Thư Đức Thánh Cha Gửi Cho Các Phong Trào Nhân Dân

Đức Thánh cha Phanxicô | Vatican News

Vietnamese.rvasia.org - 16/04/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong thư gửi các Phong trào nhân dân (popular movements), hôm Chúa nhật Phục sinh 12/4/2020 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô cổ võ thực hiện lương bổng phổ quát cho những người bị xã hội loại bỏ.

Các phong trào nhân dân, như chính Đức Thánh cha Phanxicô định nghĩa, là khối “những người bị loại bỏ, không được hưởng những ích lợi của sự hoàn cầu hóa. Họ là những người bán rong, những người lượm ve chai, làm việc trong các khu hội chợ, các tiểu nông dân, các thợ xây cất, đào cống rãnh… tóm lại là những người bị giới có quyền lực loại bỏ. Nhưng trong thực tế, Đức Thánh cha coi họ là những người tiên phong của nhân loại mới, những “thi sĩ đích thực của xã hội”, từ các khu vực ngoại ô bị quên lãng đang kiến tạo những giải pháp xứng đáng cho các vấn đề nóng bỏng nhất của những người bị loại trừ”.

Đức Thánh cha đã gặp đại diện của các phong trào nhân dân hai lần tại Roma, năm 2014 và 2016, và một lần tại thành phố Santa Cruz de la Sierra, bên Bolivia năm 2015.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhận xét rằng anh chị em là những người làm việc trong nền kinh tế không chính thức, độc lập hoặc bình dân. Anh chị em không có lương bổng ổn định để chống lại thời điểm khó khăn hiện nay. Anh chị em là một đoàn quân đang chiến đấu trong các chiến hào nguy hiểm, một đoàn quân không có khí giới nào khác ngoài tình liên đới, hy vọng và cảm thức cộng đoàn đang được tươi nở trong những ngày khó khăn hiện nay vì đại dịch.

Đức Thánh cha ca ngợi những người thuộc các phong trào nhân dân trợ giúp cụ thể cho những người đang đau khổ, những người di dân, những người bị thiếu tự do hoặc đang trải qua tiến trình cai nghiện. Và ngài viết:

“Tôi hy vọng các chính phủ hiểu rằng các mô thức kỹ thuật hoặc có trung tâm điểm là nhà nước, hoặc là thị trường, không đủ để đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay và các vấn đề lớn của nhân loại. Giờ đây hơn bao giờ hết, chính các cá nhân, các cộng đoàn, các dân tộc phải ở vị thế trung tâm, hiệp nhất với nhau để chữa lành, để săn sóc, để chia sẻ...”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Có lẽ đây là lúc nghĩ đến một lương bổng phổ quát, nhìn nhận và mang lại phẩm giá cho các công tác cao thượng và không thể thay thế được mà anh chị em đang thi hành; một lương bổng có khả năng bảo đảm và thi hành một thực tại rất nhân bản và rất Kitô, đó là không để cho người làm việc nào không được hưởng các quyền lợi”. (Sala Stampa 13-4-2020)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2020