Người Mục Tử Luôn Thinh Lặng Và Cầu Nguyện Ngay Cả Khi Bị Kết Tội – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 18.09.2018)

 

Trong những khoảnh khắc khó khăn, một vị Mục Tử thường phải đau khổ khi đối diện với những lời kết tội của „viên đại công tố“, nhưng phản ứng lại bằng sự cầu nguyện và bằng sự giới thiệu về đời sống của mình. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Bên cạnh đó, Ngài cũng cực lực lên án việc chạy theo quyền lực cũng như chạy theo ý thức hệ, bởi đó là „những điều sẽ đầu độc tâm hồn chúng ta“.

Khiêm nhường, gần gũi con người và sự cảm thông được thể hiện qua sự hiền hậu và sự trìu mến: những đặc tính đó đã giúp cho Chúa Giê-su có được uy quyền với tư cách là một mục tử - Đức Thánh Cha nhắc nhớ. Và khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như trên đồi Calvariô, thì „Ngài cũng vẫn thinh lặng và cầu nguyện“ – Đức Thánh Cha giảng giải. Như thường lệ, những suy tư hôm nay của Đức Thánh Cha cũng phát xuất từ Bài Đọc trong ngày, cụ thể là bài Tin Mừng theo Thánh Lu-ca. Bài Tin Mừng này tường thuật cho biết Chúa Giê-su đã đem lại sự phục sinh từ cõi chết cho „người con duy nhất“ của một người mẹ và cũng là một bà góa. Chúa Giê-su – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – đã có được uy quyền trước mọi người không phải là nhờ vào những bài giảng của Ngài - vì học thuyết mà Ngài giảng dậy cũng giống như các học thuyết của nhiều nhà thuyết giáo khác -, nhưng nhờ vào việc „Ngài hiền lành và khiêm nhượng trong lòng“. Ngài đã thực nhiều ca chữa lành và nhiều phép lạ mà không gây ra nhiều chú ý, Ngài không giới thiệu mình là „Ngôn Sứ“ hay là „Đấng Messia“, nhưng việc làm của Ngài được ghi đậm dấu ấn bởi „sự cảm thông“, vì Ngài – hoàn toàn trái ngược với các Luật Sĩ – „rất gần gũi với con người“ – Đức Thánh Cha nhận xét.

Trong Tin Mừng, khi Chúa Giê-su không ở bên con người, thì Ngài sẽ ở bên Chúa Cha, trong sự cầu nguyện. Chúa Giê-su đã sử dụng phần lớn cuộc đời của Ngài, cuộc sống công khai của Ngài để lên đường với con người. Sự gần gũi: sự khiêm nhượng của Chúa Giê-su, đó là điều đã trao uy quyền cho Ngài, nó mang đến sự gần gũi với con người. Ngài đụng chạm tới con người, ôm lấy con người, hướng cặp mắt về họ và lắng nghe họ. Và điều đó trao uy quyền cho Ngài.

Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh tới sự „đồng cảm to lớn“ mà Chúa Giê-su đã thể hiện với thân mẫu của người đã chết – Đức Thánh Cha chia sẻ. Vì Chúa Giê-su có „khả năng đồng cảm“, chứ không phải là „nhà lý thuyết“. Người ta cũng có thể nói rằng, Ngài „suy nghĩ với con tim“, và không tách „con tim ra khỏi cái đầu“ – Đức Thánh Cha giải thích.

Và sự đồng cảm này có hai khía cạnh mà Cha muốn nhấn mạnh: sự hiền lành và sự trìu mến. Chúa Giê-su nói: ´Hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng`: Khiêm nhượng, hiền lành. Ngài không chửi bới, không trừng phạt ai. Ngài hiền từ. Luôn luôn hiền từ.“ Nhưng điều đó không có nghĩa là Chúa Giê-su không ở trong tình trạng giận dữ - Đức Thánh Cha nhấn mạnh: „Chúng ta hãy nhớ rằng, khi Ngài thấy Nhà Cha mình bị biến thành trung tâm mua bán, thành nơi đổi tiền… thì Ngài đã nổi giận, Ngài đã lấy dây thừng bện thành roi và xua đuổi tất cả bọn họ. Nhưng vì Ngài yêu mến Thiên Chúa Cha, vì Ngài khiêm nhường đối với Thiên Chúa Cha, nên Ngài mới có khả năng đó.“

Sự trìu mến của Chúa Giê-su:

Thêm vào đó là sự trìu mến của Chúa Giê-su: Vì tuyệt nhiên Ngài đã không đứng từ xa để trao cho người phụ nữ đang khóc một vài lời khuyên, nhưng Ngài đã làm cho những giọt lụy của bà không còn chảy nữa. „Không, Ngài đã đến gần bà, và có lẽ cũng đã đụng tới vai bà, và cũng có thể đã xoa nhẹ trên vai bà. Chúa Giê-su là như thế. Và Ngài cũng đang làm cho chúng ta giống hệt như vậy, vì Ngài gần gũi, ở giữa con người, và là một mục tử“ – Đức Thánh Cha giảng giải. Tuy nhiên, Ngài không phải chỉ là một mục tử như bất cứ mục tử nào, nhưng „là mẫu gương của mọi mục tử, là bức I-côn của mọi mục tử“ mà các Linh mục ngày nay cũng phải học từ đó: „Gần gũi con người“, không „chạy theo những kẻ có thế lực, cũng không đi theo ý thức hệ nào“, tức những điều „đầu độc tâm hồn“ và „không đưa đến bất cứ điều gì tốt lành“. Đúng hơn, các mục tử phải sở hữu „sức mạnh và uy quyền mà Chúa Giê-su đã sở hữu“, cụ thể đó là „khiêm nhượng, hiền từ, có khả năng đồng cảm và trìu mến“ – Đức Thánh Cha giải thích. Chúa Giê-su luôn biểu lộ những đặc tính đó „ngay cả khi mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn“:

Ngay cả khi vào ngày thứ sáu Tuần Thánh người ta xúc phạm Ngài, và hét lên: ´Đóng đinh nó vào Thập giá`, thì Ngài vẫn giữ thinh lặng, vì Ngài có sự cảm thông đối với con người đó, bởi họ đang bị đánh lừa bởi sức mạnh của tiền bạc và của thế lực… Ngài vẫn thinh lặng. Ngài cầu nguyện. Trong những khoảnh khắc khó khăn nhất, khi Ngài bị kết tội bởi những con người, bởi rất nhiều những kẻ có thế lực, với sự hỗ trợ của tên đại công tố viên, thì vị mục tử vẫn cam chịu, vẫn giới thiệu cuộc sống mình cũng như vẫn cầu nguyện. Và Chúa Giê-su đã cầu nguyện. Sự cầu nguyện cũng đã được Ngài thực hiện trên Thánh Giá, với sức mạnh; và chính ở đó Ngài đã có khả năng đến gần và cứu thoát linh hồn tên tội phạm.“

Chúng ta nên đọc lại bài Tin Mừng hôm nay thêm một lần nữa – Đức Thánh Cha mời gọi – để thấy được „uy quyền của Chúa Giê-su“ đến từ đâu, và cầu xin cho tất cả các „vị mục tử của chúng ta cũng đều nhận được ơn thủ đắc uy quyền đó: uy quyền này chính là ơn ban của Chúa Thánh Thần.“

 

(Theo vaticannews.va – 18.09.2018, 11:07)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2018