Công Bố Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Ngày Hòa Bình Thế giới 2020

Đức Thánh Cha Phanxicô | Vatican News

RVA 13/12/2019 G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu và những người thiện chí vượt thắng thái độ sợ hãi, thường là nguồn mạch sinh ra xung đột, hãy kiến tạo nền văn hóa gặp gỡ giữa anh chị em để phá vỡ thứ văn hóa đe dọa, nỗ lực sống tình huynh đệ đại đồng như con cái của cùng một Cha trên trời, đó là con đường dẫn đến hòa bình.

Những ý tưởng và lời kêu gọi trên đây được Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 53, sẽ được cử hành vào ngày 01/01/2020 tới đây, về đề tài: “Hòa bình như con đường hy vọng: đối thoại, hòa giải và hoán cải về sinh thái”.

Sứ điệp được chia làm nhiều đoạn, qua đó, Đức Thánh Cha lần lượt đề cập đến:

1. Hòa bình, con đường hy vọng đứng trước những chướng ngại và thử thách

2. Hòa bình, con đường lắng nghe dựa trên ký ức, tình liên đới và huynh đệ

3. Hòa bình, con đường hòa giải trong tình hiệp thông huynh đệ

4. Hòa bình, con đường hoán cải về phương diện sinh thái

5. Sau cùng là “Chúng ta đạt được như chúng ta hy vọng”.

Nguyên nhân gây ra chiến tranh

Trong số những ý tưởng nổi bật của sứ điệp, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng “chiến tranh nảy sinh trong con người do ích kỷ và kiêu căng, do oán ghét dẫn tới sự hủy hoại, khép kín tha nhân trong một hình ảnh tiêu cực, loại trừ và tiêu diệt họ. Chiến tranh được nuôi dưỡng bằng những tương quan xấu xa, những tham vọng bá quyền, lạm dụng quyền hành, sợ hãi người khác và sợ sự khác biệt như một chướng ngại và đồng thời nó nuôi dưỡng tất cả những điều vừa nói” (1). Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Chúng ta phải tiếp tục theo đuổi một tình huynh đệ chân thành, dựa trên nguồn gốc chung từ Thiên chúa và được thực hiện trong sự đối thoại và tín nhiệm nhau. Ước muốn hòa bình là điều được ghi khắc sâu đậm trong tâm hồn con người, và chúng ta không được cam chịu tất cả những gì trái ngược với hòa bình”.

Thế giới cần những chứng nhân xác tín

Trong một đoạn khác, Đức Thánh Cha xác quyết rằng “Thế giới không cần những lời nói trống rỗng, nhưng cần những chứng nhân đầy xác tín, cần những người xây dựng hòa bình, cởi mở đối thoại, không loại trừ hoặc lèo lái. Thực vậy, chúng ta không thể đạt tới hòa bình thực sự nếu không có một cuộc đối thoại đầy xác tín giữa những người nam nữ tìm kiếm chân lý, vượt lên trên những ý thức hệ và những ý kiến khác biệt... Trong sự lắng nghe nhau, ta cũng có thể gia tăng sự hiểu biết và quý chuộng tha nhân, đến độ nhìn nhận nơi kẻ thù khuôn mặt của một người anh em”.

Tôn trọng và bảo vệ môi trường

Trong tiến trình tìm kiếm hòa bình, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Đứng trước những hậu quả thái độ đố kỵ đối với tha nhân, thiếu tôn trọng căn nhà chung của chúng ta và khai thác lạm dụng các tài nguyên thiên nhiên, những tài nguyên này được coi như những dụng cụ hữu ích chỉ với mục đích để đạt được những lợi lộc hôm nay, mà không tôn trọng các cộng đoàn địa phương, không tôn trọng công lich và thiên nhiên - chúng ta cần hoán cải về mặt sinh thái.. Sự hoán cải này đưa tới một cái nhìn mới về đời sống, để ý đến lòng quảng đại của Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trái đất và nhắc nhở chúng ta hãy sống điều độ, vui tươi trong tinh thần chia sẻ... sự hoán cải này phải được hiểu một cách toàn diện, như một sự biến đổi các tương quan của chúng ta với các anh chị em, với những sinh vật khác, với thiên nhiên trong sự khác biệt rất phong phú, với Đấng Tạo Hóa là nguồn mạch mọi sự sống. Đối với các tín hữu Kitô, sự hoán cải này đòi phải làm nổi lên tất cả những hệ quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong các tương quan với thế giới”. (SS.Vat 12-12-2019)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2019