„Hãy Cầu Nguyện Cho Những Kẻ Tham Nhũng!“ – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 10.11.2017)

Bài Tin Mừng hôm nay nói về một hành vi bất lương đến sỗ sàng, mà nó vẫn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày: một nhân viên quản lý để cho tiền bạc của chủ mình bị thất thoát, đút giấu trong túi riêng – tuy nhiên, khi anh ta mất chức, thì anh ta vẫn không thay đổi, nhưng trái lại, anh ta tiếp tục thực hiện hành vi bất lương của mình, thậm chí còn thực hiện với sự hỗ trợ của những kẻ khác. Đó quả thực là một „đường dây tham nhũng“ – Đức Thánh Cha đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Như vừa nói ở trên, bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Lu-ca nói về viên quản lý bất lương. Những hành vi sai quấy như thế trong lãnh vực kinh tế đang là điều rất đáng buồn – Đức Thánh Cha nhắc nhớ trong bài giảng của Ngài.

Họ là những kẻ có quyền, đúng không! Khi bọn họ hình thành nên một đường dây tham nhũng thì họ trở nên rất hùng mạnh; thâm chí, họ còn thực hiện những hành vi theo kiểu Mafia ngay giữa ban ngày ban mặt. Nhưng đó không phải là câu chuyện cổ tích, không phải là những chuyện hoang đường mà chúng ta chỉ thấy trong những cuốn sách cổ: chúng ta thấy chúng hằng ngày trên báo chí, đúng là hằng ngày!“ Đức Thánh Cha cho biết rằng, điều đó diễn ra cách đặc biệt nơi những kẻ nắm giữ chức vụ quản lý tài sản công. Vì, „hiếm ai đối xử cách cẩu thả với tài sản riêng của mình cả, trái lại, còn bảo quản nó cách kỹ càng là đàng khác.“

Trong cách xử sự với tài sản riêng của mình thì con cái thế gian khôn lanh hơn con cái sự sáng: đó là kết luật mà Chúa Giê-su đã đưa ra trong Tin Mừng. Nhưng, sự dễ dàng bị mua chuộc và sự ma mãnh của „con cái thế gian“ cũng có thể được thể hiện với sự lịch sự và với những đôi găng tay bằng lụa – Đức Thánh Cha giải thích. Tuy nhiên, phải chăng – Đức Thánh Cha đặt câu hỏi – cũng có một „sự tinh khôn Ki-tô giáo“?

Nhưng nếu những kẻ tinh khôn này là các Ki-tô hữu  - nhưng không, Cha sẽ không nói đó là các Ki-tô hữu, vì những kẻ thối nát cũng tự gọi mình là Ki-tô hữu – nếu những kẻ tinh khôn này là những người trung tín với Chúa Ki-tô, thì Cha tự hỏi: phải chăng cũng có một sự tinh khôn trong Ki-tô giáo? Phải chăng cũng có một cách thức hành động đối với những người muốn bước theo Chúa Giê-su, mà với Ngài sẽ không có một sự kết thúc tồi tệ đến độ họ sẽ bị những kẻ khác ăn sống nuốt tươi – hay ăn gỏi, như thân mẫu của Cha vẫn nói?

Liệu có một sự tinh khôn Ki-tô giáo mà nó không phải là tội lỗi, nhưng là một sự gánh mang một điều gì đó cho người khác trong sự phục vụ Thiên Chúa không? Xin thưa rằng có – Đức Thánh Cha trả lời – có sự tinh khôn đó, cụ thể đó là một „sự linh cảm Ki-tô giáo“ để tiến về phía trước mà không bị vướng vào đường dây tham nhũng. Nhưng người ta nên thực hiện điều đó như thế nào? Để thực hiện việc quản lý tài chánh cách tốt đẹp về mặt luân lý, có ba bước: nghi ngờ lành mạnh, suy nghĩ và cầu nguyện. Đức Thánh Cha đã giải thích ba cách thức hành động vừa nêu như sau: thứ nhất: „Nghi ngờ lành mạnh“ đối với những kẻ đưa ra quá nhiều những lời hứa to lớn, chẳng hạn như „những kẻ nói với bạn rằng, hãy đầu tư vào ngân hàng của tôi rồi tôi sẽ trả lãi cho bạn gấp đôi“. Thứ hai: „Suy nghĩ“ khi phải đối diện với những cơn cám dỗ của ma quỷ, vì nó biết rất rõ những yếu đuối của chúng ta. Và thứ ba: cầu nguyện.

Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết tinh khôn, chúng ta hãy xin Ngài ban cho chúng ta ơn tinh khôn Ki-tô giáo. Nếu người Ki-tô hữu không thể thực hiện được điều đó thì quả là ngây thơ. Với tư cách là những Ki-tô hữu, chúng ta có một kho tàng trong mình: kho tàng đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải bảo trì kho tàng đó. Và một kẻ ngây thơ sẽ đánh mất Thánh Thần. Một Ki-tô hữu không thể cho phép mình trở nên ngây thơ.“

Hãy cầu nguyện cho những kẻ tham nhũng!

Nhưng đừng chỉ cầu xin cho được ơn tinh khôn Ki-tô giáo cũng như ơn linh cảm Ki-tô giáo, Đức Thánh Cha khuyên: „Đây cũng là một cơ hội tốt để cầu nguyện cho những kẻ tham nhũng. Người ta nói về khói bụi gây ô nhiễm môi trường, nhưng cũng có một loại khói bụi gây biến chất trong xã hội. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những kẻ tham nhũng: ước chi những kẻ hèn hạ này sẽ tìm thấy được con đường để đi ra khỏi sự tù túng mà chính họ đã muốn đi vào.“

(theo de.rv 10.11.2017 cs)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2017