Đức/Trung Hoa: Em Bé Cải Biến Gen Sẽ Là Một Thảm Họa

 

Cách nay không lâu, một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã cho biết rằng, ông đã cho ra đời một cặp song sinh cải biến Gen. Trước thông tin đó, trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Vatican News của Tòa Thánh Vatican, Đức Cha Anton Losinger, phụ tá của Giáo phận Augsburg, Đức Quốc, đã nói rằng, không thể nào chấp nhận được việc cho ra đời một em bé như thế, tức một em bé cải biến Gen.

Cho tới nay, nhiều người vẫn nghi ngờ và cho rằng, chuyện một em bé được sinh ra với phương pháp cải biến Gen là một thông tin bịa đặt, bởi chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng, một em bé được sinh ra với phương pháp ấy đang hiện hữu. Nhưng nếu như chuyện đó là có thật thì đó sẽ là một thảm họa. Vị Giám mục phụ tá của Giáo phận Augsburg đã đánh giá như thế về bản tin phát xuất từ Trung Quốc. Hiện tại, Đức Cha Anton Losinger đang là thành viên của Ủy Ban Luân Lý Học thuộc Hội Đồng Giám Mục Đức.

Nếu đúng là một em bé như thế đã được cho ra đời, thì hành vi này đang vi phạm tất cả mọi quy tắc của khoa học – Đức Cha Losinger lên án. „Đó sẽ là một cuộc kinh doanh mạo hiểm trên con người“, là một „sự thí nghiệm vô trách nhiệm trên con người“ – vị chuyên viên về luân lý học của Hội Đồng Giám Mục Đức bày tỏ.

Theo hãng thông tấn AP, ông Hạ Kiến Khuê, một nhà Di Truyền Học và là giáo sư của Đại học Khoa học và Công nghệ Miền Nam Thâm Quyến, Trung Quốc, đã công bố rằng, bằng phương pháp „cắt – dán Gen“, ông đã „điều chỉnh“ các Gen di truyền của bảy phôi, các Gen ấy có khả năng ngăn ngừa Virus HIV. Ông cũng cho biết rằng, những thí nghiệm của mình đã diễn ra trong phạm vi các vụ thụ thai nhân tạo.

Một thí nghiệm vô trách nhiệm trên con người

Trong trường hợp những thông tin đến từ Trung Quốc liên quan đến vụ việc trên là đúng, thì vụ việc này đã xúc phạm đến những quyền lợi của con người trên ba bình diện ngang nhau – Đức Cha Losinger phân tích. Thứ nhất, nhân phẩm bị tấn công ngay trong cốt lõi thẳm sâu nhất của nó, vì kể cả những hậu duệ sau này của em bé đó cũng bị liên lụy tới; thứ hai là câu hỏi liên quan tới mục đích của một chương trình như thế, và điều đó dẫn tới điểm thứ ba, cụ thể là dẫn tới sự ưu sinh học – Đức Cha Losinger nhấn mạnh.

Ngài lên án rằng, hầu như chỉ vì những lý do kinh tế mà nhà khoa học người Trung Quốc kia đã nghiên cứu trong lãnh vực ấy. Đối với Trung Quốc thì trong nghiên cứu này, vấn đề không chỉ là quyền lực chính trị, nhưng cũng còn là những mối lợi rất lớn về kinh tế.

 

(theo vatican news - 28 November 2018, 12:03)

 

Minh Trần

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2018