Khiêm Nhượng Thực Sự, Chứ Không Phải Khiêm Nhượng Kiểu Phường Chèo

(Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 29.11.2016)

Thiên Chúa không „mạc khải mầu nhiệm ơn cứu độ và mầu nhiệm của Ngài cho những kẻ ranh mãnh cũng như cho các Luật Sĩ, nhưng mạc khải cho những con người bé mọn“. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Bài Ca Ngợi Khen mà Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa Cha của Ngài được thuật lại trong chương 10 của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca –, theo quan điểm của Đức Thánh Cha -, qua một cách thức nào đó, đã được phác họa sẵn trong sách Ngôn Sứ Isaia rồi. Vị Ngôn Sứ Cựu Ước cũng đã nói về một „chồi non từ gốc tổ Jésè“, chứ không phải từ một quân đội mà nó sẽ mang đến sự giải phóng.

Nhân dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta sẽ nhìn thấy sự nhỏ bé này: một Hài Nhi, một Máng Cỏ, một Người Mẹ và một Người Cha. Đó là những điều nhỏ bé. Con tim của các Ngài thật vĩ đại, nhưng thái độ của các Ngài thì giống những trẻ thơ. Và Thần Khí Đức Chúa, tức Chúa Thánh Thần, sẽ ngự xuống trên chồi non ấy, và chồi non này sẽ có những đức tính giống như đức tính của trẻ thơ, cũng như có lòng kính sợ Thiên Chúa… Kính sợ Thiên Chúa chứ không phải là sợ hãi – không! Lòng kính sợ Thiên Chúa hệ tại ở chỗ đem Lề Luật mà xưa kia Thiên Chúa đã trao cho Áp-ra-ham, vào trong cuộc sống: Ngươi hãy bước đi trong sự hiện diện của Ta… Đó là sự khiêm nhượng. Kính sợ Thiên Chúa có nghĩa là khiêm nhượng.“

Và chỉ những trẻ thơ và những người bé mọn mới thực sự hiểu được để đánh giá khiêm nhượng là gì – Đức Thánh Cha quả quyết. Những người ấy bước đi, và cụ thể là bước đi „trước mặt Thiên Chúa“, và cảm thấy rằng, Ngài ban cho họ „sức mạnh để tiến về phía trước“. Và đó chính là sự khiêm nhượng đích thực:

Khiêm nhượng, sống đức khiêm nhường Ki-tô giáo có nghĩa là, có sự kính sợ Thiên Chúa, mà sự kính sợ ấy không phải là sự sợ hãi, nhưng cho phép nói lên rằng: lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa còn con chỉ là con người, con tiến về phía trước với những điều bé nhỏ trong cuộc sống, nhưng trong sự hiện diện của Chúa, và ngay thẳng bao nhiêu có thể. Khiêm nhượng là đức hạnh của những trẻ thơ, đó là sự khiêm nhượng thực sự chứ không phải là sự khiêm nhượng nơi phường chèo, không, đó không phải là khiêm nhượng. Không phải là sự khiêm nhượng của kẻ nói rằng: tôi khiêm nhượng, và tôi tự hào về sự khiêm nhượng của mình! Không, đó không phải là sự khiêm nhượng đích thực. Sự khiêm nhượng của những trẻ thơ chính là sự khiêm nhượng của kẻ bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, không nói xấu người khác, chỉ nghĩ tới sự phục vụ, cảm thấy mình hoàn toàn bé nhỏ… Và đó là sức mạnh!

Đức Maria cũng là người rất khiêm nhượng – Mẹ là cô Trinh Nữ mà Thiên Chúa đã tuyển chọn để gửi Con của Ngài vào thế giới. Ngay sau khi Sứ Thần công bố việc hạ sinh của Chúa Giê-su, Đức Maria đã vội vã đi thăm bà Elisabeth, nhưng tại đó, Mẹ đã không hề kể lại bất cứ một lời nào về những điều đã xảy ra. „Đó là sự khiêm nhượng“ – Đức Thánh Cha giải thích: „Vui mừng về cái nhìn của Thiên Chúa“, „tràn đầy niềm vui“.

Nếu chúng ta ngắm nhìn Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thấy Ngài hoàn toàn vui mừng như thế nào trước việc Thiên Chúa đã mạc khải mầu nhiệm của Ngài cho những kẻ khiêm nhượng, thì rồi chúng ta cũng sẽ có thể cầu xin cho tất cả chúng ta có được ơn khiêm nhượng đó, cầu xin cho được ơn kính sợ Chúa, ơn tiến về phía trước trước tôn nhan Ngài… Và với sự khiêm nhượng này chúng ta sẽ có thể tỉnh thức trong cầu nguyện, sẽ có thể hoạt động trong Tình Yêu huynh muội, và tràn đầy niềm vui trong sự ca tụng Chúa.“

(theo de.rv 29.11.2016 sk)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2016