Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa

 

Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa xuất hiện trong một loạt những thay đổi về lòng tôn sùng Thánh Thể. Nguyên thủy, Đại Lễ này được bao gồm trong việc đồng cử hành Thánh Lễ và việc rước Mình và Máu Thánh Chúa. Về sau, nhiều dân tộc ngoài Âu Châu đã gia nhập Giáo hội Công giáo, và những dân tộc này đã không hiểu được Phụng Vụ khi Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng La-tinh. Và vì thế, một khoảng cách giữa biến cố Phụng Vụ và các tín hữu ngày càng gia tăng. Do đó, một kỷ luật thống hối ngày càng nghiêm khắc đã xuất hiện. Kỷ luật này tạo điều kiện cho các tín hữu ý thức mình là những tội nhân, không xứng đáng gặp gỡ Thiên Chúa trong hình bánh Thánh Thể của Ngài.

Sự chiêm ngắm đầy cung kính đối với sự kiện đang diễn ra nơi bàn thờ càng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Kể từ đó, Bánh Lễ đã được làm theo hình tròn dẹp, và có màu trắng. Sau khi Truyền Phép, Mình Thánh dưới hình bánh tròn dẹp màu trắng vừa nói sẽ được giơ lên cao để những người đang tham dự Thánh Lễ có thể nhìn thấy ngay cả khi họ đang ở tận cuối nhà thờ. Vì một cuộc thị kiến của Nữ Đan Sĩ Juliane thành Lüttich vào năm 1209, nên Đức Giám Mục nơi bà cư ngụ đã thiết lập một Đại Lễ riêng để tôn kính Chúa Ki-tô đang hiện diện trong Bánh Thánh Thể. Sau đó, Đại Lễ này đã được Đức Thánh Cha Urban IV khuếch trương trên toàn Giáo hội. Ngày nay, tại các Giáo xứ có tính truyền thống, người ta thường tổ chức Cung Nghinh Thánh Thể trong ngày Đại Lễ này. Việc Cung Nghinh như thế được hiểu như là một sự tuyên xưng Đức Tin cách công khai vào sự hiện diện đích thực và sống động của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể.

Tại Tòa Thánh Vatican, Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa là một ngày Lễ Nghỉ. Nhưng tại những nơi khác của nước Ý, thì ngày này cũng chỉ là một ngày Đại Lễ bình thường, không phải là ngày Lễ Nghỉ. Theo truyền thống, đích Thân Đức Thánh Cha sẽ cử hành Đại Lễ Kính Mính và Máu Thánh Chúa tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Laterano, tức nhà thờ Chính Tòa của Đức Giáo Hoàng. Sau Thánh Lễ này, cũng chính Ngài sẽ đích thân chủ sự cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Vương Cung Thánh Đường nêu trên tới Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả của Rô-ma.

 

(theo te deum maria laach / rv 26.05.2016 sk)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2016