Bí Tích Rửa Tội Như Là Một Sự Tham Gia

Vào Cái Chết Của Chúa Kitô

 

Được rửa tội trong Chúa Kitô là được rửa tội trong cái chết cũng như sự Phục Sinh của Ngài.

 

OWEN VYNER (*)

 

Nói cho cùng mùa Phục sinh là thời gian tái sinh, được thể hiện rõ nét nhất trong Đêm Vọng Phục Sinh bằng dòng nước rửa tội ban sự sống. Tuy nhiên, để thông truyền cuộc sống mới, phép rửa phải hủy bỏ cuộc sống cũ tội lỗi và những sa ngã ghét bỏ của chúng ta đối với Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao nghi thức rửa tội cho thấy rõ rằng người được rửa tội là được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô: “Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa cho sức mạnh Chúa Thánh Thần, nhờ Con Chúa, xuống trên giếng nước này, để khi mọi người nhờ Bí Tích Rửa Tội, đã được an táng cùng Chúa Kitô hầu chết cho tội, thì cũng được phục sinh với Người trong sự sống”. [1] Đây chính là ý nghĩa của việc dìm mình vào trong nước như là một sự đi xuống cái chết của Chúa Kitô, điều này đã giải quyết một cách hùng hồn những vấn nạn của những người tìm kiếm ngày nay.

 

Bài viết này sẽ tìm cách giải quyết câu hỏi này: việc được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô mang ý nghĩa gì và điều này biểu lộ ra cho chúng ta như thế nào theo cách phù hợp với kinh nghiệm hiện tại của chúng ta? Đầu tiên việc rửa tội sẽ làm điều này bằng cách phân định mối liên hệ giữa bí tích rửa tội và cái chết. Thứ hai, vì rửa tội được hiểu là một sự dìm xuống, hoặc một descensus[1], nên nó sẽ xét đến vấn đề Chúa Kitô đi xuống địa ngục như được tượng trưng trong lễ rửa tội. Cuối cùng, nó sẽ xem xét chiều kích con người trong phép rửa và các hiệu quả của phép rửa trong đời sống đạo đức của các Kitô hữu.

 

Nước rửa tội và sự chết

Đối với các Kitô hữu tiên khởi, sự hiểu biết thời Cựu Ước về nước trong các sự kiện cứu rỗi là nền tảng cho biểu tượng của nước trong nghi thức rửa tội. Mặc dù rõ ràng có mối liên hệ giữa nước và việc tẩy rửa trong Cựu Ước (chỉ cần nghĩ về Naaman người phong cùi trong quyển thứ 2 Sách Các Vua, đoạn 5), những câu chuyện về Đại Hồng Thủy và Biển Đỏ cũng tiết lộ rằng nước có liên quan đến sự hủy diệt và cái chết. Trong câu chuyện về trận lụt, nước là biểu tượng của sự hủy diệt. Nước là công cụ phán xét mà qua đó Thiên Chúa đã tiêu diệt thế giới tội lỗi (Sáng thế 6:17). Một ám chỉ chủ yếu khác về bản chất hủy diệt của nước là việc Thiên Chúa thi hành án xử người Ai Cập và việc Ngài đánh bại quân đội Ai Cập khi họ vượt qua Biển Đỏ để đuổi theo Môsê và các chi tộc Israel (x. 7: 4-5) .

 

Trong các Thánh vịnh, chúng ta chứng kiến một ​​con người, bị chết đuối dưới vùng nước sâu, đang rất cần sự giải cứu của Chúa: “Tôi lún xuống bùn sâu hoắm, mà không còn gì để ghì nín lại. Tôi sa vào vực nước sâu, và dòng nước lũ ngút cả đầu tôi”. (Thánh Vịnh 69: 3). Chúng ta cũng đọc được, “Vực này với gọi vực kia, giữa tiếng thác của Người ầm vang, hết thảy nước đổ sóng tràn ngập lút trên tôi”. (Thánh Vịnh 42: 8). Sau đó, số phận của cá nhân đau khổ này, là người dường như bị bỏ rơi, được cho là quy về Chúa Kitô và tiếng kêu của Ngài trên Thập giá (Mátthêu 27: 45-46).

 

Trong Cựu Ước, vì nước được liên kết với cái chết, nước đồng thời được kết nối với sự chiến thắng và sự cứu rỗi. Thế giới tội lỗi bị hủy diệt trong Đại Hồng Thủy, nhưng đồng thời, Nôê được tha thứ, đó là nguyên tắc của sự sáng tạo mới (Sáng Thế 9: 1-15). Với việc vượt qua Biển Đỏ, có sự chết và sự phán xét, nhưng cũng có sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với Pharaô và sự cứu rỗi của các chi tộc Israel (Xuất Hành 15: 1). Trong tác phẩm của mình, Kinh thánh và Phụng vụ, Jean Daniélou lập luận rằng nền tảng của khái niệm chiến thắng qua vùng biển này là huyền thoại cổ xưa về một con rắn sống dưới đáy biển (Isaia 27: 1; 51: 9- 10). [2] Như vậy, chiến thắng giành được qua vùng biển này cũng diễn ra sau một cuộc chiến đấu lớn lao với các quyền lực sự dữ.

 

Trong Tân Ước, những hình ảnh này: dìm xuống nước, phán xét và chiến thắng thông qua một cuộc chiến đấu với một sức mạnh to lớn được áp dụng tiên trưng cho việc đóng đinh của Chúa Kitô. Những câu chuyện về Đại Hồng Thủy và Biển Đỏ được xem như được hoàn thành nhờ sự cứu rỗi đã hứa của Chúa Kitô trên Thập giá. Trước tiên, Thánh Phêrô thiết lập mối liên hệ giữa sự cứu rỗi của Nôê qua nước và chiến thắng của Chúa Kitô đối với cái chết được truyền đạt cho Kitô giáo qua phép rửa (1Phêrô 3: 20-21), trong khi Thánh Phaolô giải thích việc vượt biển Đỏ là báo trước phép rửa Kitô giáo. Thánh Phao-lô hiểu việc vượt qua Biển Đỏ là một kiểu rửa tội, bấy giờ được áp dụng một cách tiên trưng cho người Ki tô hữu, là người vượt qua dòng nước rửa tội, được rửa tội sáp nhập vào trong Chúa Kitô (x. 1Cr 10: 11-12).

 

Trong thần học về phép rửa của Thánh Phaolô, có những hình ảnh về đi xuống, mai táng và sự nhận chìm (Rôma 6: 4, Côlôsê 2:12). Tuy nhiên, Thánh Phaolô cũng liên kết phép rửa với sự chia sẻ chiến thắng của Chúa Kitô trên các quyền lực sự dữ (Rôma 6: 9). Giống như Thiên Chúa đã chiến thắng sự bạo ngược của Pharaô qua dòng nước của Biển Đỏ, Chúa Kitô đã chiến thắng Satan trong cuộc sống của người Kitô hữu qua dòng nước rửa tội. Những chủ đề về cái chết và chiến thắng được đưa vào trong phụng vụ rửa tội trong Giáo hội sơ khai: “Hay anh em không biết rằng: hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô Giêsu; thì chính trong sự chết của Ngài mà ta đã được thanh tẩy?” (Rôma 6: 3). Do đó, qua bí tích rửa tội trong Chúa Kitô, Kitô hữu trở nên giống Chúa Kitô chết và sống lại được biểu thị bằng cách dìm mình vào trong dòng nước và trồi lên từ dòng nước. Bắt đầu từ Thánh Phaolô, các Giáo phụ đã triển khai các chủ đề này trong bối cảnh phụng vụ rửa tội, kết hợp bí tích rửa tội với cái chết của Chúa Kitô và giảng giải sự tham gia của Kitô hữu vào trong cái chết đó.

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói về chiến thắng này khi ám chỉ cuộc chiến đấu của Chúa Kitô với Satan trong phép rửa của Ngài. Đề cập đến cuộc chiến đấu này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức tuyên bố rằng Chúa Kitô giáng trần trong vai trò của một người cùng đau khổ với người khác và đó là một sự đau khổ biến đổi làm đảo lộn thế giới ngấm ngầm, quật ngã và mở tung cánh cổng vực thẳm. [3] Trong cuốn Chúa Giêsu thành Nazareth, Đức Giáo Hoàng Biển Đức đề cập đến truyền thống hình tượng mô tả phép rửa của Chúa Giêsu ở sông Giócđan như một ngôi mộ bằng nước có hình dạng một hang động tối, là biểu tượng của địa ngục. Đức Biển Đức trích dẫn bài đọc ngụ ý của Thánh Cyrilô thành Giêrusalem về phép rửa của Chúa Kitô và mối liên hệ của nó với sự đi xuống của Chúa Kitô vào cõi chết: Chúa Giêsu đi xuống ngôi mộ nước (sông Giócđan), bước vào địa ngục bao bọc Ngài từ mọi phía, và như thế là báo trước hành động bước xuống này đi vào thế giới dưới kia: "Khi bước xuống dòng nước, Ngài đã trói buộc con người mạnh mẽ lại.” [4] Thánh Cyrilô cũng nói đến sự nhấn chìm ba lần như là biểu tượng của ba ngày Chúa Kitô trong mộ: vì Đấng Cứu Độ chúng ta đã dành ba ngày đêm trong lòng đất trống rỗng, nên lần đầu tiên anh em nổi lên là anh em hiện tại hóa ngày của Chúa Kitô trên trần gian và khi anh em bị nhấn chìm xuống là anh em hiện tại hóa đêm đầu tiên của Ngài...Trong cùng một hành động anh em chết đi và được sinh ra. [5] Thánh Ambrôsiô triển khai mối liên hệ giữa phép rửa và cái chết của Chúa Kitô còn sâu xa hơn nữa khi ngài ví giếng nước rửa tội với ngôi mộ: Không phải đất, mà là nước mới rửa sạch. Vì vậy, giếng nước là một loại phần mộ. [6] Thật thú vị khi biết rằng nhiều giếng nước rửa tội trong Giáo hội sơ khai thường có hình dạng như những ngôi mộ. [7]

 

Giáo hội sơ khai đã xem phụng vụ rửa tội là một sự tham gia thực sự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Trong các Tông Hiến (cuối thế kỷ thứ tư), chúng ta thấy có một lời cầu nguyện làm phép nước để người được rửa tội có thể bị đóng đinh với Chúa Kitô: Xin hãy thánh hóa nước này để những người được rửa tội có thể được đóng đinh cùng với Chúa Kitô, cùng chết với Ngài, cùng được mai táng với Ngài, và lại trỗi dậy để hưởng quyền làm con. [8] Thánh Grêgôriô Nazianzen bày tỏ một điều tương tự: Chúng ta được mai táng cùng với Chúa Kitô trong bí tích rửa tội để chúng ta có thể sống lại với Ngài. [9] Như đã đề cập trước đó, Thánh Cyrilô coi ba lần nhận chìm là một biểu tượng của ba ngày của Lễ Vượt qua và do đó, qua sự nhận chìm của mình, Kitô hữu đã đi vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Để trả lời những người cho rằng phép rửa chỉ tha thứ tội lỗi và đem lại quyền làm nghĩa tử, nhưng không phải là sự tham gia vào những đau khổ của Chúa Kitô, Thánh Cyrilô vẫn duy trì: “Chúng ta biết rằng phép rửa không chỉ là rửa sạch tội lỗi và ban cho chúng ta ân huệ của Chúa Thánh Thần, đó cũng là dấu hiệu của sự đau khổ của Chúa Kitô... Vì vậy, để chúng ta có thể nhận ra rằng Chúa Kitô đã chịu đựng tất cả những đau khổ của Ngài vì chúng ta và vì sự cứu độ của chúng ta thực sự, chứ không phải giả vờ, và chúng ta chia sẻ những đau đớn của Ngài”. [10] Cuối cùng, đối với Thánh Ambrôsiô, có một sự kết hợp thần bí giữa Kitô hữu và Chúa Kitô bị đóng đinh được bí tích rửa tội mang lại, để trong phép rửa, có thể nói Kitô hữu đã nhận được một “bí tích của Thánh giá”. [11]

 

Do đó, khi xem xét tính biểu tượng của nước trong Kinh thánh và trong phụng vụ của Giáo hội sơ khai, nước được liên kết rõ ràng với cái chết của Chúa Kitô. Đối với người Kitô hữu, bí tích rửa tội có nghĩa là tham gia vào cái chết này. Đồng thời, nước được kết nối với một cuộc chiến đấu và chiến thắng các quyền lực đe dọa dân Chúa chọn. Do đó, có thể nói rằng những người được rửa tội chia sẻ chiến thắng của Chúa Kitô đối với tội lỗi và sự chết.

Descendit ad infernos: Một sự hiệp nhất hoàn toàn với tội nhân

Nằm giữa Thứ Sáu Tuần Thánh và Chủ Nhật Phục Sinh, qua đó chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết được hoàn thành, là một chiến thắng được cử hành trong lễ rửa tội, đó là mầu nhiệm của Thứ Bảy Tuần Thánh. Do đó, cái chết của Chúa Kitô không kết thúc vào Thứ Sáu Tuần Thánh, nó kéo dài vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Sự gián đoạn giữa cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô được tóm tắt trong một bài viết về đức tin được đề cập trong Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ: Descendit ad infernos (Ngài xuống ngục tổ tông). Sự liên kết của Chúa với những người tội lỗi lớn lao đến nỗi Ngài thậm chí sẽ đi xuống hố thẳm “âm ti” của nỗi đau và bóng tối của chính chúng ta. Ngài sẽ đi xuống và bước vào vực thẳm của “tất cả sự vắng bóng Thiên Chúa”, bước vào một thứ vực thẳm trái ngược với Thần linh. [12] Ðấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa. (2 Côrintô 5:21).

 

Cách đây nhiều năm, Đức Thánh Cha[2] đã viết trong Dẫn Nhập vào Kitô giáo: “tiếng khóc của Chúa Giêsu trên Thánh giá [“Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa nỡ bỏ tôi?”] chứa đựng trái tim của những gì Chúa Giêsu đem xuống địa ngục, sự chia sẻ của Ngài với số phận của con người phàm nhân hay chết, điều này thực sự có nghĩa là... chia sẻ sự cô độc tận căn, sự bỏ rơi hoàn toàn. [13] Như vậy, sự hủy diệt và sự phán xét loài người tội lỗi trong cơn Đại Hồng Thủy và trên Pharaô trong cuộc Xuất hành bây giờ được Chúa Con tự do ôm lấy, người cho thấy cùng đích mà tình yêu của Người sẽ đi tới (Gioan 13: 1). Đây là một khúc quanh bất ngờ trong câu chuyện về sự cứu độ, nơi “Thiên Chúa quay lưng lại với chính mình”, do đó mặc khải tình yêu ở dạng triệt để nhất. [14] Thiên Chúa tự nhận lấy sự trừng phạt và sự chết, tượng trưng bằng nước.

 

Ngày nay việc Chúa Kitô xuống ngục tổ tông hiếm khi được rao giảng. Ratzinger[3] gọi đó là một bài viết về Kinh Tin Kính “khác xa với tư duy hiện tại”. Ngài nói thêm rằng ngay cả khi nó được tìm thấy trong các đoạn Kinh thánh, những đoạn này rất khó hiểu đến mức chúng có thể được giải thích theo những cách khác nhau và do đó không bao giờ được giải quyết thực sự. [15]  Nghịch lý thay, mặc dù giáo thuyết này không còn thịnh hành ngày nay, đối với Ratzinger, “Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày của "cái chết của Thiên Chúa", ngày diễn tả kinh nghiệm vô song của thời đại chúng ta, rằng ngôi mộ che giấu Ngài, rằng Ngài không còn tỉnh dậy, không còn nói nữa. [16]  Thiên Chúa có vẻ xa vời với nhiều người ngày nay. Sự tàn phá đời sống hôn nhân và gia đình, những cuộc khủng hoảng tài chính gần đây và nỗi sợ hãi thấm đẫm quá nhiều vào văn hóa của chúng ta có tác dụng dường như khiến Chúa im lặng. Tuy nhiên, việc Chúa Kitô xuống địa ngục cho thấy rằng Thiên Chúa đứng về phía con người, Ngài đứng về phía những kẻ tội lỗi. Thiên Chúa không im lặng, qua việc Ngôi Lời nhận lấy xác phàm, qua cái chết và việc đi xuống bước vào sự bỏ rơi của Thiên Chúa đối với Ngôi Lời này, Thiên Chúa đã nói Lời hiệp nhất hoàn toàn với loài người tội lỗi. Theo cách này, nghi thức rửa tội có liên quan rất lớn đến kinh nghiệm sống của con người ngày nay.

 

Việc rửa tội biểu thị việc Chúa Kitô xuống ngục tổ tông và tình liên đới triệt để của Người với tội nhân. Chúa Giêsu đã tự mình chịu phép rửa, việc này dự đoán trước về cái chết của Ngài và sự liên kết của Ngài với đám đông tội nhân rầu rĩ đang chờ đợi bên bờ sông Giócđan. [17] Do đó, Kitô hữu được rửa tội theo cách tương tự Chúa Kitô. Kitô hữu cũng xuống nước, điều mà đối với Danielou, là một “sự bắt chước, mang tính bí tích, đi xuống địa ngục”. [18] Khi xuống địa ngục, Chúa Kitô đã giải quyết được cái “lý lẽ” của tội lỗi bằng sự bỏ mình của Ngài dù Ngài là Thiên Chúa. Đây là bản chất của tội lỗi. Tội lỗi là sự chết, nghĩa là, tội lỗi là sự xa rời Thiên Chúa. Người được rửa tội đi xuống địa ngục này, nhưng người ấy không đơn độc. Toàn bộ chiều rộng và chiều sâu của sự xa rời này, của sự đơn độc triệt để và sự bỏ rơi hoàn toàn này được Chúa biết đến trong và thông qua Con của Ngài (Do thái 4:15). Khi một người được rửa tội, người ấy không bao giờ bị bỏ rơi; Chúa Kitô ở cùng người ấy qua tất cả mọi điều mà người ấy trải qua, từ khoảng cách do tội lỗi tạo ra cho đến niềm vui đoàn tụ với Chúa Cha. Đó là sự hiệp nhất của Chúa Con với con người.

 

Phép rửa trong cái chết của Chúa Kitô: chết cho tội và sống cho Chúa

Phép Rửa khi được hiểu là đi xuống cái chết của Chúa Kitô nhấn mạnh rằng công việc cứu rỗi trước tiên là công việc của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là tác giả, đạo diễn và diễn viên chính trong bộ phim về sự cứu rỗi. Chính Chúa Con đã vâng lời đáp lại việc Chúa Cha sai Người đến trong Chúa Thánh Thần, ngay cả được sai đến vực thẳm của ngục tổ tông.

 

Nhờ sáp nhập với Giáo hội trong bí tích rửa tội, các Kitô hữu trở thành người “cùng chịu đóng đinh”. [19] Mọi thứ Chú rể đều dành cho Cô dâu của mình, nhưng cô ấy phải sẵn sàng tham gia. Như thế, vai trò của Kitô hữu không bao giờ là bị động, nhưng đòi hỏi “sự tham gia đầy đủ, có ý thức và tích cực của người ấy”. Do đó, người được rửa tội được mời gọi trong Chúa Kitô có một sự tiếp nhận đích thực và sẵn sàng đối với Ngài. Tất cả mọi thứ xảy ra với Chúa Kitô cũng xảy ra với Kitô hữu và được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, kể cả cái chết cho tội lỗi.

 

Như vậy, phép rửa trong cái chết của Chúa Kitô chứa đựng một yếu tố đạo đức (Rôma 6: 4). Trong mục đích nảy, học giả Kinh thánh người Đức Rudolf Schnackenburg đã mô tả thần học Thánh Phaolô về phép rửa như sau: Bằng việc chết đi (qua bí tích rửa tội) với Chúa Kitô và được sống lại với Ngài, cương vị môn đệ vĩnh viễn và sự trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô được tăng trưởng. [20] Đức Giáo Hoàng Biển Đức sử dụng ngôn ngữ tương tự trong mô tả của Ngài về thần học rửa tội của Thánh Phaolô:

 

Rửa tội không chỉ là một sự thanh tẩy. Đó là cái chết và sự phục sinh. Chính Thánh Phao-lô nói trong Thư gửi tín hữu Galata về bước ngoặt trong cuộc đời mình do cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục sinh, đã mô tả nó bằng dòng chữ: Tôi đã chết. Ngay lúc đó một cuộc sống mới thực sự bắt đầu. Trở thành Kitô hữu còn hơn là một cuộc giải phẫu  thẩm mỹ thêm một chút gì đẹp đẽ vào một sự hiện có đã ít nhiều hoàn chỉnh. Đó là một khởi đầu mới, đó là sự tái sinh: chết và sống lại. [21]

 

Bởi vì phép rửa yêu cầu một mệnh lệnh đạo đức, phép rửa trong cái chết của Chúa Kitô không phải là một sự kiện chỉ có một lần duy nhất - một khi được cứu thì luôn được cứu. Bí tích Rửa tội cho thấy kịch tính vĩ đại trong sự hiện hữu Kitô giáo: đời sống Kitô hữu là một cuộc sống liên tục chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Bí tích Rửa tội thực sự là một asequela Christi[4], theo đó, cái chết của Chúa Kitô luôn được thể hiện trong đời sống của Kitô hữu (x. 2Cr 4:10). Cái chết cho tội lỗi này đạt đến đỉnh điểm của nó trong Bí tích Thánh Thể, đó là cái chết và sự sống đích thực bởi vì nó làm cho cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô trở nên hiện diện. Như vậy, chúng ta thấy phép rửa chuẩn bị cho Bí tích Thánh Thể như là nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu.

 

Một sự hiểu biết về phép rửa như là sự chia sẻ cái chết của Chúa Kitô cho thấy đời sống Kitô hữu rốt cuộc là việc phó dâng chính mình và chết đi; đó là sự từ bỏ mình đi. Nói đơn giản hơn, đời sống Kitô hữu là chết cho tình yêu. Khi phép rửa được coi là một sự chia sẻ cái chết của Chúa Kitô, là Đấng đã hết lòng yêu mến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, chúng ta thấy phép rửa trong Bí tích Thánh Thể, nhưng phép rửa cũng trở thành hình thức hiện hữu của Kitô giáo.

 

Phần kết luận

Được rửa tội bằng phép rửa của Chúa Kitô là tham gia vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Ý nghĩa của việc nhận chìm trong nước làm cho sự chia sẻ cái chết của Chúa Kitô trở nên hiện diện một cách bí tích, việc Chúa Kitô chết đi là việc Ngài xuống địa ngục xa rời Thiên Chúa, và chiến thắng hoàn toàn của Ngài trước tội lỗi và sự chết qua sự Phục sinh của Ngài. Vì trong tội lỗi của chúng ta, chúng ta vẫn xa cách Thiên Chúa, nên ngày nay tính biểu tượng của việc đi xuống trong nghi thức rửa tội có một mối liên quan đặc biệt. Khi tự mình trải qua việc đi xuống này, Chúa Kitô không yêu cầu chúng ta thực hiện nhiệm vụ này một mình mà là theo Người đi xuống vực thẳm của nước. Bằng cách mời gọi chúng ta chia sẻ phép rửa của Ngài, Chúa Kitô mời gọi mỗi người đi vào đời sống hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, mời gọi tất cả chúng ta biến đổi cuộc sống nhờ ân sủng để mỗi Kitô hữu có thể thực sự chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

 

Do đó, chiến thắng của Chúa Kitô đối với tội lỗi, được hoàn thành bằng cái chết và Phục sinh của Ngài, là có sẵn cho mỗi Kitô hữu trong bí tích rửa tội. Đây là những gì tất cả chúng ta phải nghe ngày hôm nay. Chúng ta cần phải nghe rằng sự chiến thắng của Chúa Kitô đối với tội lỗi và đối với sự chết đã thay đổi mọi thứ tận căn, bởi vì nhờ việc đi xuống khải hoàn của Chúa Kitô, Kitô hữu ngộ ra rằng chờ đợi ở phía bên kia vực thẳm là Đấng đã đi trước:

 

Chúa Kitô đã bước qua cánh cổng cô đơn cuối cùng của chúng ta... [Trong] Cuộc Thương Khó của Ngài, Chúa Kitô đã đi xuống vực thẳm của sự bỏ rơi chúng ta. Nơi nào chúng ta không thể nghe có tiếng nói nào nữa, nơi đó có Ngài. Do đó, địa ngục đã bị vượt qua, hoặc, chính xác hơn, cái chết, mà trước đây là địa ngục, thì không còn là địa ngục nữa. Không còn như vậy nữa bởi vì có sự sống ngay giữa cái chết, bởi vì tình yêu cư ngụ trong đó. Cánh cửa tử thần mở ra kể từ khi cuộc sống - tình yêu, đã cư ngụ trong cái chết. [22]

 

[1] Hội đồng Giám mục (Hoa Kỳ),  Nghi thức khai tâm Kitô giáo của người lớn: Phiên bản học tập  (Chicago: Ấn phẩm đào tạo phụng vụ, 2007), 135.  

[2] Jean Danielou,  Kinh thánh và Phụng vụ  (Nhà thờ Đức Bà: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 1956), 85-98.  

[3] Benedict XVI,  Jesus of Nazareth  (New York: Doubleday, 2007), 20.  

[4] Ibid., 19.  

[5] Edward Yarnold (chủ biên),  Nghi thức khai tâm đầy cảm hứng: Nguồn gốc của RCIA  (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 78.  

[6] Ibid., 117.  

[7] Ibid., 117, xem chú thích, 31.  

[8] Danielou,  Kinh thánh , 44.  

[9] Ibid., 44.  

[9] Sợi,  Awe , 79.  

[10] Ibid., 119.  

[11] Hans Urs von Balthasar,  Mysterium Paschale  (San Francisco: Ignatius Press, 2005), 13; 51.  

[12] Joseph Ratzinger,  Giới thiệu về Kitô giáo  (San Francisco: Ignatius Press, 2004), 297-298.  

[13] Benedict XVI,  Deus Caritas Est  (Boston: Pauline Books and Media, 2006), §12 [14] Ratzinger,  Giới thiệu , 293-294.  

[15] Ibid., 294.  

[16] Benedict XVI,  Jesus of Nazareth , 16.  

[17] Danielou,  Kinh thánh , 78.  

[18] Balthasar,  Mysterium Paschale , 134.  

[19] Rudolf Schnackenburg,  Bí tích Rửa tội trong tư tưởng của Thánh Paul: Một nghiên cứu về Thần học Pauline  (Oxford: Blackwell Publishers, 1964), 155.  

[20] Benedict XVI, Khán giả nói chung, ngày 10 tháng 12 năm 2008.  

[21] Benedict XVI, Khán giả nói chung, ngày 10 tháng 12 năm 2008

[22] Ratzinger,  Giới thiệu , 301.

 

(*) Về Owen Vyner

 

Owen Vyner là giám đốc của Viện Đời Sống Hôn Nhân và Gia Đình tại Giáo xứ Đức Mẹ Loreto ở Foxfield, Colorado. Ông có bằng cử nhân về lịch sử và khoa học chính trị của Đại học Tây Úc, bằng tốt nghiệp Giáo dục của Đại học Notre Dame (Úc) và bằng Thạc sĩ Thần học của Viện Hôn nhân & Gia đình John Paul II (Melbourne). Ông hiện đang theo đuổi một bằng cấp về Thần học bí tích tại Viện Phụng vụ (Mundelein). Vợ ông tên Terri và ông là cha mẹ của một bé gái gốc Hàn Quốc.

https://www.hprweb.com

 

Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ.


Trang Mục Vụ



[1] ND: hạ xuống, đi xuống.

[2] ND: Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

[3] ND: tên riêng của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

[3] ND: hiệu quả của Chúa Kitô