Ngôi Lời Đã Trở Thành Xác Phàm Chứ Không Phải Trở Thành Một Ý Tưởng“ – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 24.04.2017)

Vào sáng thứ Hai vừa qua, sau một thời gian tạm ngừng để cử hành các nghi thức Phụng Vụ trong Tuần Thánh và Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lại tái bắt đầu cử hành các Thánh Lễ ngày thường tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Trong Thánh Lễ do Ngài cử hành vào sáng thứ Hai vừa nêu cũng có sự hiện diện của các Đức Hồng Y thuộc Ủy Ban 9 Hồng Y, quen gọi là nhóm C9. Qua bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã đề cập tới sự tự do mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta. Ngài cũng nói rằng, Tin Mừng cần phải được công bố mà không hề có những thỏa hiệp hay những sự gay gắt.

Bài giảng của Đức Thánh Cha được khởi đi từ Bài Đọc I trong ngày, tức bài trích sách Tông Đồ Công Vụ. Bài Đọc này tường thuật lại lời cầu nguyện tạ ơn của Thánh Phê-rô và của Thánh Gio-an Tông Đồ vì thượng hội đồng Do-thái đã trả lại tự do cho các Ngài sau khi đã bắt giữ và tra khảo các Ngài. Hai vị chứng nhân của Chúa Giê-su đã nói một cách đầy can đảm và „với sự đơn sơ“ trước các Luật Sĩ đầy ngờ vực – Đức Thánh Cha giải thích -, họ đã không can dự vào „bất cứ một hành động nào“. Chúa Thánh Thần đã ban cho hai Ngài sự tự do để nói.

Đức Tin của chúng ta phải cụ thể:

Đôi khi chúng ta quên rằng, Đức Tin của chúng ta là điều cụ thể: Ngôi Lời đã trở thành xác phàm chứ không phải trở thành một ý tưởng! Xác phàm. Nếu chúng ta đọc Kinh Tin Kính, thì chúng ta sẽ thấy những điều rất cụ thể: Thiên Chúa đã tạo dựng nên Trời và đất, Chúa Ki-tô đã được sinh ra và đã chết… Tất cả đều rất cụ thể. Kinh Tin Kính không nói: tôi tin rằng, tôi nên làm điều này điều nọ, không. Những điều cụ thể.  Đó là sự cụ thể của Đức Tin. Sự cụ thể đó sẽ dẫn tới sự chân thành, sẽ dẫn tới việc làm chứng, và sẽ dẫn tới việc dám chịu Tử Đạo, nó chống lại những thỏa hiệp cũng như chống lại việc ý tưởng hóa Đức Tin.“

Từ cái nhìn của các nhà Luật Sĩ thì Ngôi Lời đã tuyệt đối không trở thành xác phàm – Đức Thánh Cha giải thích tiếp -, đúng hơn, đối với họ, Lời đã trở thành „Lề Luật“: „Người ta nên làm điều này, người ta nên cho phép điều kia.“ „Và họ bị nhốt lại trong tâm tính duy lý của mình, mà tâm tính ấy cũng sẽ không kết thúc với họ, đúng không? Vì trong suốt lịch sử, Giáo hội đã phải kết án chủ nghĩa duy lý, nhưng ngay cả Thần Học cũng rơi vào tình trạng: Bạn được làm điều này và không được làm điều kia. Và rồi, một Thần Học như thế sẽ quên béng đi mất sức mạnh và sự tự do của Chúa Thánh Thần, của những người được tái sinh nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho họ sự tự do, sự chân thành trong việc giảng dậy và trong việc loan báo Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa.“

Khép lại bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã cầu xin „cho có được kinh nghiệm ấy về Chúa Thánh Thần, Đấng đến và mang chúng ta tiến về phía trước, Đấng xức dầu cho chúng ta với dầu cụ thể của Đức Tin.

Ước gì Thiên Chúa sẽ ban cho tất cả chúng ta Thần Khí của sự Phục Sinh này, để chúng ta bước đi trên con đường của Chúa Thánh Thần mà không hề có những thỏa hiệp hay những điều gay gắt, nhưng với sự tự do để công bố Chúa Giê-su Ki-tô, như Ngài đã đến: trong xác phàm.

(theo de.rv 24.04.2017 sk)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2017