Đức Thánh Cha Cử Hành Thánh Lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2019

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2019 | Vatican Media

RVA 20/10/2019 G. Trần Đức Anh, O.P.

Chúa nhật 20/10/2019 là Ngày Thế Giới truyền giáo lần thứ 93 và cũng là cao điểm trong Tháng Đặc Biệt về Truyền Giáo đang được Giáo Hội hoàn vũ cử hành với cùng chủ đề là: “Được rửa tội và sai đi: Giáo Hội của Chúa Kitô đang thi hành sứ mạng trên thế giới”.

Trong ý hướng đó, lúc 10 giờ sáng ngày 20/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với 70 hồng y, 120 giám mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa ý nghĩa 3 từ rút từ các bài đọc của Ngày Thế Giới truyền giáo: “núi”, “leo lên”, và sau cùng “tất cả”: là làm cho “tất cả” mọi dân nước trở thành môn đệ của Chúa.

Núi

Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong bài đọc thứ nhất (Is 2,1-5), ngôn sứ Isaia loan báo “Mọi dân nước sẽ lên núi Chúa”: Núi là nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ quan trọng giữa Thiên Chúa và con người, và cũng là nơi Chúa Giêsu đã trải qua nhiều giờ để cầu nguyện (Xc Mc 6,46), liên kết giữa đất và Trời, nối kết các em của Ngài với Chúa Cha... Núi nói với chúng ta rằng: “Chúng ta được mời gọi đến gần Thiên Chúa và tha nhân: gần Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, trong thinh lặng, kinh nguyện, xa tránh những chuyện tầm phào, thói tục “ngôi lê mách lẻo” làm ô nhiễm. Chúng ta cũng được kêu gọi đến gần tha nhân, những người mà, từ trên núi chúng ta nhìn họ trong một góc cạnh khác, theo viễn tượng của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi mọi dân nước: từ trên cao, ta nhìn thấy tha nhân trong một toàn cảnh với nhau, và khám phá thấy rằng sự hòa hợp của vẻ đẹp chỉ có được qua sự kiện cùng chung với nhau”.

Leo lên

Động từ thứ hai, Đức Thánh Cha muốn quảng diễn là “leo lên”. Ngôn sứ Isaia nhắn nhủ chúng ta: “Hãy đến, chúng ta leo lên núi Chúa” (Is 2,3). Chúng ta không sinh ra để ở dưới đất, để hài lòng với những chuyện tầm thường, trái lại, chúng ta sinh ra để đạt tới nơi cao, để gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em. Nhưng để được vậy cần leo lên, cần từ bỏ một cuộc sống nằm ngang, chiến đấu chống lại hấp lực của tính ích kỷ, thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình...

Đức Thánh Cha nói: “Cũng như ta không thể leo núi an toàn nhanh nhẹn nếu mang theo những đồ kềnh càng nặng nề, cũng vậy trong cuộc sống, cần loại bỏ những gì không hữu dụng. Đó cũng là bí quyết của việc truyền giáo: để ra đi cần bỏ lại, để loan báo cần từ bỏ. Lời loan báo đáng tin cậy không phải bằng những lời hoa mỹ, nhưng là bằng cuộc sống tốt lành: một cuộc sống phục vụ, biết từ bỏ bao nhiêu thứ vật chất thu hẹp con tim, làm ta dửng dưng và khép kín vào mình. Một cuộc sống từ bỏ những điều vô ích thường làm cho con tim bị ngộp và nhờ đó chúng ta tìm được thời giờ cho Thiên Chúa và tha nhân...”

Tất cả

Từ thứ 3 Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa là tĩnh từ “tất cả”, tất cả các dân tộc. Thánh Phaolô đã viết: Thiên Chúa muốn “tất cả các dân tộc được cứu độ” (2 Tm 2,4), và Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng: “Các con hãy ra đi làm cho mọi dân tộc trở nên môn đệ của Thầy” (Mt 28,19): Tất cả không trừ một ai”. “Tất cả mọi người, vì không ai bị loại trừ khỏi con tim, khỏi ơn cứu độ của Chúa... Đây chính là ý nghĩa việc truyền giáo: leo lên núi cầu nguyện cho tất cả mọi người và xuống núi để trở thành hồng ân, thành món quà cho tất cả mọi người.”

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Chúa dạy các môn đệ làm cho các dân nước trở thành “môn đệ của Ngài”, của Chúa chứ không phải của chúng ta. Giáo Hội chỉ loan báo tốt đẹp nếu sống như một đệ của Chúa. Và môn đệ hằng ngày theo Thầy, chia sẻ với tha nhân niềm vui được làm môn đệ. Không chinh phục, không ép buộc, không chiêu dụ tín đồ, nhưng làm chứng, đặt mình ở cùng trình độ, môn đệ với môn đệ, với tình thương trao tặng tình thương chúng ta đã nhận lãnh”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Anh chị em thân mến, mỗi người chúng ta có và là “một sứ mạng trên trái đất này (E.G 273). Chúng ta ở đây là để làm chứng, chúc lành, an ủi, đứng lên, thông truyền vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Hãy can đảm lên, Chúa đang mong đợi rất nhiều nơi bạn! Chúa lo lắng cho những người chưa trở thành con cái được Chúa Cha yêu thương, thành những người anh em mà Chúa đã hiến mạng và ban Thánh Linh. Bạn có muốn làm dịu bớt nỗi lo âu của Chúa Giêsu không? Với lòng yêu thương, bạn hãy đến với mọi người và đời bạn là một sứ mạng quý giá: đó không phải là một gánh nặng phải chịu, nhưng là một món quà đệ trao tặng. Hãy can đảm lên, đừng sợ: chúng ta hãy đến với tất cả mọi người!”

Lời nguyện tín hữu

Trong phần lời nguyện chung, với các ý nguyện bằng 5 thứ tiếng, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho đức giáo hoàng, các giám mục và linh mục được ơn say mê Tin Mừng và phần rỗi của mỗi người; cầu cho các chính quyền để họ lắng nghe tiếng kêu của các nạn nhân của bất công, oán ghét và bạo lực; cầu cho những người nghèo và người đau khổ để họ được ơn an ủi của Chúa và cho họ biết chắc chắn Chúa không bao giờ ngoảnh mặt đi, không nhìn con cái của Ngài; cầu cho các thừa sai để họ được ơn kiên vững trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ và là vị duy nhất giải thoát con người; cầu cho tất cả các gia đình để họ được niềm vui hiến thân cho nhau và có khả năng tăng trưởng trong sự chung thủy và tha thứ.

Sau thánh lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo lúc gần 11 giờ rưỡi, đúng 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng căn hộ Giáo Hoàng ở lầu ba dinh Tông Tòa, để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với 40 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nhắc đến ý nghĩa Ngày Thế Giới truyền giáo năm nay và khích lệ các tín hữu ý thức và tích cực tham gia vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, trước tiên bằng đời sống chứng tá, phù hợp với Tin Mừng. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngài nói: “Bài đọc thứ hai của phụng vụ Chúa nhật hôm nay đề nghị với chúng ta lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô nói với cộng tác viên trung tín của ngài là Timôthêô:

“Con hãy loan báo Lời Chúa, dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, hãy răn bảo, khiển trách, nhắn nhủ với lòng quảng đại và giáo huấn” (2 Tm 4,2). Giọng lời thật thống thiết, thánh nhân nhắc nhở Timôthêô phải cảm thấy mình có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, quyết tâm thi hành trong mọi lãnh vực, không loại trừ lãnh vực nào trong cuộc sống. Tâm tình ấy của thánh Phaolô cũng phải là tâm tình của tất cả môn đệ Chúa Giêsu, được kêu gọi trở thành chứng nhân Tin Mừng thời nay, giữa lòng nhân loại, nhiều khi trái nghịch, nhưng được Thiên Chúa yêu thương vô biên.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Ngày Thế giới truyền giáo được cử hành hôm nay là một cơ hội thuận tiện để mỗi tín hữu đã chịu phép rửa ý thức sinh động hơn về sự cần thiết phải cộng tác vào việc loan báo Nước Thiên Chúa với một quyết tâm mới mẻ. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, cách đây 100 năm, đã mang lại một đà tiến mới cho trách nhiệm truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, khi Ngài công bố Tông Thư Maximum illud. Đức Giáo Hoàng nhận thấy cần phải tái đề cao giá trị sứ mạng truyền giáo trên thế giới, theo tinh thần Phúc Âm, để công cuộc truyền giáo này được thanh tẩy khỏi mọi vết tích thực dân và không phải chịu ảnh hưởng của những chính sách bành trướng của các nước Âu Châu.

Áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay

“Trong bối cảnh thay đổi ngày nay, sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV vẫn còn thời sự và khích lệ vượt thắng cám dỗ của mọi thứ khép kín tự tham chiếu và mọi hình thức bi quan về mục vụ, để cởi mở đối với sự mới mẻ vui tươi của Tin Từng. Thời đại chúng ta ngày nay đang chịu ảnh hưởng của sự hoàn cầu hóa, lẽ ra phải liên đới và tôn trọng những nét đặc thù của các dân tộc, nhưng người ta vẫn còn phải chịu đựng sự chấp thuận và những xung đột cố hữu về quyền bính, nuôi dưỡng chiến tranh và làm hư hỏng trái đất. Trong bối cảnh đó, các tín hữu Kitô được kêu gọi mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đi khắp tới, với một đà tiến mới; trong Chúa Giêsu, Tin Mừng ấy, lòng thương xót chiến thắng tội lỗi, hy vọng chiến thắng sợ hãi và tình huynh đệ chiến thắng sự đố kỵ. Vấn đề ở đây là mạnh mẽ cảm thấy tiếng gọi truyền giáo cho tất cả mọi dân tộc và đối với những người sống ngoài lề cạnh chúng ta.”

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chính từ tình huynh đệ của chúng ta, được sống với niềm tin và bác ái, nảy sinh sức mạnh và sự thúc đẩy thi hành sứ mạng truyền giáo. Sống tình huynh đệ chỉ trong cái vòng khép kín có nghĩa là bóp nghẹt Thần Trí, vốn làm cho chúng ta hiệp nhất để loan báo cho mọi người rằng Chúa Kitô là an bình của chúng ta, nơi Ngài, mọi chia rẽ được khắc phục, chỉ trong Người mới có ơn cứu để mỗi người và mỗi dân tộc.”

Đề cao tầm quan trọng của cầu nguyện

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: “Để sống trọn vẹn sứ mạng truyền giáo, có một điều kiện không thể thiếu được, đó là cầu nguyện, cầu nguyện sốt sắng và không ngừng, theo giáo huấn của Chúa Giêsu được công bố trong Tin Mừng hôm nay, trong đó Chúa Giêsu kể lại dụ ngôn về “sự cần thiết phải cầu nguyện không ngừng, không bao giờ mệt mỏi” (Kc 18,1). Thực vậy, cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên để loan báo! Các thừa sai, trước tiên là những người nam nữ cầu nguyện, họ nuôi dưỡng đức tin bằng sự gắn bó mật thiết với Chúa, để đương đầu vơi những khó khăn trong việc loan báo Tin Mừng. Đồng thời, kinh nguyện là sự nâng đỡ đầu tiên của Dân Chúa dành cho các thừa sai, với tất cả lòng quý mến và biết ơn vì công tác khó khăn của các vị loan báo, trao ban ánh sáng và ân sủng của Tin Mừng cho những người chưa được đón nhận.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Xin Mẹ Maria, Mẹ của muôn dân, đồng hành và hằng ngày bảo vệ các thừa sai của Tin Mừng”.

Chào thăm

Sau kinh Truyền Tin và phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha đã nhắc đến lễ phong chân phước chiều Thứ Bảy 19/10/2019 vừa qua tại nhà thờ chính tòa giáo phận Crema, bắc Italia, cho cha Alfredo Cremonesi tử đạo năm 1953 tại Miến Điện. Ngài nói: “Cha là một tông đồ hòa bình không biết mệt mỏi và là chứng nhân nhiệt thành của Tin Mừng. Ước gì tấm gương của Cha thúc đây chúng ta trở thành những người xây dựng tình huynh đệ và là những thừa sai can đảm trong mọi môi trường; Ước gì sự chuyển cầu của Cha nâng đỡ những người đang vất vả hiện nay để gieo vãi Tin Mừng trên thế giới. Tất cả chúng ta cùng nhau vỗ tay mừng Chân Phước Alfredo!

Đức Thánh Cha đặc biệt chào thăm các tín hữu Công Giáo Peru tụ họp tại Roma để tôn kính Ảnh Chúa làm phép lạ, và ngài cũng nhắc đến các thiếu niên Công giáo tiến hành Italia nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập phong trào này.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2019