng hơn nữa, bởi đây thể hiện chiến thắng trên những dã tâm trong giáo hội, và thể hiện rõ ràng hơn nữa căn chất của cuộc cách mạng mà Giáo hội đang thực hiện ở Roma.

Tổng Giám mục Romero đã bị bắn chết ngay trên bàn thờ lúc ngài đang cử hành thánh lễ tại San Salvador hồi năm 1980. Vụ ám sát này được thực hiện bởi đội sát thủ của một liên minh ma quỷ giữa các địa chủ, quân đội, và nhiều phái ngay trong Giáo hội Công giáo, trong thời điểm đất nước này đang chuẩn bị rơi vào cuộc nội chiến. Và tổng giám mục Romero đã chịu kết cục bi thương này, chỉ bởi ngài đã yêu cầu binh lính đừng giết thường dân vô tội nữa. Nhóm lãnh đạo cực hữu xem ngài là một người biện hộ cho cách mạng Marx, một lời cáo buộc đã gây chao đảo cho nhiều người ở Vatican trong suốt 3 thập kỷ, và giờ đã bị giáo hoàng Phanxicô đặt dấu chấm hết.

Bận tâm chính của các chỉ trích này là việc phong thánh cho Romero sẽ là một sự tán thành đầy hiệu lực cho thần học giải phóng, mà họ sợ là sẽ làm tiền đề cho chủ nghĩa cộng sản lây lan ở châu Mỹ La tinh. Đây là một sự xuyên tạc có chủ đích đối với phong trào thần học giải phóng, vốn khẳng định rằng Tin mừng mang ‘chọn lựa ưu tiên cho người nghèo’ và nhất quyết rằng giáo hội có trách nhiệm hành động vì tự do kinh tế xã hội cũng như lợi ích thiêng liêng của những người bị chà đạp. Sự diễn giải sai lầm này đạt cực đểm khi vu khống nặng nề tổng giám mục Romero, cả khi ngài còn sống và nhiều năm sau khi qua đời.

Tập đoàn chính trị ở El Salvador đã hi vọng rằng, khi đức cha Romero nhận tòa tổng giám mục San Salvador, ngài sẽ là một giám chức phục tùng. Ngài có nền tảng bảo thủ, và linh đạo của Opus Dei, một hội các linh mục và giáo dân theo truyền thống sâu sắc. Nhưng ngài đã bị tổn thương trước bạo lực đang diễn ra đối với những người nghèo và những ai lên tiếng cho họ.

Trong những tuần mới nhậm tòa, một trong các linh mục của ngài, và là bạn thân nữa, cha Rutilio Grande, đã bị sát hại vì đã ủng hộ chiến dịch của các nông dân đòi cải cách ruộng đất và tiền công xứng đáng hơn. Và tiếp theo, có thêm nhiều linh mục nữa bị sát hại, mà trong năm 1979, họ chỉ là con số nhỏ trong 3000 người bị sát hại mỗi tháng. Khi một nhà báo hỏi xem ngài làm gì với cương vị tổng giám mục, ngài trả lời: ‘Tôi đi nhặt xác.’

Khi tình hình bạo lực tồi tệ hơn, tổng giám mục Romero đã lên tiếng trong bài giảng được truyền hình toàn quốc, lên án sự áp bức, và nói với hết mọi người rằng có Chúa ở cùng họ.

 Dù tổng giám mục Romero không theo thần học giải phóng, nhưng tổng giám mục Vincenzo Paglia, người biện hộ hàng đầu cho quá trình phong thánh của ngài, đã xem ngài là ‘vị tử đạo của giáo hội theo Công đồng Vatican II’ bởi quyết định của ngài muốn ‘sống với người nghèo và bảo vệ họ khỏi áp bức’ chính là theo đúng trực tiếp văn kiện của Công đồng.

Và ngài cũng không theo chủ nghĩa Marx. Trong bài giảng năm 1978, ngài đã nói rằng: ‘Một giáo hội theo chủ nghĩa Marx không chỉ là tự diệt, mà còn là vô tri’ bởi ‘chủ nghĩa duy vật Marx hủy hoại ý nghĩa siêu việt của giáo hội.’

Nhưng, trong thế giới này, bất kỳ ai lên tiếng vì công bằng, đều bị dán nhãn là cộng sản

Giới lãnh đạo giáo hội, quân đội, và xã hội ở El Salvador rất không hài lòng với vị tổng giám mục này. 14 gia tộc kiểm soát nền kinh tế và góp nhiều dâng cúng cho giáo hội đã không ngừng gởi phàn nàn đến Roma. Họ cáo buộc tổng giám mục Romero về việc can thiệp chính trị, khuyến khích chủ nghĩa khủng bố, và bỏ mặc sứ mạng của giáo hội là cứu rỗi linh hồn. 4 giám mục, lo lắng khi tổng giám mục Romero đặt vấn đề về mối quan hệ của họ với tập đoàn chính trị, đã bắt đầu nói những lời độc địa chống đối ngài.

Nhưng nhật ký của tổng giám mục Romero cho thấy tất cả những cáo buộc của họ đều là dối trá. Và hồ sơ mà Romero trình cho giáo hoàng Phaolô VI trong buổi tiếp kiến riêng đã khiến giáo hoàng mở lời nâng đỡ rằng: ‘Hãy can đảm! Vững lòng. Con là người chịu trách nhiệm ở đây.’

Nhưng tổng giám mục Romero lại nhận được một thông điệp rất khác với lời của Đức Phaolô VI, khi gặp hồng y Sebastiano Baggio, trưởng Thánh bộ Giám mục. Hồng y nói rằng mình đã nghe rất nhiều phàn nàn chưa từng có về tổng giám mục Romero. Các cáo buộc này bao gồm những luận điệu điên cuồng và xuyên tạc nguy hiểm, nhưng điều khiến Romero đau buồn là việc hồng y Baggio rõ ràng tin vào những cáo buộc trên. Một lần nữa, ngài đến tìm giáo hoàng, và Đức Phaolô VI một lần nữa khuyến khích ngài ‘tiếp tục với lòng can đảm.’

Nhưng giáo hoàng kế vị, Gioan Phaolô II, không biết nhiều về vùng Trung Mỹ, và hoàn toàn dựa trên lời khuyên của các viên chức giáo triều vốn thù địch với tổng giám mục Romero. Hồng y Baggio gởi một thanh tra Tòa Thánh đến El Salvador, và vị này đã đề xuất tước hết mọi quyền hạn trách nhiệm của Romero. Tổng Giám mục Romero thỉnh cầu Đức Gioan Phaolô, và giáo hoàng đã bảo những người chỉ trích hãy có thái độ ôn hòa với vị giám mục El Salvador đang bị vây khốn này.

Sau khi ngài bị ám sát,  suốt 30 năm qua, những kẻ thù của ngài đã thủ đoạn nhằm ngăn chặn việc ngài được phong thánh. Một loạt chiến thuật ngăn chặn được triển khai, dẫn đầu bởi người được giao trách nhiệm bảo vệ án phong thánh cho ngài, là hồng y Alfonso López Trujillo, người Colombia, chống đối sâu sắc thần học giải phóng. Nhiều năm trôi qua, các viên chức Vatican nghiên cứu các bài viết của tổng giám mục Romero để tìm các lỗi về giáo lý. Nhưng khi không thấy có bất kỳ sai phạm nào, các chỉ trích lại chuyển sang lập luận rằng, ngài đã không bị giết vì đức tin, nhưng vì các ‘tuyên bố chính trị’ mang tính bè phái của ngài.

(hinh2)

 Thánh Gioan Phaolô cầu nguyện trước mộ tổng giám mục Oscar Romero trong chuyến công du El Salvador 1983

Những người ủng hộ tổng giám mục Romero đã lên án các giáo hoàng bảo thủ là chống thần học giải phóng, nhưng điều này thật không công bằng. Năm 1997, Đức Gioan Phaolô II đã phong tổng giám mục Romero tước hiệu Tôi tá Chúa, và vào năm 2003, giáo hoàng đã nói với một nhóm giám mục El Salvador rằng Romero là một bậc tử đạo. Năm 2007, Đức Bênêđictô XVI gọi ngài là ‘con người với nhân đức Kitô cao quý.’ Đồng thời, còn thêm rằng: ‘Romero là một người xứng đáng phong chân phước, tôi chắc chắn như vậy.’ (Và câu cuối này, đã bị cắt khỏi bài phỏng vấn trên trang mạng của Vatican, một cách khó hiểu.) Chỉ một tháng trước khi thoái vị, giáo hoàng Bênêđictô đã ra lệnh không được khép hẳn án phong thánh cho tổng giám mục Romero.

Và đến thời của Giáo hoàng Phanxicô, người nhanh chóng tái bắc cầu giữa Vatican và thần học giải phóng, thì việc phong thánh cho tổng giám mục Romero được thực hiện. Đức Phanxicô đã nói với báo giới rằng, ‘Án phong thánh cho Tổng Giám mục Romero đã bị đóng băng trong Thánh bộ Giáo lý Đức tin vì cần ‘cẩn trọng.’ Nhưng với tôi, Romero là con người của Chúa.’

Theo bước Đức Phanxicô, các thần học gia tuyên bố rằng tổng giám mục Romero không bị giết vì các nguyên do chính trị, nhưng thực sự đã chết vì odium fidei – bị thù ghét vì đức tin. Đức Phanxicô đã chính thức tuyên bố ngài là một bậc tử đạo, và mở ra lộ trình tôn phong hiển thánh.

Với Đức Phanxicô, đây là hành động dứt khoát rõ ràng. Ngay ngày thứ hai trên cương vị giáo hoàng, ngài đã nói rằng muốn có một ‘giáo hội nghèo vì người nghèo.’ Và ngài đã viết trong tông thư Niềm vui của Tin mừng rằng: ‘Chúng ta phải tuyên bố, không chút e dè rằng, có một mối liên kết không thể tách rời giữa đức tin của chúng ta và người nghèo.’

Do đó, việc phong chân phước cho tổng giám mục Oscar Romero là một điều đáng vui mừng gấp bội. Bởi đây là việc tôn vinh một con người thể hiện đức tin của mình bằng lòng yêu mến công bằng và tập trung cho người nghèo. Nhưng điều này còn cho thấy với Giáo hoàng Phanxicô, một vài thế lực đen ẩn núp bên trong Vatican trong các thập niên vừa qua, giờ đã bị chế ngự.

 

Paul Vallely là giáo sư về đạo đức chung tại Đại học Chester và là tác giả của quyển tiểu sử sắp ra mắt: ‘Giáo hoàng Phanxicô: Cuộc đấu tranh vì Linh hồn của Công giáo.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

 




                                   
Về Trang Mục Lục