Giải Nobel Cho Sự Càm Ràm – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 11.12.2017)

 

Sa mạc và đất khô cằn hãy mừng vui, hoang địa hãy hoan lạc và trổ bông!“: đó là cung giọng của niềm hy vọng và của sự đợi chờ mà Ngôn Sứ Isaia đã mời gọi trong Bài Đọc I của Phụng Vụ thứ Hai vừa qua (Is 35,1-10). Và Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã tiếp nhận cung giọng trên khi Ngài giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm cùng ngày tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican: „Thiên Chúa đã đến để an ủi chúng ta“ – Đức Thánh Cha giảng, và Ngài đã liên hệ tới Thánh Ignatio Loyola, Người đã khuyên các Tu Sĩ Dòng Tên hãy chiêm ngưỡng niềm an ủi của Chúa Ki-tô.

Nhưng việc để cho mình được an ủi là điều không hề dễ dàng; an ủi người khác thì dễ hơn là để cho chính mình được an ủi. Vì chúng ta thường có xu hướng bám vào những điều tiêu cực, bám vào vững vết thương tội lỗi nơi chúng ta, và thường ngấm ngầm thích thú với việc để cho tất cả như cũ. Vì thế, chúng ta thường thích nằm lỳ trên chiếc băng ca để nói với Tin Mừng, chứ không chịu đứng lên. Nhưng Lời của Chúa Giê-su thì luôn luôn có nội dung: Hãy đứng dậy!

Bài Tin Mừng trong ngày (Lc 5,17-26) thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành một người bại liệt. Bệnh nhân này được một số người cáng đến với Chúa Giê-su. Nhưng vì họ đã không thể đưa được bệnh nhân đến với Ngài theo cách thông thường, nên họ đã phải rỡ mái nhà ra để thả bệnh nhân từ trên đó xuống trước mặt Ngài. Chúng ta thường là những „ông chủ trong những điều tiêu cực nhưng lại là những kẻ hành khất trong những điều tích cực“ – Đức Thánh Cha giải thích. Việc phải ăn mày sự an ủi là điều không ai trong chúng ta thích cả.

Chúng ta thích chăm sóc cho những mối ác cảm, cho những điều cay cú và cho sự bực tức của mình. Hoặc cũng có thể bằng cách này hay cách khác, chúng ta cố làm cho mình khỏi phải đi xin niềm an ủi – với những lời càm ràm. Tiên Tri Giô-na chính là một người „mang giải Nobel về sự càm ràm“. Đức Thánh Cha cho biết rằng, Ngài đã từng quen một vị Linh mục. Vị này luôn luôn than phiền như thể ông „thấy con ruồi trong mỗi ly sữa.“

Hãy nói không với sự cay cú, tức giận, và với sự càm ràm:

Ngài là một Linh mục tốt; rất nhân hậu trong Tòa Giải Tội, như người ta kháo nhau. Và các anh em Linh mục khác đã nói đùa về Ngài rằng, Ngài sẽ làm gì khi lên Thiên Đàng ngay sau lúc qua đời. Ngài sẽ không chào hỏi gì Thánh Phê-rô cả, nhưng trước tiên sẽ hỏi: Hỏa ngục ở đâu? – Luôn luôn tiêu cực. – Và rồi Thánh Phê-rô sẽ chỉ cho Ngài thấy hỏa ngục. – Nhưng có bao nhiêu kẻ đang trầm luân trong đó? Chỉ có một sao? Vậy thì ơn cứu độ đã thực sự thất bại… Luôn luôn có một cái gì đó giống như thế. Nhưng khi tận mắt chứng kiến nỗi cay cú, sự hờn giận và sự càm ràm, Lời của Giáo hội hôm nay là: Hãy can đảm! Hãy can đảm!

Những người mang kẻ bị bại liệt đến cho Chúa Giê-su chính là những con người đã thủ đắc được sự can đảm ấy: khi họ rỡ mái nhà ra để đưa người bạn của họ xuống cho Chúa Giê-su, họ đã không nghĩ rằng, các Luật Sĩ sẽ bực tức với họ vì chuyện ấy. Vấn đề đối với họ chỉ đơn giản là giúp đỡ người bạn của mình, và vì thế, họ đã biến niềm can đảm thành một bước đi bất thường.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy để cho mình được an ủi bởi Thiên Chúa, Đấng đang đến. „Và việc để cho Chúa an ủi mình là một điều không hề dễ, vì Ngài sẽ lấy đi tất cả những ích kỷ của chúng ta, tất cả những gì chúng ta đã biến thành một kho báu của mình, chẳng hạn như sự cay cú, sự càm ràm hay những thứ khác. Thật là ích lợi cho chúng ta nếu như hôm nay mỗi người trong chúng ta đều thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm của mình: Con tim của tôi đang thế nào? Tôi có cay cú về một điều gì đó hay không? Hay tôi đang buồn rầu? Cách nói của tôi thế nào – một lời ngợi khen Thiên Chúa, một lời ngợi khen cái đẹp, hay lúc nào cũng chỉ càm ràm? Và chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ơn can đảm, vì Ngài đến với chúng ta để an ủi chúng ta trong sự can đảm. Chúng ta hãy cầu xin Ngài: Lạy Chúa, xin đến an ủi chúng con!

 

(theo de.rv 11.12.2017 sk)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2017