“Chúng Ta Yếu Đuối, Nhưng…” – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 16.06.2017)

Bất cứ ai cũng đều nên ý thức rằng, mình là người yếu đuối và là một tội nhân – nhưng có tin mừng là: Quyền năng Thiên Chúa sẽ chữa lành từng người một trong chúng ta. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Không ai có thể tự cứu độ chính mình, chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu độ con người:

Khởi đi từ Bài Đọc I được trích từ thư thứ hai của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Cô-rin-thô (2Cor 4,7-15), trong đó Thánh Phao-lô đã mô tả về mầu nhiệm của Chúa Ki-tô được chứa đựng trong những chiếc bình sành dễ vỡ, Đức Thánh Cha bảo đảm rằng, chúng ta có thể tin tưởng vào Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta đều rất dễ bị tổn thương, giòn mỏng và yếu đuối; chúng ta cần tới ơn cứu độ. Và chính Thánh Nhân đã nói: chúng ta bị gây buồn rầu, bị kinh hoàng, bị bách hại và bị gây tổn hại. Những điều ấy chính là sự diễn tả về những yếu đuối của chúng ta, và cũng là những yếu đuối của Thánh Phao-lô. Và đó là sự mỏng giòn dễ bị tổn thương của chúng ta. […] Đôi khi chúng ta cố gắng che đậy những yếu đuối đó để không ai thấy chúng; đôi khi chúng ta cố gắng quét vôi trắng bên ngoài hay cố gắng giả tảng… Sự giả tảng luôn luôn là điều tồi tệ. Đó là sự giả hình.”

Bên cạnh việc giả hình đối với người khác, còn có sự giả hình đối với chính bản thân mình nữa – Đức Thánh Cha giải thích. Điều này biểu lộ qua việc người ta nghĩ rằng mình rất mạnh mẽ và không cần ai phải cứu độ mình, có nghĩa là nghĩ rằng mình “chẳng hề giòn mỏng” và có một “kho tàng riêng”.

Đó là con đường dẫn tới sự kiêu căng và ích kỷ của những kẻ thấy bản thân mình không phải là những chiếc bình sành dễ vỡ. Nhưng quyền năng của Thiên Chúa có thể cứu độ chúng ta, vì Thánh Phao-lô đã nhận ra những yếu đuối của chúng ta: ´Chúng ta bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng` - Thánh nhân viết. Trong Thiên Chúa có một điều gì đó trao ban niềm hy vọng cho chúng ta. Chúng ta có thể bị bách hại, nhưng chúng ta không bị bỏ rơi, bị gây tổn hại, nhưng không bị giết chết. Luôn luôn có mối liên kết này giữa chiếc bình sành mỏng giòn và quyền năng; giữa chiếc bình sành và kho tàng. Chúng ta có kho tàng này trong chiếc bình sành, nhưng cơn cám dỗ luôn luôn như nhau: không nhìn nhận sự mỏng giòn. Đó là sự giả hình đối với chính chúng ta.”

Vậy thì phải xử sự thế nào? Thánh Phao-lô đã giới thiệu cho chúng ta một lối ra: tìm kiếm sự đối thoại với kho tàng này trong chiếc bình sành mỏng giòn. Đối với các Ki-tô hữu, điều ấy có nghĩa cụ thể là: đến với Bí Tích Giao Hòa. Nhưng khi đến với Bí Tích Giao Hòa, vấn đề không đơn giản là đọc thuộc lòng các tội đã phạm như thuộc lòng một bài thơ, hay “tô son cho mặt tiền” một chút.

Vấn đề ở đây là sự xấu hổ. Những nỗi xấu hổ ấy sẽ làm cho con tim mở ra để quyền năng Thiên Chúa có thể đi vào. Xấu hổ vì mình là một chiếc bình sành mỏng giòn chứ không phải là một chiếc bình bằng bạc hay bằng vàng. Và khi chúng ta đạt tới được điểm đó thì rồi chúng ta cũng sẽ hạnh phúc – rất hạnh phúc. Sự đối thoại giữa quyền năng Thiên Chúa và chiếc bình sành: chúng ta hãy nhớ tới biến cố rửa chân, khi Chúa Giê-su đến với Phê-rô và vị Tông Đồ này nói với Ngài: Đừng, xin Thầy đừng làm điều đó cho con! Phê-rô - một chiếc bình sành mỏng giòn -, nhưng ông đã không hiểu rằng, ông cần tới sức mạnh của Thiên Chúa để được cứu độ.

(theo de.rv 16.06.2017 mg)

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 6, 2017