Đức Hồng y Kasper: Tương Quan Giữa Công Giáo Đức và Tòa Thánh Căng Thẳng

Đức Hồng y Walter Kasper | Kempis

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 28/10/2021

Đức Hồng y Walter Kasper, người Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô lo âu về tình hình Giáo hội Công giáo tại Đức. Ngài không tin là sẽ có ly giáo, nhưng có thể là một biến thể càng tệ hại hơn nữa.

Đức Hồng y Kasper năm nay 88 tuổi. nguyên là giáo sư thần học tại Đại học Muenster rồi Tubingen, trước khi được chọn làm Giám mục giáo phận Rottenburg-Stuttgart, nam Đức vào năm 1989. Mười năm sau, ngài được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng thư ký, rồi làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô và thăng Hồng y năm 2001.

Trong một bài đăng trên tạp chí nổi tiếng Herder Korrespondenz tại Đức, số ra tháng Mười Một sắp tới, Đức Hồng y Kasper nhận xét rằng tương quan giữa Giáo hội Công giáo tại Đức và Tòa Thánh căng thẳng. Sự đối đầu giữa hai phía ngày càng mạnh mẽ hơn. “Nếu bạn không nghe nữa thì sẽ không hiểu nhau nữa”. Ngoài ra, hiện nay thiếu các nhà thần học và linh mục Đức, tại Vatican có thể làm trung gian.

Đức Hồng y Kasper nói: “Sự căng thẳng hiện nay giữa Roma và Giáo hội Đức đè nặng trên tôi và làm cho tôi đau buồn. Chắc chắn là có những phán đoán không đúng từ phía Roma về tình trạng ở Đức, nhưng những phán đoán sai lầm từ phía Đức đối với Roma và một số văn kiện của Roma càng nặng và nhiều hơn nữa”.

Đức Hồng y Kasper đặc biệt phê bình diễn tiến các cuộc thảo luận hiện nay về việc cải tổ Giáo hội tại Đức. Trong những năm gần đây, việc xử lý những vụ xì căng đan lạm dụng tính dục có liên hệ và đưa đến chương trình cải tổ Giáo hội, nhiều khi đụng chạm đến chính nền tảng căn tính của Giáo hội. Dường như có quá nhiều người ở Đức muốn rời bỏ quĩ đạo Công giáo hoàn vũ, hoặc muốn lập Giáo hội kiểu riêng của Đức. Giáo hội Công giáo tại Đức nhiều khi quá quan tâm đến chính mình. Không phải mọi vấn đề của Đức đều là những vấn đề của Giáo hội hoàn vũ.

Trường hợp Hòa Lan

Theo Đức Hồng y Kasper, có thể tình trạng tại Đức sẽ tệ hại hơn so với Hòa Lan. Giáo hội Công giáo Hòa Lan đã triệu tập “Công đồng mục vụ”, từ 1966 đến 1970, với những chủ trương cải tổ giống như người ta đang cố gắng đạt tới tại Đức hiện nay. Sau công đồng mục vụ ấy, con số tín hữu Công giáo Hòa Lan sa sút đến độ ngày nay Hòa Lan là một nước bị tục hóa nhất tại Âu châu.

Tại Đức cũng vậy, có những người rời bỏ Giáo hội vì thất vọng, nhưng họ không đi theo Giáo hội ly giáo và chỉ có một số rất nhỏ gia nhập Giáo hội khác. Đức Hồng y nói: “Bạn không đi vào tình trạng ly giáo, nhưng bạn sẽ tiến tới một nước Đức không còn Kitô giáo, một nước không có hệ phái Kitô nào”.

Đức Hồng y Kasper cho biết Giáo hội Công giáo hoàn vũ sống nhờ các Giáo hội địa phương tại các nước, và những Giáo hội địa phương ấy sống trong và nhờ Giáo hội hoàn vũ. Khi tách biệt khỏi Giáo hội hoàn vũ thì nó giống như những cành cây khô, chỉ nhờ tháp vào thân cây, thì chúng mới xanh tươi và triển nở”. Vì thế điều quan trọng là trong những thập niên tới đây, cần vượt thắng tình trạng căng thẳng hiện nay và làm cho nhưng căng thẳng ấy có thể mưu ích cho cả hai phía. Giáo hội Công giáo tại Đức phải tái tìm lại chỗ đứng của mình trong Giáo hội hoàn vũ. (KNA 26-10-2021)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2021