Nỗi Đau Khổ Của Người Khác Có Đi Vào Lòng Chúng Ta Không?

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 16.03.2017)

Tự nhốt mình lại trong thế giới riêng của mình và chỉ cậy dựa duy nhất vào con tim mình, là điều rất nguy hiểm. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Bài giảng của Ngài được khởi đi từ trình thuật Kinh Thánh nói về ông La-gia-rô nghèo đói và người phú hộ vô danh mà bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Lu-ca thuật lại (Lc 16,19-31). Nếu một người chỉ sống trong không gian biệt lập của mình, hít thở bầu khí phồn thịnh, kênh kiệu và chắc chắn của mình, nếu người ấy chỉ cậy dựa vào chính mình, thì rồi – Đức Thánh Cha nói – „con người ấy sẽ đánh mất đi chiếc la bàn, và không còn biết gì nữa đến những giới hạn của mình nữa.“

Chính điều đó đã xảy ra với người nhà giầu, tức người đã không thèm ngó ngàng gì tới ông La-gia-rô nghèo đói đang ở trước cửa nhà mình, nhưng trong thế giới bên kia, khi gặp cơn cùng khốn, đã xin La-gia-rô giúp đỡ.

Ông biết rất rõ người nghèo ấy là ai. Vì khi ông thưa chuyện với Tổ Phụ Áp-ra-ham, ông đã nói: xin gửi La-gia-rô đến với con. Như thế có nghĩa là ông biết tên của La-gia-rô! Nhưng ông đã chẳng hề bận tâm gì tới La-gia-rô. Phải chăng viên nhà giầu này là một tội nhân? Vâng. Nhưng người ta có thể giữ khoảng cách đối với tội lỗi: người ta cầu xin ơn tha thứ, và Thiên Chúa sẽ thứ tha. Con tim của ông đã đưa ông đi trên con đường sự chết, đi quá xa đến độ ông không thể quay lại được nữa. Vì ở đó có một điểm, một ranh giới mà từ đó người ta có thể tái quay trở lại, dù rất khó: đó là, khi tội lỗi đi tới chỗ suy đồi. Ông nhà giầu đã biết về những nỗi khốn khổ của La-gia-rô, nhưng điều đó chẳng ăn nhằm gì đối với ông: bản thân ông đang rất sung sướng.

Đức Thánh Cha đã mời gọi thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm cách nghiêm túc và cụ thể:

Chúng ta cảm thấy gì trong lòng khi chúng ta nhìn thấy một người vô gia cư trên đường, hay thấy những em bé mà chúng hoàn toàn chỉ xin của bố thí? ´Này nhé, những đứa trẻ đó thuộc về chủng tộc chuyên ăn cắp…` và rồi tôi đi tiếp. Phải chăng tôi đang làm như thế? Những người vô gia cư, kể cả những người ăn mặc lịch sự, những người nghèo, tại sao họ không có tiền để thuê nhà trọ, tại sao họ thất nghiệp… tôi cảm thấy gì? Điều đó thuộc về bức tranh toàn cảnh, thuộc về cảnh quan đô thị, giống như một bức tượng, như những trạm đón xe Buýt, như một bưu điện, vậy liệu có phải là những người vô gia cư cũng thuộc về những điều đó không? Phải chăng đó là điều bình thường? Anh chị em hãy coi chừng! Chúng ta hãy coi chừng! Nếu những điều ấy được cảm thấy một cách bình thường trong lòng chúng ta - ´này nhé, đó là chuyện bình thường, cuộc sống là như vậy… giống như tôi ăn và uống, nhưng để làm nhẹ mặc cảm tội lỗi của mình đi một chút, tôi cho người ta vài đồng rồi đi tiếp` – đó là điều không tốt.“

Và nếu chúng ta đọc tin tức và biết được một bệnh viện bị trúng bom – Đức Thánh Cha nói tiếp: „Phải chăng tôi sẽ cầu nguyện qua loa rồi lại tiếp tục cuộc sống của mình như thể chẳng có chuyện gì xảy ra vậy? Nó có đi vào con tim của tôi được không? Hay tôi lại giống như viên nhà giầu, người không bao giờ để cho thảm cảnh của La-gia-rô thấm được vào lòng mình, trong khi La-gia-rô lại nhận được sự thương cảm của những con chó?“ Nếu đúng là như thế – Đức Thánh Cha nói – thì có nghĩa là tôi đang đi „trên con đường từ tội lỗi tới sự suy đồi“. Và trong lúc tội nhân còn có thể hoán cải, thì người suy đồi sẽ chỉ làm cho điều đó trở nên khó khăn hơn, vì người này đang tự nhốt mình lại trong chính mình. „Xin hãy khảo sát tâm hồn con, lạy Chúa, và xin làm cho con nhận ra được việc mình đang đi trên con đường nào. Lời đó nên là lời nguyện của chúng ta trong ngày hôm nay.

(theo de.rv 16.03.2017 gs)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 2, 2017