Đức Thánh Cha: Những xiềng xích vì Tin Mừng của thánh Phaolô trở thành một dụng cụ truyền giáo hữu hiệu

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung 11/12/2019 | Vatican Media

RVA 12/12/2019 G. Trần Đức Anh, O.P.

Lúc gần 9 giờ rưỡi sáng Thứ Tư, ngày 11/12/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 8 ngàn tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Vì trời trở lạnh nhiều, nên ngài không tiếp kiến tại Quảng trường Thánh Phêrô như những tuần lễ trước đây.

Buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua một số câu trong đoạn 26 sách Tông Đồ Công Vụ, ghi lại những lời biện hộ của thánh Phaolô khi bị giải tới trước Vua Agrippa, do những lời cáo buộc của người Do thái oán ghét thánh nhân (Cv 26,22-23).

Tiếp đến, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ công vụ. Bài thứ 18 này có tựa đề là: “Chút nữa thì ông thuyết phục được tôi trở thành Kitô hữu!” (Cv 26,28). Thánh Phaolô tù nhân trước mặt vua Agrippa.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục hành trình của Tin Mừng trong thế giới, như được sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại, và chứng từ của thánh Phaolô ngày càng mang đậm dấu tích đau khổ. Phaolô không phải chỉ là người loan báo Tin Mừng đầy lòng nhiệt thành, nhưng còn là một thừa sai can đảm giữa dân ngoại, thánh nhân khai sinh những cộng đoàn Kitô mới, nhưng cũng là chứng nhân đau khổ của Chúa Phục Sinh (Xc. Cv 9,15-16)

Thánh Phaolô đến Jerusalem và bị bắt

Việc Thánh Tông Đồ đến Jerusalem, như được mô tả trong chương 21 của Tông Đồ Công Vụ, đã tạo nên một sự oán ghét khốc liệt đối với Ngài. Giống như trường hợp Chúa Giêsu, Jerusalem cũng là thành thị đố kỵ thánh nhân. Khi vào Đền thờ, thánh nhân bị phát hiện, bị giải ra bên ngoài để bị phanh thây, nhưng ngài được những người lính La Mã cứu kịp. Thánh nhân bị tố cáo về tội chống lại Luật và đền thờ, bị bắt và bắt đầu bị giải đi như tù nhân, trước tiên tới Thượng Hội Đồng Do thái, rồi trước vị pháp quan La Mã ở thành Cesarea, sau cùng trước vua Agrippa. Thánh Luca làm nổi bật sự tương đồng giữa thánh Phaolô và Chúa Giêsu. Cả hai vị đều bị các đối thủ oán ghét, bị cáo buộc công khai và được nhà cầm quyền La Mã nhìn nhận là vô tội, và thế là thánh Phaolô được kết hiệp với cuộc khổ nạn của Thầy, và cuộc khổ nạn của thánh nhân trở thành một Tin Mừng sinh động.

Biện hộ trước mặt vua Agrippa

Thánh Phaolô được kêu gọi tự bào chữa chống lại những lời cáo buộc, và sau cùng, trước mặt vua Agrippa II, lời biện hộ của thánh nhân biến thành một chứng từ đức tin hiệu nghiệm (Cv 26,1-23). Cả khi nói về mình, thánh Phaolô đều loan báo và chứng tỏ Chúa là trung tâm mọi sự, nhất là của tâm hồn thánh nhân. Trong bài diễn văn trước mặt nhà vua, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết của ngài với Israel: với những người biệt phái, thánh nhân chia sẻ niềm hy vọng phục sinh, và trong tư cách là Kitô hữu, ngài loan báo rằng niềm hy vọng phục sinh ấy được hoàn thành trong Chúa Kitô.

Rồi thánh Phaolô kể lại cuộc trở lại của Ngài: Chúa Kitô Phục Sinh đã làm cho ngài trở thành Kitô hữu và ủy thác cho ngài sứ mạng truyền giáo nơi dân ngoại, “để họ từ tối tăm trở về với ánh sáng, từ quyền lực của Satan trở về cùng Thiên Chúa, và để họ được ơn tha thứ tội lỗi và được gia sản, giữa những người được thánh hóa nhờ lòng tin” nơi Chúa Kitô (v.18). Thánh Phaolô đã tuân hành trách vụ ấy và không làm gì khác hơn là chứng tỏ, như các ngôn sứ và Môsê đã tiên báo, điều mà nay chính ngài loan báo: đó là “Đức Kitô phải chịu nhiều đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, đã loan báo ánh sáng cho dân tộc và dân ngoại” (v. 23). Chứng từ hăng say của thánh Phaolô đánh động tâm hồn của Agrippa, và chỉ thiếu một chút là vua tiến tới bước quyết định: “Chút nữa thì ông đã thuyết phục được tôi trở thành Kitô hữu!” (v.28). Thánh Phaolô được tuyên bố là vô tội, nhưng không thể được trả tự do và ngài khiếu nại với Hoàng đế. Và thế là cuộc hành trình của Lời Chúa không thể bị chặn lại, và tiến về Roma.

Xiềng xích của thánh Phaolô

“Từ lúc ấy, dung mạo của thánh Phaolô là một tù nhân mang xiềng xích, như dấu chỉ lòng trung thành của ngài đối với Tin Mừng và về chứng tá đối với Chúa Phục Sinh. Thánh nhân đã từng chịu xiềng xích ở thành Philiphê (Xc. Cv 16,23) và ý thức rõ những xiềng xích khác đang đợi ngài, như thánh nhân đã tâm sự với các kỳ lão thành Ephêsô: “Thánh Linh, từ thành này sang thành khác, làm chứng rằng xiềng xích và đau khổ đang chờ đợi tôi” (Cv 20,23)

“Xiềng xích chắc chắn là một thử thách tủi nhục đối với Thánh Tông Đồ. Trước mặt người đời, ngài bị coi như một “kẻ gian ác bất lương” (2 Tm 2,9). Nhưng tình yêu của thánh nhân đối với Chúa Kitô mạnh mẽ đến độ cả những xiềng xích ấy cũng được nhìn với nhãn giới đức tin. Đối với thánh Phaolô, đức tin “không phải là một lý thuyết, một ý kiến về Thiên Chúa và về thế giới”, “nhưng là tác động của tình yêu Chúa đối với tâm hồn [..], là tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô” (Biển Đức 16, Bài giảng nhân dịp Năm Thánh Phaolô, 28-6-2008). Những xiềng xích của thánh Phaolô là xiềng xích vì Tin Mừng” (Fm 13), trở thành một dụng cụ truyền giáo hữu hiệu: những xiềng xích ấy có công hiệu khích lệ các tín hữu trong Chúa hãy “loan báo Lời Chúa không chút sợ hãi” (Pl 1,14) và xiềng xích ấy có sức “sinh sản”, đến độ thánh Phaolô có thể nói mình là cha tinh thần của Onesimo, khi ngài quả quyết là đã “sinh ra ông trong xiềng xích” (Fm 10). Ngoài ra, xiềng xích có thể cầm giữ người rao giảng, nhưng không có quyền lực gì trên Lời Chúa, Lời tuyệt đối tự do (Xc. 2 Tm 2,9) và rong ruổi ra đi để biến đổi lịch sử.”

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, thánh Phaolô dạy chúng ta hãy kiên trì trong thử thách và hãy có khả năng đọc mọi sự dưới con mắt đức tin. Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Tông Đồ, hồi sinh niềm tin của chúng ta và xin Chúa giúp chúng ta trung thành cho đến cùng với ơn gọi làm môn đệ thừa sai.

Chào thăm các tín hữu

Buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm lược bài huấn dụ của Đức Thánh Cha bằng nhiều ngôn ngữ, cùng với những lời chào thăm của ngài được các linh mục tại Tòa Thánh chuyển dịch cho các khách hành hương.

Đặc biệt với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Hôm 10/12, chúng ta đã cử hành lễ nhớ Đức Mẹ Loreto và Chúa nhật vừa qua, 08/12, chúng ta đã bắt đầu Năm Thánh dâng kính Đức Mẹ Loreto, như bổn mạng của các phi công và những người du hành bằng máy bay. Tôi cầu chúc tất cả anh chị em hãy học cách nhìn cuộc sống từ trên cao, trong viễn tượng trời cao, nhìn mọi dự dưới đôi mắt của Thiên Chúa, qua lăng kính Tin Mừng. Xin Mẹ Maria chăm sóc và dìu dắt anh chị em.”

Khi chào các tin hữu bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta, cùng với nhiều đoàn hành hương khác, một nhóm các bác sĩ chuyên về đo mắt.

Ngài không quên chào thăm các bạn trẻ, người già, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới.

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Thứ Sáu 13/12 này là lễ thánh nữ Lucia, Trinh Nữ tử đạo và Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu chúc tất cả anh chị em được ánh sáng của Chúa Hài Đồng Giêsu, nay đang đến gần, tràn ngập cuộc sống của anh chị em với phúc lành của Chúa.”

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2019