Đức Thánh Cha Tiếp Ngoại Giao Đoàn Cạnh Tòa Thánh

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 10/01/2022

Sáng ngày 10 tháng Giêng năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, và ngài trình bày lập trường của Tòa Thánh trước những vấn đề lớn của nhân loại, đồng thời đề nghị hướng đi để giải quyết.

Buổi tiếp kiến diễn ra tại Hội trường Phép lành rộng rãi hơn, ở lầu trên phía cuối Đền thờ thánh Phêrô, giống như năm trước đây đòi sự giãn cách.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến lúc 10 giờ, có đại diện của 183 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có quan hệ với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Ngoài ra cũng có đại diện của Liên hiệp Âu châu và Hội Hiệp Sĩ Malta. Có 88 vị đại sứ thường trú và gần 100 vị khác từ các nhiệm sở khác ở Âu châu cũng đến Vatican trong dịp này.

Về phía Tòa Thánh, có Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với ba vị Tổng giám mục trưởng ba phân bộ: Tổng vụ, ngoại giao và các nhân viên ngoại giao, cùng với các vị phó tổng thư ký của mỗi phân bộ.

Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đại sứ cộng hòa Cipro cạnh Tòa Thánh, ông George Poulides, niên trưởng đoàn ngoại giao, đã đại diện mọi người chúc mừng Đức Thánh cha nhân dịp đầu năm mới và nhắc đến những hoạt động của ngài đã mang lại những hướng đi cho cộng đồng các dân nước.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Trong diễn văn dài, Đức Thánh cha đã đề cập đến những thách đố lớn đang đề ra cho cộng đồng thế giới, từ khi đại dịch toàn cầu hoành hành trên thế giới gây hại cho bao nhiêu người, mặc dù đã có bao nhiêu nỗ lực chích ngừa cho dân chúng; tiếp đến là vấn đề di dân và tị nạn, sự thay đổi khí hậu, vấn đề võ trang và tình trạng vũ khí lan tràn trên thế giới, nạn thực dân ý thức hệ, nhân danh loại bỏ những khác biệt để xóa bỏ ý nghĩa của mỗi căn tính. Đức Thánh cha cũng đề cập đến tình trạng một số quốc gia đang còn gặp khó khăn trầm trọng: Liban, Syria, Libya, Ucraina và miền Caucase, Yemen, Myanmar, Giáo hội Công giáo và vấn đề giáo dục.

Vắcxin cho mọi người

Đức Thánh cha đề cao tầm quan trọng của việc tiếp tục làm cho dân chúng được miễn nhiễm đối với Covid-19 bao nhiêu có thể. Điều này đòi nhiều dấn thân trên các bình diện bản thân, chính trị và toàn thể cộng đồng quốc tế.

Đức Thánh cha ám chỉ tới những người chống vắcxin để ngừa Coronavirus và nói: “Rất tiếc chúng ta nhận thấy chúng ta đang sống trong một thế giới có những đối nghịch mạnh mẽ về ý thức hệ. Bao nhiêu lần chúng ta để cho mình bị ảnh hưởng vì ý thức hệ hiện thời, thường được kiến tạo trên những tin tức vô bằng cớ hoặc những dữ kiện ít có dẫn chứng... Đại dịch đòi chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề và chấp nhận những phương thế thích hợp để giải quyết nó. Vắcxin không phải là những phương thế ma thuật, nhưng chắc chắn chúng là một giải pháp hữu lý nhất để phòng ngừa bệnh tật, thêm vào những chữa trị cần được phát triển”.

Đức Thánh cha cổ võ các chính quyền cương quyết trong vấn đề này và có những thông tin rõ ràng để tránh gây ra hoang mang, bất tín nhiệm và làm tổn thương sự gắn bó xã hội, nuôi dưỡng thêm những căng thẳng. Cần có sự dấn thân của cộng đồng quốc tế để toàn thể dân chúng thế giới có thể có được những chữa trị y khoa thiết yếu đồng đều và các vắcxin, trong tinh thần trách nhiệm, nhờ những kiểu mẫu mới về liên đới và những phương thế thích hợp củng cố khả năng của các nước túng thiếu nhất.

Đức Thánh cha cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, như Thương mại thế giới, Tổ chức thế giới về tài sản trí thức thích ứng các phương thế pháp lý của mình về các qui luật về độc quyền không tạo thêm những chướng ngại cho việc sản xuất và tiến tới việc đạt được, một cách có tổ chức và nhất quán, những chữa trị y tế trên bình diện thế giới.

Vấn đề di dân và tị nạn

Trong diễn văn, Đức Thánh cha nhắc đến cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo Lesbo, bên Hy Lạp hồi đầu tháng Mười Hai năm ngoái. Ngài nhận thấy có sự quảng đại của những người tiếp đón và giúp đỡ người di dân, và cám ơn các cá nhân và các chính phủ cố gắng đảm trách việc đón tiếp và bảo vệ những người di dân, cả việc thăng tiến nhân bản và giúp họ hội nhập vào những nước tiếp cư.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Cần chiến thắng sự dửng dưng và cần loại bỏ ý tưởng những người di dân là một vấn đề của người khác. Quan niệm như thế đưa tới sự hạ giá người di dân, tập trung vào những trại gọi là “điểm nóng”, nơi mà họ dễ trở thành nạn nhân của tội phạm và nạn buôn người, hoặc họ bị cám dỗ thực hiện những toan tính tuyệt vọng để trốn chạy và nhiều khi kết thúc bằng cái chết”.

Đức Thánh cha cũng kêu gọi Liên hiệp Âu châu xử lý vấn đề di dân, cần thương lượng với các nước thành viên để giải quyết các vấn đề này.

Hiệu năng của các tổ chức quốc tế

Đề cập đến các tổ chức quốc tế, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Ngành ngoại giao đa phương từ lâu đang trải qua một cuộc cuộc khủng hoảng về tín nhiệm, do uy tín của các chế độ xã hội, chính quyền và phi chính quyền. Những nghị quyết, tuyên ngôn và quyết định quan trọng thường được đưa ra mà không có cuộc thương thuyết thực sự, trong đó tất cả các nước đều có tiếng nói. Sự thiếu quân bình này ngày nay trở thành hiển nhiên một cách thê thảm, tạo nên sự nghi kỵ đối với các tổ chức quốc tế từ phía nhiều quốc gia và làm suy yếu hệ thống đa phương, khiến nó không còn hữu hiệu để đương đầu với các thách đố hoàn vũ”.

“Sự thiếu hiệu năng của nhiều tổ chức quốc tế cũng do quan điểm khác nhau nơi các thành viên, những mục tiêu mà họ phải nhắm tới... kết quả là những chương trình hành động lớn luôn được áp đặt do một tư tưởng chối bỏ những nền tảng cơ bản của nhân loại, và những căn cội văn hóa tạo nên căn tính của nhiều dân tộc. Tôi coi đây là một hình thức thực dân ý thức hệ, không còn chỗ cho tự do ngôn luận và ngày nay ngày càng có xu hướng như sự xóa bỏ văn hóa, xâm chiếm bao nhiêu lãnh vực và các tổ chức công quyền. Nhân danh việc bảo vệ những khác biệt, rốt cuộc người ta đi tới chỗ xóa bỏ ý thức về mỗi căn tính, với nguy cơ buộc phải im lặng các lập trường bảo vệ một ý tưởng tôn trọng và quân bình đối với những nhạy cảm khác nhau. Người ta theo đuổi một tư tưởng duy nhất, bó buộc phải chối bỏ lịch sử, và tệ hơn nữa phải viết lại lịch sử dựa trên những phạm trù (categorie) hiện đại, trong khi mỗi tình trạng lịch sử cần phải được giải thích theo sự giải thích của thời đó. (Rei 10-1-20220)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2022