Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Bao Hàm Tất Cả

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 21.09.2018)

 

Chúa Giê-su đã không chỉ kêu gọi những người đạo đức và những người danh giá bước đi theo Ngài. Thay vì chỉ tay vào tội lỗi của người khác, thì chúng ta đừng quên rằng, Thiên Chúa luôn có Lòng Thương Xót đối với những tội lỗi của chúng ta. Chỉ ai bước đi trên con đường của Lòng Thương Xót, người ấy mới có thể đạt đến được con tim của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Bài giảng hôm nay của Đức Thánh Cha được khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày (Mt 9,9-13). Bài Tin Mừng này nói về viên thu thuế Mát-thêu: người dễ bị mua chuộc; một trong những loại người tồi tệ nhất, người thậm chí sẵn sàng phản bội dân mình vì đồng tiền. Điều đó có thể cho phép nghĩ rằng, trong khi chọn bạn bè, Chúa Giê-su đã không biểu lộ nhiều về mặt trí khôn nhân loại – Đức Thánh Cha giải thích. Chúa Giê-su thường tuyển chọn những người bé nhỏ và thấp hèn. Chẳng hạn như người phụ nữ Samaria hay nhiều người tội lỗi khác, những người ấy đều được Chúa Giê-su đặt làm tông đồ.

Chúng ta chỉ cần nghĩ tới Giáo hội: Biết bao nhiêu Ki-tô hữu, biết bao nhiêu vị Thánh đã được tuyển chọn từ hàng ngũ những người bé nhỏ và thấp hèn“ – Đức Thánh Cha nhắc nhớ. „Và bất cứ Ki-tô hữu nào cũng nên biết về chuyện đó: Tôi được tuyển chọn từ hoàn cảnh nào để trở thành một Ki-tô hữu?... Chúng ta phải luôn luôn ý thức về điều đó – phải ý thức suốt cuộc đời mình! Việc nhớ tới tội lỗi của mình phải luôn luôn đồng hành với chúng ta! Hãy luôn nhớ rằng, Thiên Chúa đã thể hiện Lòng Thương Xót đối với tội lỗi chúng ta, Ngài đã tuyển chọn chúng ta làm Ki-tô hữu và làm tông đồ.“

Lời mời gọi của Chúa không làm cho viên thu thuế trở nên kiêu ngạo:

Và lời mời gọi của Chúa đã không làm cho Mát-thêu trở nên kiêu ngạo – Đức Thánh Cha giải thích tiếp: Ông đã không bắt đầu bận những bộ quần áo đắt tiền, đã không sai khiến người khác, đã không làm ra vẻ mình là „Chef, là lãnh đạo“. Không. Ông chỉ làm một cử chỉ đơn giản là đặt toàn bộ cuộc sống mình vào trong sự phục vụ Tin Mừng.

Khi người tông đồ lãng quên gốc gác của mình, và chỉ còn bận tâm tới bước đường công danh của mình thôi, thì ông sẽ rời xa Thiên Chúa“ – Đức Thánh Cha cảnh báo. „Và rồi ông sẽ trở thành một quan chức. Một vị quan chức có lẽ cũng làm nhiều điều tốt đẹp, nhưng vẫn chỉ là một quan chức không hơn không kém. Ông không còn là một tông đồ nữa, không còn có khả năng mang Chúa Giê-su đến gần người khác nữa. Ông chỉ còn là một người lên những kế hoạch mục vụ, tổ chức tất cả những gì có thể: tóm lại, ông chỉ còn là một thương gia. Có thể đó là một thương gia của Nước Thiên Chúa, vì ông đã quên không còn biết mình đã được tuyển chọn từ hoàn cảnh nào: ông đã quên bẵng gốc gác của mình.“

Thay vì tự xem lại bản thân, thì chúng ta lại có khuynh hướng chỉ tay vào người khác, thích oang oác cái miệng về những tội lỗi của người khác – Đức Thánh Cha than phiền. Và điều đó khiến chúng ta trở nên bệnh hoạn. Vì thế, Đức Thánh Cha khuyên: tốt nhất đừng quên rằng, „khi Thiên Chúa tuyển chọn bạn thì có nghĩa là Ngài đang có dự định cùng với bạn thực hiện một công việc vĩ đại: trở thành Ki-tô hữu là một điều tuyệt vời, một việc vĩ đại!“ Chúng ta là những người đang dừng lại nơi một nửa quãng đường, chúng ta đang xa rời Thiên Chúa vì sự nửa vời cũng như vì sự thiếu thực tâm của mình: vì chúng ta thiếu sự quảng đại.

Sự giận dữ của những người Pha-ri-siêu

Nhưng Mát-thêu đã đi theo tiếng mời gọi của Chúa một cách vô điều kiện – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Thậm chí ông còn thể hiện niềm tôn kính của mình đối với Chúa Giê-su bằng cách dọn một bữa tiệc và mời Ngài tới dự. Và ông cũng mời cả bạn bè của ông đến tham dự bữa tiệc đó nữa: những viên quan ngành thuế và các tội nhân khác giống như ông, „những cặn bã của xã hội thời đó“. Và Chúa Giê-su đã không hề do dự trong việc cùng ngồi vào bàn ăn với họ.

Hiểu được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chính là một huyền nhiệm tuyệt vời nhất:

Đối với những người Pha-ri-siêu trung thành với Lề Luật thì đó là một sự phẫn nộ. Họ gọi các môn đệ lại và bảo: Tại sao thầy của tụi mi lại ngồi ăn chung với những hạng người đó? Ai ngồi ăn chung với những kẻ ô uế, tức những kẻ truyền bệnh cho người khác, thì những kẻ ấy không bao giờ tinh tuyền nữa! Nhưng Chúa Giê-su đã bác bỏ luận điệu của họ: „Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế“ – Ngài chỉ nói như thế. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không dừng lại trước bất cứ ai. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tha thứ tất cả. Lòng Thương Xót ấy chỉ xin bạn một điều là hãy nói: ´Vâng, xin cứu giúp con!`, chứ không xin thêm gì nữa!

Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha đã rút ra một sứ điệp từ những suy tư của Ngài:

Chúa Giê-su nói với những người đang bị sốc vì thái độ của Ngài rằng, chỉ các bệnh nhân mới cần tới bác sĩ chứ những người mạnh khỏe thì không; Ngài muốn Lòng Nhân chứ không cần lễ tế. Hiểu được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chính là một huyền nhiệm; mầu nhiệm cao vời và tuyệt diệu nhất chính là con tim của Thiên Chúa. Nếu bạn muốn xâm nhập con tim của Thiên Chúa thì bạn hãy bước đi trên con đường nhân hậu, cũng như hãy để cho lòng nhân hậu được xảy ra với chính bạn.

 

(Theo vaticannews.va – 21.09.2018, 13:06)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2018