ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

KHUÔN MẶT NGƯỜI LINH MỤC HÔM NAY[1]

 

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, càng ngày giáo dân càng phản ảnh về những tiêu cực của đời sống linh mục, nhất là lối sống hưởng thụ, quyền hành, ngặt nghèo, xa cách giáo dân…  Xin chia sẻ một số nét tiêu biểu trong tính cách rất dễ thương, và là khuôn mặt người linh mục rất dễ mến của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là tính cách rất hấp dẫn của con người linh mục, vì nó phác họa lại dung mạo của Đức Kitô, đem lại một sức năng động mới cho các linh mục hôm nay.

Sống khó nghèo

Đức Phanxicô khi còn là Tổng giám mục ở Buenos Aires, ngài không sử dụng xe hơi riêng, cũng không có tài xế riêng. Ngài sử dụng phương tiện giao thông công cộng, métro hoặc xe bus. Ngài từ chối ở trong ngôi biệt thự xinh đẹp của tòa tổng giám mục, và đến ở trong căn hộ hai phòng nhỏ trên lầu 3 của Nhà Chung giáo phận.

Khi lên ngôi, ngài không đến ở căn phòng dành cho giáo hoàng nhưng ở tại nhà khách thánh Matta, căn phòng số 201 dành cho khách trọ, phòng ăn chung, cùng ngồi chung với mọi người.

Sau khi đắc cử giáo hoàng, vị chưởng nghi Guido Marini đề nghị ngài mặc áo choàng đỏ, tượng trưng cho quyền lực, ngài trả lời: “Không, cám ơn… Lễ hội hóa trang đã kết thúc rồi”. Hôm sau, ngày đăng quang, ngài cũng không mang giầy đỏ cổ điển và vớ tím, nhưng mang đôi giầy màu đen cũ kỹ đã biến dạng.

Trong việc tuyển chọn các giám mục, ngài thông báo cho các sứ thần thay mặt cho giáo triều có trách nhiệm tiến cử các ứng viên rằng: “Đó phải là những mục tử gần dân chúng, yêu mến sự khó nghèo, không mang não trạng “ông hoàng”[2].

Một buổi sáng tháng Chín, trong một thánh lễ tại nhà nguyện thánh Matta, ngài đã công kích việc tôn thờ tiền bạc và tỏ ra rất phiền muộn. Ngài nói rằng, dính bén tiền bạc thì sẽ xa cách Thiên Chúa. “Tiền bạc làm cho tinh thần trở thành bệnh tật, làm đức tin trở thành tàn tật”. Ngài còn nói thêm rằng, tình yêu tiền bạc khiến các linh mục và giám mục phạm tội. Và nếu lòng tham nổi lên, thì “tinh thần hư hỏng, có nguy cơ coi tôn giáo như một nguồn thu lợi”.

Sống cho người nghèo

Khi còn là vị tổng giám mục, ngài đi ra phố như một linh mục, và xác tín sâu xa rằng, việc gặp gỡ người nghèo giúp tìm được sự phong phú thiêng liêng, bởi vì nơi người nghèo, người ta nhận ra tính thật thà và đơn sơ cách đặc biệt trong mối tương quan với Chúa. Ngài biết các khu ngoại ô cũng là thế giới của bạo lực, ở đó sự tàn ác vẫn treo lơ lững. Vì bênh vực người nghèo chống lại những bất công và các thế lực đen tối, ngài cũng nhận được những lời đe dọa. Nhưng ngài vẫn khẳng khái: “Tôi sẽ không rời bỏ đường phố”[3].

Ngài luôn đến các giáo xứ, nhất là các giáo xứ vùng ngoại ô để thăm viếng những gia đình nghèo khổ. Ngài luôn nhắc các linh mục: “Giáo hội không phải được thành lập để kiểm soát người dân, nhưng để đồng hành với họ bất cứ nơi nào họ hiện diện”.

Sau khi được bầu, ngài đã chọn danh hiệu là thánh Phanxicô Assidi, và giải thích như sau: “Vì tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo”[4].

Trong chuyến tông du đại hội giới trẻ tại Rio de Janerio, Đức Phanxicô đã đến thăm khu dân nghèo Varginha. Ngài đã xuống khỏi xe để đi bộ dưới trời mưa trên những con đường lầy lội trong khu ổ chuột. Như một ông cha xứ, ngài vào thăm một gia đình trong căn nhà lụp xụp, cùng cầu nguyện và trao đổi với họ, chúc lành và ôm hôn tất cả những đứa con trong gia đình. Sau đó, từ khán đài nhỏ, ngài nói: “Tôi muốn gõ cửa từng nhà chào thăm anh chị em…”[5].

Sống gần gũi thân tình

Đức Phanxicô luôn tìm cách gặp gỡ con người, đụng chạm đến người ta và để người ta đụng chạm đến mình. Việc tiếp xúc về thể lý là một phần trong cung cách giao tiếp của ngài. Ngài không muốn trở thành bức tượng. Các tín hữu đều có thể ôm ngài, như trường hợp anh quân nhân người Ý sau trận chiến Afganistan trở về đã ở bên ngài thật lâu.

Trong chuyến đi đến với những người nghèo khổ tại thành phố Assidi, ngài vào thăm Trung tâm Serafico dành cho những người khuyết tật. Ở đó hơn một tiếng đồng hồ, ngài vuốt ve, ôm hôn khoảng một trăm người khuyết tật. Cánh tay ngài nắm lấy những cánh tay đưa ra, ôm lấy vai họ, mơn trớn lên má họ… Ngài truyền đạt sự gần gũi giữa thân xác với thân xác. Hồng y Tauran nhận xét: “Người ta đến Rôma để xem Gioan Phaolô II, để nghe Bênêdictô XVI, và để đụng chạm đến Phanxico”[6].

Trong mọi cuộc lễ, Đức Phanxico không đặt khoảng cách với các tín hữu, không giữ khoảng cách nghi lễ. Ngài đón tiếp họ, lôi kéo họ, đụng chạm tới họ. Ngài nói chuyện, lắng nghe và nhìn vào mắt các tín hữu. Trời mưa, ngài vẫn để đầu trần như đám đông khách hành hương.

Trước đây tại Buenos Aires, ngài không hề như thế. Khi lên giáo hoàng, ngài đã đập vỡ cái áo giáp nhút nhát và hay xấu hổ trước kia. Ở Achentina, ông José Maria Poirier, giám đốc tạp chì văn hóa Criterio, diễn tả ngài là người “hầu như lúc nào cũng buồn, lo lắng, ít nói, không bao giờ cười”. Một số anh em ở trụ sở trung ương dòng Tên tại Roma cũng biết ngài trước đây là con người“khó tính và khép kín”.

Đúng là Chúa Thánh Thần đã tuôn đổ ơn phúc xuống trên vị được chọn. Thật vậy, ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với đám đông tại quảng trường Thánh Phêrô, nhất là sau chuyến tông du đến Braxin, Đức Phanxico đã được các tín hữu đón tiếp với một sự cuồng nhiệt ngày càng lớn. Nhờ đó, ngài xác định rõ hơn về sự dịu dàng mà ngài khuyên các linh mục phải có trong cuộc tiếp xúc với người khác.

Đức Gioan Phaolo II tuy được mọi người cảm phục vá quý mến nhưng ngài vẫn giữ sự khác biệt trong vai trò và tính cách như một vị vua trong các cuộc tiếp xúc cá nhân. Đức Phanxico thì xóa bỏ mọi ngăn cách, ngài gần gũi như một người cha mẹ qua sự chân thành. Trong phòng tiếp khách, ngài để cho trẻ em đến bên cạnh mình khi phát biểu, và bình thản khi có em bé leo lên ghế giáo hoàng.

Ngài không muốn bị cắt đứt khỏi người khác bởi màn hình trong các nghi lễ, cũng không muốn có cảnh sát bao quanh: “Tôi không cần cận vệ, tôi không phải là người không biết bảo vệ mình”. Sau ngày được bầu, ngài vào nhà thờ Đức bà Cả để kính viếng, và vẫn để cửa cho tín hữu và du khách vào trong cùng với mình. Như một cha xứ nhà quê, ngài dâng bó hoa trên bàn thờ cho Đức Mẹ.

Mục tử nhân lành

Đức Phanxico đã từng khẳng định, người chăn chiên phải có “mùi chiên”, thì đoàn chiên mới nhận ra. Ngay từ những tháng đầu tiên, ngài đã diễn tả sứ vụ của mình: “Tôi thấy rõ rằng điều mà Giáo hội cần nhất lúc này là khả năng chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu, sự gần gũi, sự thân thiện. Giáo hội giống như một bệnh viện dã chiến sau một cuộc chiến… Chúng ta phải chữa những vết thương đã, sau đó mới trao đổi về những gì còn lại… ”[7].

Ngài muốn một Giáo hội không để mình bị “đóng khung trong những luật lệ nhỏ mọn”, không bám víu “một cách quá đángvào sự an toàn của giáo lý”, không biến tôn giáo thành một ý thức hệ, nhưng chỉ tập trung vào lời loan báo nền tảng: “Đức Giêsu Kitô đã cứu độ bạn!”[8].

Từ đó, ngài gợi lên hình một Giáo hội là mẹ và là mục tử: “Tôi có một điểm giáo lý chắc chắn, đó là Thiên Chúa trong cuộc sống của từng người. Ngay cả trong cuộc sống của một con người đã trở thành bi thảm, bị các nết xấu làm băng hoại… thì Thiên Chúa vẫn ở trong cuộc sống của họ. Người ta có thể và phải tìm kiếm Ngài trong mọi cuộc đời con người”[9]. Sứ điệp này đã được mọi người reo vang và đem lòng cảm mến: cảm mến cách ngài nói, cách ngài xuất hiện, cách ngài sống.

Có người thú nhận: “Tôi đã tách rời khỏi Giáo hội, và bây giờ Đức Phanxicô đã đưa tôi trở lại với Giáo hội”. Hoặc ông Marco Tarquinio, tổng biên tập tờ báo Avvenir trích lời một độc giả: “Đã từ lâu người ấy không cầu nguyện, nhưng bây giờ mỗi ngày đều cầu nguyện cho Đức Phanxico. Giáo hoàng đã đốt nóng con tim người tín hữu, đụng chạm tới nhữn người dè dặt, và tiếp xúc được với những người ở xa nhất”.

Chân thành và giản dị

Điều giúp ngài gần gũi với đại chúng là sự chân thành, nhất là khi ngài đề cập cả đến những thiếu sót của giáo hoàng: “Ngay cả giáo hoàng cũng đi xưng tội 2 tuần 1 lần, vì giáo hoàng cũng là một tội nhân…”. Các giáo hoàng khác cũng nói tương tự như thế, nhưng mang kiểu cách thánh thiêng, còn cách nói của Đức Phanxicô làm phá vỡ hết mọi bệ tượng.

Mỗi ngày ngài đều rời phòng ở lúc 10g để đến chỗ làm việc. Người ta có thể gặp ngài nơi hành lang, trong thang máy, có khi thấy ngài uống café và đang tìm tiền lẻ để trả tại máy bán café…

Ngài chân thành nhưng cũng thẳng thắn tố cáo những tham nhũng trong Giáo hội, không ngại nói tới những giáo sĩ sống bất xứng với sứ vụ của mình, và chạy theo những của cải trần gian. Ngài đã than phiền: “Tôi đau buồn khi chứng kiến một linh mục hay tu sĩ đi chiếc xe hơi đời mới… Nếu con yêu thích chiếc xe hơi đẹp đẽ thì hãy nghĩ đến tất cả những đứa trẻ đang chết đói”[10]. Đôi khi ngài gay gắt: “Điều làm tất cả chúng ta ghê tởm là thấy giữa chúng ta có những linh mục không chân chính hay nữ tu không chân chính”[11].

Sống giản dị, thanh đạm mà vui, chứ không phải với khuôn mặt u buồn. Ngài cho thấy không có thánh thiện trong sự buồn thảm. Buồn là có điều gì đó không ổn rồi. Ở Assidi, ngài nói với các đan sĩ Clara rằng, đời sống chiêm niệm phải dẫn tới niềm vui, tới con người, tới nụ cười”[12].

Trong một lần tiếp kiến, một bà mẹ người Tây Ban Nha nói nhỏ với ngài: “Cám ơn Đức Thánh Cha đã trở nên một Đức Giêsu mới trên trần gian”. Giáo hoàng đỏ mặt rồi bật cười nói: “Nhưng tôi là một con quỉ”.

Khi đến tham dự một nghi lễ long trọng, ngài cũng giống như các giám mục khác, tự mang theo mũ và các vật dụng khác. Khi giảng, ngài không ngồi trên ngai giáo hoàng, nhưng đứng nói giống như một cha xứ. Kiểu sống bình dân và giản dị của ngài đã làm đảo lộn cả truyền thống, loại bỏ tính cách phong kiến của giáo triều đã kết tụ bao nhiêu thế kỷ. Có lần ngài đã nói với Eugenio Scalfari, người sáng lập tờ La Repubblica rằng:“Các người đứng đầu trong Giáo hội nhiều khi cũng có tính tự yêu mình quá đáng, lại được triều thần tung hô và phỉnh nịnh, triều đình là bệnh phong của giáo hoàng”[13].

Chứng nhân lòng thương xót

Ngài nhấn mạnh đến lòng Chúa thương xót, không ai được để cho mình thất vọng. Phải biết đón nhận lòng thương xót và trở nên người biết xót thương. Trong một bài giảng, ngài nói: “Điều con người ngày nay cần nhất là những chứng từ của chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, để sưởi ấm con tim, đánh thức niềm hy vọng, và lôi kéo người ta đến với điều thiện”[14].

Bằng hình ảnh đó, ngài khuyên các bề trên dòng tu đừng nhằm đào tạo chỉ dựa trên kỷ luật và giáo thuyết: “Đào tạo là công việc của người thợ thủ công, chứ không phải của người cảnh sát. Chúng ta phải đào tạo những tâm hồn, bằng không, chúng ta đang sản xuất ra những quái vật nho nhỏ. Rồi những quái vật nho nhỏ này lại đào tạo dân Thiên Chúa. Điều đó làm tôi rợn tóc gáy”[15].

Ngài chỉ trích những cơ cấu Giáo hội ít có khả năng đón tiếp, và những giáo xứ co mình lại trong việc ban phát các bí tích. Ngài nhắc nhở các cha giải tội:“Tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn nhưng là nơi của lòng Chúa thương xót…”[16]. Các cha xứ không phải là một công chức, cũng không phải là người sở hữu những gì của Thiên Chúa, họ chỉ là những máng chuyển mà thôi.

Đức Phaxicô tiếc vì không được tự do đi lại. Đức Gioan Phaolo II cần khung cảnh thiên nhiên, còn Đức Phaxicô cần được tiếp xúc với con người. Ngài muốn đi lại trên những con đường của Roma[17]. Ngài dứt khoát từ chối bị cách ly như thể bị nhốt trong chiếc lồng son. Chính vì thế mà ngài không dâng lễ một mình nhưng dâng lễ tại nhà khách thánh Matta cùng với một nhóm tín hữu.

Ngài muốn được nghe chung quanh mình không phải tiếng nói của nghi lễ mà là những tiếng nói của cuộc sống hằng ngày. Ngài trả lời rất nhiều tin nhắn, điện thoại cho đủ mọi hạng người, như gọi cô bé bị bỏ rơi đang mang thai, cho người phụ nữ bị hãm hiếp, cho một linh mục, cho đôi vợ chồng có hai con đang bệnh, cho một sinh viên, cho một em bé tặng ngài bức hình vẻ,v.v… Đó là cách ngài làm để cảm thấy mình là một linh mục, là một cha xứ đường phố.

Liên đới với mọi người

Ở Vatican cũng như trong hàng giáo sĩ trên khắp thế giới, người ta rất thích tính bình dân của giáo hoàng, tính cách đang làm chấn động toàn Giáo hội. Nhưng phía hậu trường cũng đang nổi lên một sự bất mãn về cách thức mà giáo hoàng Phanxico mỗi ngày làm giảm thiểu hình ảnh biểu tượng của ngôi giáo hoàng, một giáo hoàng tối thượng bất khả xâm phạm của Giáo hội Công giáo. Cách đây 50 năm, người ta cũng đã từng tố cáo Đức Gioan XXIII như vậy, đã nhạo ngài là một ông lão nhà quê.

Còn lạ hơn nữa khi ngài không cử hành thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh trong thánh đường Laterano, nhưng cử hành nghi thức rửa chân trong nhà tù dành cho trẻ vị thành niên. Trong đó, ngài lại rửa chân cho 2 phụ nữ, mà một người là tín đồ Hồi giáo. Ngài nói về Chúa Giêsu, nhưng không ngần ngại khích lệ các tín đồ của của các tôn giáo khác hãy sống tốt theo niềm tin của mình.

Trong thánh lễ ở Lampedusa, ngài nói bằng thứ ngôn ngữ đơn sơ nhưng gây chấn động chưa từng thấy: “Nhiều người trong chúng ta, trong đó có cả bản thân tôi nữa, chúng ta đã đi sai đường, chúng ta không còn quan tâm đến thế giới trong đó chúng ta đang sống… Ai phải chịu trách nhiệm về máu những anh chị em này đổ ra? Ai cũng trả lời không phải tôi, tôi không có mặt ở đây… Nhưng Thiên Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta: ‘Máu của em ngươi đâu rồi? Nó đang kêu đến Ta’… Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa trách nhiệm của những người anh em”.

Đức Phanxico trình bày một thế giới trong đó mỗi người khép lại trong ảo tưởng “bọt xà phòng” của mình, khiến ta dửng dưng với người khác, thậm chí “toàn cầu hóa tính dửng dưng”. Ngài kêu gọi hãy khóc cho sự tàn bạo đang nhan nhãn trên khắp trái đất[18].

Quyền hành là phục vụ

"Quyền hành đích thực là phục vụ, như Chúa Giêsu đã phục vụ. Người vĩ đại nhất là người phục vụ nhiều nhất”[19].

Trong bài giảngChúa Nhật 18/10/2015, khi suy niệm bài Phúc Âm Mc 10, 33-40, Đức Phanxicô nói như sau: “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi não trạng và đi từ sự ham hố quyền hành đến niềm vui được ẩn mình và phục vụ; loại trừ bản năng thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm tốn… Chúa Giêsu chủ yếu thi hành một chức linh mục thương xót và cảm thông… Vinh quang của Người không phải là là thứ vinh quang tham vọng hoặc khao khát thống trị, nhưng là vinh quang được yêu mến con người, đảm nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng hành trình sầu muộn của họ với lòng dịu dàng vô biên”.

Đối với Đức Phanxicô, điều hành không phải là ra lệnh, mà là phải lắng nghe, xây dựng sự đồng thuận, giải quyết khó khăn bằng cách dành thời giờ lượng giá vấn đề thật chín chắn. Hành xử quyền bính có nghĩa là phải làm cho những người quanh mình được lớn lên, chứ không phải là múa máy chiếc gậy quyền lực. Ngài nói lên kinh nghiệm đó như sau: “Tôi luôn cảnh giác với những quyết định đầu tiên… thường thì quyết định đó là sai lầm. Tôi phải chờ đợi, trong lòng tôi phải thẩm định vấn đề, và phải có thời gian cần thiết”[20]. Ngài cũng đã khiêm tốn tự phê mình: “Khi tôi đối diện với một khó khăn, tôi thường phạm sai lầm, tôi cư xử không tốt và tôi phải nhìn lại, phải xin lỗi… Điều đó có ích cho tôi, vì giup tôi thông cảm những sai lầm của người khác”[21].

Trong việc cải tổ Giáo hội, Đức Phanxicô thúc đẩy hàng giáo sĩ tránh rơi vào chủ nghĩa bàn giấy, tránh lạm dụng những giải pháp kỹ luật, tránh “lấy lại những kiểu sống hay những hình thức lỗi thời, những hình thức không có khả năng trở thành dấu chỉ ngay cả về mặt văn hóa”. Ngài không muốn hàng giáo sĩ rơi vào cám dỗ biến sứ điệp Tin Mừng thành một ý thức hệ hay điều hành giáo xứ theo cách độc đoán[22]. Ngài đặt câu hỏi rằng, chúng ta, giám mục và linh mục, có dành cho giáo dân một sự tự do chính đáng không, “chúng ta có giúp đỡ họ và đồng hành với họ, bỏ đi mọi cám dỗ can thiệp và bắt họ lệ thuộc quá đáng không”?[23].

Thay vì làm việc như nhà truyền giáo, phục vụ tín hữu và những người thiện chí, thì Giáo hội lại muốn trở thành “trung tâm” và là “người kiểm soát”. Đức Phanxicô muốn một Giáo hội mở rộng, một Giáo hội đến với thế giới. Ngài có những nhận định chống lại chủ nghĩa hoàn hảo cực đoan, và đã từng cảnh giác: “Chúng ta đừng làm nô lệ cho sự bảo vệ chân lý của chúng ta một cách dường như hoang tưởng (nếu tôi có chân lý thì họ không có)… Những than van tố cáo một thế giới “man rợ” hiện nay, sẽ dẫn tới việc làm nẩy sinh ngay trong Giáo hội ước mong thiết lập thứ trật tự hiểu như việc chỉ lo bảo thủ mà thôi… Không! Thiên Chúa để cho người ta gặp Ngài trong cái hiện tại”[24].

Tạm kết

Chắc chúng ta ai cũng biết Đức Phanxicô đang làm một cuộc thay đổi tận gốc trong Giáo hội: “Chúng ta hãy bắt đầu một giai đoạn mới của Giáo hội”, đó là công thức của ngài. Đức Phanxicô không ảo tưởng, vì một Giáo hội mà không gần gũi con người hơn nữa, không tỏ lộ được khuôn mặt Đức Kitô với tình yêu và ơn cứu độ, thì có “nguy cơ sẽ chết”[25]. Làm sao qua chúng ta, Đức Kitô có thể đến với mọi người. Ngài nói lên sự trăn trở đó và gởi đến các giám mục vài ngày trước khi khai mạc thương hội đồng giám mục như sau: “Tôi có cảm tưởng Đức Kitô đang bị giam hãm trong lòng Giáo hội, và Ngài đang gõ cửa để xin đi ra”.

Mặc dù đề ra một chương trình, nhưng ngài không biết chương trình đó dẫn tới đâu. Trong khi nỗ lực bao la để đổi mới Giáo hội, ngài không cố ý xác định một mẫu hình cuối cùng mà công việc lớn lao này đưa tới. Hướng đi của ngài là: “Làm những điều nhỏ bé mỗi ngày với một trái tim vĩ đại mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân…”[26].                                                                         TN.


Tu Đức



[1] Marco Politi, Francesco tra i lupi, Editori Laterza, 2014.

[2] Andkronos 16/11/2013.

[3] E. Hemitian, Francois, un pape surprenant, Press de la Renaissance, 2013.

[4]Francois, Audience aux médias, 16, 03, 2013.

[5] G.G. Vecchi, Francessco, La riviluzione della tenerezza, 2013.

[6] S. Le Bars, Le Monde, 06/10/2013.

[7] Francois, A. Spadaro, La Civiltà Cattolica, 19/09/2013.

[8]Ibid.

[9] Ibid.

[10] Francois,Rencontre avec les séminaristes, 06/07/2013.

[11]Ibid.

[12] Francois, www.radiovaticana.va, 04/10/2013.

[13] E. Scalfari, La Repubblica, 01/10/2013.

[14] Francois, Homélie, 07/07/2013.

[15] Adnkronos, 03/01/2013.

[16] Đức Phanxico, Tôn huấn Niềm vui Tin Mừng, 47.

[17] Đức giáo hoàng Phanxico, họp báo 28/07/2013.

[18] Đức Phanxico, bài giảng tại Lampedusa, 08/07/2013.

[19]Nguồn tin: fr.radiovaticana.va

 

 

[20] Francois, A. Spadaro, La Civiltà Cattolica, 19/09/2013.

[21] J. Bergolio, F. Ambrogetti, S. Rubin, Papa Francesco, Salani, 2013.

[22] Francois, Discours aux évêques du Conseil épiscopal latino-américain (CELAM), 28/07/2013.

[23]Ibid.

[24] Francois, A. Spadaro, La Civiltà Cattolica, 19/09/2013.

[25] G. Fazzini, Credere, 06/03/2014.

[26] Francois, A. Spadaro, La Civiltà Cattolica, 19/09/2013.