Đức Thánh Cha: Chúng Ta Cần Học Cầu Nguyện Cả Trong Lúc Hạnh Phúc Lẫn Khi Gặp Khó Khăn

 

Vietnamese.rvasia.org - 09/12/2020 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Lúc 9 giờ 15 phút, sáng thứ Tư, 9/12/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung dưới dạng trực tuyến, tại thư viện trong dinh Tông tòa, trước sự hiện diện như thường lệ của hai giám chức, phụ giúp Đức Thánh cha và tám linh mục thông dịch viên thuộc phủ Quốc vụ khanh.

Tôn vinh Lời Chúa

Trong phần tôn vinh Lời Chúa mở đầu, mọi người đã nghe đọc đoạn thánh vịnh thứ 28 (1-2.6-7):

“Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ. Vì nếu Ngài cứ im hơi lặng tiếng, thì con sẽ giống như kẻ đã xuống mồ. Khi con hướng về nơi cực thánh, giơ đôi tay cầu khẩn van nài, xin Ngài nghe tiếng con khẩn nguyện...

“Chúc tụng Chúa vì Ngài đã nghe tiếng con khẩn nguyện, Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che con, lòng con đặt tin tưởng nơi Ngài. Con đã được Ngài thương trợ giúp, nên lòng con hoan hỉ, cất cao tiếng hát tạ ơn Ngài”.

Tiếp đến là huấn dụ của Đức Thánh cha, qua bài giáo lý thứ 18, với tựa đề: “Kinh nguyện cầu xin”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Kinh Lạy Cha

Chúng ta tiếp tục những suy tư về việc cầu nguyện. Kinh nguyện Kitô hoàn toàn có tính chất nhân bản: bao gồm sự chúc tụng và cầu khẩn. Thực vậy, khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, Ngài dạy kinh Lạy Cha, để chúng ta đặt mình trong tương quan con thảo tín thác nơi Chúa Cha và trình bày cho Chúa tất cả những lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta khẩn xin Thiên Chúa những ơn cao trọng nhất: xin cho thánh danh Chúa được thánh hóa giữa loài người, cho nước Chúa được hiển trị, cho thánh ý thiện hảo của Chúa được thể hiện đối với thế giới. Sách Giáo Lý dạy rằng: “Trong các lời cầu xin, có một phẩm trật; trước tiên chúng ta cầu xin cho Nước Chúa, rồi những gì cần thiết để đón nhận Nước Chúa và cộng tác để Nước Chúa được hiển trị” (n.2632). Nhưng trong kinh Lạy Cha, chúng ta cũng cầu xin những ơn đơn sơ và thường nhật nhất, như lương thực hằng ngày - cũng có nghĩa là sức khỏe, nhà cửa, công việc làm; và cả Thánh Thể, cần thiết cho cuộc sống trong Chúa Kitô - ; cũng vậy, ơn tha thứ tội lỗi, và được an bình trong các tương quan của chúng ta; sau cùng, chúng ta xin Chúa giúp đỡ trong những cám dỗ và ơn được giải thoát khỏi sự dữ.

Cầu xin là điều tự nhiên của con người

Cầu xin, khẩn nguyện. Đó là điều rất con người. Chúng ta hãy nghe thêm Sách Giáo Lý: “Qua kinh nguyện cầu xin, chúng ta biểu lộ ý thức về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa; trong tư cách là thụ tạo, chúng ta không phải là nguyên lý của chính mình, cũng không phải là chủ nhân của những nghịch cảnh, và không phải là cùng đích của chúng ta; đúng hơn, chúng ta là những người tội lỗi, tuy là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chúng ta xa lìa Chúa Cha. Nguyên việc cầu xin cũng đã là một sự trở về cùng Chúa” (n. 2629). Nếu người nào cảm thấy đau khổ vì đã làm điều xấu, một người tội lỗi, khi họ đọc kinh Lạy Cha, họ đã cảm thấy mình đang đến gần Chúa.

Ảo tưởng tự mãn

Nhiều khi chúng ta có thể tưởng là không cần gì, tự đủ cho mình và sống trong sự tự mãn hoàn toàn. Nhưng trước sau gì ảo tưởng ấy cũng biến tan. Làm người là một sự kêu cầu, nhiều khi trở thành tiếng hét, nhưng thường là âm thầm. Linh hồn giống như một thửa đất khô cằn, mong mỏi nước tưới gội (Xc Tv 63,2). Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm, trong một lúc này hay lúc khác của cuộc sống, thời kỳ nhớ nhung, cô đơn. Kinh thánh không ngại chứng tỏ thân phận phàm nhân bị bệnh tật, bất công, bị bạn hữu phản bội, hoặc bị kẻ thù đe dọa. Nhiều khi dường như tất cả đều sụp đổ, và cuộc sống cho đến bấy giờ trở thành vô ích. Trong những tình trạng ấy, có vẻ là không có lối thoát, có một con đường duy nhất để thoát ra, đó là tiếng kêu, kinh nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp con!” Kinh nguyện mở ra một luồng sáng chiếu rọi vào trong bóng đêm dày đặc nhất.

Cả các thụ tạo khác cũng kêu cứu

Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Con người chúng ta chia sẻ lời cầu cứu ấy với tất cả các loài thụ tạo. Chúng ta không phải là những người duy nhất “cầu nguyện” trong vũ trụ bao la này: mỗi mảnh thụ tạo đều mang dấu tích ước muốn Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã diễn tả điều ấy như sau: “Chúng ta biết rằng toàn thể thụ tạo rên xiết và đau đớn như phụ nữ sinh con cho đến ngày hôm nay. Không những thế, cả chúng ta, chúng ta cũng được những ơn đầu mùa của Thánh Linh, chúng ta rên xiết trong nội tâm” (Rm 8,22-24). Trong chúng ta có nhiều hình thức tiếng rên xiết của các thụ tạo; các cây cối, tảng đá, động vật... mỗi sự đều khao khát được viên mãn. Tertulliano đã viết: “Mỗi thụ đạo đều cầu nguyện, các động vật và dã thú cầu nguyện và quì gối; khi chúng ra khỏi chuồng hoặc hang động, chúng ngẩng đầu lên trời và miệng không ngậm lại, chúng lên tiếng kêu theo thói quen của chúng. Và cả chim chóc, vừa khi bắt đầu tung cánh bay, chúng bay lên trời và mở rộng đôi cánh như thể đôi bàn tay theo hình thập giá, líu lo những điều như thể là kinh nguyện” (De oratione, XXIX).

Nhu cầu cầu nguyện

“Vì vậy, chúng ta không nên lấy làm cớ vấp phạm, khi chúng ta cảm thấy cần cầu nguyện, nhất là khi chúng ta ở trong tình trạng cấp thiết. Đúng vậy: chúng ta phải học cầu nguyện cả trong những lúc hạnh phúc; cảm tạ Thiên Chúa vì mọi điều Chúa ban cho chúng ta, và không coi là điều hiển nhiên hoặc tự nhiên mà được: tất cả là hồng ân. Tuy nhiên, chúng ta không bóp nghẹt lời khẩn cầu xuất phát tự nhiên trong chúng ta. Lời cầu xin đi song đôi với sự chấp nhận giới hạn và thân phận thụ tạo của chúng ta. Người ta có thể đi tới chỗ không tin nơi Thiên Chúa, nhưng thật khó lòng không tin nơi lời cầu nguyện: nó hiện hữu một cách đơn thuần; nó xuất hiện trước chúng ta như một tiếng kêu; và tất cả chúng ta đều có liên hệ với tiếng nói nội tâm mà ta có thể giữ kín trong thời gian dài, nhưng một ngày nào đó nó bừng tỉnh và kêu lên.”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Thiên Chúa sẽ trả lời. Không có người nào trong sách Thánh kinh lên tiếng than mà không được lắng nghe. Kinh thánh lặp đi lặp lại: Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của người kêu cầu Ngài. Cả những lời cầu xin bập bẹ của chúng ta, cả những lời cầu ở trong thẳm sâu tâm hồn. Chúa Cha muốn ban Thần Trí của Ngài cho chúng ta, linh hoạt mỗi kinh nguyện và biến nó thành cái gì đó. Vấn đề ở đây là kiên nhẫn, chờ đợi. Thậm chí cái chết cũng run rẩy, khi một tín hữu Kitô cầu nguyện, vì biết rằng mỗi người cầu nguyện đều có một đồng minh mạnh mẽ hơn thần chết: đó là Chúa Phục Sinh. Thần chết đã bị đánh bại trong Chúa Kitô, và ngày Ngài đến, tất cả sẽ chung cục, và thần chết không thể chế nhạo cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta nữa.

Chúng ta hãy học ở trong thái độ chờ đợi. Chúa đang đến viếng thăm chúng ta, không phải chỉ trong những đại lễ, Giáng sinh, Phục sinh, nhưng Chúa còn viếng thăm chúng ta mỗi ngày trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta đang chờ đợi. Bao nhiêu lần chúng ta không nhận ra Chúa đang ở gần chúng ta, gõ cửa lòng chúng ta và chúng ta để Ngài đi qua...

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7,7). Trong Mùa vọng này, bị ảnh hưởng vì đại dịch, chúng ta hãy cầu xin như Chúa Giêsu khích lệ chúng ta. Chúng ta hãy học từ nơi Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Vô Nhiễm, mà chúng ta mừng lễ trọng hôm 8/12 vừa qua. Theo gương Mẹ, chúng ta hãy đặt nơi Thiên Chúa tất cả lòng tín thác của chúng ta, phó thác nơi lòng thương xót của Chúa”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Hôm qua, 8/12, Tông thư về thánh Giuse, nhân kỷ niệm 150 năm người được tôn làm Bổn mạng Giáo hội hoàn vũ đã được công bố. Tôi đặt tên cho Tông thư là “Với tâm hồn người cha”. Thiên Chúa đã ủy thác cho thánh nhân những kho tàng quí giá nhất - là Chúa Giêsu và Mẹ Maria - và thánh Giuse đã hoàn toàn đáp lại với niềm tin, lòng can đảm và sự dịu dàng, “với tâm hồn người cha”. Chúng ta hãy khẩn cầu sự bảo vệ của người trên Giáo hội trong thời đại này và học nơi thánh nhân sự luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa với lòng khiêm tốn”.

Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu và nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Mùa vọng nay, khi dẫn chúng ta đến gần lễ Giáng sinh, chuẩn bị cho chúng ta cởi mở tinh thần đón nhận ánh sáng Mầu Nhiệm Bethlehem. Ước gì sự chờ đợi Đấng Cứu Thế thúc đẩy mỗi người chúng ta luôn quyết liệt và quảng đại đáp lại những đòi hỏi của ơn gọi Kitô.

Và, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh hân, các đôi tân hôn. Khi cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người, anh chị em hãy vui mừng tiến về Chúa, Đấng đang đến cứu độ chúng ta”.

Buổi tiếp kiến kéo dài 45 phút đồng hồ vì không có cuộc gặp gỡ các tín hữu như trong thời bình thường, và kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2020