Sự Quảng Đại Bắt Đầu Từ Nơi Những Điều Nho Nhỏ

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 26.11.2018)

 

Lối suy nghĩ hưởng thụ sẽ làm cho con người bị nô lệ hóa, còn sự quảng đại sẽ dẫn tới sự can đảm, mà sự can đảm ấy không chỉ cho phép chúng ta nghĩ tới chính bản thân mình, nhưng còn nghĩ tới cả tha nhân nữa. Dù người ta chỉ có thể cho đi một chút xíu, thì điều đó cũng tạo ra sự khác biệt. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như thế khi Ngài giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng, trong Tin Mừng, Chúa Giê-su thường nêu bật sự tương phản giữa giầu và nghèo. Người ta chỉ cần nghĩ tới người phú hộ trong dụ ngôn nói về ông nhà giầu và La-gia-rô nghèo đói cũng đủ để thấy được sự tương phản đó. Chúa Giê-su đã quả quyết rằng, một người giầu có thì khó mà vào được Thiên Đàng: „Khi Chúa Giê-su nói về điều đó, Ngài biết rằng, ông hoàng của thế gian này luôn luôn đứng đàng sau sự giầu có. Người ta chỉ có thể phụng sự một chủ: hoặc là Thiên Chúa, hoặc là sự giầu có.

Sự quảng đại đích thực đến từ niềm tín thác vào Thiên Chúa

Ngay cả bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Lu-ca (Lc 21,1-4) cũng chỉ cho thấy sự tương phản giữa những người giầu „bỏ tiền vào hòm dâng cúng“ với góa phụ nghèo túng „chỉ có hai xu để dâng“ – Đức Thánh Cha giảng giải. Nhưng những người giầu có ấy khác với viên phú hộ: „Họ không xấu xa; họ đến nhà thờ và dâng cúng“. Vậy thì đó là một sự tương phản khác. Chúa Giê-su còn muốn nói với chúng ta về một điều gì đó khác hơn nữa khi Ngài nhấn mạnh rằng, góa phụ ấy đã dâng cúng nhiều hơn những người kia: „Bà đã dâng cúng toàn bộ nguồn sinh nhai của mình.“ Ở đất nước Do-thái ngày xưa, những góa phụ, những cô nhi, những người tị nạn và những khách ngoại kiều đều là biểu tượng cho sự nghèo nàn túng quẫn nhất trong số những người nghèo – Đức Thánh Cha giải thích. Và một người trong họ - một góa phụ „hầu như không có được điều cần thiết nhất để sống“ – lại rất quảng đại. Họ có lòng tín thác vào Thiên Chúa, họ dám cho đi tất cả, vì đối với họ, Thiên Chúa quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác – Đức Thánh Cha nhấn mạnh: „Sứ điệp của Bài Tin Mừng này chính là một lời mời gọi trở nên quảng đại.

Mong muốn làm điều tốt lành

Khi tận mắt chứng kiến tất cả những nỗi bất hạnh trên trái đất, - đặc biệt là nỗi bất hạnh của những con người phải thiếu thốn cả những điều cần thiết nhất trong cuộc sống, hay những người phải đói khát -, thì tất nhiên người ta phải tự tra vấn xem, người ta có thể làm gì – Đức Thánh Cha khuyên nhủ. Ở đây, vấn đề không phụ thuộc vào chuyện người ta có thể cho đi bao nhiêu: „Dẫu người ta chỉ có thể làm được một chút thôi, thì điều đó cũng rất quan trọng rồi, giống như hai đồng xu của góa phụ nghèo túng.

Chúng ta hãy sống quảng đại. Quảng đại là một điều gì đó mà chúng ta luôn luôn phải nghĩ tới mỗi ngày: Tôi có thể sống quảng đại như thế nào, đối với những người nghèo, những người cùng khốn…, tôi có thể giúp họ nhiều hơn được không?... Và rồi sẽ xuất hiện ngay cớ thoái thác này: ´Nhưng cả chúng ta đây cũng hầu như chẳng có được một bạc cắc nào dư ra lúc cuối tháng!` Tuy nhiên, vấn để ở đây hoàn toàn không phải là những cử chỉ to lớn. Chỉ còn vài ba xu dư ra đúng không? Với vài ba xu đó người ta vẫn có thể sống quảng đại“ – Đức Thánh Cha giải thích. „Vấn đề ở đây là những điều nho nhỏ: Chúng ta hãy nhìn chung quanh nhà chúng ta xem – chẳng hạn như nhìn vào cái tủ đựng đồ của mình: tôi có bao nhiêu đôi giầy? Một, hai, ba, bốn, mười lăm hay hai chục…? Như thế thì quá nhiều rồi! Cha đã từng gặp một Giám mục, ông ta có tới bốn chục đôi giầy… Nếu bạn có quá nhiều giầy như thế, thì bạn nên cho người khác một nửa số đó. Tôi đang có bao nhiêu bộ quần áo mà tôi không hề mặc tới – có lẽ cả năm trời tôi mới chợt nghĩ tới một lần? Đó cũng là một cách để sống quảng đại: điều mà người ta có để chia sẻ với người khác.

Căn bệnh của thời đại chúng ta: lối nghĩ hưởng thụ

Đức Thánh Cha đã kể ra một phụ nữ như là một mẫu gương cho sự quảng đại. Trong lúc đi mua sắm tại siêu thị, người phụ nữ ấy luôn luôn nghĩ tới người nghèo, và luôn dành ra „một phần mười“ đồ mua sắm của bà để cho người nghèo.

Sự quảng đại sẽ tạo ra những phép lạ. Sự quảng đại của những điều nho nhỏ, của những điều ít ỏi. Có lẽ chúng ta đang thiếu những cử chỉ như thế, vì đơn giản là chúng ta không nghĩ tới điều đó. Sứ điệp của Tin Mừng sẽ xác định cách nghĩ của chúng ta: tôi có thể sống quảng đại như thế nào? Ít nhất là một cái gì đó dư thừa, một chút gì đó nho nhỏ… Nhưng còn có một căn bệnh khác, nó ngược lại với sự quảng đại: căn bệnh của lối nghĩ hưởng thụ. Nếu chúng ta càng mua sắm nhiều đồ đạc thì chúng ta càng muốn có nhiều hơn nữa…

Đức Thánh Cha còn nêu ra một ví dụ khác về ngành du lịch mua sắm mà Ngài đã hiểu rất rõ ngay từ hồi Ngài còn ở Buenos Aires. Ở đó người ta giới thiệu về những chuyến du lịch cuối tuần chỉ để mua sắm.

Đó là căn bệnh lớn của thời đại chúng ta: lối nghĩ hưởng thụ! Cha không có ý nói rằng, tất cả chúng ta đều sa vào đó, không! Nhưng lối nghĩ hưởng thụ, tức lối suy nghĩ khiến chúng ta mua sắm nhiều hơn là chúng ta cần, biểu lộ một sự thiếu kỷ luật: và đó là kẻ thù của sự quảng đại. Sự quảng đại về vật chất thì ngược lại. Sự quảng đại ấy cũng nghĩ tới người nghèo và nói: tôi có thể cho người khác để họ có cái gì đó để ăn hay để mặc… Một hành vi như thế sẽ mở rộng con tim, sẽ dẫn tới sự can đảm.

Bước đi nho nhỏ từ sự quảng đại tới sự can đảm

Trước khi kết thúc bài giảng của mình, Đức Thánh Cha còn nhắc nhớ rằng, cần có một con tim to lớn mà trong đó cũng có cả chỗ cho những tha nhân của chúng ta:

Những người giầu dâng cúng tiền bạc đều là những người tốt; nhưng người góa phụ kia lại là một vị Thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi kiếp nạn suy nghĩ hưởng thụ, bởi kiếp nạn ấy sẽ biến chúng ta thành những tên nô lệ. Chúng ta cũng hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta ơn quảng đại, vì sự quảng đại sẽ mở rộng con tim và làm cho chúng ta trở nên hào hiệp.“

 

(theo vatican news – 26.11.2018, 13:06)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2018