Chúng Ta Hãy Xấu Hổ Vì Chiến Tranh!

(Bải giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 20.09.2016)

Thế giới cần tới hòa bình, và việc cầu xin để có được hòa bình là một bổn phận. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua trước khi Ngài bay đến Assisi để cầu nguyện cho hòa bình. Người ta nên cầu nguyện để có được hòa bình, „cho tới khi người ta xấu hổ về các cuộc chiến tranh“ mà chúng vẫn đang còn diễn ra, và đặc biệt là người ta không được phép nhắm mắt trước chiến tranh. Không có „Thiên Chúa của chiến tranh“ – Đức Thánh Cha quả quyết. Bạo lực giữa con người với nhau chính là công việc của sự ác, và đồng thời mỗi người phải tiến về phía trước. Điều này có thể xảy ra nhờ vào việc cầu nguyện cũng như nhờ vào việc „khóc cho hòa bình“ – Đức Thánh Cha nói. Bất cứ tôn giáo nào cũng tin rằng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể „đảm bảo cho hòa bình“.

Nhân dịp cuộc gặp gỡ vì hòa bình tại Assisi mà nó diễn ra 30 năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức Gio-an Phao-lô II, Đức Thánh Cha nói: „Vấn đề không phải là việc tổ chức ở đó một vở tuồng, song chỉ đơn giản là cầu nguyện, và thực tế là cầu nguyện cho hòa bình.“ Ngài mời gọi tất cả các Giám Mục – cũng như tất cả các tín hữu – vào sáng thứ Ba này hãy cùng cầu nguyện cho hòa bình, bất kể là người ta đang ở đâu.

Bài Đọc I hôm nay kết thúc với cách này: ´Ai nhắm mắt bịt tai trước tiếng kêu của người nghèo, thì chính người ấy sẽ không được lắng nghe, khi người ấy cầu xin ơn trợ giúp` (xc. Spr 21, 1-6.10-13). Nếu chúng ta nhắm mắt bịt tai trước nỗi khổ đau của những người mà họ bị đánh bom, của những người đang bị đau khổ bởi nạn buôn người, thì rồi sẽ có thể vào một ngày kia, sự đau khổ đó sẽ xảy ra ngay với chúng ta, và lúc đó chúng ta cứ ngồi đấy mà chờ câu trả lời. Chúng ta không thể nhắm mắt bịt tai trước tiếng kêu đầy khổ đau của những người anh chị em chúng ta được khi họ đang đau khổ vì chiến tranh!

Ở Tây phương này người ta không nhìn thấy chiến tranh, thay vào đó, nhiều người lại tỏ ra lo sợ trước những vụ tấn công khủng bố - Đức Thánh Cha nói tiếp. Nhưng điều đó không là gì nếu so sánh với điều đang diễn ra trong những vùng chiến tránh trên khắp thế giới ngày nay: Đánh bom sát hại các cụ già, trẻ em, nam giới và nữ giới; hơn nữa, các trận chiến theo dạng cổ điển vẫn đang diễn ra không quá xa với những nơi được cho là an toàn. Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng đều phát sinh trước tiên từ trong trái tim con người.

Ước gì Thiên Chúa ban bình an trong tâm hồn chúng ta. Ước chi Ngài sẽ loại bỏ sự ích kỷ, tính tham lam, và thái độ sẵn sàng sử dụng bạo lực trong chúng ta. Chúng ta cần tới hòa bình! Ước chi con tim của chúng ta sẽ đón nhận ơn bình an mà không hề có sự phân biệt về tôn giáo. Điều đó cũng được áp dụng cho tất cả! Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, con cái của một Thiên Chúa hòa bình. Không có Thiên Chúa của chiến tranh. Chiến tranh luôn luôn là một công việc của sự ác, của ma quỷ, kẻ muốn sát hại tất cả chúng ta.“

Thật là sai trái khi tạ ơn Thiên Chúa vì „không bị gây phiền hà bởi chiến tranh“. Người ta cũng phải nghĩ tới những người bị liên lụy – Đức Thánh Cha nói tiếp.

Ngày hôm nay chúng ta đừng chỉ nghĩ tới những cuộc đánh bom, những người chết, những người bị thương, nhưng chúng ta cũng phải nghĩ tới tất cả những người – bất luận là trẻ em hay người già – mà họ không nhận được sự cứu trợ nhân đạo và không có gì để ăn, những người không nhận được thuốc men, những người đói khát và bệnh tật. Họ không nhận được sự cứu trợ vì những cuộc ném bom ngăn cản việc đó. Và hôm nay, nếu chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, thì đó sẽ là điều vô cùng tuyệt vời khi mỗi người trong chúng ta đều biết xấu hổ vì chiến tranh mà nó đang diễn ra trên thế giới. Chúng ta hãy xấu hổ về việc con người có khả năng thực hiện những hành vi tàn độc cho những người anh chị em của mình. Đó là một ngày cầu nguyện, ngày thống hối, ngày than khóc vì hòa bình. Ước chi tiếng thét gào của những người khổ đau sẽ được lắng nghe, và con tim của nhân loại sẽ mở ra cho Lòng Thương Xót và cho Đức Ái. Những điều đó sẽ cứu chúng ta thoát khỏi sự ích kỷ.“

 

(theo de.rv 20.09.2016 mg)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2016