Duy Trì Sự Hiệp Nhất Nhờ Hòa Bình

(Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 26.10.2018)

 

Trong Thánh Lễ vào sáng thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng xoay quanh Bài Đọc I, tức bài trích thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Ê-phê-sô, trong đó Thánh Nhân mời gọi các tín hữu hãy duy trì sự hiệp nhất của Thần Khí.

Từ trong ngục, Thánh Phao-lô đã viết một bức thư cho các tín hữu Ê-phê-sô, và mời gọi họ hãy „trở nên khiêm nhượng, hiền hậu và kiên nhẫn“ (Eph 4,1-6). Trong mối liên hệ đến đoạn văn Kinh Thánh nêu trên, Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ rằng, trong hoàn cảnh bị cách ly vì tù đầy, Thánh Phao-lô đã viết cho các Ki-tô hữu một „Thánh Thy thực sự về sự hiệp nhất“: Người ta nên chịu đựng lẫn nhau „trong Đức Ái“.

Xây dựng nền hòa bình thế giới bằng những cử chỉ nho nhỏ

Nhưng trong cặp mắt của Đức Thánh Cha, bức thư gửi tín hữu Ê-phê-sô không chỉ mang chiều kích đại kết. Qua bài giảng của mình, Ngài nhắc nhớ rằng, trong thời đại ngày nay, những cuộc xung đột và những cuộc tranh chấp đang gây ảnh hưởng tiêu cực trên cuộc sống chung: „Chúng ta đã quen với việc hít thở bầu khí xung đột“ – Đức Thánh Cha than phiền. „Chúng ta có xu hướng hủy hoại, gây chiến và bất đồng. Đó là khuynh hướng mà kẻ thù và kẻ hủy hoại nhân loại, tức ma quỷ, gieo vào trong tâm hồn chúng ta.“

Nhưng Thánh Phao-lô đã khuyến khích sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong chúng ta để duy trì sự hiệp nhất của Thánh Thần. „Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã khuyên chúng ta hãy làm hòa với những người thù nghịch với mình, hãy trở nên hiền hậu và khiêm nhượng với họ, và đặc biệt là tha thứ cho họ“ – Đức Thánh Cha trình bày. „Với những cử chỉ nho nhỏ ấy, chúng ta có thể kiến tạo một thế giới hòa bình“ – Đức Thánh Cha xác quyết.

Kiến tạo và củng cố sự hiệp nhất trong thế giới ngày nay

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha còn mời gọi các thính giả hãy „kiến tạo“ và „củng cố“ sự hiệp nhất trong thế giới ngày nay. Thế giới này đang phải chứng kiến cảnh tượng các tổ chức quốc tế „cảm thấy bất lực trong việc đạt tới sự hiệp nhất“ để bảo đảm cho sự hòa bình.

Con đường dẫn tới hòa bình trên thế giới và trong mỗi cộng đồng, và kể cả trong các gia đình nữa, được thực hiện bởi ba bước đi mà các Bài Đọc trong ngày nêu ra: Khiêm nhượng, hiền dịu và quảng đại.

Thánh Phao-lô đã phải chịu đựng nỗi cô đơn, và phải gánh chịu cảnh cô đơn ấy cho tới chết tại Rô-ma, „vì các Ki-tô hữu – như Ngài đã khẳng định – đã quá bận rộn“ với những cuộc „tranh chấp nội bộ“ của họ. Ngay cả Chúa Giê-su – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – „trong bữa Tiệc Ly trước khi chịu chết trên Thánh Giá, cũng đã cầu xin Thiên Chúa Cha ban ơn hiệp nhất cho tất cả chúng ta“. Ngày nào người ta cũng nghe và thấy trên ti-vi, và đọc được trên báo chí những tin tức về những cuộc xung đột và chiến tranh. Nhưng sẽ không thể có hòa bình nếu không có sự hiệp nhất. Ngay cả khi – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – „những hiệp ước đã được ký kết“ để chấm dứt một cuộc xung đột, thì sau đó những hiệp ước ấy cũng sẽ lại bị làm ngơ cho tới bao lâu chưa có được sự hiệp nhất thực sự. Bằng cách đó, „sự vũ trang, sự gây chiến và sự hủy hoại sẽ tiếp tục diễn ra“.

Và trong thời kỳ chuyển tiếp, các em nhỏ sẽ không có gì để ăn…

Và trong thời kỳ chuyển tiếp, các em nhỏ trên thế giới sẽ không có đồ ăn, sẽ không được đến trường, không được giáo dục, sẽ thiếu những bệnh viện, vì chiến tranh đã phá hủy tất cả. Luôn có xu hướng hủy hoại, chiến tranh và bất hòa. Đó là xu hướng mà kẻ thù, kẻ phá hoại gieo vào tâm hồn chúng ta: ma quỷ. Trong Bài Đọc I hôm nay, Thánh Phao-lô đã dậy cho chúng ta một cách thức để tiến tới sự hiệp nhất, vì Ngài nói: Sự hiệp nhất được bao phủ, có thể nói rằng, nó được bọc thép bằng hiệp ước hòa bình… Hòa bình sẽ dẫn tới sự hiệp nhất.

 

(theo vatican news – 26.10.2018, 11:10)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2018