Đức Giáo Hoàng Phanxicô Một Lần Nữa Kêu Gọi 'Công Lý, Bác Ái Và Đoàn Kết' Sau Đại Dịch Coronavirus

Tác giả: Courtney Mares – Catholic News Agency

Thành phố Vatican, ngày 17 tháng 4 năm 2020 / 08:00 sáng (CNA) .- Vào thứ Sáu Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục kêu gọi xem đại dịch coronavirus dưới ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô, trong một bài báo bằng tiếng Tây Ban Nha được công bố hôm thứ Sáu.

Có tiêu đề “Một kế hoạch để trỗi dậy lại”, thông điệp của Đức Giáo hoàng kêu gọi sự đoàn kết được làm mới lại trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, mà Ngài nói không thể bị giới hạn trong việc ‘làm mọi thứ trở nên mới mẻ”. 

“Đây là thời điểm thích hợp để khuyến khích một trí tưởng tượng mới về những gì có thể xảy ra với chủ nghĩa hiện thực mà chỉ có Tin Mừng mới có thể cung cấp cho chúng ta”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết trong một bài báo xuất bản ngày 17 tháng 4 trên tạp chí Vida Nueva của Tây Ban Nha. 

Đại dịch đã giúp mọi người nhận ra tầm quan trọng của việc “đoàn kết toàn bộ gia đình nhân loại để tìm kiếm sự phát triển bền vững và toàn diện”, Ngài nói.

“Chúng ta không thể viết lịch sử hiện tại và tương lai mà quay lưng lại với sự đau khổ của rất nhiều người”, Ngài lập luận. “Nếu chúng ta hành động như một dân tộc, ngay cả khi đối mặt với các dịch bệnh khác đang chờ chúng ta, chúng ta có thể tác động thực sự”.

Đức Giáo hoàng nói Ngài hy vọng loài người đã phát triển các “kháng thể công lý, bác ái và đoàn kết”, khi phải đối mặt với sự cám dỗ trở lại với “sự toàn cầu hóa sự thờ ơ”.

“Liệu chừng chúng ta có thể hành động có trách nhiệm chống lại cơn đói mà rất nhiều người phải chịu đựng, vì biết rằng có thức ăn cho tất cả mọi người không”? Ngài hỏi. “Liệu chừng chúng ta có tiếp tục nhìn theo một cách khác và im lặng đồng lõa khi đối mặt với những cuộc chiến được thúc đẩy bởi ham muốn thống trị và quyền lực không”? 

Ngài nói tiếp: “Chúng ta có sẵn sàng thay đổi lối sống xô đẩy nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói, bằng cách thúc đẩy và khuyến khích bản thân sống một cuộc sống kham khổ và nhân văn hơn nhưng nó cho phép phân phối nguồn lực một cách công bằng không? Là cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để ngăn chặn sự tàn phá môi trường không, hay chúng ta tiếp tục phủ nhận các bằng chứng?”

Ngài kêu gọi một “nền văn minh hy vọng”, một nền văn minh loại bỏ sợ hãi, chán nản và thụ động, cho thấy sự phục sinh của Chúa Giêsu là nền tảng của hy vọng.

“Giống như những môn đệ đầu tiên đi đến ngôi mộ, chúng ta sống trong một bầu không khí đau đớn và hoang mang... Nỗi đau và thương tiếc những người thân yêu của chúng ta làm chúng ta mất phương hướng, kiệt quệ và tê liệt. Chính sức nặng của bia mộ áp đặt lên tương lai và đe dọa chôn vùi tất cả hy vọng”, Ngài nói. 

“Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, Người luôn ở với họ, nhất là khi nỗi đau trở nên hiện hữu hơn”, Ngài nói thêm. 

Đức Giáo hoàng nói rằng khi đau khổ, người ta tham gia vào cuộc khổ nạn của Chúa và có hy vọng được kết hợp với Chúa trong sự phục sinh của Ngài.

“Nếu có một điều chúng ta có thể học được trong suốt thời gian này, đó là không ai có thể tự cứu mình”, Ngài lưu ý.

Đức Giáo hoàng khen ngợi các bác sĩ, y tá, người chăm sóc, người coi nhà, nhân viên an ninh, tình nguyện viên, linh mục, nữ tu, ông bà (nội ngoại), và các nhà giáo dục đã đóng góp trong thời gian khủng hoảng.

“Tình trạng khẩn cấp COVID-19 bị đánh bại ngay từ đầu với các kháng thể đoàn kết”, Đức Giáo hoàng đã viết.

“Chúng ta đã chứng kiến ​​hàng xóm và các thành viên gia đình nỗ lực sắp xếp và hy sinh ở nhà và nhờ đó hạn chế sự lây lan”, Ngài nói.

“Mỗi hành động cá nhân không phải là một hành động độc lập, dù tốt hay xấu, nó đều gây hậu quả cho người khác, bởi vì mọi thứ đều được kết nối trong ngôi nhà chung của chúng ta; và nếu các cơ quan y tế ra lệnh cách ly tại nhà, thì chính người dân làm cho việc này thành có thể, vì ý thức cùng trách nhiệm ngăn chặn đại dịch.

Trong sự đoàn kết, Ngài nói, mọi người cũng có thể cùng nhau đối phó với nhiều vấn đề ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới sau đại dịch.

“Một điều khẩn thiết là phải biện phân và tìm ra nhịp đập của Chúa Thánh Thần để cùng với những người khác, thúc đẩy động lực làm chứng tá và hướng đến cuộc sống mới mà Chúa muốn tạo ra vào thời điểm lịch sử cụ thể này”, Ngài nói.

Chính hơi thở của Chúa Thánh Thần mở ra những chân trời, đánh thức sự sáng tạo và làm mới chúng ta trong tình huynh đệ... trước nhiệm vụ to lớn và cấp bách đang chờ đợi chúng ta.

 

Chuyển ngữ: Phạm Văn Trung, SMH


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2020