Viễn Tượng Tiến Triển Trong Mối Quan Hệ Giữa Tòa Thánh và Trung Quốc

Viễn tượng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc vẫn còn xa vời, trái với tin tức của một vài báo chí. Hiện thời tương quan giữa Vatican và Bắc Kinh chỉ giới hạn vào lãnh vực tôn giáo.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican 15 tháng mười hai 2019

Trong những ngày qua, vấn đề quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc lại được báo chí nói đến.

Tuyên bố của Đức Cha Sánchez Sorondo

Hãng tin Prensa latina, truyền đi ngày 10-12-2019, trích thuật báo Global Times, của Nhà Nước Bắc Kinh, đưa tin Chưởng ấn Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về các khoa học xã hội, Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo, tuyên bố rằng sự tín nhiệm ngày càng gia tăng chứng tỏ Trung Quốc và Tòa Thánh sẽ tiến tới giai đoạn thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Theo cùng chiều hướng này vào lúc thích hợp, ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Trung Quốc và đối lại ngài sẽ tiếp kiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Vatican như những người bạn. Đức Cha xác quyết đó là ước muốn của ĐTC Phanxicô.

Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo người Argentina, năm nay 77 tuổi (1942) và đã từng viếng thăm Trung Quốc nhiều lần. Ngài đưa ra những lời tuyên bố trên đây nhân dịp tham dự một Hội nghị quốc tế hôm 7-12 trước đó về việc hiến cơ phận, nhóm tại thành phố Côn Minh (Kuming), thủ phủ tỉnh Vân Nam.

Nhận định của Bộ ngoại giao Bắc Kinh

Trước đó ít ngày, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự hài lòng về sự xích lại gần nhau trong thời gian gần đây với Tòa Thánh, và nói lên sự sẵn sàng từ phía Trung Quốc hỗ trợ những trao đổi song phương quan trọng để tiến đến sự bình thường hóa quan hệ với Tòa Thánh. Phát ngôn viên ấy cũng đánh giá cao việc ĐGH Phanxicô, trong dịp viếng thăm Nhật Bản hồi hạ tuần tháng 11 vừa qua, đã bày tỏ ước muốn viếng thăm Trung Quốc và chính phủ nước này coi đó là một cử chỉ thiện chí và thân hữu. (Prensa latina 10-12-2019)

Tuyên bố trước đây của Đức Cha Sánchez Sorondo

Lập trường tích cực của Đức Cha Sanchez đối với Trung Quốc đã từng được biểu lộ trước đây. Thực vậy, ngày 2 tháng 2 năm 2018, Đức Cha Marcelo Sanchez đã tuyên bố với báo Vatican Insider, ấn bản Tây Ban Nha, sau cuộc viếng thăm tại Trung Quốc, rằng: ”Trong lúc này, tác nhân thực hiện tốt đẹp nhất đạo lý xã hội của Giáo Hội Công Giáo chính là những người Trung Quốc.. Họ quan tâm đến công ích, đặt mọi sự phục vụ cho công ích. Tôi đã gặp một nước Trung Quốc tuyệt vời.. Không có những khu xóm lụp xụp, không có ma túy, người trẻ không sử dụng ma túy, có một ý thức quốc gia rất tích cực, họ muốn chứng tỏ sự việc đã thay đổi, họ chấp nhận quyền tư hữu”.

Đó không phải là lần đầu tiên Đức Cha Sánchez ca ngợi Trung Quốc. Hồi tháng 2 năm 2017 trước đó, trong hội nghị quốc tế về nạn buôn bán cơ phận con người, Đức Cha đã quyết liệt bênh vực Bắc Kinh chống lại những lời cáo buộc các bác sĩ Trung Quốc lấy cơ phận của các tù nhân hoặc những người bị kết án tử hình để ghép cho các bệnh nhân (Asia News 7/2/2018)

Phản ứng của vài chuyên gia

Những nhận định của Đức Cha Sánchez Sorondo về viễn tượng Tòa Thánh và Trung Quốc sắp thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đã tạo nên một số phản ứng dè dặt từ phía một số chuyên gia về vấn đề này.

Cha Cervellera

Cha Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng tin Asia News và từng làm thừa sai của Hội Giáo Hoàng truyền giáo Pime trong 8 năm ở Hong Kong, nói với tạp chí trực tuyến Crux Now rằng ”Những điều Đức Cha Sorondo nói là một điều hy vọng hơn là một thực tại. Nhận định của Đức Cha là do lịch sự và không có nhiều dấu hiệu chứng tỏ có điều gì sắp xảy ra”. Theo Cha Cervelera, để quan hệ chính thức được thiết lập giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, vẫn còn một số vấn đề khúc mắc cần được giải quyết, kể cả việc xác định chức năng của hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, là cơ quan giám sát Giáo Hội Công Giáo công khai được nhà nước Trung Quốc chính thức nhìn nhận, tiếp đến là vai trò của Giáo Hội Công Giáo thầm lặng, trung thành với Tòa Thánh hơn là với Hội Công Giáo yêu nước. Rồi cũng cần thảo luận về vấn đề làm sao để Giáo Hội có khả năng phát triển những dự án nhắm xây dựng công lý và hòa bình. Theo Cha Cervellera, Đức Cha Sorondo có vẻ thúc đẩy Trung Quốc đi thêm những bước tiến.

Nhận định của ông Affatato

Cũng vậy, Ông Paolo Affatato, Giám đốc ban Á châu thuộc hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, cũng nói rằng ”bản thân tôi, tôi không thấy việc lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Tòa Thánh và Trung Quốc là điều sắp xảy ra.. Tuy có những dấu hiệu đáng khích lệ trong quan hệ giữa hai bên, nhưng hiện thời những gì xảy ra thuộc về một tiến trình trong đó, hễ nó càng tiến thì người ta càng có thể nói về quan hệ ngoại giao”.

Ông Affatato nói thêm rằng ”Chúng ta không nên nhìn quá xa về đằng trước, tuy có nhiều thiện chí trong tiến trình này, nhưng sự tiến bộ thực sự đến từ chất lượng cuộc sống của các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc, tuy có tiến bộ nhưng từng bước nhỏ mà thôi”.

Theo Ông Affatato, nỗ lực của ĐTC Phanxicô về Trung Quốc được xây dựng trên những công việc đã được các vị tiền nhiệm thực hiện và mang lại những thành quả tích cực, và đời sống Công Giáo tại Trung Quốc có phần được cải tiến. Tuy nhiên, cha Cervellera nhận xét rằng từ sau khi Tòa Thánh và Trung Quốc ký hiệp định bí mật với nhau về việc bổ nhiệm GM hồi năm ngoái, chửa có gì thay đổi, đúng hơn, tình hình các tín hữu Công Giáo trở nên đồi tệ hơn. Vấn đề là Trung Quốc vẫn còn phải đối đầu với vấn đề chia rẽ nội bộ về phản ứng đối với ĐGH Phanxicô: có những người cho rằng Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc có thể hiện diện bao lâu còn ở dưới sự kiểm soát của nhà nước, nhưng có những người chủ trương loại bỏ Giáo Hội này.

Cả cha Cervellera lẫn ông Affatto đều cho rằng việc bổ nhiệm ĐHY Antonio Tagle làm tân Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có thể giúp ích cho quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2019