Khó Khăn Của Các Tín Hữu Kitô Tại Thổ Nhĩ Kỳ

Hagia Sophia, which was inaugurated as a mosque July 24. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

Vietnamese.rvasia.org - 09/12/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Các tín hữu Kitô tại Thổ Nhĩ Kỳ bị nhà cầm quyền đàn áp và bị lợi dụng vào những mục tiêu chính trị, theo một phúc trình mới của hai tổ chức nhân quyền, là “Quan tâm Kitô quốc tế” (International Christian Concern) và “Quan tâm Trung Đông” (Middle East Concern).

Hãng tin Công giáo CNA ở Mỹ, truyền đi ngày 8/12/2020 vừa qua, cho biết phúc trình cứu xét những thách đố các tín hữu Kitô phải đương đầu trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2020 và thấy rằng các tín hữu Kitô tại Thổ Nhĩ Kỳ thường bị tước bỏ qui chế pháp lý của họ như công dân, cũng như qui chế pháp lý các địa điểm và tổ chức tôn giáo của họ. Hơn nữa, thay vì được trọn vẹn các quyền trong tư cách là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, các tín hữu Kitô tại nước này gặp tình trạng các quyền tôn giáo và dân sự của họ bị lợi dụng như những “mặc cả chính trị quốc tế”.

“Việc thể chế hóa việc dùng tự do tôn giáo như một con bài thương lượng chính trị, khiến cho những người bênh vực nhân quyền phải thận trọng”.

Do tình trạng khó khăn, nhiều tín hữu Kitô đã rời bỏ Thổ Nhĩ Kỳ để di cư đi nước khác. Cách đây hơn 100 năm, Kitô hữu chiếm hơn 20% dân số tại Thổ, nhưng nay chưa tới 0,2%, tức là khoảng 160.000 người, và khoảng 90% dân số tại nước này theo Hồi giáo, và các Kitô hữu như những người ở ngoài lề xã hội.

Phúc trình nói đến vụ Thần học viện Halki của Giáo hội Chính thống bị nhà nước Thổ đóng cửa hồi năm 1971. Trong mười năm qua, tổng thống Erdogan nhiều lần hứa sẽ cho mở lại thần học viện này, nếu Hy Lạp cũng đối xử như vậy đối với những người Thổ ở miền Thrace, bên Hy Lạp. Nhưng sau khi đạt được yêu cầu, chính phủ Thổ vẫn không cho mở lại Thần học viện Halki. Phúc trình cũng nói đến vụ tổng thống Erdogan biến Đền thờ Hagia Sophia của Chính thống ở thành Istanbul thành một đền thờ Hồi giáo hồi tháng Bảy năm nay, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Đền thờ Hagia Sophia đã được tổ chức Unesco của Liên Hiệp Quốc xếp vào số các gia sản văn hóa của nhân loại. Một số di tích của Kitô giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá hoại, lơ là hoặc bị phá hủy. Trong nền giáo dục của Thổ, các học sinh được dạy hãy coi tất cả những gì không thuộc Hồi giáo là chống Thổ Nhĩ Kỳ và là một đe dọa.

Trong số các cộng đồng Kitô bị nhà nước Thổ đặc biệt chiếu cố gây khó khăn, có các tín hữu Tin lành vì nhà nước coi các cộng đoàn này như một đe dọa, trong khi họ tỏ ra quen thuộc hơn với các Cộng đoàn Công giáo và Chính thống. (CNA 8-12-2020)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2020