Thinh Lặng Và Cầu Nguyện Thay Vì Gương Mù

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 03.09.2018)

 

Để chống lại việc tìm kiếm „những gương mù“ và „những mối bất hòa“, cần phải có sự thinh lặng và cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Đây là Thánh Lễ ngày thường đầu tiên được Ngài cử hành sau kỳ nghỉ hè của năm nay.

Bài giảng hôm nay của Đức Thánh Cha được khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Lu-ca (Lc 4,16-30). Bài Tin Mừng này thuật lại một trong những hoạt động công khai đầu tiên của Chúa Giê-su. Nó cũng cho thấy Ngài bị người ta xua đuổi như thế nào khi họ bị chọc tức bởi những lời của Ngài.

Chân lý luôn luôn dịu dàng, chân lý hoạt động trong thinh lặng“, và „với những người chỉ muốn tìm kiếm những vụ Scandal và những mối bất hòa“, thì con đường duy nhất mà người ta có thể đi vào, đó là con đường thinh lặng và cầu nguyện – Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Chúa Giê-su được đón nhận với sự bất tín – Đức Thánh Cha chia sẻ tiếp. Và cuối cùng, thậm chí Ngài còn bị người ta xua đuổi nữa. Trình thuật này của Kinh Thánh tạo điều kiện cho các tín hữu „suy nghĩ về cách thức hành động đích thực trong cuộc sống hằng ngày khi có những hiểu lầm“. Vì thế người ta cũng có thể hiểu được „cha đẻ của sự gian dối là gì“, đó là kẻ kết tội, tức ma quỷ, „kẻ chỉ muốn hủy hoại sự hiệp nhất của một gia đình, của một dân tộc“.

Không có Ngôn Sứ nào được vinh dự nơi quê hương mình

Khi Chúa Giê-su bước vào trong Hội Đường, Ngài đã được đón chào với tất cả sự tò mò: Ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến những phép lạ vĩ đại mà Ngài có thể thực hiện. Nhưng Con của Cha Trên Trời lại chỉ sử dụng duy nhất có một điều, đó là „Lời Chúa“, chứ không hề sử dụng đến những cử chỉ gây chú ý khác. Chúa Giê-su luôn hành động như thế khi Ngài „muốn thắng vượt ma quỷ“ – Đức Thánh Cha giải thích.

Chính với thái độ khiêm nhượng như vậy, Chúa Giê-su đã đưa đến „Lời“ có tầm quan trọng trước tiên của Ngài – Đức Thánh Cha giảng giải. Đó là Lời đem đến sự nghi ngại và „đưa đến sự thay đổi bầu khí“. Do đó, người ta đã „chuyển từ hòa bình sang chiến tranh“, chuyển „từ sự ngỡ ngàng sang sự căm phẫn“. Nhưng với „sự thinh lặng của mình“, Chúa Giê-su đã chế ngự được „những con chó hoang“ và chiến thắng „ma quỷ“, kẻ „gieo rắc sự gian dối trong lòng“.

Không phải là những con người, nhưng là một bầy chó hoang đã xua đuổi Chúa Giê-su ra khỏi thành phố. Chúng không lý luận, nhưng chỉ tru tréo. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã thinh lặng. Chúng đưa Ngài ra sườn núi để quăng Ngài xuống đó. Bài Tin Mừng kết thúc như sau: „Nhưng Ngài băng qua giữa chúng mà đi“. Phẩm cách của Chúa Giê-su hệ tại ở chỗ là Ngài đã giữ thinh lặng. Sự thinh lặng ấy đã thắng vượt bầy chó hoang, và do đó, Chúa Giê-su đã ngoảnh mặt đi khỏi chúng. Tuy nhiên, thời của Ngài chưa đến. Chúng ta sẽ thấy được điều tương tự trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh: Những kẻ mà trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá, đã ăn mừng Chúa Giê-su và nói với Ngài rằng: „Hoan hô con vua Đa-vít“, thì giờ đây lại hét lên: „Đóng đi nó vào Thập Giá!“. Họ đã thay đổi. Ma quỷ đã gieo rắc sự gian dối trong tầm hồn họ, nhưng Chúa Giê-su đã chiến thắng.

Chân lý luôn hiền dịu

Và chúng ta học được gì ở đây? Nếu một ít người không thấy được chân lý thì rồi họ sẽ thinh lặng mãi.

Sự thinh lặng chỉ chiến thắng nhờ vào Thập Giá. Đó là sự thinh lặng của Chúa Giê-su. Nhưng trong các gia đình, những cuộc thảo luận sẽ thường bắt đầu về chính trị, về thể thao, về tài chính, và rồi điều đó cứ lập đi lập lại mãi, cứ kết thúc rồi lại bắt đầu. Những gia đình ấy sẽ lụi tàn. Trong những cuộc tranh luận ấy, người ta thấy rằng, ma quỷ ở đó, hắn muốn hủy hoại… Vì thế, cần phải thinh lặng. Người ta nên phát biểu ý kiến của mình, và sau đó hãy thinh lặng. Vì chân lý luôn luôn hiền dịu, chân lý luôn luôn thinh lặng, và chân lý không bao giờ lớn tiếng. Điều mà Chúa Giê-su đã thực hiện, không hề đơn giản chút nào; nhưng có phẩm giá của người Ki-tô hữu, tức người được neo chặt vào trong quyền năng của Thiên Chúa. Với những kẻ không có sự thành tâm thiện chí, với những kẻ chỉ thích tìm kiếm những gương mù, chỉ thích những chia rẽ, chỉ thích hủy hoại, kể cả trong gia đình, thì sự thinh lặng sẽ rất cần thiết. Và cũng cần phải cầu nguyện nữa.“

Giá trị chiến thắng của sự phục sinh

Đức Thánh Cha đã khép lại bài giảng của Ngài bằng một lời nguyện:
Xin Chúa ban cho chúng con ơn biết nhận ra khi nào thì chúng con cần phải nói, và khi nào thì chúng con cần phải thinh lặng. Và điều đó xảy ra trong tất cả mọi lãnh vực đời sống: trong lúc làm việc, khi ở nhà, trong xã hội… mọi nơi và mọi lúc trong cuộc sống. Bằng cách đó, chúng con sẽ trở thành những môn đệ tốt hơn của Chúa Giê-su.“

 

(theo Vatican news - 03 September 2018, 11:57)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2018