Giáo Lý Chân Thực Thì Hiệp Nhất, Còn Ý Thức Hệ Thì Phân Tán 

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 19.05.2017)

Giáo lý chân thực thì hiệp nhất còn ý thức hệ sẽ phân tán – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Dựa vào „Công Đồng đầu tiên“ của Cộng Đoàn Ki-tô giáo tiên khởi, Đức Thánh Cha đã khuyến khích hãy tin tưởng vào „quyền giáo huấn của các Công Đồng“ cho tới bao lâu quyền giáo huấn ấy vẫn còn được canh tân bởi Chúa Thánh Thần.

Công Đồng Giê-ru-sa-lem đã diễn ra vào năm 49. Tại Công Đồng này, các Tông Đồ của cộng đoàn nguyên thủy đã quyết định về việc truyền giáo cho dân ngoại, cũng như đã quyết định về cách đối xử với các Ki-tô hữu không có nguồn gốc Do-thái. Vấn đề được đặt ra là: những con người này có phải được cắt bì để có thể trở thành Ki-tô hữu hay không? Ngay cả trong Cộng Đoàn Ki-tô hữu tiên khởi cũng có „những đố kỵ“, „những cuộc tranh chấp quyền lực“ và những mối bất hòa – Đức Thánh Cha nhận xét. „Chúng ta là những con người, chúng ta là những tội nhân“ và ngay cả trong Giáo hội cũng có những vấn đề.

Sau cùng, cuộc hội nghị đã đi tới chỗ thống nhất rằng, việc cắt bì là điều không cần thiết – nhưng cho tới khi Công Đồng đạt tới được quyết định trên thì trước đó đã có sự tranh cãi: người ta đã to tiếng với nhau bởi vì người ta muốn bảo vệ những cách thức thực hành khác nhau. Tất cả đã thảo luận với nhau, nhưng có hai nhóm – Đức Thánh Cha giải thích: một nhóm với „tinh thần tốt lành“, còn nhóm kia thì chỉ muốn gây ra những rối loạn: „Nhóm của các Tông Đồ thì muốn thảo luận về các vấn đề, còn nhóm kia thì đi ngược lại, chỉ muốn tạo ra các vấn đề; họ phân tán, họ chia rẽ Giáo hội và nói rằng, điều mà các Tông Đồ rao giảng không phải là điều mà Chúa Giê-su đã nói, sự thật không phải là vậy.“

Sau khi bàn tới bàn lui, Công Đồng đã quyết định truyền giáo cho người dân ngoại, không buộc phải cắt bì, tuy nhiên dưới một số điều kiện cho các tân Ki-tô hữu.

Đó không phải là sự thỏa thuận chính trị, đó là sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã đưa họ đến chỗ nói không với sự cắt bì. Chỉ trừ điều này: không được ăn thịt đã được tế thần trong thời đại ấy, vì đó là việc trở nên một với các thần thánh, phải kiêng ăn tiết thú vật và tránh xa sự dâm dục.“

Căn bản mà nói, Công Đồng Giê-ru-sa-lem chính là „Công Đồng“ đầu tiên trong Giáo hội – Đức Thánh Cha giải thích: „Chúa Thánh Thần và các Ngài – Đức Thánh Cha, các Đức Giám Mục, cùng với tất cả“ cùng quyết định „công bố Giáo lý Đức Tin“ – như sau này tại Công Đồng Ê-phê-sô hay tại Công Đồng Vatican II.

Giải thích Giáo lý“, hiểu „rõ điều Chúa Giê-su đã nói trong Tin Mừng, cũng như hiểu rõ tinh thần của Tin Mừng là gì“, đó là „bổn phận của Giáo hội“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Nhưng điều đó phải diễn ra trong tinh thần xây dựng – Đức Thánh Cha cảnh báo. Và một lần nữa Ngài nói về những kẻ phá rối, họ luôn quậy phá trong các cuộc hội họp:

Luôn có những loại người như thế, họ quấy rối cộng đoàn Ki-tô hữu bằng những lời nói mà chẳng hề có bất cứ nhiệm vụ nào, họ khuấy đảo các tâm hồn: ´Không được nói thế, vì nếu bạn nói thế thì bạn là người lạc giáo đấy, người ta không thể nói như thế được, Giáo lý của Hội Thánh phải là thế này cơ…`Và họ bị ám ảnh bởi những điều không rõ ràng  - như những người cuồng tín, họ đi tới đó và gieo rắc mối bất hòa để gây chia rẽ cho Cộng Đoàn Ki-tô hữu. Đó là vấn đề: khi Giáo lý của Giáo hội đến từ Tin Mừng, được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, vì Chúa Giê-su đã nói: ´Ngài sẽ dậy dỗ anh em cũng như sẽ nhắc cho anh em nhớ lại những gì Thầy đã nói` - bị biến thành một ý thức hệ! Đó là một sự lầm lạc lớn của những con người ấy…

Những con người ấy không phải là các tín hữu nhưng chỉ là những người mang ý thức hệ. Họ bênh vực một ý thức hệ, „họ khép kín con tim mình lại trước hoạt động của Chúa Thánh Thần“. Trái lại, các Tông Đồ đã thảo luận với nhau, và chắc chắn là đã thảo luận rất gay gắt với nhau, nhưng các Ngài không phải là những con người đi theo một ý thức hệ nào đó: „Các Ngài có một con tim rộng mở đối với điều mà Chúa Thánh Thần đã nói“ – Đức Thánh Cha giải thích.

Cuối cùng Đức Thánh Cha đã trao cho các thính giả của Ngài một lời khuyên: Khi tận mắt chứng kiến những „tư tưởng mang ý thức hệ của các giáo thuyết“ họ không nên hoảng sợ: Giáo hội có „quyền giáo huấn riêng của mình, quyền giáo huấn của Đức Thánh Cha, của các Giám mục và của các Công Đồng“ – Đức Thánh Cha quả quyết. „Bài giảng của Chúa Giê-su“ cũng như „Giáo lý và ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần“ hướng tới chỗ tiến về phía trước trên con đường này: Con đường này „luôn luôn rộng mở, luôn luôn thông thoáng“, vì – khác với ý thức hệ - Giáo lý đích thực  và các Công Đồng sẽ hiệp nhất.

(theo de.rv 19.05.2017 pr)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2017