Tổng Thư Ký Tổ Chức “Kitô hữu lâm nguy” Lo Âu Về Đền Thờ Hagia Sophia

Đền thờ Hagia Sophia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ | Vatican News

Vietnamese.rvasia.org - 14/07/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Tổng thư ký tổ chức “Christen in Not”, Kitô hữu lâm nguy, phân bộ Áo quốc, bày tỏ lo âu vì các bức tranh khảm Kitô giáo có từ 1.300 năm nay tại đền thờ Hagia Sophia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị phá hủy sau khi thánh đường Kitô này bị biến thành đền thờ Hồi giáo và sẽ được cử hành việc phụng tự từ ngày 24/7 tới đây.

Trong những ngày qua, Tòa Án tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ quy chế là một Bảo tàng viện của đền thờ Hagia Sophia và tổng thống Erdogan tuyên bố biến cải nơi này thành đền thờ Hồi giáo, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận thế giới.

Hôm 12/7/2020 vừa qua, Tổng thư ký Tổ chức “Kitô hữu lâm nguy”, ông Elmar Kuhn nói rằng: “Nay người ta e ngại các bức tranh khảm Kitô ở vòm đền thờ Hagia Sophia sẽ bị phá hủy. Vua Hồi giáo Mehmed II, sau khi chiếm đoạt thành Constantinople vào năm 1453 đã cho lấy thạch cao phủ các tranh khảm Kitô, nay người ta sợ rằng các ảnh tượng Kitô có thể bị phá hủy, theo kiểu nhà nước Hồi giáo IS mới đây. Dầu sao thì các tranh khảm đó không thể được du khách hoặc tín đồ Hồi giáo chiêm ngắm, chiếu theo qui luật của Hồi giáo từ thế kỷ thứ VIII, cấm mọi hình ảnh trong đền thờ”.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật 12/7 vừa qua với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, sau khi nhắc đến Ngày Quốc tế về dân biển, Đức Thánh cha ứng khẩu nói rằng: “Biển làm cho tư tưởng của tôi đi xa: tôi nghĩ đến Istanbul, tôi nghĩ đến Hagia Sophia, và tôi rất đau lòng”.

Đức Thánh cha Phanxicô đã viếng đền thờ này hồi tháng 11 năm 2014.

Trong số nhiều bình luận về sự kiện này, có người nhận xét rằng việc Đức Thánh cha Phanxicô đề cập một cách dè dặt tới vụ Hagia Sophia bị biến thành đền thờ Hồi giáo nói lên sự “ngượng nghịu và thất vọng vì đã nhắm vào Tuyên ngôn ký kết Abu Dhabi, với hy vọng đạt được sự đồng thuận của người Hồi giáo với nhau”... Trong Hồi giáo, tôn giáo và chính trị không tách biệt nhau. Đây là điểm quên sót lớn trong Tuyên ngôn tại Abu Dhabi. Trong những ngày trước đây, nhiều nhân vật, trong đó có Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, hy vọng đền thờ Hagia Sophia tiếp tục là một Bảo tàng viện, một gia sản của thế giới được tổ chức UNESCO của Liên HIệp Quốc nhìn nhận, và là một nơi gặp gỡ, đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo, nhưng nay quyết định của nhà nước Thổ làm cho hy vọng đó bị tiêu tán. (KAP 12-7-2020, Nuova Bussola Quotidiana 13-7-2020)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 7, 2020