Đức Thánh Cha nói về đời sống chiêm niệm: “Giáo hội cần chị em!

Việc hồi sinh đời sống chiêm niệm, thúc đẩy một sự đào tạo thích hợp đối với các Nữ Tu và những câu hỏi liên quan tới quyền tự trị của các Đan Viện: Đó là một số điểm mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã trình bày trong Tông Hiến “Vultum Dei Quaerere – Tìm Kiếm Dung Nhan Thiên Chúa”. Vào hôm thứ Sáu vừa qua, Tòa Thánh Vatican đã giới thiệu Tông Hiến này. Nội dung chủ yếu của Tông Hiến bàn về đời sống của các Nữ Tu Chiêm Niệm trong Giáo hội. Các Tông Hiến chính là những bản văn mà với chúng, theo thông lệ, các hoàn cảnh thực tế liên quan tới Giáo Luật được tái xác định.

Như là lý do để công bố Tông Hiến này, Đức Thánh Cha đã cho biết niềm ước mong của Ngài là muốn áp dụng giáo huấn của Công Đồng Vatican II với những thay đổi để phù hợp với những hoàn cảnh xã hội và văn hóa của xã hội ngày nay, và Ngài nêu ra một số vấn đề cụ thể, chẳng hạn như việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Ngài muốn bước vào trong sự đối thoại với sự thay đổi, nhưng sự thay đổi “nên bảo vệ các giá trị căn bản mà đời Sống Chiêm Niệm đặt nền móng trên đó.

Đánh giá cao Đời Sống Chiêm Niệm:

Tông Hiến bắt đầu với một sự đánh giá cao và cặn kẽ về đời sống của các Dòng Nữ Chiêm Niệm. “Chị em Nữ Tu thân mến, nếu không có chị em thì Giáo hội và những người đang sống tại những vùng ngoại ô của xã hội con người cũng như đang làm việc tại những tiền đồn của công cuộc loan báo Tin Mừng, sẽ trở nên thế nào?” – Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. Đời sống của các Nữ Tu Chiêm Niệm luôn luôn là “con tim cầu nguyện” trong và cho Giáo hội. “Giáo hội cần tới chị em!” – Đức Thánh Cha viết.

Các Tu Sĩ, đặc biệt là những Dòng Tu Chiêm Niệm, chính là một dấu chỉ có tính Ngôn Sứ cho tất cả mọi Ki-tô hữu – Đức Thánh Cha đã viết như thế trong những lời dẫn nhập để bắt đầu văn kiện. Trong cách sống này, ơn gọi mà bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều đã lãnh nhận thông qua Bí Tích Thanh Tẩy, sẽ được sống với một cách thức hoàn toàn đặc biệt. Ơn gọi này chính là cuộc kiếm tìm Dung Nhan Thiên Chúa trong thế giới, ngay cả khi không luôn luôn hoàn hảo, và như là tiêu chuẩn cho đời sống Dòng Chiêm Niệm đích thực: Với tư cách là những người tìm kiếm, các Ki-tô hữu Dòng Tu sẽ sống một cách đáng tin cậy.

Sự thinh lặng, quyền tự trị và nội vi:

Trong phần thứ hai của Tông Hiến, Đức Thánh Cha đã trình bày 12 điểm riêng biệt. Đối với Ngài, đó là sự đào tạo, cầu nguyện, vai trò của Lời Chúa, Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Cáo Giải, đời sống chung, quyền tự trị, nội vi, lao động, thinh lặng, phương tiện truyền thông và khổ chế. Bất cứ điểm nào trong 12 điểm này cũng đều nhận được một sự chú giải thiêng liêng trước khi Đức Thánh Cha trình bày trong phần ba của văn kiện về những thay đổi cụ thể và thích hợp đối với 12 điểm vừa nêu.

Điều 3 của văn kiện bận tâm tới vấn đề đào tạo và ơn gọi. Ở đây, Đức Thánh Cha dự kiến về một sự “đồng hành thiêng liêng được điều chỉnh theo những nhu cầu cá nhân” đối với các Nữ Tu. Ngoài ra, nên có một sự đào tạo liên tục, mà sự đào tạo ấy cho phép các Nữ Tu trở nên chín muồi hơn cả về mặt nhân bản lẫn tinh thần. Đức Thánh Cha muốn nhìn thấy ơn gọi được bảo vệ và được giải phóng khỏi những chủ đích sai lạc. “Phải tuyệt đối ngăn ngừa việc tuyển mộ các ứng sinh đến từ các quốc gia khác với mục đích duy nhất là được nhận một Đan Viện riêng.”

Quyền tự trị đích thực:

Cầu nguyện, đọc Lời Chúa hằng ngày và kể cả việc chầu Thánh Thể có ý nghĩa như là việc tái khám phá ra đời sống Đan Viện cũng như tái đánh giá về những thực hành đang tồn tại – Đức Thánh Cha viết. Ngài cũng đề cập một cách cặn kẽ tới quyền tự trị của các Đan Viện. “Quyền tự trị theo luật phải tương ứng với một trong những quyền độc lập đích thực của cuộc sống” – Đức Thánh Cha viết như thế và giải thích rằng, trong số những điều kiện khác, một con số tối thiểu các Nữ Tu trong một cộng đoàn, không bị coi là sự lạc hậu và lão hóa, nhưng phẩm giá và chất lượng của đời sống Phụng Vụ và khả năng sống còn về mặt kinh tế phải được nghĩ tới. Vì thế, quyền tự trị này không thể bị chuyển giao – Đức Thánh Cha viết và đưa ra dự kiến về việc thành lập các ủy ban ở cả cấp Giáo hội địa phương lẫn tại Vatican để tìm ra những giải pháp cho các Đan Viện riêng lẻ.

Một quy luật tiếp theo liên quan đến nội vị: trong phần thứ hai của văn kiện, Đức Thánh Cha nêu ra 4 hình thức khác nhau của nội vi. Với cái nhìn về những bản luật riêng cũng như về những truyền thống riêng, mỗi Đan Viện nên quyết định và xác định lấy cho mình một trong những hình thức đó.

Tất cả mọi quy luật từ Giáo Luật và từ những quyết định trước đây cũng như từ những văn kiện liên quan đến Dòng Tu mà chúng không tương ứng với bản văn của Tông Hiến vừa được công bố, “sẽ bị bãi bỏ” – Đức Thánh Cha tóm tắt những thay đổi của Ngài với sự trích dẫn khoản 20 của bộ Giáo Luật.

(theo de.rv 22.07.2016 ord)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 7, 2016