Phân Tích: Giáo Hội Tại Hoa Kỳ Sẽ Bị Phá Sản. Đây Là Lý Do Tại Sao, Và Nó Có Nghĩa Gì

 

JD Flynn

Denver Newsroom, ngày 6 tháng 5 năm 2020 / 02:50 chiều MT ( CNA ) .

Dưới ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống cộng đoàn ở Mỹ, các giáo xứ và giáo phận đang chuẩn bị trở lại một đời sống bình thường nhưng theo kiểu mới.

Thánh lễ đang được nối lại, mặc dù chỉ có một số lượng nhỏ và chỉ trong những trường hợp hạn chế. Các trường công giáo và đại học đang lên kế hoạch mở cửa trở lại vào mùa thu. Đáng tiếc, ngay cả những cuộc tranh luận bình thường và những cuộc tranh luận dở dang giữa những người Công giáo, có phần bị tắt tiếng trong những tháng gần đây, đang bắt đầu được phục hồi.

Nhưng trong khi một số tác động nhất thời của đại dịch sẽ định hình Giáo hội trong những tháng tới, thì sự sụp đổ nền kinh tế toàn cầu sẽ có tác động lâu dài và mạnh mẽ hơn đối với các giáo xứ, tòa giám mục và các việc tông đồ khác.

Nói cách khác, trừ một sự phục hồi kinh tế kỳ diệu cách nào đó, Giáo hội, ít nhất là ở Hoa Kỳ, chưa thấy một sự phục hồi nào cả.  

Mặc dù có một số khó khăn trong những tuần đầu, nhiều giám mục Hoa Kỳ dường như đã tìm thấy một sự cân bằng hợp lý giữa nhu cầu tinh thần của đàn chiên của họ và nhu cầu chính đáng của các quan chức y tế công cộng.

Tuy nhiên, trong khi các giáo phận đang làm được nhiều điều đúng theo ý muốn, thì rất ít giáo phận tìm ra được những cách hiệu quả để tiếp tục quyên góp tiền. Và cuộc khủng hoảng tiền bạc đã bắt đầu định hình lại cuộc sống của Giáo hội sẽ như thế nào sau đại dịch.

Các giáo xứ được tài trợ chủ yếu thông qua việc quyên góp hàng tuần, với một số đóng góp bổ sung vào chi phí hoạt động từ các khoản dâng cúng hoặc các món tiền di chúc, các khoản này tạo ra khoản thu nhập hàng năm có thể dự đoán được. Các dự án đặc biệt như xây dựng hoặc làm mới thường được tài trợ bởi các giao kèo cầm cố, và được tài trợ thông qua các khoản vay.

Ngay cả trong thời bình thường, người Công giáo thường không có tiếng là hào phóng đối với việc quyên góp của giáo xứ. Trung tâm Nghiên cứu Tông đồ Ứng dụng ước tính các gia đình Công giáo có đăng ký tại một giáo xứ đóng góp trung bình 10 đô la mỗi tuần như đóng góp vào của lễ. Theo hầu hết các ước tính, số tiền đó đã giảm dần kể từ vụ bê bối lạm dụng tình dục năm 2018, vì điều này đã gây ra sự thất vọng tràn lan nơi những người Công giáo tích cực đối với các giám mục.

Từ 10 đô la đó, các giáo xứ trả tiền cho các linh mục và các nhân viên giáo dân, bao gồm chi phí bảo hiểm và hưu trí, tài trợ cho việc giảng dạy tôn giáo và các hoạt động mục vụ khác, duy trì các tòa nhà cũ, và, nếu giáo xứ có một trường học, thì trợ cấp cho các hoạt động của trường đó. Các giáo xứ cũng đóng góp một phần thu nhập của mình cho giáo phận của họ, dưới hình thức thuế, mặc dù trong một số giáo phận, việc giáo xứ cam kết gây quỹ hàng năm cho giáo phận được thay thế bằng việc nộp thuế trực tiếp.

Ở một số giáo xứ nhỏ, chi phí cho giáo phận là chi phí duy nhất và lớn nhất mỗi tháng.

Trong những năm gần đây, các giáo xứ đã nỗ lực tăng thu nhập qua đóng góp trực tuyến, không tính đến chuyện lường trước được đại dịch, nhưng vì thu nhập qua đóng góp trực tuyến có thể dễ đoán hơn so với đóng góp theo hình thức của lễ tại giáo xứ, và thu nhập dự đoán này sẽ giúp dự thảo ngân sách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng việc đóng góp qua trực tuyến chỉ chiếm một phần nhỏ thu nhập của hầu hết các giáo xứ.

Nói tóm lại, ngay cả khi mọi người thực sự đi lễ, số tiền dư ra sau chi phí ở hầu hết các giáo xứ đều ít ỏi.

Số tiền dư ra ít ỏi đó là lý do tại sao các giáo xứ trên khắp đất nước đã sa thải nhân viên hoặc cho họ nghỉ phép. Trong khi quy mô nhân viên tại các giáo xứ Mỹ rất khác nhau, năm 2015, gần 40.000 chuyên gia giáo dân đã được tuyển dụng trong khoảng 17.000 giáo xứ Mỹ; trung bình có hơn hai chuyên gia như vậy trên mỗi giáo xứ, thường là điều phối viên giáo dục tôn giáo hoặc những người chăm lo mục vụ cho giới trẻ.

Để tránh bị sa thải, một số giáo phận và giáo xứ đã nộp đơn xin và nhận tiền lương hỗ trợ từ liên bang, nhưng một số giáo phận và giáo xứ nộp đơn xin sau khi tài trợ ban đầu đã hết, và một số giáo phận và giáo xứ khác đơn giản là không nộp đơn xin.

Trong mọi trường hợp, tiền lương hỗ trợ từ liên bang được dự tính chi trả cho việc giảm thu nhập ngắn hạn do việc ngừng hoạt động đột ngột trong những tháng gần đây. Sự hỗ trợ này không nhằm để trang trải cho sự suy thoái dài hạn có thể xảy ra do sự suy yếu kéo dài của nền kinh tế Mỹ. Và trong khi thị trường chứng khoán có xu hướng không ảnh hưởng đến tiền dâng cúng của giáo xứ, tỷ lệ thất nghiệp thường được cho là có tác động đáng kể hơn đến việc quyên góp. Điều này có nghĩa là bên cạnh một con đường dài để phục hồi công ăn việc làm cho đất nước, hầu hết các công việc giáo xứ sẽ quay trở lại một cách chậm chạp, và một số hoàn toàn không có khả năng quay trở lại.

Mặc dù trả lương là một nghĩa vụ liên tục cần đến tiền bạc đối với hầu hết các giáo xứ, thì việc bảo trì các công trình xây dựng lại là một món tiền to lù lù mà giáo xứ phải trả, nhiều chủ chăn biết điều này vì nó có thể nhanh chóng trở nên rất đắt.

Các giáo xứ có xu hướng dành những gì họ có cho nhu cầu mục vụ trước mắt của họ. Ngoại trừ trong các giáo phận nơi việc bảo trì các công trình xây dựng thường xuyên được kiểm toán, hoặc ngoại trừ các chủ chăn đặc biệt nhiệt tình, còn thì việc bảo trì thường xuyên các công trình xây dựng cũ thường bị trì hoãn hoặc bỏ bê. Ít giáo xứ nào tính đến chuyện giảm giá. Khi có một cái gì đó cần đập đi để sửa chữa, chi phí tính rất cao. Và với việc quyên góp giảm đáng kể trong năm nay, những gì cần sửa chữa đôi chút, lẽ ra đã được thực hiện thì bây giờ có khả năng bị hoãn lại.

Khi nồi hơi bị vỡ hoặc mái nhà bắt đầu bị dột, các giáo xứ sẽ quay sang giáo phận xin giúp đỡ.

Thật vậy, nhiều giáo phận Hoa Kỳ đã bắt đầu tìm cách cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt khẩn cấp cho các giáo xứ có nhu cầu cấp bách.

Nhu cầu đó bao gồm các trường hợp sửa chữa gấp, nhưng ở một số nơi, nó cũng bao gồm hỗ trợ tiền lương và trả nợ cho các khoản vay bên ngoài để xây dựng. Những khoản trợ cấp tiền mặt này là một cú đánh đối với dự trữ tiền mặt của giáo phận, mà ở nhiều nơi, bản thân nguồn dự trữ này đã không đủ rồi.

Trong khi đó, các giáo phận, cũng như các giáo xứ, dự đoán khoản thu nhập sẽ giảm đáng kể trong quý hiện tại và trong năm tài chính tiếp theo.

Các giáo phận có ngân quỹ thông qua thuế hoặc đóng góp từ giáo xứ, đôi khi được thực hiện thông qua các lời kêu gọi hàng năm, cộng thêm thu nhập từ các danh mục đầu tư, cổ phần bất động sản, và tiền dâng cúng hoặc từ các cơ sở như trường học, bệnh viện.... Một số chi tiêu không bị hạn chế, nhưng một số chỉ có thể dành cho một vài thứ nhất định. Một số giáo phận cũng yêu cầu giáo xứ nộp phí đối với một số dịch vụ chung, mặc dù ở những nơi khác không phải nộp khoản phí nào như vậy.

Cũng giống như các giáo xứ, các giáo phận đã bắt đầu thông báo sa thải và cho nghỉ phép. Nhưng những biện pháp đó có thể không đủ. Một số giáo phận đã tuyên bố chấm dứt các tờ báo giáo phận của họ, giảm lương linh mục hoặc bắt đầu yêu cầu nhân viên chia sẻ một phần lớn chi phí chăm sóc sức khỏe.

Nếu đúng như dự báo, suy thoái kinh tế kéo dài, thì sẽ có các biện pháp khác. Có khả năng các giáo phận dừng tất cả các dự án sửa chữa hoặc xây dựng mới, bán hết tài sản, đóng cửa các trung tâm mục vụ và không quan tâm đến các dự án dài hạn, bao gồm các kế hoạch lương hưu cho các linh mục tự tài trợ được, nhiều trong số các kế hoạch đó đã bị thiếu vốn. Một số trong những biện pháp đó đơn giản là cứ để các chi phí hiện tại ở đó, rồi sẽ chi trả trong tương lai; cuối cùng thì những kế hoạch đó cũng cần phải được chi trả.

Nhiều giáo phận điều hành các hoạt động tiết kiệm và cho vay nhỏ, trong đó các giáo xứ có thể gửi tiền tiết kiệm và kiếm lãi, và tiền mặt có thể được cho các giáo xứ khác vay để xây dựng hoặc sửa chữa. Nếu các giáo xứ rút tiền mặt dự trữ của họ, các giáo phận sẽ ngừng cho vay. Nếu họ tạm dừng các khoản vay, họ sẽ gặp khó khăn trong việc trả lãi tiền gửi và sẽ ít khả năng các giáo xứ đưa các khoản tiền mới đi gửi.

Sự hỗ trợ lẫn nhau của các khoản tiết kiệm và cho vay phi lợi nhuận có thể sẽ cạn kiệt, và các dự án của giáo xứ trong tương lai sẽ cần đến các khoản vay ngân hàng, với lãi suất cao hơn nhiều, và theo các điều khoản khắt khe hơn. Đơn giản là sẽ có ít dự án hơn trong những dự án này được phép thực hiện.

Các dự án lớn của Giáo hội được điều phối ở cấp giáo phận hầu hết được tài trợ thông qua các quà tặng của các nhà tài trợ lớn. Những nhà tài trợ đó đã mất một phần tài sản đáng kể của họ trong bối cảnh biến động thị trường. Mất đi khoản làm phúc của các nhà tài trợ lớn này sẽ ảnh hưởng đến quỹ học bổng của trường học, việc đào tạo trong chủng viện và hoạt động mục vụ cho người nghèo, cùng với các chiến dịch giải quyết các khoản nợ lương hưu hoặc xây cất thiếu vốn trong những thập kỷ trước.

Không phải tất cả các giáo phận sẽ bị ảnh hưởng như nhau, nhưng một số giáo phận đã bắt đầu tuyên bố sa thải và đóng cửa, báo hiệu tình hình tài chính khó khăn của họ.

Khi các giáo phận thấy mình ngày càng thiếu tiền, nhiều giám mục sẽ trở nên, gần như chắc chắn, ít háo hức gửi tiền đến hội đồng giám mục ở Washington, DC.

Vào tháng 1, các giám mục Hoa Kỳ đã chấp thuận tăng số tiền họ phải gửi cho USCCB[1] - nhưng hầu như không có. Biện pháp này, tương tự như một biện pháp được thông qua vào năm 2017, hầu như không chiếm được 2/3 đa số, các giám mục dự hội nghị cho rằng điều này là do những thách thức tài chính và do sự suy sút từ vụ bê bối lạm dụng tình dục năm 2018.

Nhưng vào tháng 11 năm 2019, Đức Tổng Giám mục Charles Chaput đã đưa ra một sự phản đối khác chống lại việc tăng tài trợ cho USCCB. “Tôi không nghĩ rằng một số công việc của USCCB là cần thiết cho sứ vụ của Tổng giáo phận Philadelphia”, Ngài nói.

Với thu nhập của các giáo phận ngày càng giảm, hội nghị chắc chắn hy vọng sẽ thấy rõ thu nhập thường không bị hạn chế của mình sẽ giảm xuống, một cách đáng kể, và thấy nhiều giám mục hơn đặt câu hỏi liệu các văn phòng của USCCB có mang lại một đáp trả có ý nghĩa nào cho người Công giáo trong các hàng ghế nhà thờ hay không.

Trong khi USCCB không đưa ra dấu hiệu nào về tình hình tài chính của mình, một số nhân viên hội nghị nói với CNA rằng họ đang trông chờ một đợt sa thải nữa.

Nói tóm lại, từ giáo xứ đến hội đồng, Giáo hội tại Hoa Kỳ mong đợi sẽ thấy sự cắt giảm đáng kể nhân viên trong những tháng tới, và một con đường dài để phục hồi. Việc duy trì tài sản sẽ trở nên khó khăn hơn đối với Giáo hội, và việc đáp ứng nợ nần và các nghĩa vụ dài hạn khác cũng sẽ trở thành một thách thức.

Suy thoái kinh tế có thể dự báo nhiều vụ phá sản cấp giáo phận, đóng cửa và bán tài sản giáo xứ và giáo phận, một giáo hội nghèo hơn về tài chính, và đội ngũ nhân viên mục vụ ít người hơn đáng kể ở mọi cấp. Những điều đó có ý nghĩa gì cho tương lai của Giáo hội, đó là vấn đề tầm nhìn xa.

Rất ít người vui mừng khi thấy các chuyên gia mục vụ mất sinh kế, hoặc thấy các gia đình của các nhân viên Giáo hội phải đối mặt với tương lai không chắc chắn. Rất ít người vui mừng khi thấy các nhà thờ vốn được các thế hệ trong quá khứ trả tiền, nay rơi vào tình trạng hư hỏng hoặc bị bán đi. Ít người vui mừng khi thấy các trung tâm tĩnh tâm hoặc trường học bị đóng cửa.

Một số người có thể sẽ ca ngợi sự sàng lọc giai cấp quan liêu của Giáo hội. Nhưng những ai có được kinh nghiệm từng ngày của các chuyên gia mục vụ sẽ phải thừa nhận, ngay cả khi họ chỉ trích khuynh hướng quan liêu phình to, rằng những cá nhân đảm nhận vị trí của Giáo hội thường làm như vậy vì mong muốn phục vụ Chúa Kitô và Dân Chúa, và họ thường làm như vậy, sau khi đầu tư rất nhiều cho việc tự giáo dục của riêng họ vì công việc mục vụ.

Tuy nhiên, mặc dù có một số thay đổi đáng kể theo dự báo, nhưng những điều đó dường như không thể tránh khỏi.

Người ta đòi hỏi một cung cách mới để sống cuộc sống của Giáo hội, hoặc khám phá lại những cách thức cũ.

Một Giáo hội nghèo hơn ở Mỹ, thậm chí một Giáo hội bị làm ra nghèo qua thảm kịch, có thể thấy rằng Giáo hội đó đáp ứng được tầm nhìn về hy vọng của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô có một ‘Giáo hội nghèo cho người nghèo”.

Một Giáo hội như vậy sẽ đòi hỏi nhiều người Công giáo hơn phải chịu trách nhiệm cá nhân về sứ mạng của giáo xứ, của giáo phận và cuối cùng là của Tin Mừng.

Nó cũng đòi hỏi cách tiếp cận sáng tạo cho hoạt động mục vụ Kitô giáo.

Suy thoái cũng có thể là cơ hội làm tăng sự nổi bật và ảnh hưởng của các phong trào giáo hội, trong đó các thành viên giáo dân thường dành thời gian cho công việc truyền giáo nhiều hơn so với các thành viên Công giáo khác, và thường có lòng nhiệt thành tông đồ hơn. Suy thoái cũng có thể là cơ hội để các cộng đồng đức tin nhỏ hẹp nhưng gắn kết chặt chẽ trong các giáo xứ xuất hiện, họ là những người gặp gỡ thường xuyên tại các gia đình hơn là trong các sự kiện lớn của giáo xứ. Suy thoái thậm chí có thể là cơ hội để gia tăng việc giảng dạy giáo lý, ở nhà là chủ yếu, bởi chính cha mẹ.

Suy thoái cũng có thể là cơ hội tạo ra một nhiệt huyết mới, và cơ may mới, cho việc truyền giảng tin mừng, bởi vì mọi người đang bị chấn động bởi đại dịch và bởi các dư chấn của nó, họ tự thấy mình cần tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Việc truyền giáo đó có thể sẽ được thực hiện một cách tự nhiên, được cho là rẻ tiền, thay vì các sáng kiến ​​chuyên nghiệp được thúc đẩy bởi các kế hoạch mục vụ tốn kém và tốn thời gian.

Không có gì là mới trong những điều đó, nhưng tất cả có vẻ như mới lạ trong những tháng tới. Nhưng cho dù các giám mục có khuyến khích chấp nhận một cung cách mới để xem xét ơn gọi Kitô giáo hay không, hay là thay vào đó vẫn cố quay trở lại “làm ăn như thường lệ”, thì người ta vẫn nhìn thấy các tàn dư.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với một thời gian chưa từng có trong lịch sử của mình. Nhưng Giáo hội thì không: Giáo hội đã từng đối mặt với dịch bệnh, đại dịch và suy sụp trước đây.

Đại dịch này, và nền kinh tế này, sẽ phá vỡ cái kinh nghiệm sống nơi các giáo xứ điển hình xưa nay của người Công giáo Mỹ trong một thời gian dài sắp tới. Nhưng có lẽ các giám mục bắt đầu cậy dựa vào quá khứ của Giáo hội, để bày tỏ rõ ràng một viễn cảnh hy vọng cho tương lai của Giáo hội. 

Nguồn: https://www.catholicnewsagency.com/news/analysis-the-us-church-is-going-broke-heres-why-and-what-it-could-mean-71222

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.



[1] ND: The United States Conference of Catholic Bishops: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2020