Trung Hoa: Con Số Các Ki-tô Hữu Đang Ngày Một Tăng

 

Xây dựng niềm tin tưởng hơn nữa giữa chính quyền và các Ki-tô hữu – đó là mục tiêu quan trọng và ưu tiên của Giáo hội Công giáo tại Trung Hoa. Cho tới tận Chúa Nhật hôm nay, tại Hồng Kông, các Thần Học Gia và các khoa học gia vẫn đang còn tiếp tục thảo luận với nhau về tình trạng của các Ki-tô hữu tại Trung Hoa, đặc biệt là về mối tương quan giữa Giáo hội và nhà nước. Cuộc hội nghị đang diễn ra tại Hồng Kông là điều không hề tình cờ. Ngay tại đây, tức thuộc địa trước kia của Anh Quốc, chính quyền Trung Cộng đang sợ hãi rằng, Giáo hội có thể hủy hoại quyền tự chủ của nhà nước. Ngay cả trong thời buổi hôm nay, tức sau gần hai chục năm Hồng Kông được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Hoa, các đề tài về nhà nước lập hiến và đa nguyên cũng vẫn đang còn thường xuyên xuất hiện tại vùng đất được gọi là khu hành chánh đặc biệt.

Ki-tô Giáo có một lịch sử lâu dài tại Trung Hoa và là một trong năm tôn giáo chính tại đây. Gerard Mannion, Thần Học gia Công giáo của Đại Học Georgetown, chính là một trong những nhà tổ chức cuộc hội nghị đang diễn ra tại Hồng Kông. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Phát Thanh của Tòa Thánh Vatican, ông đã nói rằng: “Để nói được rằng hiện đang có bao nhiêu Ki-tô hữu tại Trung Hoa thì đó là điều thật khó khăn đến mức không thể tin được. Con số các Ki-tô hữu dao động từ 28 tới 120 triệu. Con số 70 triệu Ki-tô hữu tại Trung Hoa là con số đáng tin cậy. Để thống kê số các Ki-tô hữu tại Trung Hoa là điều vô cùng khó khăn, bởi trước tiên, vấn đề nằm ở chỗ là, nhiều Ki-tô hữu thực hành đời sống Đức Tin của họ trong các Giáo hội gọi là ´Giáo hội tại gia`, nghĩa là trong những hình thức không chính thức. Nói chung thì tầm quan trọng của các nhóm Ki-tô hữu đang tăng lên tại Trung Hoa.”

Việc nhiều tín hữu Công giáo tại Trung Hoa đang sống Đức Tin của mình trong sự thầm kín cũng liên hệ đến hoàn cảnh đầy khó khăn và phức tạp của Giáo hội Công giáo tại đó. Giáo hội Công giáo bị cấm tại Trung Cộng, và vì thế Giáo hội đang hiện hữu như một dạng Giáo hội hầm trú, và thường xuyên bị đặt dưới sự giám sát và đàn áp của chính quyền Trung Cộng. Chính quyền Bắc Kinh đặt các Giáo hội được chính quyền cho phép hoạt động bên dưới tổ chức được gọi là “Hội Những Người Công Giáo Yêu Nước”, nhưng Giáo hội này không được Tòa Thánh công nhận. Vào năm 2007, Đức Nguyên Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã gọi những cuộc bổ nhiệm Giám Mục là một vấn đề lớn, và đã chỉ trích một cách gắt gao rằng, tại Trung Quốc, các Giám Mục được truyền chức mà không có sự ưng thuận của Tòa Thánh. Từ đó, số các Giám mục được Tòa Thánh công nhận đã tăng lên khoảng 60%.

Đức Cha Michael Yeung, Giám Mục phụ tá của Giáo phận Hồng Kông, cho biết rằng, Ngài nhìn thấy có nhiều cải thiện rõ ràng trong các mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Rô-ma với chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, Đức Cha Michael Yeung không tin rằng, những bất đồng hiện tại, đặc biệt là trong việc bổ nhiệm các Giám Mục và việc nhìn nhận những quyền hạn của Đức Thánh Cha, sẽ được dọn dẹp trong thời gian sắp tới. Ngài dám cược rằng, cuộc đối thoại với chính quyền Bắc Kinh – hoàn toàn trong cách nghĩ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, người không ngừng tái nhấn mạnh rằng, phải kiến tạo những chiếc cầu – sẽ không bị giật sập.

 

(theo rv 23.07.2016 mch)

 

J.Ngọc Hà

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 7, 2016