Đức Thánh Cha: Tất Cả Những Đau Khổ Của Con Người, Nhờ Thiên Chúa, Đều Là Thánh Thiêng

Đức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến chung tại Đại thính đường Phaolô VI | Vatican Media

Vietnamese.rvasia.org - 14/10/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Sáng thứ Tư, 14/10/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 1.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Đức Thánh cha tiến thẳng tới ghế ngồi, ở bục cao trong thính đường, chứ không đi giữa lối đi để chào thăm và trao đổi với các tín hữu như những lần trước, có lẽ vì đại dịch đang bộc phát trở lại khiến số người bị lây nhiễm gia tăng. Các tín hữu trong thính đường đều đeo khẩu trang, và cả nhiều nhân viên khác cũng vậy. 

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ thánh vịnh thứ 13 (2-3.6):

“Lạy Chúa, ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ? Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày?... Tới khi nào kẻ thù con lướt thắng con?”

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về sự cầu nguyện mà ngài mở lại hồi tuần trước, sau chín bài về việc chữa lành thế giới sau đại dịch.

Trong bài thứ mười này, Đức Thánh cha trình bày về đề tài: Kinh nguyện của các thánh vịnh.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Khi đọc Kinh thánh, chúng ta liên tục gặp những kinh nguyện thuộc nhiều loại khác nhau. Nhưng chúng ta cũng thấy một cuốn sách chỉ gồm toàn kinh nguyện, sách này đã trở thành quê hương, thao trường và là nhà của vô số những người cầu nguyện. Đó là sách thánh vịnh.

Thánh vịnh dạy cách cầu nguyện

Sách này thuộc loại sách Khôn ngoan, vì thông truyền “sự khôn ngoan cầu nguyện”, qua kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa. Trong các thánh vịnh, chúng ta tìm thấy mọi tâm tình của của con người: vui mừng, đau khổ, nghi ngờ, hy vọng, cay đắng tô màu cho cuộc sống chúng ta. Sách Giáo Lý khẳng định rằng mỗi thánh vịnh “có sự trang trọng đến độ có thể được mọi người cầu nguyện trong chân lý, những người thuộc mọi thân phận và thời điểm” (CCC, 2588).

Khi đọc đi đọc lại các thánh vịnh, chúng ta học được ngôn ngữ của sự cầu nguyện. Thực vậy, Chúa Cha, qua Thánh Linh, đã soi sáng trong tâm hồn Vua Đavit và những người cầu nguyện khác, để dạy mỗi người nam nữ chúc tụng, cảm tạ, khẩn xin và kêu cầu Ngài trong vui mừng và đau khổ, như kể lại những kỳ công và Thánh Luật của Ngài. Tóm lại, các thánh vịnh là lời Thiên Chúa mà loài người chúng ta dùng để thưa với Ngài.

Thánh vịnh phản ánh thực trạng con người

Trong sách thánh vịnh, chúng ta không gặp những người trên mây gió, trừu tượng, những người lẫn lộn kinh nguyện với một cảm nghiệm mỹ thuật hoặc làm tha hóa con người. Các thánh vịnh không phải là những văn bản được soạn ra trên bàn, nhưng là những lời khẩn cầu, nhiều khi bi thảm, xuất phát từ kinh nghiệm sinh động trong cuộc sống. Để cầu nguyện, chỉ cần ở trạng thái của chúng ta trong lúc này, không ngụy trang để cầu nguyện.

Trong các thánh vịnh, chúng ta nghe được tiếng của những người bằng xương bằng thịt đang cầu nguyện, cuộc sống của họ, như mọi người khác, có đầy những vấn đề, cơ cực, bấp bênh. Tác giả thánh vịnh không quyết liệt phản đối đau khổ ấy: họ biết rằng đau khổ là điều thuộc về cuộc sống. Nhưng trong các thánh vịnh, đau khổ được biến thành lời cầu xin.

Băn khoăn, đau khổ

Trong số bao nhiêu câu hỏi, có một câu thường bị bỏ lửng, như một tiếng kêu không ngừng, qua toàn thể cuốn sách từ phần này đến phần khác: “Cho tới khi nào?”. Mỗi đau khổ đều đòi một sự giải thoát, mỗi nước mắt đều kêu cầu một sự an ủi, mỗi vết thương đều chờ đợi được chữa lành, mỗi vu khống đều đòi một bản án tha bổng.

Khi liên tục đặt những câu hỏi như thế, các thánh vịnh dạy chúng ta đừng quá quen thuộc với đau khổ, và nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc sống không được cứu thoát, nếu không được chữa lành. Cuộc sống của con người là một hơi thở, chuyện đời của họ thật là phù du chóng qua, nhưng người cầu nguyện biết mình là quí giá trước mắt Thiên Chúa, vì thế kêu gào thật là có ý nghĩa.

Thánh vịnh: tiếng kêu của tín hữu

Kinh nguyện của các thánh vịnh là bằng chứng về tiếng kêu ấy: một tiếng kêu đa diện, vì trong cuộc sống, đau khổ có hàng ngàn hình thức khác nhau, và được gọi là bệnh tật, oán ghét, chiến tranh, bách hại, bất tín nhiệm... thậm chí cho đến “gương mù” tột cùng, là cái chết. Cái chết xuất hiện trong sách thánh vịnh như là kẻ thù phi lý nhất của con người: tội ác nào đáng bị trừng phạt dữ dằn như thế, bao hàm sự tiêu diệt và rốt cục ra sao? Người cầu nguyện với thánh vịnh, xin Chúa can thiệp tại nơi mà tất cả những cố gắng của con người đều vô ích. Chính vì thế, kinh nguyện, tự nó đã là con đường cứu độ và khởi đầu ơn cứu độ.”

Đau khổ trở thành tương quan

Đức Thánh cha nhận định rằng: “Mọi người đều chịu đau khổ trong trần thế này: dù họ tin tưởng nơi Thiên Chúa, hay họ chối bỏ Ngài. Nhưng trong sách thánh vịnh, đau khổ trở thành “tương quan”: tiếng kêu cứu chờ mong đi tới tai một người lắng nghe. Tiếng kêu ấy không thể không có ý nghĩa, không mục đích. Cả những đau khổ mà chúng ta chịu không thể chỉ là những trường hợp đặc thù của một qui luật phổ quát: những đau khổ ấy luôn luôn là nước mắt “của tôi”, mà không hề có ai đổ ra trước tôi.”

Đức Thánh cha kể rằng trước khi vào hội trường, ngài đã gặp cha mẹ của linh mục thuộc giáo phận Como bị giết, trong lúc phục vụ người nghèo. “Nước mắt của ông bà cố ấy, và mỗi người đều biết mình đau khổ dường nào khi thấy người con mình đã hiến mạng trong lúc phục vụ người nghèo. Khi chúng ta muốn an ủi ai, chúng ta không nói nên lời. Tại sao? Vì chúng ta không thể đi tới đau khổ của họ, vì đau khổ ấy là của họ, nước mắt ấy là của họ.

Tất cả những đau khổ của con người, nhờ Thiên Chúa, đều là thánh thiêng. Như người cầu nguyện của thánh vịnh 56: “Chúa đã đếm những bước chân của con, Chúa đã thu tóm những nước mắt của con trong một bầu chứa: phải chăng chúng đã chẳng được viết trong sách của Chúa sao?” (v. 9). Trước mặt Chúa, chúng con không phải là những người vô danh, hoặc những con số. Chúng con là những khuôn mặt và con tim, được Chúa biết đích danh từng người.

Tìm được câu trả lời trong các thánh vịnh

Trong các thánh vịnh, tín hữu tìm được một câu trả lời. Họ biết rằng, cho dù tất cả các cánh cửa của con người bị khép chặt đi nữa thì cánh cửa của Thiên Chúa vẫn mở. Cho dù tất cả thế giới đã tuyên án, nhưng trong Thiên Chúa vẫn có ơn cứu thoát.

“Chúa lắng nghe”: chỉ cần vài lần trong kinh nguyện cũng đủ để biết điều đó. Các vấn đề không luôn luôn được giải quyết. Ai cầu nguyện thì không phải là người bị ảo tưởng: họ biết rằng có bao nhiêu vấn đề của cuộc sống dưới thế này vẫn không được giải quyết, không có lối thoát; đau khổ vẫn luôn đi kèm chúng ta, và sau khi vượt qua được trận chiến này thì lại có những chiến trận khác đang chờ đợi chúng ta. Nhưng nếu chúng ta được lắng nghe, thì tất cả trở thành điều có thể chịu đựng được.”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Điều tệ nhất có thể xảy ra là chịu đau khổ trong sự bỏ rơi, không được nhớ đến. Kinh nguyện cứu chúng ta khỏi điều đó. Vì điều có thể xảy ra, và nhiều khi xảy ra là chúng ta không hiểu các kế hoạch của Thiên Chúa. Dầu vậy, tiếng kêu của chúng ta không nằm kẹt dưới thế này: trái lại, chúng bay lên tới Chúa, là Đấng có con tim của người Cha, và chính Chúa khóc khi mỗi người con của Ngài chịu đau khổ và chịu chết. Nếu chúng ta ở lại trong tương quan với Chúa, thì tuy cuộc sống không buông tha đau khổ cho chúng ta, nhưng vẫn có một chân trời lớn, tốt đẹp được mở ra, và chúng ta tiến bước về sự viên mãn.”

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, Ba Lan.

Đặc biệt với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc lại: “Chúa nhật 11/10 vừa qua, tại Ba Lan có cử hành “Ngày Đức Giáo hoàng”. Đó là một sáng kiến phát sinh từ mối liên hệ tinh thần và văn hóa với thánh Gioan Phaolô II, vị đại tiền nhiệm của tôi và là người đồng hương của anh chị em, nhưng tôi biết rằng ngày đó cũng là ngày cầu nguyện cho vị Giáo hoàng hiện nay. Tôi cám ơn anh chị em vì sự dấn thân hằng năm như thế và vì tất cả những kinh nguyện của anh chị em, để nâng đỡ sứ vụ của tôi. Tôi xin anh chị em hãy tiếp tục như vậy. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Phaolô II, tôi phó thác cho Thiên Chúa anh chị em, gia đình anh chị em và toàn thể Ba Lan. Tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em.”

Kế đến, khi nói với các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các đại diện của Hiệp hội Liên văn hóa, thăng tiến cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau.

Ngài cũng chào các nữ tu dòng Trappiste, ở Vitorchiano khởi hành đi Bồ Đào Nha để thành lập một Đan viện mới. Đức Thánh cha chào thăm quân trường Nato ở Cecchignola, tỉnh Roma và nói: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, đấng không đặt gì trọng hơn là lòng gắn bó quảng đại với Thiên Chúa, nâng đỡ tất cả anh chị em trong niềm trung thành với các lý tưởng thiện hảo mà Chúa Thánh Linh đang khơi lên trong tâm trí anh chị em, để anh chị em có thể trở thành những người xây dựng hòa bình hữu hiệu.

Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “Như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ước gì sự khôn ngoan của Tin mừng tăng trưởng nơi mỗi người trong anh chị em, để anh chị em có thể sống trong sự lắng nghe Lời Chúa Kitô, trong sự nuôi dưỡng bằng Bánh của Chúa và trong việc làm chứng về Chân Lý của Chúa.”

Trước đọc kinh Lạy Cha và ban phép lành, Đức Thánh cha nói vì các biện pháp chống lây lan coronavirus, ngài chỉ có thể chào thăm các tín hữu từ xa, vì nếu ngài đến gần các tín hữu, thì họ xúm lại gần nhau và dễ bị lan lây trong thời đại dịch này. Tốt hơn nên giữ sự giãn cách. Cả các bệnh nhân, tôi cũng chào từ đây, từ xa.

Đức Thánh cha cũng nói: “Mỗi người đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, chúng ta có thể tiếp tục với các buổi tiếp kiến. Xin lỗi anh chị em nếu hôm nay tôi chào anh chị em từ xa, nhưng tôi tin rằng như những công dân tốt, chúng ta tuân hành các qui định của chính quyền. Điều này sẽ giúp chấm dứt đại dịch này.”

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha trên mọi người hiện diện.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2020