Hãy Khai Chiến Với Thói Đạo Đức Giả

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 14.10.2016)

 

Trong việc đi theo Chúa Ki-tô, vấn đề có tính quyết định nằm ở chỗ là chúng ta dám khai chiến với thói đạo đức giả và thách đấu với sự lừa dối, cũng như đừng bao giờ tự lừa dối mình về bất cứ điều gì. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Sự giả hình chính là một chứng tâm thần phân liệt thiêng liêng – Đức Thánh Cha giảng – nó hệ tại ở chỗ người ta giảng nhiều mà không giữ, không thực hiện theo những gì mình giảng.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng của mình từ Bài Tin Mừng trong ngày, tức bài Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, trong đó nói về việc Chúa Giê-su cảnh báo các môn đệ của Ngài trước „men Pha-ri-siêu, tức thói giả hình“. Tuy nhiên, ở đây có „một men tốt và một men xấu“ – Đức Thánh Cha giải thích. Men tốt chính là những điều làm cho Triều Đại Thiên Chúa lớn lên. Nói chung, bất cứ cách thức nào của men mà nó làm cho „lớn lên“: Men tốt sẽ dẫn tới „bánh mỳ ngon“, men xấu sẽ làm cho những điều xấu xa phát triển.

Để giải thích rõ những suy tư của mình, Đức Thánh Cha đã kể lại một câu chuyện từ hồi Ngài còn nhỏ:

Khi Cha còn nhỏ, nhân ngày hội hóa trang, bà nội của Cha đã làm cho tụi Cha những chiếc bánh mì nhỏ. Ban đầu, bà dùng bột nhão và vo thành những chiếc bánh mỏng dính. Sau đó bà cho chúng vào dầu sôi, và chiên. Những chiếc bánh mỏng dính đó dần dần phồng lên. Khi người ta nhìn vào những chiếc bánh đó, thì người ta tưởng rằng chúng rất ngon lành, nhưng kỳ thực, bên trong chúng lại rỗng tuếch; trong thổ ngữ người ta gọi cái đó là bugie, tức là đánh lừa. Và lúc ấy bà nội nói với tụi Cha: Những chiếc bánh nhỏ này được ví như những kẻ nói dối, trông chúng rất lớn, nhưng kỳ thực thì bên trong chúng trống không, chúng không có thực chất. Và Chúa Giê-su cũng nói với chúng ta như thế: hãy giữ mình trước men xấu, tức men Pha-ri-siêu! Và đó là cái gì? Thưa, là thói giả hình. Anh em hãy giữ mình trước men Pha-ri-siêu, tức trước men giả hình.“

Thói giả hình biểu lộ ở chỗ lúc nào cũng nói tới Thiên Chúa trên môi miệng, nhưng kỳ thực thì con tim lại vô cùng xa cách Ngài.

Đó là một chứng tâm thần phân liệt nội tại – thói giả hình. Người ta nói thế này nhưng lại làm thế khác. Đó là một dạng tâm thần phân liệt thiêng liêng. Kẻ giả hình thường hay giả bộ: nhìn bên ngoài thì họ hành động rất khéo, rất lịch sự, nhưng họ lại thủ trong túi xách của mình một con dao găm! Chúng ta hãy nghĩ tới Herođê: ông ta đã đón tiếp các nhà chiêm tinh một cách lịch thiệp thế nào, mặc dù trong lòng thì ông ta vô cùng hoảng sợ. Sau đó, trong lúc giã từ, ông ta đã nói với họ rằng: Hãy đi, và sau khi đến đó, hãy quay lại nói cho ta biết, Hài Nhi đang ở đâu, để ta cũng đến tôn thờ Người… Để sát hại Hài Nhi! Kẻ giả hình có một khuôn mặt kép. Hắn luôn làm bộ làm tịch. Khi Chúa Giê-su nói về những Luật Sĩ ấy, thì Ngài nói thêm: Họ chỉ nói mà không hề làm… Đó là một chủ nghĩa duy danh mang tính hiện sinh: Thay vì thực hiện những công việc thì người ta lại nói tới chúng như thể là họ đã làm những việc đó rồi để khỏi phải làm nữa. Không! Người ta phải thực hiện những công việc chứ không phải chỉ nói!... Và rồi kẻ giả hình cũng không có khả năng tự phê bình: Họ thấy mình vô tì vết, và thay vì tự trách mình, họ lại đi than phiền về người khác. Chúng ta hãy nghĩ tới những chiếc dằm và những chiếc xà… Và như thế chúng ta sẽ có thể mô tả men ấy chính là thói giả hình.“

Đức Thánh Cha đã mời gọi thính giả của Ngài đang hiện diện tại nguyện đường Thánh Mác-ta hãy thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm:

Tôi thực hiện công việc theo tinh thần nào? Tôi cầu nguyện theo tinh thần nào? Tôi nói chuyện với người khác theo tinh thần nào? Tôi có thực hiện với một tinh thần xây dựng hay không? Hay tôi lại thực hiện những việc ấy với tinh thần chỉ tồn tại trong không khí?

Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ là người ta trả lời một cách trung thực cho những câu hỏi trên, chứ không phải tự lừa dối mình trong thực tế.

Trẻ em trung thực thế nào trong tòa Giải Tội! Trẻ em không bao giờ nói dối khi chúng xưng tội, chúng cũng không bao giờ nói một cái gì đó quá trừu tượng. Con đã làm cái này, cái đó và cái kia… rất cụ thể. Trẻ em nói rất cụ thể khi chúng đến trước mặt Thiên Chúa và trước người khác. Tại sao vậy? Thưa, tại vì chúng có men tốt, men ấy làm cho chúng lớn lên, giống như Triều Đại Thiên Chúa cũng lớn lên vậy. Ước gì Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta Thánh Thần và ơn nhận biết chính mình, để chúng ta nhận ra men mà chúng ta đang lớn lên với nó cũng như đang hành động với nó. Tôi là người chính trực, trong sáng, hay tôi là một kẻ giả hình?

 

(theo de.rv 14.10.2016 sk)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2016