Thế Giới Nhìn Từ Vatican - 02/Sep/2021

https://www.youtube.com/watch?v=KIdITJ8ImOU (15phut)

Cuộc trò chuyện giữa Đức Thánh Cha và Herrera đã được phát sóng trong chương trình “Herrera en COPE”, bắt đầu lúc 8 giờ sáng thứ Tư 1 tháng 9 theo giờ địa phương Madrid, tức là 1 giờ trưa giờ Việt Nam.

Thông tín viên Inés San Martín thường trú tại Rôma của tờ Crux, là ký giả chuyên về Vatican. Cô là người Á Căn Đình, tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ nên cô đã có thể tóm lược lại và dịch sang tiếng Anh trong một thời gian ngắn. Bản tiếng Anh tại https://cruxnow.com/vatican/2021/09/in-new-interview-pope-speaks-about-afghanistan-latin-mass-and-vatican-corruption-trial/. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất trên phạm vi rất rộng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về việc rút quân khỏi Afghanistan, sức khỏe và tin đồn ngài sắp thoái vị, vụ xét xử tham nhũng của Vatican chống lại một số người bao gồm một trong những cố vấn thân cận nhất của ngài và quyết định hạn chế sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Afghanistan

Đề cập đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Afghanistan, Đức Thánh Cha cho biết: “Tôi rất xúc động trước một điều mà Thủ tướng Angela Merkel, một trong những nhân vật vĩ đại của nền chính trị thế giới, đã nói ở Mạc Tư Khoa. Tôi hy vọng từ ngữ là chính xác, cô ấy nói: ‘Cần phải chấm dứt chính sách vô trách nhiệm trong đó người ta can thiệp chủ quan từ bên ngoài và cố xây dựng nền dân chủ ở các nước khác trong khi bỏ qua truyền thống của các dân tộc.’

Câu nói này thực ra là từ Tổng thống Nga Putin, đã được nhiều tờ báo tại Rôma cho rằng là của bà Thủ tướng Angela Merkel.

“Tôi tin rằng với tư cách là một mục tử, tôi phải kêu gọi các tín hữu Kitô cầu nguyện đặc biệt vào lúc này. Đúng là chúng ta đang sống trong một thế giới chiến tranh, hãy nghĩ đến Yemen chẳng hạn. Nhưng đây là một vấn đề rất đặc biệt, nó có một ý nghĩa khác. Và tôi sẽ cố gắng cầu xin điều mà Giáo hội luôn đòi hỏi trong những thời kỳ khó khăn và khủng hoảng: Đó là cầu nguyện nhiều hơn và ăn chay nhiều hơn”.

Vụ Hồng Y Angelo Becciu

Đề cập đến phiên tòa đang diễn ra chống lại Hồng Y Angelo Becciu và các nhân viên và chuyên gia tư vấn khác của Vatican, Đức Phanxicô nói rằng “ít nhất ngay từ cái nhìn đầu tiên, người ta đã thấy có vẻ như có tham nhũng.” Ngài thừa nhận rằng tham nhũng là “một căn bệnh tái phát thường xuyên.” Tuy nhiên, ngài cũng nói rằng ngài tin rằng “đã có những tiến bộ trong việc củng cố công lý trong quốc gia thành Vatican,” với hệ thống tư pháp ngày càng trở nên độc lập hơn.

Đức Phanxicô cho biết, phiên tòa đang diễn ra đã bắt đầu từ “hai lời phàn nàn từ những người làm việc tại Vatican và những người nhận thấy sự bất thường trong hoạt động của những người bị truy tố. Họ đã khiếu nại và yêu cầu tôi phải làm một điều gì đó”. Ngài gửi những người tố cáo đến các công tố viên, kèm theo cả chữ ký của ngài bên cạnh chữ ký của họ trong đơn khiếu nại, “ để nói rằng: Đây là cách phải làm, tôi không sợ sự minh bạch hay sự thật. Đôi khi nó đau, và rất đau, nhưng sự thật mới là thứ giúp chúng ta tự do”.

Khi được hỏi cụ thể về Hồng Y Becciu, Đức Giáo Hoàng nói rằng vị Hồng Y “bị xét xử theo luật của Vatican”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Tôi hết lòng hy vọng rằng anh ấy vô tội. Dẫu sao, anh ta là một cộng tác viên của tôi và đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Anh ta là một người mà tôi rất quý trọng, có nghĩa là tôi muốn anh ấy trở nên tốt đẹp. Đây chỉ đơn giản là giả định về sự vô tội. Nhưng ngoài sự giả định vô tội, tôi muốn anh ấy trở nên thật tốt. Nhưng Công lý mới là người quyết định”.

Khả thể thoái vị

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn dài 90 phút với đài phát thanh Tây Ban Nha COPE, thuộc sở hữu của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha.

Nhà báo Carlos Herrera, một trong những ký giả có uy tín nhất ở Tây Ban Nha, thừa nhận rằng cuộc phỏng vấn đã được dàn xếp bởi Eva Fernandez, phóng viên đài Vatican.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã nêu đích danh cô Eva Fernandez. Ngài nói là “nhờ Eva” ngài đã phát hiện ra rằng những tin đồn về việc thoái vị của ngài đã tạo nên những vấn đề nghiêm trọng ở quê hương Á Căn Đình của ngài.

“Cô ấy đã cho tôi biết điều đó với một biểu hiện rất dễ thương của người Á Căn Đình, và tôi nói với cô ấy rằng tôi không có ý kiến gì vì tôi chỉ đọc duy nhất một tờ báo ở đây vào buổi sáng, tờ báo của Rôma”. Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Tôi không xem tivi. Và tôi nhận được báo cáo về một số tin tức trong ngày, nhưng tôi phát hiện ra sau đó, vài ngày sau đó, có điều gì đó về việc tôi thoái vị. Bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng bị ốm thì thế nào cũng có những cơn gió nhẹ hoặc những cơn cuồng phong về Cơ Mật Viện.”

Cách diễn đạt của người Á Căn Đình mà Đức Giáo Hoàng ám chỉ là quilombo. Ngài không trực tiếp dùng từ quilombo trong cuộc phỏng vấn. Từ này có một hàm ý mạnh mẽ trong tiếng Tây Ban Nha, mặc dù nó hầu như chỉ được sử dụng ở Á Căn Đình: Đó là tiếng lóng của Buenos Aires có nghĩa là tai tiếng, xáo động hoặc xung đột; nhưng ban đầu nó được sử dụng như một từ đồng nghĩa với nhà chứa gái mãi dâm.

Về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ

Khi thảo luận về vụ bê bối lạm dụng giáo sĩ đối với trẻ vị thành niên, Đức Phanxicô bắt đầu bằng cách bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston, ca ngợi lòng dũng cảm và công việc mà ngài đã làm trong lĩnh vực này ngay từ đầu.

Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng Đức Hồng Y O'Malley bắt đầu “nói về điều này với lòng can đảm, gọi nó là một cái gai bên cạnh” Giáo hội. Ngài cũng ca ngợi “phát minh” của Đức Hồng Y trong việc hình thành Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, được thành lập rất sớm trong triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô. Theo Đức Thánh Cha, ủy ban này bao gồm “những người giỏi nhất từ một số quốc gia”.

Ngài cũng nói về bài phát biểu gây tranh cãi năm 2019 của mình vào cuối hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Rôma về nạn lạm dụng giáo sĩ, trong đó ngài đổ lỗi cho ma quỷ gây ra cuộc khủng hoảng và trích dẫn các số liệu thống kê cho thấy vấn đề này đang lan rộng như thế nào trong xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với radio COPE “Có người nói: ‘Cuối cùng thì Đức Giáo Hoàng nói rằng đó là vấn đề của mọi người, ngài đổ lỗi cho ma quỷ và rửa tay’. Tôi đã đổ lỗi cho ma quỷ, vâng. Ma quỷ là đứa kích động nên điều này. Nhưng tôi đã đổ lỗi cho nó khi tôi nói về nội dung khiêu dâm đặc biệt là ấu dâm. Tôi đã nói rằng lạm dụng một cậu bé để quay phim mô tả một hành động khiêu dâm là một hành động xấu xa. Nó không thể được giải thích nếu không có sự hiện diện của ma quỷ”.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Tôi nghĩ rằng mọi thứ đang được thực hiện tốt. Trên thực tế, đã có những tiến bộ và ngày càng tiến bộ hơn. Tuy nhiên, đó là một vấn đề toàn cầu và nghiêm trọng. Đôi khi tôi tự hỏi làm thế nào mà một số chính phủ cho phép sản xuất nội dung khiêu dâm trẻ em. Đừng nói rằng họ không biết nhé. Ngày nay, với các dịch vụ tình báo, mọi thứ họ đều được biết. Chính phủ biết ai ở quốc gia mình sản xuất nội dung khiêu dâm trẻ em. Đối với tôi đây là một trong những điều quái đản nhất mà tôi đã từng thấy”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã được hỏi ý kiến về việc Tây Ban Nha hợp pháp hóa an tử vào đầu năm nay, và ngài trả lời rằng “Chúng ta hãy tự đánh giá. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa vứt bỏ. Cái gì vô ích thì bỏ đi. Người già là thứ dùng một lần: Họ là một điều phiền toái. Không phải tất cả ai cũng nghĩ như thế, nhưng trong vô thức chung của văn hóa vứt bỏ, những người già, cũng như những người bị bệnh nan y; những đứa trẻ không mong muốn cũng vậy, và họ bị trả lại tình trạng trước khi chào đời”.

Nhưng văn hóa vứt bỏ này không chỉ là vấn đề của phương Tây. Đức Thánh Cha lưu ý rằng điều tương tự cũng xảy ra ở “các vùng ngoại vi Á châu rộng lớn”, chẳng hạn như tình hình của người Rohingyas, một nhóm dân tộc Hồi giáo lâu nay bị đàn áp ở Miến Điện và bị từ chối ở Bangladesh, đến mức ngày nay, họ là “dân du mục” và “bị bỏ rơi. Họ không phù hợp, họ không được chào đón.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng Âu Châu đang trải qua một mùa đông nhân khẩu học vì “kim tự tháp đã bị đảo ngược”, với nhiều trường hợp phá thai hơn và lợi nhuận được đặt làm trung tâm.

Về vấn đề phá thai, Đức Thánh Cha nói: “Đó là một mạng người. Một sự sống. Một số người nói, ‘Thai nhi không phải là một con người.’ Không, đó là một con người! Vì vậy, đứng trước một con người tôi tự đặt ra cho mình hai câu hỏi: Loại bỏ một con người để giải quyết một vấn đề, liệu có công bằng không khi loại bỏ một con người để giải quyết một vấn đề? Câu hỏi thứ hai: Có công bằng không khi thuê một kẻ giết người theo hợp đồng để giải quyết một vấn đề? Và với hai câu hỏi này, thì những trường hợp loại bỏ những người bao gồm cả thai nhi lẫn người già vì họ là gánh nặng cho xã hội thì người ta nghĩ sao?”

Đức Giáo Hoàng cũng chia sẻ một câu chuyện từng được kể trong gia đình của ngài, trong đó một người cha đã cố gắng giấu cha mình với khách bằng cách dọn bàn cho ông một bàn trong bếp vì ông thường chảy nước dãi khi ăn. Một ngày nọ, khi ông ta trở về nhà, ông ta thấy cậu con trai nhỏ của mình đang nghịch gỗ, dùng búa đóng đinh để “làm cái bàn” dùng cho chính người đàn ông ấy khi ông lớn tuổi.

“Nói cách khác, những ai gieo mầm loại bỏ, sẽ thu hoạch được đúng cái mình gieo sau đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Vấn đề Thánh lễ Latinh Truyền thống

Khi được hỏi về Tự Sắc Traditionis Custodes, được ban hành vào tháng 7, giới hạn việc cử hành Thánh lễ Tridentinô, thường được gọi là Thánh lễ Latinh truyền thống hoặc Thánh lễ cổ, Đức Phanxicô nói rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về việc công bố Summorum Pontificum, cho phép cử hành Thánh lễ với Sách Lễ của Đức Gioan 23 cho những người đã có một “nỗi nhớ nào đó”, là một trong những “hành động mục vụ đẹp đẽ và nhân bản” bởi người tiền nhiệm của ngài là “một người có tinh thần nhân bản nhạy bén.”

Đức Thánh Cha nói rằng năm ngoái việc áp dụng Tự Sắc của Đức Bênêđíctô đã được nghiên cứu, thông qua cuộc tham vấn kéo dài một năm với tất cả các giám mục trên khắp thế giới, và hiển nhiên rằng những gì từng là một cử chỉ mục vụ đã “được chuyển hóa thành ý thức hệ”.

“Chúng tôi phải có phản ứng và phải đưa ra các chuẩn mực rõ ràng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Các tiêu chuẩn rõ ràng đặt ra giới hạn cho những người chưa từng trải qua trải nghiệm đó. Bởi vì nó dường như là thời trang ở một số nơi. Nếu bạn đọc kỹ bức thư và đọc kỹ Tự Sắc, bạn sẽ thấy rằng đó chỉ đơn giản là một sự sắp xếp lại mang tính xây dựng, với sự chăm sóc mục vụ và tránh sự thái quá không đáng có”.

Di cư, khí hậu và văn bia của ngài

Trong cuộc phỏng vấn, Herrera và Đức Giáo Hoàng thường nhảy từ điểm này sang điểm khác, và cuộc trao đổi của hai người gần giống như một trận đấu bóng bàn.

Một vài điểm nổi bật của việc trao đổi qua lại này:

Về việc ma quỷ “chạy quanh Vatican”, Đức Phanxicô nói rằng “ma quỷ chạy khắp nơi, nhưng tôi sợ nhất là những con quỷ lịch sự. “

Về vấn đề biến đổi khí hậu, ngài nói rằng vào năm 2007, khi ngài tham gia hội nghị các giám mục Mỹ Latinh ở Aparecida, Brazil, ngài không hiểu tại sao các giám mục Brazil lại nói về việc bảo tồn thiên nhiên trong mối quan hệ với việc truyền giáo. “Tôi là một người được hoán cải về điều này,” ngài nói và nhấn mạnh rằng “về nguyên tắc tôi sẽ tham gia cuộc họp ở Glasgow năm 2021 về biến đổi khí hậu và bài phát biểu của tôi đã được viết”.

Đối với người di cư, “có bốn thái độ: Chào mừng, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập. Và đối với điều cuối cùng: nếu bạn chào đón họ và để họ ở nhà không biết làm gì và không hòa nhập họ, họ sẽ là một mối nguy hiểm, bởi vì họ cảm thấy như những người xa lạ”.

Về thể thao, Đức Thánh Cha cho biết bây giờ ngài chỉ mới bắt đầu “hiểu một chút” về túc cầu Ý, và thừa nhận rằng ngài đã không xem bất kỳ trận đấu nào của Copa America, mà Á Căn Đình đã giành được chiến thắng vào đầu năm nay và tránh trả lời một câu hỏi đặt ra cho ngài về Lionel Messi, là người đã rời đội tuyển Tây Ban Nha lâu đời của mình trong năm nay để chơi ở Pháp. Thay vào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “ để trở thành một cầu thủ túc cầu giỏi, bạn phải có hai điều: Biết cách làm việc trong một tập thể và không đánh mất tinh thần nghiệp dư. Khi thể thao mất đi tinh thần nghiệp dư đó, nó bắt đầu trở nên quá thương mại hóa”.

Về cách mình muốn được ghi nhớ, Đức Thánh Cha Phanxicô ngắn gọn và đi vào trọng tâm, nói: “Về việc tôi là ai: Thưa: Một tội nhân cố gắng làm điều tốt”.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2021