Bức Tượng Thánh Junípero Serra Bị Phá Hủy Tại Trụ Sở Chính Quyền Bang California

Bức tượng Thánh Junipero Serra bên ngoài Tòa nhà Trụ sở Chính quyền bang California. Nathan Hughes Hamilton / flickr

Vào tối ngày quốc khánh, một đám đông ở Sacramento đã kéo đổ bức tượng Thánh Junipero Serra, châm lửa đốt và đập nó bằng búa tạ.

Bức tượng, trên phần sân trụ sở chính quyền của tiểu bang California, là tượng thứ ba của vị thánh truyền giáo bị đám đông ở California phá nát trong những tuần gần đây. Đức Giám Mục của Sacramento đã trả lời rằng Thánh Serra đã làm việc để thúc đẩy phẩm giá của người bản địa.

Một đám đông lớn đã tập trung xung quanh bức tượng trong Công viên trụ sở chính quyền vào khoảng 9 giờ tối ngày 4 tháng 7, theo phương tiện truyền thông báo cáo.

Một người đàn ông đã đốt cháy khuôn mặt của bức tượng Thánh Serra bằng một bình xịt lửa, trước khi bức tượng Thánh được kéo ra khỏi đế bằng dây kéo. Sau khi bức tượng sụp đổ, các thành viên của đám đông đã đập bức tượng bằng búa tạ và các dụng cụ khác, nhảy múa và dẫm đạp lên nó.

Đám đông hát vang, “Vùng lên, dân tôi ơi, vùng lên”, trong khi phá hủy bức tượng.

Họ giải tán khi các sĩ quan Tuần tra Xa lộ California can thiệp, tờ báo Sacramento Bee tường thuật.

Trong một tuyên bố ngày 5 tháng 7, Đức Giám Mục Jaime Soto ở Sacramento nói rằng trong khi “hành động của nhóm này có thể nhằm thu hút sự chú ý về những ký ức đau buồn, tức giận trong quá khứ của California, thì hành động phá hoại của họ không làm được gì nhiều để xây dựng tương lai”.

“Không có gì phải bàn cãi rằng người dân bản địa ở California phải chịu đựng những đau khổ lớn lao trong thời kỳ thuộc địa và sau đó phải đối mặt với nạn diệt chủng kinh hoàng được chính phủ phê chuẩn ở bang California non trẻ. Di sản này thật là đau lòng. Tuy nhiên, cũng đúng là trong khi Cha Serra làm việc trong hệ thống thuộc địa này, Ngài đã tố cáo các tệ nạn của nó và làm việc để bảo vệ phẩm giá của những người dân bản địa”, Đức Giám Mục Jaime Soto nói.

“Hiểu biết về những nỗ lực của Cha Serra để đưa ánh sáng vào bóng tối cay đắng, ảm đạm của tham vọng thuộc địa là nhiệm vụ khó khăn của lịch sử. Cũng vậy, công việc gian khổ hiện tại để lập biểu đồ cho tương lai với niềm hy vọng là nhiệm vụ khó khăn. Lao động vất vả để vượt qua dịch phân biệt chủng tộc không nên để cho sự cướp bóc về đêm lật nhào. Đối thoại không nên nhường chỗ cho phá hoại. Những giai đoạn mất bình tĩnh này cũng không nên làm chúng ta mất tập trung vào các nghĩa vụ công bằng và bác ái mà nhờ đó có thể xây dựng một California tốt hơn”.

“Tất cả các tượng đài đều không hoàn hảo cũng giống như những nỗ lực của chúng ta để sống theo lý tưởng sáng lập của nước Mỹ cũng không hoàn hảo. Nhiệm vụ chính là xây dựng cộng đồng của chúng ta, chứ không phải phá bỏ nó”, Đức Giám Mục nói thêm.

Tờ báo Sacramento Bee tường thuật rằng một số người biểu tình ở khu vực Tòa nhà Trụ sở Chính quyền đã mang theo các bảng hiệu “hãy phi thực dân hóa các đường phố”, và ủng hộ phong trào “ Sinh mạng người da đen là quan trọng”[1] và trong những cuộc biểu tình của mình Phong trào người Mỹ gốc Ấn đã gọi Ngày Lễ Độc lập là “Trò hề Tháng Bảy”.

Đội tuần tra đường cao tốc California được cho là đang điều tra vụ giật đổ bức tượng.

Bức tượng đã được đặt trên khu đất của Trụ sở Chính quyền của tiểu bang vào năm 1965. Dưới chân tượng là một bản đồ của 21 đoàn truyền giáo được thành lập bởi các nhà truyền giáo dòng Phan Sinh đến California vào thế kỷ thứ mười tám.

Thánh Serra, một linh mục dòng Phan Sinh, đã trở thành mục tiêu của những kẻ phá hoại ở California trong bối cảnh các cuộc biểu tình của Black Lives Matter trong những tuần gần đây, ngay cả khi các nhà viết tiểu sử nói rằng nhà truyền giáo này là người ủng hộ quyền của người bản xứ.

Một bức tượng khác của Thánh Serra đã bị phá hủy bởi những người biểu tình ở Công viên Cổng Vàng của San Francisco vào ngày 19 tháng 6 , và một bức tượng khác nữa đã bị phá hủy ở Los Angeles cùng ngày. Các thành phố khác ở California đã di chuyển các bức tượng Thánh Serra để tránh bị giật đổ hoặc bị lên kế hoạch giật đổ.

Vào thế kỷ thứ mười tám, vị thánh này đã thành lập chín phái bộ Công giáo trong khu vực mà sau này trở thành California .

Thánh Serra đã giúp hàng ngàn người dân California bản địa gia nhập Kitô giáo và dạy họ các công nghệ nông nghiệp mới.

Các nhà phê bình coi Thánh Serra là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân châu Âu và cho biết các đoàn truyền giáo đã tham gia vào lao động cưỡng bức người Mỹ bản địa, thế nhưng đôi khi họ lại xác nhận rằng chính Cha Serra bị ngược đãi.

Nhưng những người bảo vệ Thánh Serra nói rằng vị linh mục này thực sự là một người ủng hộ người bản địa và là một nhà vô địch về nhân quyền. Họ lưu ý rằng Ngài thường bất bình với chính quyền Tây Ban Nha về việc đối xử với người bản địa và khi Ngài chết các cộng đồng dân bản địa đã đau buồn thương tiếc khóc lóc như tuôn.

Ngày 27 tháng 6, Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã tổ chức một buổi cầu nguyện tại bệ đứng của bức tượng Thánh Serra bị giật đổ ở San Francisco .

“Sự dữ đã xuất hiện ở đây. Vì vậy, chúng ta đã tập hợp lại để cầu nguyện với Chúa, để cầu xin các thánh ... xin các ngài can thiệp, mà trên hết là Đức Mẹ của chúng ta, trong một hành động sửa chữa, xin Chúa thương xót chúng ta và toàn thành phố, xin cho chúng ta có thể hướng lòng quay lại với Thánh Serra”, Đức Tổng Giám mục Cordileone nói trong một video ngày 27 tháng 6.

“Sự hiện diện của rất nhiều người tuyệt vời ở đây là sự an ủi lớn lao đối với tôi”, Đức Tổng Giám mục nói. “Tôi cảm thấy một vết thương rất lớn trong tâm hồn khi nhìn thấy những hành vi phạm thánh kinh khủng này, miệt thị ký ức về Thánh Serra, một người anh hùng vĩ đại, một người bảo vệ tuyệt vời cho người dân bản địa của vùng đất này”.

Đức Tổng Giám mục Cordileone cho biết bức tượng ở San Francisco đã “bị giật đổ một cách báng bổ”

“Một hành động bất kính đã xảy ra ở đây. Đó là một hành động của Thần dữ”, Đức Tổng Giám mục nói trong video.

“Chúng ta đến với nhau để cầu nguyện với kinh Mân côi, và cũng là lời cầu nguyện trừ tà, Cầu nguyện Thánh Micae, bởi vì cái ác ở đây, đây là một hoạt động của thần dữ, muốn hạ bệ Giáo hội, muốn hạ bệ tất cả các tín hữu Kitô giáo”, Đức Tổng Giám mục nói.

Đức Tổng Giám mục Los Angeles Jose Gomez đã viết vào ngày 29 tháng 6 rằng, “Thánh Junípero thực sự đã chiến đấu chống lại hệ thống thuộc địa, nơi người bản địa được coi là “man di mọi rợ”, mà giá trị duy nhất của họ là phục vụ lòng ham muốn của người da trắng. Đối với thánh Junípero, hệ tư tưởng thực dân này là một sự báng bổ chống lại Thiên Chúa, là Đấng đã “tạo ra tất cả đàn ông và phụ nữ và cứu chuộc họ bằng dòng máu quý giá nhất của Con mình.”

“Ngài đã sống và làm việc cùng với người dân bản địa và dành toàn bộ sự nghiệp của mình để bảo vệ nhân phẩm của họ và phản đối những tội ác và những sự hạ nhục mà thực dân đã phạm phải chống lại họ”, Đức Tổng Giám mục nói. “Trong số những bất công mà Ngài đấu tranh chống lại, chúng ta thấy những đoạn đau lòng như trong những lá thư của Ngài công khai chỉ trích việc những người lính thuộc địa lạm dụng tình dục các phụ nữ bản địa hàng ngày”.

Về phần mình, Đức Giám Mục Jaime Soto đã viết vào ngày 5 tháng 7 rằng “sự thánh thiện của Cha Serra với tư cách là một nhà truyền giáo không nên được đo lường bằng những thất bại của chính Ngài khi ngăn chặn sự bóc lột hoặc thậm chí là lỗi cá nhân của Ngài. Thực ra, sự thánh thiện là kết quả của ân sủng của Thiên Chúa và sự sẵn lòng hợp tác của chúng ta với Lòng Thương Xót của Chúa”.

https://www.catholicnewsagency.com/

Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ

 

 



[1] ND: Black Lives Matter.


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 7, 2020