Một Con Cá Lớn Đi Vào Tòa Giải Tội … (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 14.01.2017)

Can đảm và khiêm nhượng: Những „sứ giả“ mà họ đã làm cho Giáo hội được phát triển tại nhiều khu vực trên khắp thế giới, đã thống nhất trong mình sự kết hợp hiếm thấy này. Đó là những con người, chẳng hạn như các vị Tông Đồ xứ Slave, tức Thánh Sy-rin-lô và Thánh Mê-thô-đi-ô mà hôm thứ Ba vừa qua Giáo hội cử hành Lễ Kính các Ngài.

Qua bài giảng của mình trong Thánh Lễ vào sáng sớm cùng ngày tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha đã ca ngợi hai nhà truyền giáo người Hy-lạp sống vào thế kỷ thứ IX. Các Ngài đã nhanh chóng nghĩ ra một cách thức mới để làm cho Kinh Thánh trở nên quen thuộc với những khu vực chẳng hạn như Rumani hay Hungari. Các Ngài là những „người rắc gieo Lời“, làm cho „Châu Âu trở nên mạnh mẽ hơn“ – Đức Thánh Cha giải thích. Một người nào đó muốn trở nên „sứ giả“ của Tin Mừng, sẽ cần tới điều gì? Thưa, ở ngay tuyến đầu là sự can đảm.

Người ta không thể chuyển giao Lời Chúa cho con người nếu như đó chỉ là một đề nghị: Đây, mời bạn, nếu bạn cảm thấy vui… Hay như một ý tưởng triết học hoặc luân lý học: Ở đây bạn có thể sống… Không! Đó là một điều chi khác. Lời Chúa phải được giới thiệu với sự cởi mở và sức mạnh, để Lời, như Thánh Phao-lô diễn tả, thẩm thấu tới tận xương tủy. Lời Chúa phải được công bố với sức mạnh – với sự can đảm! Nếu một ai đó không có sự can đảm… sự can đảm thiêng liêng, can đảm trong tâm hồn… Nếu một ai đó không say đắm Chúa Giê-su, vì sự can đảm đến từ đó, thì thực ra người đó sẽ chỉ nói những điều hấp dẫn, một cái gì đó có tính luân lý, nó có lợi đấy – nhưng không phải là công bố Lời Chúa. Và những lời hay hỏ của người ấy không có khả năng hình thành nên Dân Chúa. Chỉ có Lời Chúa, mà Lời ấy được công bố với sự cởi mở và với sự can đảm, mới có khả năng hình thành nên Dân Chúa.“

Can đảm – đó là điều thứ nhất. Nhưng sau đó Đức Thánh Cha còn trích xuất từ chương 10 của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca ra hai điều tiếp theo – những đặc tính cần thiết cho một „sứ giả“ Lời Chúa. Một „điều gì đó hiếm hoi“ của Tin Mừng chính là điều sau đây – Đức Thánh Cha chỉ ra: Chúa Giê-su nói về mùa gặt, nhưng lại thiếu những thợ gặt. Và vì thế người ta phải làm gì? Cầu nguyện, đó là câu trả lời của Chúa Giê-su. Cầu nguyện để Thiên Chúa Cha sai thợ gặt đi gặt lúa về. Cầu nguyện – đối với Đức Thánh Cha – chính là đặc tính thứ hai của „sứ giả“.

Lời Chúa cũng được công bố bằng lời cầu nguyện. Luôn luôn. Nếu không cầu nguyện thì có lẽ người ta vẫn có thể tổ chức những buổi hội nghị hoành tráng, một lớp học hấp dẫn – rất tốt. Nhưng đó không phải là Lời Chúa. Lời Chúa chỉ có thể phát sinh từ một tâm hồn cầu nguyện. Cầu nguyện để Thiên Chúa đồng hành với việc rắc gieo Lời Chúa, để Thiên Chúa phun tưới cho hạt giống khiến Lời Chúa đâm bông kết trái. Lời Chúa được công bố bằng lời cầu nguyện – cầu nguyện của người loan báo Lời Chúa.

Can đảm, cầu nguyện – và khiêm nhượng - đối với Đức Thánh Cha -, đó là „điều thứ ba“. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su nói rằng, Ngài sai các môn đệ „như chiên vào giữa sói rừng“. „Người loan báo Tin Mừng đích thực biết rằng, mình yếu đuối và không thể tự bảo vệ mình bằng sức riêng. – Con hãy đi như một con chiên vào giữa sói rừng! – Nhưng lạy Chúa, chúng sẽ ăn sống nuốt tươi con mất? – Đơn giản là, cứ đi! Đó là con đường… Cha nhớ rằng, Thánh Gio-an Kim Khẩu là người đã diễn tả những suy tư sâu sắc này: Nếu bạn không đi như một con chiên vào giữa sói rừng, nhưng chính bạn lại giống như một con sói, thì rồi Thiên Chúa sẽ không bảo vệ bạn nữa – bạn hãy tự bảo vệ chính mình! Nếu người loan báo Tin Mừng cho mình là rất thông minh, hay nếu người có trách nhiệm mang Lời Chúa tiến về phía trước, lại muốn trở thành một kẻ ranh mãnh: Úi trời, tôi biết cách sử dụng những người này như thế nào rồi! -, thì rồi điều đó sẽ kết thúc cách tồi tệ. Hay người ấy sẽ phó mặc Lời Chúa cho quyền lực, cho sự tự cao tự đại.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha còn kể lại một câu chuyện vui để làm cho vấn đề trở nên rõ ràng: „Một con cá lớn, một đại tội nhân“ đi vào Tòa Giải Tội, nơi mà vị Linh Mục vừa ngồi vào đó ngay sau khi cụ giảng xong, và „con cá to đã khóc“ cũng như muốn xưng tội. Vị Linh mục nghĩ bụng: Chắc chắn là mình đã giảng rất tuyệt vời, và „cụ bắt đầu vênh mặt lên vì sự kênh kiệu“. Cụ hỏi hối nhân: Lời nào của tôi đã đụng chạm tới anh để rồi ngay lập tức anh cảm thấy được thúc giục phải vào Tòa Giải Tội? Tội nhân thống hối trả lời: „Đó là lời Cha nói rằng: Giờ đây chúng ta hãy chuyển sang một đề tài khác!

(theo de.rv 14.02.2017 sk)

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 2, 2017