ĐẠI HỘI THÁNH THỂ

QUỐC TẾ LẦN THỨ 51

24-31.01.2016, CEBU, PHILIPPINES

 

 

“Đức Ki-tô đang ở giữa anh em,
Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng
đạt tới vinh quang”

 

Thánh Thể :
nguồn mạch và cùng đích sứ mạng của Giáo Hội

*

Suy tư thần học và mục vụ để chuẩn bị cho

Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 51

tại Cebu, Phi Luật Tân, ngày 24-31/01/2016
MỤC LỤC

I. DẪN NHẬP. 5

A. Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế. 5

B. Ý Nghĩa Của ĐHTTQT Lần Thứ 51. 6

C. Ảnh hưởng trên đời sống Giáo Hội 6

D. Đại Hội tại Cebu và người dân Châu Á. 8

II. THÁNH THỂ: CÔNG CUỘC CỨU ĐỘ CỦA ĐỨC KI-TÔ ĐƯỢC THỰC HIỆN   11

A. “Mầu nhiệm... Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1:24-29) 11

B. Mầu nhiệm được loan báo... để mọi người có thể đón nhận Đức Ki-tô  12

C. Thánh Thể: Đức Ki-tô hiện diện giữa chúng ta. 12

III. THÁNH THỂ: NGUỒN MẠCH VÀ CÙNG ĐÍCH CỦA SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI  13

A. Thánh Thể là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây đức ái 13

1. Sự hiện diện của Đức Ki-tô trong Thánh Thể. 13

2. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần. 14

3. Được biến đổi và sai đi để biến đổi 15

B. Thánh Thể và sứ mạng truyền giáo. 15

1. Nghi thức nhập lễ. 16

2. Phụng vụ Lời Chúa. 17

3. Chuẩn Bị Lễ Vật 19

4. Kinh Nguyện Thánh Thể. 21

5. Hiệp Lễ. 22

6. Kết lễ: “Ite, Missa Est.” (Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an) 24

 

IV. SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU, TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI. 26

A. Đối thoại như một phương thức truyền giáo ưu tiên. 26

B. Những yếu tố đối thoại trong truyền giáo. 28

C. Loan báo và đối thoại 29

D. Thánh Thể, nguồn mạch và cùng đích của đối thoại 30

V. TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI VỚI CÁC DÂN TỘC VÀ CÁC NỀN VĂN HÓA  32

A.      Hội nhập văn hóa và truyền giáo. 33

B. Đạo đức bình dân trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa Châu Á  36

C. Thánh Thể trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa  39

VI. TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI VỚI CÁC TÔN GIÁO VÀ CÁC TRUYỀN THỐNG TÔN GIÁO.. 40

A. Cuộc đối thoại của sự sống và trái tim.. 40

B. Ưu tiên của việc làm chứng. 42

C. Sự hiệp nhất và niềm hy vọng Ki-tô giáo. 43

D. Thánh Thể trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa tôn giáo  44

VII. TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI NGHÈO   45

A. Chọn lựa ưu tiên cho người nghèo. 45

B. Những hệ lụy và hậu quả. 46

C. Đáp trả lời kêu gọi: hành động vì người nghèo, cùng đi với người nghèo  47

D. Thánh Thể trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với người nghèo  48

 

VIII. SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI VỚI GIỚI TRẺ  50

A. Tương lai và hiện tại của Giáo Hội 50

B. Giới trẻ và thách đố trở thành ‘mảnh đất tốt’ 51

C. Huấn luyện giới trẻ. 52

D. Những tác nhân và người hoạt động hàng đầu. 53

E. Thánh Thể trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với giới trẻ  54

IX. ĐỨC MARIA VÀ THÁNH THỂ TRONG SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI  56

A. Đức Maria, Mẫu Gương và Mẹ của Giáo Hội truyền giáo. 56

B. Đức Maria trong cuộc đối thoại truyền giáo của Giáo Hội 58

C. Đức Maria và Thánh Thể trong sứ mạng của Giáo Hội 62

X. NIỀM HY VỌNG VINH QUANG (SPES GLORIAE). 64

A. Thánh Thể và “vinh quang Thiên Chúa” 64

B. Bữa tiệc Mê-si-a. 65

C. Tình yêu Thiên Chúa ôm lấy nhân loại 66

 


“Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang”

Thánh Thể:
nguồn mạch và cùng đích sứ mạng của Giáo Hội

*

Suy tư thần học và mục vụ để chuẩn bị cho
Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 51

tại Cebu, Phi Luật Tân, ngày 24-31/01/2016.

 

I. DẪN NHẬP

A. Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế

Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế (ĐHTTQT) là một nhà ga – một kiểu “trạm dừng” trong cuộc hành trình – nơi mà một cộng đoàn Giáo Hội địa phương tụ họp chung quanh bàn tiệc Thánh Thể để cử hành, tôn vinh và cầu nguyện trước sự hiện diện của Chúa trong Mầu Nhiệm Thánh Thể. Giáo Hội địa phương này kêu mời các Giáo Hội địa phương lân cận và các cộng đoàn Giáo Hội trên khắp thế giới đến tham dự biến cố thánh thiêng này, bởi vì ĐHTTQT là công việc của toàn thể Giáo Hội. “Nghi Thức[1] cử hành của Đại Hội đòi hỏi cử hành Thánh Thể phải thực sự là trung tâm của tất cả những gì diễn ra trong chính Đại Hội, để mọi sự hướng về và chuẩn bị cho Thánh Thể.

Sự hiểu biết sâu xa và dấn thân mạnh mẽ hơn cho mầu nhiệm Thánh Thể được nuôi dưỡng qua những buổi học hỏi giáo lý, tôn vinh Lời Chúa, cầu nguyện chung và những phiên họp khoáng đại. Để những hoạt động này và những hoạt động khác gắn kết với Đại Hội, một chương trình sẽ được ấn định trước nhằm xác định rõ những chủ đề cho những nghi lễ, buổi họp, cuộc rước, lời cầu nguyện, và việc tôn thờ Thánh Thể trong những nhà nguyện thích hợp hay những nơi thờ phượng khác.

Tất cả những thành tố và chi tiết của Đại Hội phải thể hiện một nhận thức nền tảng của “Khoa Giáo Hội học về Thánh Thể,” vốn hướng đến hiệp thông và hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo Hội, cũng như tự bản chất tìm cách đến với mọi người, đặc biệt là những ai sống bên lề xã hội, lôi kéo họ trở về cho đến khi chỉ có một đoàn chiên dưới quyền một Đấng Chăn Chiên là Đức Giê-su Ki-tô.[2]

B. Ý Nghĩa  Của ĐHTTQT Lần Thứ 51

Tại “chặng dừng” Thánh Thể ở thành phố Cebu năm 2016, người hành hương từ khắp mọi nơi trên thế giới sẽ tụ họp cùng với các tín hữu Phi Luật Tân và đặc biệt là các tín hữu của Cebu. Cuộc tụ họp toàn thế giới này sẽ là dấu chỉ đích thực của sự hiệp thông trong Đức Giê-su Ki-tô và sự hiệp nhất trong niềm tin và tình yêu mà Giáo Hội ở đất nước này dành cho tất cả các tín hữu và tất cả các môn đệ của Đức Ki-tô từ khắp nơi trên thế giới. Đại Hội nhằm phục vụ toàn thể Dân Chúa trong cuộc hành hương lịch sử của mình. Đó là một biến cố trọng đại của Giáo Hội mà qua những kinh nghiệm cử hành bí tích, giáo huấn và tình huynh đệ, Giáo Hội trên khắp thế giới sẽ được nhắc nhớ rằng Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh”[3] của đời sống và hoạt động của Giáo Hội. Thánh Thể sẽ được nêu cao cách đặc biệt rõ ràng như là sự hiện diện luôn tồn tại và không ngừng được đổi mới của Mầu Nhiệm Vượt Qua, vốn là “biến cố cánh chung” tuyệt hảo nhất trong toàn bộ việc thờ phượng và đời sống Giáo Hội

C. Ảnh hưởng trên đời sống Giáo Hội

“Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang. Thánh Thể, Nguồn Mạch và Cùng Đích của Sứ Mạng Truyền Giáo” là chủ đề tuyệt vời cho ĐHTTQT lần thứ 51 tại Cebu. Phát xuất từ thư Thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-lô-xê (1:24-29), chủ đề này nhằm soi sáng đầy đủ hơn mối liên kết giữa Thánh Thể, Truyền Giáo và Niềm Hy Vọng Ki-tô giáo, cả trong thời gian và trong vĩnh cửu. Ngày nay, có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử thế giới lại thiếu niềm hy vọng như thế. Do đó nhân loại cần phải lắng nghe sứ điệp hy vọng của chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô. Giáo Hội ngày nay phải loan báo sứ điệp này với niềm hăng say mới mẻ, sử dụng những phương pháp và cách diễn đạt mới.[4] Với những đặc điểm của một cuộc “tân phúc âm hóa,” Giáo Hội phải tìm cách đem sứ điệp hy vọng này đến với mọi người, đặc biệt là những người “dù đã được rửa tội, nhưng đã xa lìa Giáo Hội và sống tách biệt khỏi đời sống Ki-tô hữu.”[5]

ĐHTTQT lần thứ 51 nhằm cung cấp cho mọi người tham dự những cơ hội trải nghiệm và hiểu biết về Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ với Chúa, cuộc gặp gỡ có sức biến đổi con người trong Lời và trong Hy Lễ hiến ban sự sống của Người, hầu chúng ta có thể được sống và sống dồi dào (x. Ga 10:10). Đây là một cơ hội để khám phá và tái khám phá đức tin – “nguồn mạch ân sủng đem lại niềm vui và niềm hy vọng cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.”[6] Cuộc quy tụ họp quốc tế này hứa hẹn sẽ dẫn đến việc thi hành sứ mạng Ki-tô giáo một cách can đảm và dứt khoát hơn trên thế giới và trong xã hội vốn ngày càng dửng dưng và thù địch với đức tin và những giá trị của Tin Mừng. Việc gặp gỡ này với Đức Ki-tô trong Thánh Thể có thể là nguồn hy vọng cho thế giới, một khi được biến đổi nên giống Đấng chúng ta gặp gỡ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta bắt đầu sứ mạng biến đổi thế giới với lòng nhiệt thành để đem đến cho những người đang rất cần cùng một sự đón nhận, lòng tha thứ, sự chữa lành, tình yêu và tất cả sự toàn vẹn mà chính chúng ta đã lãnh nhận và trải nghiệm.

D. Đại Hội tại Cebu và người dân Châu Á

Theo một phương thức hữu hiệu và tỏa sáng đặc biệt, ĐHTTQT lần thứ 51 nên loan báo mầu nhiệm Đức Ki-tô qua việc lưu tâm đến vị thế của Đức Tin và Giáo Hội trong lịch sử Phi Luật Tân. Giáo Hội tại Phi Luật Tân có một ơn gọi được quan phòng cho sứ mạng truyền giáo đặc biệt tại Châu Á, một ơn gọi luôn được các đời Giáo hoàng Rô-ma xác nhận.[7] Sự hiện diện và dấn thân năng động của giáo dân Công Giáo trong nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau, kể cả công việc mục vụ của Giáo Hội, có tiềm năng to lớn để ảnh hưởng đến môi trường kinh tế, chính trị và xã hội như men trong bột. Sự đói nghèo và thiếu cơ hội cho công ăn việc làm khiến nhiều người Phi phải di trú đến các nước khác cả bên trong lẫn bên ngoài Châu Á, nhưng đồng thời họ cũng mang theo đức tin Ki-tô giáo của họ và chia sẻ đức tin ấy với những người họ cùng làm việc, có lẽ bằng gương sáng và giá trị của mình hơn là bằng lời nói. Như vậy, một cách đặc biệt, Giáo Hội Phi Luật Tân là nguồn hy vọng đúng như “Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” nơi các dân tộc Châu Á, như Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI khẳng định trong chuyến viếng thăm Phi Luật tân năm 1970.

Năm 1937, thành phố Manila là chủ nhà của ĐHTTQT lần thứ 33, lần đầu tiên tại Châu Á. Đại Hội, đã thành công đến độ lay động lòng người, và chắc chắn là biến cố tôn giáo quốc tế quan trọng nhất từng được tổ chức tại quốc gia này vào thời đó. ĐHTTQT lần thứ 51 sẽ diễn ra năm 2016 hứa hẹn cũng có tầm quan trọng lớn lao như thế. Đại Hội nằm trong giai đoạn “chín năm” cầu nguyện mà người tín hữu Phi đang cử hành để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm đầy vui mừng và mang tính lịch sử diễn ra vào năm 2021, nhân dịp 500 năm Đức Tin Ki-tô và Giáo Hội Ki-tô đến với đất nước này.

Vào năm 1521, Đức Vua và Hoàng Hậu Cebu được các nhà thừa sai Tây Ban Nha rửa tội.[8] Những người bản địa đã đón nhận đức tin Ki-tô giáo khá dễ dàng và nhiệt tình nhờ lòng mộ đạo tự nhiên và sâu xa của họ. Đức tin ban đầu của họ được các bí tích, chủ yếu là Thánh Lễ, nuôi dưỡng, mặc dù Thánh Lễ được cử hành bằng một thứ tiếng mà đại đa số người không hiểu cho đến thế kỷ thứ 20.

Việc Ki-tô giáo đến với mảnh đất này trong một thời gian khá ngắn ngủi đã làm cho Phi Luật Tân trở thành đất nước Công Giáo lớn nhất thế giới – với hơn 80% dân số được rửa tội trong đức tin. Qua nhiều thế kỷ, người Công Giáo Phi ngày càng mộ mến việc cử hành Thánh Thể hơn.[9] Đời sống và hoạt động của một giáo xứ điển hình, dù thuộc bình diện thiêng liêng, xã hội, hay phục vụ, đều được tập trung vào phụng vụ Thánh Thể. Dịp mừng bổn mạng các thị trấn và làng mạc (barangays) được cử hành với nhiều Thánh Lễ, tiệc mừng dồi dào lương thực và làm hân hoan lòng người. Hôn nhân, tang lễ và các dịp kỷ niệm ở đây thường được cử hành trong Thánh Lễ. Quả thực, các biến cố của cộng đoàn và gia đình người Phi sẽ không trọn vẹn nếu không được chúc phúc trong Thánh Lễ. Các nhóm Công Giáo hoạt động xã hội hay tông đồ thường bắt đầu và kết thúc việc tụ họp bằng Thánh Lễ. Thánh Lễ có lẽ đã trở thành hoạt động tôn giáo quen thuộc nhất trong xã hội Phi Luật Tân.[10]

Việc canh tân phụng vụ của Công Đồng Vatican II đã đem đến một số bước tiến trong cách thức người Phi cử hành Thánh Thể. Bản văn Thánh Lễ đã được dịch ra hầu hết mọi ngôn ngữ chính trên khắp quần đảo này. Việc tham dự của người giáo dân đã cải thiện đáng kể không những về mặt đối đáp và ca hát tích cực trong Thánh Lễ, mà còn về việc đảm nhận những công việc phụng vụ khác nhau.[11]

Tuy vậy, phải thẳng thắn thừa nhận rằng mặc dù có những tia sáng, nhưng vẫn còn những bóng tối trong cách mà Thánh Thể được định hình trong đời sống đức tin của người Phi. Vẫn còn rất nhiều điều đáng mong đợi liên quan đến việc hiểu biết đúng đắn của người tín hữu về Thánh Thể, cũng như trong nhận thức thích hợp của cộng đoàn về cử hành Thánh Thể. Nhưng vấn đề, như đã được nêu ra, xét là cần kíp nhất phải giải quyết, chính là sự tách biệt có thể quan sát được giữa thờ phượng và đời sống.[12]

Như thế một sự ghi nhận đặc biệt về lòng cảm tạ trong hân hoan và khiêm tốn đối với Chúa, hòa nhập với sự kỳ vọng mãnh liệt, sẽ đánh dấu kỳ Đại Hội này. Đại Hội sẽ đem lại ý nghĩa đặc biệt cho việc người Phi mừng kính Đức Giê-su Ki-tô trong Thánh Thể, mừng kính ơn Mình và Máu Thánh của Người vì sự sống cho thế giới và dân tộc này. Nhưng Đại Hội cũng là một cơ hội đặc ưu đem lại cho tín hữu Công Giáo Phi sự hiểu biết, cử hành và sống niềm tin Thánh Thể một cách mới mẻ.

Hiện nay Châu Á đang trở thành một trung tâm mới của lịch sử trong thế giới đương đại, thì việc tổ chức ĐHTTQT lần thứ 51 tại Châu Á là một cơ hội biểu lộ rõ ràng ơn gọi độc đáo và đặc biệt của lục địa này trong tư cách là một Giáo Hội của tình yêu, hiệp thông và truyền giáo. Trong bối cảnh đa chiều kích mà Giáo Hội Châu Á hoàn thành sứ mạng của mình, lục địa này đã trở thành một mảnh đất phì nhiêu, nơi mầu nhiệm Nhập Thể tiếp tục được thể hiện nhờ sự hội nhập văn hóa đích thực để đem niềm tin Ki-tô giáo vào trong cuộc đối thoại xác thực với nhiều nền văn hóa, tôn giáo và chủng tộc khác nhau tại Châu Á.

I. THÁNH THỂ: CÔNG CUỘC CỨU ĐỘ CỦA ĐỨC KI-TÔ ĐƯỢC THỰC HIỆN

A. “Mầu nhiệm... Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1:24-29)

Khi biết rằng các tín hữu Cô-lô-xê đang “thích nghi” niềm tin Ki-tô giáo vào nền văn hóa và tín ngưỡng của họ, Phao-lô đã phải khẳng định với sự chắc chắn là Đức Ki-tô nắm trọn quyền năng cứu độ (1:19). Mọi sự trên thế giới này được tạo thành là vì Đức Ki-tô. Ngay từ chương mở đầu của bức thư này, Phao-lô áp dụng đi áp dụng lại từ ngữ “tất cả” và “mọi sự” cho Đức Ki-tô.[13]

Giáo huấn quan trọng này của thánh Phao-lô vang vọng rõ ràng trong Hiến chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II, khi hiến chế này khẳng định những kỳ công vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi dân Người trong Cựu Ước chỉ là để chuẩn bị cho công việc mà Đức Ki-tô sẽ hoàn thành để cứu độ nhân loại và đem lại vinh quang cho Thiên Chúa.[14] Mầu Nhiệm Vượt Qua của cuộc thương khó, cái chết và phục sinh của Người là nguyên nhân trọng tâm của ơn cứu độ. Chính “Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.”[15] Nhờ mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người, Đức Ki-tô thực sự trở thành niềm hy vọng vinh quang của chúng ta. Vì Chúa Thánh Thần, Đấng Người đã trao ban khi trút hơi thở cuối cùng trên Thập Giá (x. Ga 19:30), đã sinh ra “bí tích kỳ diệu là toàn thể Giáo Hội”[16] để như Chúa Cha đã sai Đức Ki-tô, thì cũng sai Giáo Hội, cộng đoàn các môn đệ Người, tiếp tục loan báo công cuộc cứu độ của Người.[17]

 

B. Mầu nhiệm được loan báo... để mọi người có thể đón nhận Đức Ki-tô

Mầu nhiệm này phải được loan báo không ngừng để mọi người có thể đón nhận Đức Ki-tô và được dẫn đến với Người (x. Cl 1:28). Phao-lô tự coi mình là người phục vụ Tin Mừng hy vọng, Tin Mừng được rao giảng cho mọi loài thụ tạo dưới bầu trời này, để hoàn tất việc rao giảng Lời Chúa, mầu nhiệm đã được giữ kín nhưng nay được tỏ hiện (x. Cl 1:23, 25-26). Chính Phao-lô đã gánh lấy sứ mạng mà Đức Ki-tô sai các tông đồ đi thực hiện: “bằng việc rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo, họ có thể tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa, bằng cái chết và sự sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Sa-tan, khỏi sự chết và đem chúng ta vào Vương Quốc của Chúa Cha.”[18]

Tuy nhiên, Tin Mừng phải được rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng hy sinh và các bí tích, mà toàn bộ đời sống phụng vụ xoay quanh đó. Thế nên, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, con người được đắm mình trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô. Nhờ thường xuyên cùng nhau tụ họp để lắng nghe giáo huấn của các tông đồ và dùng bữa tối của Chúa, họ loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Người đến. Giáo Hội được xây dựng vững bền trong bí tích hiệp thông và nên một khi Giáo Hội kiên trì đến với nhau để cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua: đọc những gì “liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24:27), và cử hành Thánh Thể, trong đó “hiện tại hóa sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người.”[19]

 

C. Thánh Thể: Đức Ki-tô hiện diện giữa chúng ta

Để Giáo Hội hoàn tất một công việc lớn lao như thế, “Đức Ki-tô luôn hiện diện trong Giáo Hội của Người, đặc biệt trong các cuộc cử hành phụng vụ.”[20] Trong Thánh Thể, Người hiện diện để liên tục đem con người đến hiệp thông với Người và đến làm bằng hữu với nhau. Nơi con người thừa tác viên, khi cộng đoàn tụ họp nhau lại, khi công bố Lời Chúa, và trong hình Bánh và Rượu của Thánh Thể, Đức Ki-tô tiếp tục hiệp nhất, tha thứ, giáo huấn, hòa giải, dâng hiến bản thân để chúng ta được cứu độ, và do đó là trao ban sự sống. Chính vì điều này mà Người thiết lập hiến lễ Thánh Thể là Mình và Máu của Người – là sự nhập thể và thực hiện kế hoạch cứu độ mà đỉnh cao là hiến tế Thập Giá, là sự tưởng nhớ sống động cái chết cứu độ và sự sống lại của Người.

III. THÁNH TH: NGUN MCH VÀ CÙNG ĐÍCH CỦA S MNG CỦA GIÁO HI

A.    Thánh Thể là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây đức ái[21]

1. Sự hiện diện của Đức Ki-tô trong Thánh Thể

Những gì Đức Ki-tô đã hoàn tất trong cuộc sống, lời rao giảng, và trên hết là mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội, đặc biệt trong các cuộc cử hành phụng vụ. Quả thực những gì có thể nhìn thấy nơi Người đã được truyền lại cho Giáo Hội một cách đặc biệt trong các bí tích.[22] Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Ki-tô tiếp tục làm chúng ta nên phong phú bằng sức sống của Người, và nhờ được kết hiệp với Người, chúng ta có thể tiến dâng việc thờ phượng được Chúa Cha chấp nhận qua những dấu chỉ mà giác quan có thể cảm nhận được.

Do đó Thánh Thể là sự hiện thân vĩnh viễn của những gì Đức Ki-tô đã trao ban cho Giáo Hội bởi việc hoàn toàn cho đi bản thân mình.[23] Thánh Thể trở thành bí tích tình yêu của Người, mà vì tình yêu ấy Người đã hiến mình chết trên Thập Giá (x. Pl 2:8). Thánh Thể trở thành dấu chỉ sự hiệp nhất mà Người đã nguyện xin vào đêm trước khi chịu chết: “Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha và Con là một” (Ga 17:21). Thánh Thể   trở thành mối dây của tình bác ái mà Người đòi hỏi nơi các môn đệ trong điều răn mới Người đã truyền cho họ (x. Ga 13:34). Người yêu cầu các môn đệ làm tất cả những điều này để ‘nhớ đến’ Người. Đức Ki-tô muốn Thánh Thể là Bí Tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây đức ái.

2. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần

Để Thánh Thể trở thành bí tích tình yêu của Đức Ki-tô, dấu chỉ hữu hiệu của sự hiệp nhất, và mối dây đức ái, chúng ta khẩn cầu Chúa Thánh Thần xuống trên bánh và rượu để bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô (lời khẩn cầu thánh hiến). Liền sau đó Chúa Thánh Thần lại được khẩn cầu xuống trên cộng đoàn để họ có thể trở nên “một thân thể, một tinh thần trong Đức Ki-tô” (lời khẩn cầu hiệp thông).

Thực cao cả thay mầu nhiệm này! Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, hoa màu ruộng đất và lao công của đôi tay con người được biến đổi trở thành bánh ban sự sống và thức uống thiêng liêng. Cũng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, những người ăn và uống Mình và Máu Đức Ki-tô được biến đổi nên một Thân Mình Đức Ki-tô. Sau đó họ được sai đi để biến đổi gia đình, nơi làm việc, xã hội và thế giới. Thánh Thể biến đổi cộng đoàn tụ họp thành “hiệp thông sự sống, bác ái và chân lý” để trở nên “khí cụ cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất.”[24] Vì nơi Thánh Thể, “Đức Ki-tô mà Chúa Cha đã sai xuống để thực thi ý Ngài (x. Ga 5:36-38; 6:38-40; 7:16-18) sẽ kéo chúng ta đến với Người và làm cho chúng ta thành một phần sự sống và sứ mạng của Người.”[25]

3. Được biến đổi và sai đi để biến đổi

Họ được mời gọi trở nên điều họ đã lãnh nhận (Thân Mình Đức Ki-tô).[26] Thánh Thể có một chiều kích truyền giáo nội tại dựa vào chính việc được thiết lập. Vì trong Bữa Tối Cuối Cùng, Đức Ki-tô không chỉ cầm lấy bánh và chén rượu để biến thành bánh ban sự sống và chén cứu độ, Người còn rửa chân cho các môn đệ và truyền cho họ làm cho nhau như thế (x. Ga 13:14). Việc họ rửa chân cho nhau trong sự phục vụ yêu thương và khiêm tốn sẽ phải là tấm gương phản chiếu toàn bộ cuộc đời phục vụ và rao giảng của Đức Ki-tô. Khi đã được biến đổi thành những con người phục vụ và yêu thương nhờ gặp gỡ Chúa trong Lời và trong Thân Mình của Người, người tín hữu được sai đi để biến đổi cộng đoàn của họ trở thành cộng đoàn huynh đệ sống động và trao ban sự sống. Thánh Thể thể hiện bản chất và mục đích của mình khi biến đổi môi trường và con người thành những cộng đoàn yêu thương và phục vụ.

B. Thánh Thể và sứ mạng truyền giáo

Cũng thế, sau khi cảm thấy trái tim mình cháy bỏng lúc nghe những lời của Đức Ki-tô phục sinh và nhận ra Người “qua việc bẻ bánh”, hai môn đệ trên đường Em-mau (x. Lc 24:30-32) cảm thấy được thôi thúc vội vã ra đi chia sẻ với tất cả anh em mình niềm vui được gặp gỡ Người.[27] Dự phần vào việc “bẻ bánh và chia sẻ bánh” khi Hiệp Lễ, cá nhân và cộng đoàn Ki-tô hữu không thể tiếp tục dửng dưng với lời kêu gọi chia sẻ và cho đi chính mình để trở thành bánh sự sống cho thế giới. Vì lý do này, “việc cử hành hy tế Thánh Thể là hành động truyền giáo hiệu quả nhất mà cộng đoàn Giáo Hội có thể thực hiện trong lịch sử thế giới.”[28] Mỗi phần của việc cử hành Thánh Thể tỏ lộ một mối gắn kết không thể tách rời giữa sự hiệp thông và sứ mạng truyền giáo, nhờ đó Giáo Hội trở thành dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất (x. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội 1). Như vậy, cũng cần xem xét một số phần của việc cử hành Thánh Thể và sứ mạng truyền giáo hàm chứa trong đó như thế nào.

1. Nghi thức nhập lễ

“Khi dân Chúa được quy tụ…”[29] Từ nhiều nơi, hoàn cảnh và tình huống khác nhau, nhờ những yếu tố khác nhau của nghi thức nhập lễ, chúng ta được hợp thành một cộng đoàn phụng tự.[30] Cùng đến với nhau để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa là sự vận hành đầu tiên do quyền năng sáng tạo của Thánh Thể nhờ đó chúng ta trở thành Dân giao ước của Thiên Chúa. Lời chào của vị tư tế “Chúa ở cùng anh chị em” hay lời chào tương đương là một tuyên bố long trọng rằng bây giờ chúng ta chính thức là một cộng đoàn phụng tự để tôn thờ Thiên Chúa, nơi cư ngụ của Người. “Chúa ở cùng anh chị em” đồng thời là lời tuyên xưng đức tin: Đức Ki-tô, Chúa phục sinh, Đấng sai Chúa Thánh Thần đến, thực sự hiện diện nơi cộng đoàn đang cử hành Thánh Lễ. Đó cũng chính là những lời Thiên Sứ chào kính Đức Mẹ trong biến cố truyền tin khi Mẹ được tuyển chọn để cưu mang “Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trong cung lòng Mẹ (x. Lc 1:28).

Chúa Thánh Thần, mà Đức Ki-tô, Chúa phục sinh, cử đến trong Thánh Lễ, là Đấng làm cho chúng ta có thể nhớ lại những ân huệ cao cả Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Với tâm tình tạ ơn và ca ngợi, chúng ta được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh để nâng tâm hồn lên chúc tụng và tán dương Thiên Chúa. Cũng như trong ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần hiệp nhất cộng đoàn trong tư cách là Giáo Hội, ban quyền năng cho Lời Chúa, thánh hiến bánh và rượu thành bí tích Mình và Máu Đức Ki-tô, và biến đổi chúng ta thành Đức Ki-tô qua việc Hiệp Lễ.

Vì thế, những lời chào mừng ấy rất an ủi: giúp chúng ta xác tín rằng việc tụ họp của chúng ta được chúc phúc bằng sự hiện diện của Đức Ki-tô phục sinh và Chúa Thánh Thần mà Người cử đến. Trong cộng đoàn Thánh Thể này, Đức Ki-tô gặp gỡ chúng ta nơi con người của vị tư tế và Người muốn chúng ta nhận ra Người nơi nhau. Người nói với chúng ta khi Kinh Thánh được công bố. Người hiến mình cho chúng ta qua dấu chỉ thánh thiêng của bánh và rượu. Để trở thành một cộng đoàn thờ phượng gặp gỡ Chúa, chúng ta được các nghi thức và kinh nguyện trợ giúp - một bài hát chung, những chuyển động, tư thế, cử chỉ, những kinh nguyện chung và thậm chí là những khoảnh khắc thinh lặng chung.

Những yếu tố khác nhau của Nghi Thức Nhập Lễ nhằm tạo nên sự hiệp nhất giữa những người đang tụ họp, chuẩn bị cho biết họ lắng nghe Lời Chúa cách thích đáng và cử hành Thánh Thể cách xứng đáng, luôn luôn với ý hướng để sai họ đi làm khí cụ hiệp nhất, làm người rao giảng Lời Chúa và là bánh được bẻ ra và chia sẻ vì sự sống của thế giới. Nghi Thức Nhập Lễ tạo nên phần khởi đầu của quá trình tuyển chọn, kêu gọi và hình thành một Giáo Hội (ekklesia), một dân tư tế mà Thiên Chúa sẽ sai đi “loan truyền những kỳ công vinh quang của Đấng đã kêu gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:9).

 

2. Phụng vụ Lời Chúa

Sau khi được nghi thức nhập lễ chuẩn bị, người tín hữu bây giờ lắng nghe công bố Lời Chúa.[31] Thiên Chúa và dân Người tham dự vào “cuộc đối thoại mà trong đó công trình cứu độ cao cả được loan báo và những đòi hỏi của giao ước được liên tục nhắc lại.”[32] Thiên Chúa lên tiếng và mong đợi lời đáp trả. Diễn tiến năng động của việc công bố, suy niệm, giải thích và hấp thụ Lời Chúa nhằm biến cộng đoàn thành “những người thực hành Lời Chúa chứ không chỉ nghe suông” (Gc 1:22), những người loan truyền chứ không chỉ đón nhận mạc khải thánh.[33] Vì Lời Chúa có sức mạnh soi sáng cuộc sống con người, thúc bách người nghe nhìn vào bản thân và nhìn ra thế giới, và khơi động sự thôi thúc không thể cưỡng lại là phải dấn thân vào thế giới để thực thi công lý, hòa giải và hòa bình.[34] Những bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng như người ta mong đợi sẽ trợ giúp cách đặc biệt trong vấn đề này, và nhờ đó Thiên Chúa tìm đến với dân Người qua vị thuyết giảng và biểu lộ quyền năng của Chúa qua lời nói con người. Thật vậy, khi một mục tử biết rõ giáo dân của mình và thành thạo kỹ năng truyền thông, “bài giảng (của vị ấy) có thể thực sự là một trải nghiệm vui tươi và mãnh liệt trong Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với Lời Chúa, một nguồn canh tân và phát triển liên tục.”[35]

Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Lời Chúa được loan báo, cũng ban sức mạnh cho người tín hữu để họ nghe, hiểu và thực hành Lời Chúa trong cuộc đời mình. Sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, họ được kêu gọi uốn nắn lối sống của họ cho phù hợp với những gì họ cử hành trong phụng vụ. Nhờ đời sống chứng tá, người tín hữu được sai đi, mang theo Lời Chúa mà họ đã nghe, để Lời Chúa “có thể được mau chóng loan truyền và tôn vinh và Danh Chúa được ca tụng giữa muôn dân nước.”[36] Quả thực những lời ban sự sống đời đời mà chúng ta nhận được khi gặp gỡ Chúa trong Thánh Thể là để dành cho tất cả mọi người.

3. Chuẩn Bị Lễ Vật

Tình yêu ưu tiên cho người nghèo. Cuộc cải cách của Công Đồng Vatican II về Thánh Lễ đã phục hồi một tập quán cổ xưa liên quan đến việc cộng đoàn dâng tiến bánh rượu cho hy tế Thánh Thể.[37] Lời chứng cuối cùng được ghi nhận về tập quán này là Sách Nghi Thức Rô-ma thế kỷ thứ bảy,[38] sách này cho chúng ta biết rằng vị chủ tế chọn một ổ bánh trong số lễ phẩm được dâng lên và lấy đủ số rượu dùng cho việc Hiệp Lễ; phần còn lại đặt trên một bàn phụ để phân phát cho người nghèo.[39] Tập quán ấy bị lãng quên trong nhiều thế kỷ và được phục hồi do cuộc cải cách của Công Đồng Vatican II, không chỉ là có thêm cơ hội cho tín hữu tham dự tích cực, mà còn khẳng định một thực hành đáng ca ngợi của Giáo Hội sơ khai nhằm thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến người nghèo.

Nghi thức tưởng niệm việc thiết lập Thánh Thể trong Thánh Lễ Chiều mừng Bữa Tối của Chúa vào ngày thứ Năm Tuần Thánh dành chỗ cho cuộc rước lễ vật của các tín hữu, mà trong đó ngoài bánh rượu còn có cả những tặng vật dành cho người nghèo đang hiện diện.[40] Bài hát đề nghị đi kèm theo hành động này nêu cao sứ điệp của việc chuẩn bị lễ vật: “Ubi caritas est vera, Deus ibi est.” [= Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời]. Theo nghĩa trên, cuộc cử hành Thánh Thể vào buổi chiều này, với ý hướng tưởng niệm việc thiết lập, là một mẫu thức hoàn hảo cho tất cả các cuộc cử hành Thánh Thể. Cuộc cử hành đó dạy chúng ta rằng sứ mạng chăm sóc cho người nghèo và những người bị thiệt thòi là trung tâm của phụng vụ Thánh Thể. Khi chúng ta triển nở trong việc chân thành chăm sóc người nghèo và người thiếu thốn, thì Thánh Thể biểu lộ càng rõ ràng là một bí tích tình yêu hơn nữa. Sự gắn bó mật thiết giữa Thánh Thể và sứ mạng chăm sóc người nghèo của Giáo Hội được diễn tả cô đọng trong những lời lẽ trau chuốt của thánh Gio-an Kim Khẩu. Ngài hỏi: “Bạn có muốn tôn vinh Thân Mình Đức Ki-tô không? Vậy thì đừng để cho Thân Mình Đức Ki-tô bị khinh miệt nơi các chi thể, là những người nghèo không có gì để mặc. Đừng tôn vinh Chúa trong nhà thờ với lụa là gấm vóc, rồi sau đó lại bỏ lơ Người ở bên ngoài khi Người lạnh cóng và trần truồng… Đức Ki-tô được lợi lộc gì từ một bàn lễ vật đầy những chén vàng khi mà Người chết đói nơi những anh chị em nghèo khó?”[41]

Quan tâm đến Công Trình Sáng Tạo. Cuộc cải cách của Công Đồng Vatican II về Thánh Lễ gắn kết các công thức cầu nguyện dựa theo những kinh nguyện tại bàn ăn của người Do Thái với hành động đặt lễ vật trên bàn thờ: Chúc tụng Chúa, là Chúa tể càn khôn, vì thiện hảo của Người, chúng con có bánh (rượu) dâng lên Người, là hoa màu ruộng đất và lao công của đôi tay con người, để trở thành bánh ban sự sống (thức uống thiêng liêng) cho chúng con. Những công thức cầu nguyện này bày tỏ sự ca tụng Thiên Chúa vì công trình sáng tạo thế giới và con người được cộng tác vào việc làm ra bánh rượu – những biểu tượng của sự sống và tình bằng hữu – mà sẽ trở thành phương tiện trong Thánh Thể cho sự hiện diện sống động và ban sự sống của Đức Ki-tô giữa cộng đoàn quy tụ và trong lòng thế giới.

Nhưng bánh và rượu cũng nói lên một sứ mạng ngôn sứ. Việc thờ phượng không thể dửng dưng với mối quan tâm đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Lời “Chúc tụng Chúa, là Chúa Cả trời đất” là để cảm tạ Chúa về trái đất, thụ tạo của Người, đã nuôi dưỡng chúng ta. Thế giới không chỉ là thứ nguyên liệu thô được sử dụng chỉ theo ý muốn của chúng ta – hoàn toàn hủy hoại và hoang phí. Nó dành cho tất cả con cái Thiên Chúa để sống dựa vào, sao cho hoàn toàn phù hợp với phẩm giá đó. Lời “Chúc tụng Chúa, là Chúa Cả trời đất” kéo theo một tiếng nói ngôn sứ chống lại sự tham lam của lòng dạ và bàn tay con người, để bảo vệ trái đất và những nguồn tài nguyên trong đó, và bảo vệ những nạn nhân do sự phản kháng của thiên nhiên gây ra khi bị khai thác vô trách nhiệm.

 

4. Kinh Nguyện Thánh Thể

Hợp thành Thân Mình Đức Ki-tô: Bánh và Cộng Đoàn. Vào hai thời khắc đặc biệt của phụng vụ Thánh Thể, một cách minh nhiên, chúng ta nguyện xin Chúa Thánh Thần. Trong lời khẩn cầu thánh hiến, Chúa Thánh Thần được nguyện xin xuống trên lễ vật bánh và rượu để “để trở nên Mình và Máu Ðức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III). Trong lời khẩn cầu hiệp thông, Chúa Thánh Thần cũng được khẩn nguyện xuống trên cộng đoàn để nhờ dự phần vào Mình Máu Đức Ki-tô, họ “được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Ðức Ki-tô” (Kinh Nguyện Thánh Thể III). Không nơi nào chúng ta có thể nhìn thấy sự ăn khớp rõ ràng hơn giữa Giáo hội và Đức Ki-tô như trong viễn tượng mầu nhiệm Thánh Thể: Giáo Hội cử hành Thánh Thể để Giáo hội luôn luôn được xây dựng thành “Thân Mình Đức Ki-tô”. Bánh và rượu phải trở thành “Thân Mình Đức Ki-tô” hầu làm cho những người dự phần vào Thánh Thể thành “Thân Mình Đức Ki-tô.” Như thế, nhờ mầu nhiệm Thánh Thể mà Giáo Hội đi vào trong lịch sử với tư cách là “Thân Mình Đức Ki-tô,” hiến tế vì sự sống của thế giới.

Ngay từ hậu bán thế kỷ thứ nhất, chúng ta tìm thấy điều này được bày tỏ trong một kinh nguyện mà Giáo Hội đã gìn giữ trong kho tàng bản văn Thánh Thể của mình: “Cũng như chiếc bánh được bẻ ra đây, trước tiên được gieo rắc trên khắp ruộng đồng, giờ đây được thu lượm và trở thành một tấm bánh, thì xin cho Hội Thánh Cha từ muôn phương được tụ họp trong nước Cha.”[42] Đối với Giáo Hội sơ khai, điều quan trọng nhất về việc cử hành Thánh Thể là cuộc cử hành đó “quy tụ họ lại với nhau.” Niềm thâm tín của họ là ở chỗ khi được “tụ họp lại với nhau” (= ekklesia) thì ơn cứu độ xuống trên họ. Chính khi coi mình như là “Một Thân Mình Đức Ki-tô” mà những chi thể mạnh khỏe cảm nhận được nỗi đau thương và khổ sầu của những chi thể ốm yếu bệnh tật và như thế bắt buộc cảm thấy phải đáp ứng những nhu cầu của họ. Thánh Thể giao phó cho Giáo Hội một sứ mạng thực thi công lý trên thế giới bằng cách làm cho các cộng đoàn được quy tụ này thành “Một Thân Mình Đức Ki-tô,” nơi mà chia rẽ và sự vô cảm với nỗi khổ đau được đặt thành vấn đề.

Phát sinh từ việc cử hành Thánh Thể, cho nên mỗi một Ki-tô hữu, và toàn thể Giáo Hội, thực thi sứ mạng gìn giữ nguyên vẹn Thân Mình Đức Ki-tô và phục hồi sức khỏe cho Thân Mình ấy khi bị đau yếu vì sự dửng dưng và bất hòa.

5. Hiệp Lễ

Nghi Thức Bẻ Bánh. Trong Bữa Tối Sau Cùng, Đức Giê-su cầm lấy bánh và bẻ ra. Người đưa các mẩu bánh cho các môn đệ yêu dấu mà nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.” Trong Thánh Thể, vị tư tế cũng thực hiện cùng một hành động này của Đức Ki-tô. Người bẻ bánh như dấu chỉ tình yêu của Đức Ki-tô mà thân xác bị “bể nát” vì chúng ta. Bất cứ khi nào hành động này diễn ra trong cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta được nhắc nhở về cái chết đau thương mà Đức Ki-tô phải trải qua vì tình yêu Người dành cho chúng ta. Khi nhận lấy bánh ấy, chúng ta được nhắc nhớ rằng Đức Ki-tô đã phải chết để chúng ta được sống. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta phải “ý thức sâu xa hơn hy tế của Đức Ki-tô là dành cho mọi người, và Thánh Thể đòi buộc tất cả nhưng ai tin vào Đức Ki-tô phải trở nên “bánh được bẻ ra” cho người khác, và phải làm việc để xây dựng một thế giới huynh đệ và chính trực hơn.”[43] Đây là cách Đức Ki-tô khát khao trao ban sự sống cho nhân loại và cho thế giới qua mọi thời đại: chúng ta làm “việc này” (= bẻ bánh, chia sẻ, yêu thương) để tưởng nhớ Người. Mỗi người chúng ta thực sự được kêu gọi để làm tấm bánh, bị bẻ ra vì sự sống của thế giới, cùng với Đức Giê-su.

Khi nói với người dân Châu Á, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã ca ngợi khả năng phi thường của việc hy sinh và hiến mình – nghĩa là tử vì đạo – mà nhiều người Châu Á đã biểu lộ qua nhiều thế kỷ. Tiếp đó ngài kêu gọi những Ki-tô hữu Châu Á ngày nay sẵn sàng làm y như thế nếu tình huống đòi hỏi.[44] Châu lục này đã hiến tặng cho Giáo Hội và cho thế giới những người con, nam và nữ, đã hùng hồn chứng minh chân lý đức tin bằng cách can đảm đối mặt với cái chết tàn bạo nhất và cho thấy vẻ đẹp của đức tin ấy ngay giữa những hình thức bách hại xấu xa nhất. Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn đồng hành, thánh An-rê Kim Taegon và các bạn đồng hành, thánh Augustinô và 119 bạn đồng hành, và thánh Phê-rô Calungsod, tất cả là người Châu Á, đã biểu lộ một hình thái cụ thể của đức tin trọn vẹn vào Thánh Thể bằng cách bị bẻ ra như thế.

Bữa Ăn Hiệp Thông. Trong Thánh Thể, “Thân Mình Đức Ki-tô” được thể hiện nơi cộng đoàn Thánh Thể trở thành lương thực cho những người khác. Hành động Thánh Thể đó mang vào thân mình tiêu hao một sự sống, nghĩa là được bẻ ra và cho đi để nuôi dưỡng thế giới đang đói khát. Thánh Thể sai người Ki-tô hữu bước ra khỏi bản thân và hiến mình làm lương thực cho thế giới y như thế. Trong Thánh Thể, hành vi tiêu hao bị đảo ngược và trở thành một hành vi kenosis, hay tự hủy. Trở nên một phần của Thân Mình Đức Ki-tô là cùng với Đức Ki-tô gánh lấy thân phận bể nát của con người, và tự hủy là “mặc lấy thân nô lệ” (Pl. 2:7).

 

Khả năng tuyệt vời khi hy sinh bản thân, vốn là đặc tính của người Châu Á, sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không đi kèm theo sự sẵn sàng chia sẻ. Việc tự hủy chỉ tìm thấy ý nghĩa khi nhờ đó mà người khác được trở nên trọn vẹn. Đức Ki-tô tự hủy để chúng ta có thể tràn đầy sự sống của Người một cách dồi dào sung mãn (x. Ga 10:10). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II cho chúng ta biết về những lĩnh vực đặc biệt cần được chia sẻ, nhất là vào thời điểm này, tại nơi này của thế giới.[45] Hoàn cảnh mà trong đó người tị nạn, người tìm nơi nương náu, di dân và công nhân nước ngoài sống ở những nước tiếp nhận họ thường gặp phải là thiếu thân thiện, xa lạ về văn hóa, bất lợi về ngôn ngữ và dễ tổn thương về kinh tế. Những hoàn cảnh ấy đòi hỏi một mái ấm tiếp đón họ, nơi đó, họ có thể tìm thấy sự an ủi và nghỉ ngơi cho nỗi ưu tư và gánh nặng của mình. Xin cho các cộng đoàn Ki-tô, dù ở bất cứ quốc gia hay địa phương nào, đều trở thành những mái ấm nghỉ ngơi tiếp đón như thế đối với họ. Bữa tiệc Thánh Thể sai chúng ta ra đi chia sẻ những gì chúng ta có để không ai trong các cộng đoàn chúng ta còn thiếu thốn.

6. Kết lễ: “Ite, Missa Est.” (Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an)

Nghi thức kết lễ chấm dứt việc cử hành Thánh Thể và sai cộng đoàn ra đi. Có những người liên hệ đặc điểm sứ-mạng-sai-đi này của nghi thức kết lễ với với việc cả hai từ “Thánh Lễ” (Mass) và “sứ mạng” (mission) đều phát xuất từ động từ tiếng La Tinh mittere (=sai đi). Điều này cũng mang một ý nghĩa:  nghi thức kết lễ được mô tả như là nghi thức giải tán dân chúng để họ “ra đi và làm việc thiện, ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa.”[46]

Trong phần bàn về Nghi Thức Nhập Lễ trước đây, chúng ta nói rằng những người họp thành cộng đoàn được quy tụ, được chuẩn bị để lắng nghe Lời Chúa và tham dự vào bữa ăn Thánh Thể cho xứng đáng, luôn hướng đến việc họ được sai đi làm khí cụ hiệp nhất, người loan báo Tin Mừng, và làm tấm bánh, được bẻ ra và chia sẻ vì sự sống của thế giới. Giờ đây, trong nghi thức kết lễ, họ được lệnh “Ra đi, (cộng đoàn) được sai đi.” Như trong câu chuyện hai môn đệ Em-mau, cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô Phục Sinh trong lời của Người được công bố và trong việc bẻ bánh có sức mạnh nội tại để biến đổi cộng đoàn thành những sứ giả hăng say và nhiệt thành của Chúa. Tình huynh đệ họ trải nghiệm, Lời Chúa họ được nghe, và bữa tiệc Thánh Thể họ cùng nhau chia sẻ, giờ đây họ được đưa vào thế giới dưới hình thức làm chứng tá liên hệ tới những gì họ đã lãnh nhận. Làm chứng có nghĩa là thông qua hành dộng, lời nói và cách sống của mình, chúng ta trở nên nhân chứng cho Đức Giê-su Ki-tô, Đấng thực sự hiện diện - đã qui tụ chúng ta, nói với chúng ta và hiến Mình làm Bánh ban sự sống cho chúng ta.[47] Làm chứng cho Đức Ki-tô nghĩa là làm cho những người chúng ta gặp gỡ ở nơi làm việc, ở nhà, và những nơi khác trên thế giới có thể trải nghiệm được những lời an ủi, chữa lành, hiệp nhất và sự hiện diện ban sự sống của Đức Ki-tô, bởi vì chúng ta có mặt ở đó.

Nghi Thức kết thúc Thánh Lễ quả thực sai chúng ta đi với lời mời gọi và trách nhiệm hoạt động loan truyền Tin Mừng và làm cho xã hội thấm nhuần những giá trị Ki-tô giáo.[48] Có sự liên tục không đứt đoạn từ Thánh Lễ vừa mới cử hành và sứ mạng Ki-tô hữu của chúng ta trong thế giới.[49] Những lời nguyện sau Hiệp Lễ diễn tả tính liên tục không đứt đoạn này, vốn là hoa trái của việc tham dự đích thực vào Thánh Thể: “để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong Thánh Lễ cũng như trong đời sống hàng ngày.”[50] Với sự liên tục này, Giáo Hội luôn xuất hiện như một mầu nhiệm của hiệp thông và sứ vụ, cũng như Thánh Thể, vốn nằm ở trọng tâm đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, là bí tích hiệp thông và sứ vụ tuyệt hảo nhất.

Việc cử hành Thánh Thể, và mỗi phần trong Thánh Lễ, cho thấy rằng trách nhiệm truyền giáo của Giáo Hội được khắc ghi trong bản chất của mình. Làm một cộng đoàn truyền giáo là một phần căn tính của Giáo Hội. Giáo Hội thực hiện căn tính này cả trong đời sống thờ phượng, nơi Giáo Hội tuyên xưng qua các nghi thức Đức Ki-tô đã cứu độ thế giới nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, cũng như cả trong đời sống phục vụ, nơi Giáo Hội khẳng định sự hiện diện cứu độ của Đức Ki-tô trong những sinh hoạt của nhân loại và thế giới.

IV. SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU, TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI

 

A. Đối thoại như một phương thức truyền giáo ưu tiên

Trong bối cảnh cụ thể của Châu Á, Giáo Hội, trong mọi nơi mọi lúc là một cộng đoàn truyền giáo do nguồn gốc và mối tương quan với Đức Ki-tô,[51] được kêu gọi theo một nghĩa đặc biệt là thực thi nhiệm vụ truyền giáo của mình trong tinh thần đối thoại. Đối thoại như thế xét như là một lối tiếp cận đặc biệt với sứ mạng truyền giáo, không chỉ là cần thiết do thực tại đa ngôn ngữ, đa tôn giáo và đa văn hóa của Châu Á, khiến cho các dân tộc phải luôn luôn đối thoại với nhau để bảo đảm cùng tồn tại hòa bình. Cách thức dấn thân truyền giáo này có gốc rễ trong nhiệm cục cứu độ và lời kêu gọi hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, qua đó, Thiên Chúa Cha đưa nhân loại vào một cuộc đối thoại yêu thương của ơn cứu độ với chính Ngài nhờ Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.[52] Đối thoại là cách Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ chúng ta nơi và nhờ Con của Người, Đấng “đã trở nên người, chia sẻ đời sống phận người và nói ngôn ngữ loài người chúng ta để truyền đạt sứ điệp cứu độ của Người.”[53]

Do đó không có cách nào khác để Giáo Hội thực hiện lệnh truyền rao giảng từ Thầy và Chúa của mình (x. Ga 13:14) ngoài một cuộc đối thoại về ơn cứu độ với tất cả mọi người không phân biệt nam nữ, vì đối thoại là đặc điểm cốt yếu trong sáng kiến cứu độ và hiệp thông của Thiên Chúa.[54] Tầm nhìn của Cộng đồng Vatican II về đường lối của Giáo Hội là thực hiện sứ mạng của mình trong một thế giới hiện đại cũng như phản ảnh một cam kết đối thoại với các chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và cơ cấu xã-hội-chính-trị khác nhau.[55] Điều này đặc biệt đúng tại Châu Á, nơi mà Giáo Hội phải dấn thân đối thoại với “những người chia sẻ niềm tin của Giáo Hội vào Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và Đấng Cứu Thế” cũng như với “những tín đồ của mọi truyền thống tôn giáo khác, dựa trên căn bản của sự khát vọng tôn giáo ẩn sâu trong mỗi trái tim con người.”[56]

Trong Phiên Họp Khoáng Đại đầu tiên, các Đức Giám Mục Châu Á đã phân định cuộc đối thoại này trong bối cảnh truyền giáo tại Châu Á phải có dạng thức đặc biệt nào: “cuộc đối thoại liên tục, khiêm tốn và yêu thương với các truyền thống sống động, các nền văn hóa, các tôn giáo, tóm lại đối thoại với mọi thực tại đời sống của con người đã bám rễ sâu và đã thuộc về lịch sử cũng như đời sống của họ ở đây một cách hân hoan.”[57] Cuộc đối thoại này được gọi là “cuộc đối thoại ba chiều” cách đây ba mươi năm,[58] nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay: đối thoại với các nền văn hóa của người Châu Á, đối thoại với các tôn giáo của họ, và đối thoại với những hoàn cảnh sống đói nghèo, cô thế, đau khổ và với những nạn nhân, vốn là số phận của đại đa số con người ở đây.[59]

B. Những yếu tố đối thoại trong truyền giáo

Cuộc đối thoại ba chiều này phải được thực hiện “để làm chứng cho Đức Ki-tô bằng lời nói và hành động, bằng cách đến với những con người trong thực tế cụ thể đời sống hằng ngày của họ.”[60] Liên quan đến việc làm chứng cho Đức Ki-tô bằng lời nói, nghĩa là công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ, sử dụng những câu chuyện và những hình thức kể chuyện khác hứa hẹn có hiệu quả lớn hơn[61] bởi vì đa số người Châu Á có thể liên tưởng tốt hơn với “một kiểu sư phạm gợi mở, sử dụng câu chuyện, dụ ngôn và biểu tượng.”[62] Đại Hội Truyền Giáo Châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan tháng 10 năm 2006 đã nhắc lại với lòng ưu ái và cảm tạ rằng chính Đức Giê-su đã giảng dạy bằng dụ ngôn và những hình ảnh được cô đọng để mạc khải chiều sâu của Nước Thiên Chúa – Người chính là câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa trong thân xác![63] Chuyện kể có một sức mạnh đặc biệt làm cho người ta hiểu được ngay cả những mầu nhiệm sâu xa nhất của đức tin, biến đổi những quan điểm và giá trị, hình thành cộng đoàn và thiết lập tình huynh đệ.

Mặt khác, việc làm chứng cho Đức Ki-tô bằng hành động còn có nghĩa là cuộc đối thoại ba chiều này phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể phục vụ cho công lý, hòa bình và phẩm giá con người, dẫn đưa người nghèo khổ và yếu thế đến sự phát triển và giải thoát trọn vẹn. Cả hai hình thức dấn thân (lời nói và hành động) đòi hỏi sự đối thoại trong đời sống, hòa nhập vào hoàn cảnh của những con người mà Tin Mừng cứu độ được loan báo cho họ, nhạy cảm với nền văn hóa của họ, tôn trọng và đón nhận mọi người, liên tục lắng nghe và đồng cảm, phát triển những mối tương quan con người, và kiên tâm học hỏi. Hơn nữa cuộc đối thoại trong sứ mạng truyền giáo này đòi hỏi một linh đạo quản gia, tìm cách bảo vệ sự toàn vẹn của công trình sáng tạo vì lợi ích của những người phải chịu đau khổ nhất khi những thảm họa hủy diệt xảy đến do việc lạm dụng môi trường và tài nguyên thiên nhiên, hay khi của cải trái đất không được phân bổ cách công bằng.

Vì thế, đối thoại trong sứ mạng truyền giáo đòi buộc linh đạo cho những người rao giảng Tin Mừng, linh đạo bao gồm: liên tục quy chiếu về con người và đường lối của Đức Giê-su, kính trọng đối với Thần Khí, phân định trong cầu nguyện, khát mong tự hủy, cầu nguyện và sự hiện diện của Chúa, cảm thương, và có khả năng hướng dẫn người khác vào trong đời sống ân sủng và thánh thiện.

C. Loan báo và đối thoại

Cuộc đối thoại này tự nó không phải là cùng đích; nhưng là để chia sẻ và đón nhận. Cuộc đối thoại khiến chúng ta sẵn sàng tôn trọng người khác và nhận ra tài năng của họ. Cuộc đối thoại giúp chúng ta có thể lắng nghe những gì người khác bày tỏ về sự tốt lành của Thiên Chúa trong và qua cuộc sống của họ.[64] “Suốt trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đối thoại, các bên sẽ cảm thấy một nhu cầu mạnh mẽ để truyền đạt và tiếp nhận thông tin, đưa ra và đón nhận lời giải thích, cũng như chất vấn lẫn nhau.”[65] Về phần mình, người Ki-tô hữu phải sẵn sàng cho thấy đức tin của họ, giải thích niềm hy vọng trong lòng họ (1 Pr 3:15) để trả lời cho những kỳ vọng của các đối tác do cuộc đối thoại tạo ra. Đối thoại luôn luôn là để loan báo và chia sẻ niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta vào Đức Ki-tô. Không thể có một cuộc Phúc Âm hóa đích thực nếu không có việc loan truyền Đức Giê-su Ki-tô cũng như loan truyền cái chết và sự phục sinh cứu độ của Người.[66] Chúng ta không thể chia sẻ những gì mình không có. Để dấn thân sinh hiệu quả trong cuộc đối thoại này, người Ki-tô hữu phải đào sâu đức tin của mình nơi Đức Ki-tô và nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, thanh tẩy thái độ, minh định ngôn từ và thực hành việc thờ phượng ngày càng chân thực hơn.[67]

Mọi giai đoạn của cuộc đối thoại và loan báo như thế phải được tình yêu thúc đẩy. Người Ki-tô hữu phải rao giảng và chia sẻ đức tin của họ vào Đức Ki-tô chính vì tình yêu này, chứ không chỉ vì tuân theo lệnh truyền của Chúa. Mặt khác những tín đồ thuộc các tôn giáo khác cũng có thể muốn chia sẻ sự phong phú trong niềm tin của họ. Cũng tinh thần đức ái Ki-tô giáo này rất cần thiết để được nên phong phú hơn từ việc chia sẻ của người khác. Liên quan đến điểm này, các Giám mục Châu Á có một minh định quan trọng và hợp thời: “Đối thoại không đòi hỏi phải từ bỏ sự cam kết của mình, đánh đồng nó hay dễ dàng thỏa hiệp. Trái lại, để đối thoại có hiệu quả và sâu xa hơn, mỗi bên thậm chí cần phải xác tín mạnh mẽ hơn niềm tin của mình.”[68] Mọi cuộc đối thoại bao hàm sự tương hỗ và nhắm đến xua đi nỗi sợ hãi và sự hiếu chiến.[69]

D. Thánh Thể, nguồn mạch và cùng đích của đối thoại

Trong đời sống Giáo Hội, Thánh Thể đóng vai trò vừa là nguồn mạch vừa là cùng đích của cuộc đối thoại này. Được dự phần vào việc cử hành Thánh Thể, chúng ta đi vào trong mối hiệp thông sự sống với Ba Ngôi Thiên Chúa bởi vì chúng ta tham dự vào cuộc đối thoại về sự sống và ơn cứu độ đã bắt đầu trong lịch sử và bây giờ tồn tại mãi trong mầu nhiệm phụng vụ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Những yếu tố khác nhau của việc cử hành khiến thân xác, giác quan, ý thức của chúng ta tham gia vào cuộc đối thoại mở ra và chúng ta có thể thông dự vào nhịp sống của Đức Ki-tô hiến mình để cứu độ chúng ta. Qua việc tụ họp và hình thành một cộng đoàn phụng tự, chúng ta đáp lại lời hiệu triệu của Chúa Cha để trở thành Dân giao ước của Người. Qua việc lắng nghe và hấp thụ Lời Chúa được công bố, chúng ta tham gia vào cuộc đối thoại để được Chúa Cha chữa lành, huấn luyện, và làm cho nên phong phú bằng sự sống và tình yêu của Người, đặc biệt với sự trợ giúp của một bài giảng lễ mà nhờ bối cảnh Thánh Thể đã vượt lên trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì bài giảng dẫn chúng ta đến với hiệp thông bí tích.[70]

Theo một cách độc đáo, chúng ta đi vào trong cuộc đối thoại sự sống với Ba Ngôi Thiên Chúa bằng cách ăn Mình và uống Máu Đức Ki-tô, vì khi đáp lại lời khẩn cầu của chúng ta, Chúa Cha sai Thánh Thần qua Con của Người xuống trên bánh và rượu để có thể trở thành Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Xuất phát từ việc tụ họp Thánh Thể, chúng ta được sai đi để tiếp tục và mở rộng cuộc đối thoại sự sống và ơn cứu độ của Ba Ngôi dưới hình thức phục vụ yêu thương, đặc biệt là đối những người nhỏ bé, hèn mọn và thua thiệt nhất.[71]

Thế nên, sự vận hành năng động của hành động cử hành (quy tụ - lời - bữa tiệc - sứ vụ) làm cho chúng ta nhận ra rằng Thánh Thể là sự tưởng nhớ sống động cuộc đối thoại đã diễn ra trong toàn bộ cuộc đời và sứ vụ của Đức Ki-tô, nhưng đạt đến đỉnh cao trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và vinh quang chung cuộc của Người. Đó là một cuộc đối thoại tạo thành cả một hành vi vâng phục Chúa Cha (vận hành đi lên) và lòng thương xót đối với tội nhân yếu đuối (vận hành đi xuống), và một hy tế của cả việc tôn thờ (vận hành đi lên) và phục vụ (vận hành đi xuống).[72]

Ở Châu Á, nơi mà hình thức đặc trưng cho sự hiện hữu của Giáo Hội là hình thức đối thoại, Thánh Thể tỏa sáng như “một trải nghiệm độc đáo cuộc đối thoại của Thiên Chúa với chúng ta và lời đáp trả của chúng ta với Thiên Chúa: một cuộc đối thoại của sự sống, một cuộc đối thoại của tình yêu.”[73] Trong Thánh Thể, Đức Ki-tô mời gọi mọi người đến đồng bàn, nơi Người chia sẻ sự sống của Người qua những lời yêu thương, chữa lành, và qua một bữa ăn khắc sâu mối tương quan yêu thương giữa những người cùng gọi Thiên Chúa là Cha. Việc đó có ý nghĩa rất nhiều đối với một dân tộc mà nền văn hóa của họ dành chỗ ưu tiên cho mối gắn bó mật thiết trong gia đình được giữ gìn nguyên vẹn và củng cố bởi sự khuyên bảo của cha mẹ và những bữa ăn gia đình.[74] Việc Đức Ki-tô hiến mình làm của ăn thỏa mãn mọi cơn đói và làm của uống tan biến mọi cơn khát và đem lại niềm vui. Việc đó sẽ sưởi ấm trái tim của nhiều người trên châu lục này khi mà cuộc sống hàng ngày của họ rõ ràng là thiếu thốn những nhu cầu cơ bản.[75] Thánh Thể phải luôn là điểm quy chiếu cho các Giáo Hội địa phương tại Châu Á trong cuộc đối thoại truyền giáo liên tục với những nền văn hóa, tôn giáo địa phương, với người nghèo, và giới trẻ, bởi vì cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người diễn ra trong đó chính là hạt giống và tầm nhìn cho toàn bộ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

V. TRUYN GIÁO TRONG ĐI THOI VI CÁC DÂN TC VÀ CÁC NN VĂN HÓA

Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội tại Châu Á phải được thực hiện trong sự đối thoại với rất nhiều nền văn hóa. Châu Á không những là châu lục lớn nhất mà còn là nơi cư ngụ của gần hai phần ba dân số thế giới; nó cũng là nơi tập hợp đa phức gắn kết nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, niềm tin, và truyền thống.[76] Khi nhắc đến một nhận xét mà các giám mục Châu Á đã lên tiếng,[77] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã một lần nữa chỉ ra rằng những thách thức nhiều mặt đang đến với các nền văn hóa Châu Á, mà trong số đó là cách ứng xử mới do việc cọ xát dữ dội với những hình thức truyền thông khác nhau và giá trị truyền thống gây ra, bao gồm sự linh thánh của hôn nhân, sự ổn định của gia đình, đang bị những yếu tố tác hại của truyền thông và công nghiệp giải trí coi nhẹ.[78] Thêm vào sự kiện Ki-tô giáo còn là một tôn giáo thiểu số trên lục địa này, do vậy Ki-tô giáo góp phần vào việc bị xem là “quá Phương Tây” và là một “công cụ của sự đô hộ thực dân.”[79] Thế nên do nhu cầu, sứ mạng truyền giáo Ki-tô giáo tại Châu Á phải bao gồm một cuộc đối thoại giữa một bên là Tin Mừng và niềm tin Ki-tô giáo và bên kia là nền văn hóa của người Châu Á. Kết quả mong đợi là đức tin được hội nhập văn hóa và nền văn hóa được phúc âm hóa.[80]

A.   Hội nhập văn hóa và truyền giáo

Một đòi hỏi khẩn cấp về thần học và mục vụ. Ý hướng hội nhập văn hóa tại Châu Á được thúc đẩy bởi một tầm nhìn xa: tầm nhìn về những cộng đoàn Ki-tô đích thực tại Châu Á – Người Châu Á trong cách suy nghĩ, cầu nguyện, lối sống, và truyền đạt kinh nghiệm của riêng mình về Đức Ki-tô cho người khác.[81] Theo tầm nhìn này, hội nhập văn hóa không chỉ là một chọn lựa, mà là một đòi hỏi khẩn cấp về thần học và mục vụ. Mầu nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Vượt Qua chính là nền tảng và mẫu mực cho việc thấm hút sâu sắc của các Giáo Hội địa phương vào các nền văn hóa chung quanh, trong các khía cạnh của đời sống, lễ mừng, làm chứng tá và truyền giáo.[82] Con Thiên Chúa đã trở thành một con người, một người Do Thái, và do đó trở thành một phần của lịch sử, văn hóa, truyền thống, và tôn giáo của dân tộc Do Thái. Giáo Hội cũng phải nhập thể nơi mọi chủng tộc và văn hóa mà mình hiện diện. Giáo Hội phải trở thành một phần của mọi dân tộc nơi mình được gieo trồng “chính vì cùng một động lực đã dẫn Đức Ki-tô gắn bó chính bản thân, qua việc nhập thể, đến với một hoàn cảnh xã hội và văn hóa nhất định của những con người mà Người sống giữa họ.”[83] Giáo Hội phải được hòa nhập vào đời sống của một dân tộc đã đón nhận mình, chứ không thể là một người xa lạ đối với họ. Giáo Hội phải nhập thể sao cho Giáo Hội không những được xem là Giáo Hội tại Châu Á, mà còn là Giáo Hội Châu Á, không những là Giáo Hội tại Phi Luật tân mà còn là Giáo Hội Phi Luật Tân.

Lập trường về việc nhập thể như thế, mà không đánh mất tính phổ quát của Giáo Hội, thậm chí sẽ còn nuôi dưỡng tính phổ quát ấy. Nhờ đức tin của Giáo Hội và nhờ việc cử hành công cuộc cứu độ của Người, Đức Ki-tô tiếp tục nhập thể trong các chủng tộc và nền văn hóa khác nhau. Người là Đấng Cứu Độ phổ quát bởi vì Người có thể biến mình thành một phần của thực tại cụ thể của mỗi dân tộc nhất định và mang cho họ ơn cứu độ. Giáo Hội cũng thực sự phổ quát bởi vì Giáo Hội có thể nhập thể vào thực tại cụ thể của mỗi Giáo Hội địa phương. Khi nhập thể, Giáo Hội làm phong phú cả bản thân mình lẫn Giáo Hội địa phương. Việc nhập thể đem lại sự phong phú hỗ tương: cho dân tộc tiếp nhận đức tin lẫn Giáo Hội nhập thể trong đó.

Trong cuộc đối thoại với các nền văn hóa Châu Á. Nhờ việc loan báo Tin Mừng và cử hành phụng tự sử dụng những thực tại văn hóa của một dân tộc, theo thời gian và không gian, Giáo Hội tiếp tục cuộc đối thoại về ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi xướng và đạt đến chóp đỉnh khi Người thốt lên Lời của Người trong một hoàn cảnh cụ thể.[84] Hội nhập văn hóa không chỉ là một khí cụ làm cho niềm tin, việc thờ phượng và đời sống của Giáo Hội trở nên hấp dẫn và dễ chấp nhận đối với một dân tộc bản địa. Việc thực hiện đối thoại với các nền văn hóa Châu Á nghĩa là mang sứ điệp và đời sống của Đức Ki-tô thực sự nhập thể vào trong tâm trí và đời sống của các dân tộc, để họ có thể sống theo một phương thức độc đáo của người Châu Á, nghĩa là, thực sự là một Giáo Hội địa phương của Châu Á. Tin Mừng được rao giảng cho họ bằng cách sử dụng những biểu tượng sống động, hình ảnh, thực tại và câu chuyện vốn là một phần trong đời sống thường ngày của họ hợp quần với nhau như một dân tộc. Họ đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa thành nguyên tắc sống, giá trị, thái độ và khát vọng của họ. Họ được giúp đỡ để lãnh hội và trải nghiệm đức tin của mình và cử hành phụng tự theo một phương thức phản ánh được những giá trị thân thiết của họ, sử dụng những cách biểu đạt nằm trong văn hóa của họ. Nói cho cùng, ngôn ngữ, nghi thức, và biểu tượng của phụng tự Ki-tô giáo luôn có nguồn gốc từ một nền văn hóa và sẽ luôn tìm thấy được ý nghĩa từ nền văn hóa đó. Lịch sử phụng vụ minh chứng cho việc tích hợp những yếu tố văn hóa rút ra từ các dân tộc khác nhau mà Giáo Hội tiếp xúc qua bao thế kỷ.[85] Phụng tự của một cộng đoàn Ki-tô giáo nhất định không thể không mang lấy những biểu đạt văn hóa của người địa phương. Theo cách đó họ trở thành Thân Mình Đức Ki-tô trong một thời gian và không gian đặc thù.

Nhờ cuộc đối thoại này Tin Mừng được hội nhập văn hóa và văn hóa của họ được Tin Mừng hóa. Cũng nhờ đó mà họ được xây dựng thành một Giáo Hội địa phương đích thực, chính là sự thể hiện “ở đây và bây giờ” và là sự nhập thể của Thân Mình Đức Ki-tô trong đời sống của dân tộc cụ thể này. Đó là một cộng đoàn độc đáo nhưng lại hiệp thông với những cộng đoàn khác cũng mang tính độc đáo riêng của mình. Tất cả tuyên xưng một đức tin và chia sẻ một Thần Khí. Tất cả chia sẻ một đời sống bí tích, một Thánh Thể, nhưng cử hành Thánh Thể theo cách riêng của mình. Mặt khác, một Giáo Hội thực sự địa phương là cách thức hiệu quả nhất để Tin Mừng hội nhập văn hóa và để cử hành phụng tự.

Giáo Hội tại Châu Á phải cởi mở nhìn xem những gì văn hóa địa phương có thể đóng góp cho linh đạo Ki-tô giáo đích thực: một lời cầu nguyện của toàn bộ con người trong sự hiệp nhất thân xác-tâm hồn-tinh thần được phát triển phong phú; lời nguyện của nội tâm sâu lắng; truyền thống khổ chế và tinh thần từ bỏ; phương pháp chiêm niệm được tìm thấy trong các tôn giáo phương đông cổ xưa; những hình thức cầu nguyện giản lược và những biểu lộ đức tin được ưa chuộng và đạo đức bình dân khác, sẵn có nơi người chất phác, mà tâm trí của họ rất sẵn sàng hướng về Chúa trong đời sống hàng ngày của mình. Thần Khí đang hướng dẫn các Giáo Hội Châu Á hòa nhập vào kho tàng di sản Ki-tô giáo với tất cả những gì tinh túy nhất trong cách cầu nguyện và thờ phượng truyền thống của chúng ta. Đây là quà tặng cầu nguyện của Châu Á dành cho Giáo Hội.

 

B. Đạo đức bình dân trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa Châu Á

Việc bàn luận về cuộc đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa trong bối cảnh cụ thể của Châu Á sẽ không đầy đủ nếu không xem xét nhiều hình thức đạo đức bình dân phổ biến giữa các dân tộc của châu lục này. Trong thực tế, các tín hữu của hầu hết mọi nền văn hóa và tôn giáo đều bị lôi cuốn vào việc thờ phượng, các lễ hội tôn giáo, và các việc sùng kính thông thường khác đến nỗi không thể bỏ qua cách sống và thực hành của họ giữa những người Châu Á trong sứ mạng Tin Mừng hóa, đặc biệt trong nhiệm vụ hội nhập đức tin và thờ phượng.[86] Những hình thức sùng mộ bình dân như thế “biểu lộ nỗi khát khao Thiên Chúa mà chỉ người nghèo khó và người đơn sơ mới có thể nhận biết”[87] và làm cho họ có thể “quảng đại và thậm chí hy sinh tới mức anh hùng, khi liên quan đến việc làm chứng cho đức tin.”[88]

Dành tầm quan trọng cho lòng đạo đức bình dân và những hình thức đa dạng của nó trong bối cảnh truyền giáo tại Châu Á trước tiên có nghĩa là thừa nhận sức mạnh của lòng đạo đức bình dân để truyền đạt Tin Mừng và lôi kéo người ta đến việc thờ phượng. Thứ hai là Giáo Hội tại Châu Á đứng trước thách đố cho phép một số các yếu tố nghi thức và ngôn ngữ của đạo đức bình dân được hội nhập vào việc thờ phượng để họ sẽ cảm thấy như ở quê hương mình hơn và trải nghiệm việc Thiên Chúa gặp gỡ họ ngay trong những thực tại rất cụ thể của đời sống họ. Nói cách khác, cần đem phụng vụ và đạo đức bình dân vào một cuộc trao đổi mang tính tương hỗ và làm phong phú lẫn nhau, nhờ đó “nỗi khao khát được bày tỏ trong lời cầu nguyện và trong các đặc sủng trên đất nước của chúng ta ngày nay có thể được điều chỉnh với sự rõ ràng và khôn ngoan” và “tính tôn giáo bình dân, với sự phong phú về biểu tượng và hình thái diễn tả, có thể chia sẻ sự năng động sáng tạo với phụng vụ.”[89]

 

Lòng đạo đức bình dân trong sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Nhờ việc du nhập lòng sùng kính Sto. Niño (Chúa Hài Đồng) và sùng kính Đức Mẹ mà các thừa sai Tây Ban Nha đã khá dễ dàng làm cho đông đảo người Phi chấp nhận đức tin Ki-tô giáo. Tính tôn giáo bình dân luôn là thành lũy cho đạo Công Giáo nơi người Phi. Bởi vì sự gắn bó của người Phi đối với các hình thức mộ đạo của họ cho nên họ đã không từ bỏ đức tin Ki-tô giáo ngay cả khi nổi dậy chống lại các thầy tu Tây Ban Nha, những người đem đức tin đến với họ. Khi hệ thống giáo dục tại đất nước này bị các giáo viên thuộc đạo Tin Lành Mỹ kiểm soát, họ vẫn không từ bỏ đạo Công Giáo La Mã. Những hoạt động chiêu dụ tín đồ của các giáo phái cực đoan giữa những người Công Giáo phần lớn là không thành công vì những giáo phái này không có thiện cảm với lòng mộ đạo của họ. Câu chuyện về đức tin Ki-tô giáo ở Phi Luật Tân luôn bao gồm những hình thức mộ đạo. Đây là một sự kiện, “phần lớn những gì người Công Giáo Phi biết về các chân lý thuộc giáo lý Công Giáo và giá trị luân lý là thông qua các bí tích và thực hành sùng kính đó.”[90] Hơn nữa việc thực hành những hình thức đạo đức bình dân chắc chắn luôn tạo dịp và cấu trúc cho việc tổ chức hoạt động bác ái vì người nghèo.

Dựa vào điều này và nhiều câu chuyện truyền giáo tương tự khác, Giáo Hội khuyến khích một lập trường đồng cảm với lòng đạo đức bình dân: “tiếp cận lòng mộ đạo này với ánh mắt của Người Mục Tử Tốt Lành, tìm cách yêu thương chứ không phán xét, thừa nhận và đánh giá cao sức sống thần học chứa đựng trong lòng mộ đạo của người Ki-tô hữu, đặc biệt là nơi người nghèo.”[91] Lòng đạo đức bình dân cần được quảng bá và củng cố vì trong đó có sức mạnh loan báo Tin Mừng mà chúng ta không nên đánh giá thấp, nếu đánh giá thấp như vậy là không nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần.[92]

Trong thực hành, lập trường đồng cảm này có thể mang ý nghĩa của việc hòa nhập những khía cạnh (ngôn ngữ và nghi lễ) của tính tôn giáo bình dân với phụng vụ đặc biệt cho các cộng đoàn mà có truyền thống lâu dài về tính tôn giáo bình dân. Kết quả là người ta có thể trải nghiệm điều gì đó quen thuộc trong phụng vụ và tính tôn giáo bình dân trở thành phương tiện chuyên chở đích thực của Tin Mừng. Hội nhập văn hóa, trong trường hợp này, như một cuộc đối thoại lành mạnh giữa phụng vụ và văn hóa, tạo ra một diện mạo nhân bản cho phụng vụ và một nền tảng vững chắc hơn cho tính tôn giáo bình dân.

C. Thánh Thể trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa

Mặc dù Châu Á là quê hương của rất nhiều nền văn hóa, giá trị và truyền thống, nhưng cũng có những yếu tố văn hóa chung trong đó: mối dây thân thiết trong gia đình, lòng hiếu thảo, bữa ăn gia đình, sự linh thánh của Lời Chúa (tồn trữ trong các bản văn thánh thiêng), lòng hiếu khách, thuật lãnh đạo bằng phục vụ và sẵn sàng hy sinh, và những điều khác nữa. Trong bối cảnh cụ thể của Châu Á, Thánh Thể là điểm xuất phát đầy thuyết phục cho sứ mạng đến với nhiều dân tộc, cũng như là mục tiêu mong muốn trong cùng sứ mạng đó. Người Châu Á không có khó khăn gì để nhìn ra trong cuộc cử hành Thánh Thể những giá trị mà họ cùng trân quý.

Thánh Thể như một bữa ăn rõ ràng là đề cao quan hệ gia đình và lòng hiếu khách vốn được đa số người Châu Á coi trọng. Sẽ có hiệu quả khi trình bày Thánh Thể như bữa ăn gia đình, nơi Thiên Chúa quy tụ con cái mình và nuôi dưỡng họ bằng Lời của Người và Thân Mình Con của Người, một bữa ăn mà trong đó con cái có thể cảm tạ và chúc tụng Cha của mình vì tình yêu bao la Người dành cho họ, họ có thể tin tưởng bày tỏ những nhu cầu, họ được ở bên anh chị em mình, và nhiều người khác để hình thành nên một đại gia đình.

Thánh Thể như là hy tế có thể rất ý nghĩa đối với đa số người Châu Á do cách họ nhìn nhận vai trò lãnh đạo của cha mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em, của trưởng làng đối với các thành viên, của người chủ tiệc đối với khách mời. Đó là vai trò lãnh đạo được thực thi trong sự phục vụ và sẵn sàng hy sinh cho lợi ích của người khác. Nơi những gia đình nghèo ở Phi Luật Tân, cha mẹ thường cho con cái ăn trước, nếu không có đủ thức ăn trên bàn, để chắc chắn rằng không có đứa trẻ nào bị đói. Các anh chị cũng thường nhường cho các em mình cơ hội đến trường nếu gia đình không có đủ tài lực để cho tất cả con cái theo học. Hay người con đầu không bao giờ kết hôn, họ chọn lựa làm việc hết cả đời mình để các em được đi học.

Thánh Thể sẽ có ý nghĩa rất nhiều đối với đa số người Châu Á, bởi vì bày tỏ nhiều giá trị văn hóa mà họ yêu quý nâng niu. Thánh Thể, được cử hành trong tư cách bữa tiệc cũng như hy tế, là cách tốt nhất để công bố Tin Mừng Thiên Chúa về việc ban ơn cứu độ qua sự hy sinh của Chúa Con đến mức chết đi, hiến tế chính mình, về lời mời gọi của Thiên Chúa làm cho tất cả chúng ta trở thành gia đình của Người, về khát vọng không ngừng của Thiên Chúa làm cho tất cả chúng ta nên phong phú nhờ Lời ban sự sống và Thân Mình được bẻ ra và chia sẻ ngõ hầu chúng ta được sống. Thánh Thể cũng là cách tốt nhất để thúc đẩy tinh thần và ý thức về sứ mạng truyền giáo nhằm chia sẻ cùng một sự giàu có, ý nghĩa và sự sống cho người khác.

 

VI. TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI VỚI CÁC TÔN GIÁO VÀ CÁC TRUYỀN THỐNG TÔN GIÁO

Bên cạnh tính cách đa văn hóa, Châu Á cũng là quê hương của nhiều tôn giáo và văn hóa tôn giáo. Châu Á là nơi khai sinh ra các tôn giáo lớn của thế giới – Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, cũng như nhiều truyền thống tâm linh khác như Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Hỏa giáo, Luân Hồi giáo, Bình Đẳng giáo và Thần giáo.[93] Cũng có những truyền thống bộ tộc khác được thực hành với những mức độ khác nhau về nghi lễ và giáo huấn tôn giáo chính thức. Sứ mạng của Giáo Hội tại Châu Á phải được thực hiện trong đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa tôn giáo.

A. Cuộc đối thoại của sự sống và trái tim

Những Hạt Giống Lời Chúa.[94] Trong cuộc đối thoại với Châu Á mang sắc thái đa tôn giáo, Giáo Hội giữ thái độ đề cao và tôn trọng sâu xa nhất đối với các tôn giáo và niềm tin khác, thừa nhận rằng một cách nào đó đây vẫn là những phương tiện dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.[95] Khi nỗ lực bám rễ sâu trong niềm tin Ki-tô giáo, Giáo Hội cũng tìm cách hiểu rõ hơn đời sống, đạo lý, nguyên tắc và nghi thức của các truyền thống tôn giáo khác để dấn thân vào cuộc gặp gỡ vừa tôn trọng vừa làm phong phú lẫn nhau. Những truyền thống tôn giáo lớn này cuối cùng cũng trân trọng những giá trị tâm linh, đạo đức và nhân bản, diễn tả sự hiện diện của Lời Chúa và hoạt động sáng tạo liên tục của Chúa Thánh Thần trên thế giới. Trải nghiệm tôn giáo sâu xa nhất của cha ông chúng ta cũng như những khát vọng cao quý nhất của trái tim các ngài đều được ký thác trong đó, còn các tín hữu hiện nay vẫn tiếp tục rút ra từ đó ý nghĩa, sự hướng dẫn và sức mạnh.

Định Hình theo Kế Hoạch Cứu Độ Nhập Thể. Thái độ tích cực này đối với các văn hóa tôn giáo khác tại Châu Á phù hợp với kế hoạch cứu độ nhập thể, trong đó Đức Ki-tô ôm lấy tất cả những gì thuộc về con người (ngoại trừ tội lỗi) để đưa chúng vào bên trong tình yêu và quyền năng cứu độ của Người.[96] Chính trong truyền thống tôn giáo của Ít-ra-en mà Đức Ki-tô mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa và thực hiện sứ mạng cứu độ của Người. Các tông đồ của Ngài và các vị thừa sai ngoại quốc tiên khởi của Giáo Hội cũng có lập trường đối thoại như thế trước những nền văn hóa đa dạng của thế giới Hy - La.

Trong tinh thần truyền giáo và đại kết. Với lòng khát khao “củng cố bất cứ điều gì có thể giúp kêu gọi toàn thể nhân loại gia nhập cộng đoàn Giáo Hội,”[97] Giáo Hội chỉ thị cho mọi Ki-tô hữu phải có thái độ cởi mở với các truyền thống tôn giáo khác và khám phá “với niềm vui và tôn trọng những hạt giống của Lời Chúa nằm ẩn dấu trong đó.”[98] Hơn nữa Giáo Hội khuyến khích họ sử dụng các hình thức văn hóa, giáo huấn, nghệ thuật, kiến trúc, giai điệu âm nhạc, ngôn ngữ, và khoa học của các truyền thống tôn giáo khác, miễn là những điều này không trái ngược với Tin Mừng và niềm tin Ki-tô giáo, để ca ngợi vinh quang của Đấng Sáng Tạo.[99]

Thái độ cởi mở và chia sẻ này sẽ làm cho người Ki-tô hữu có thể khám phá và cảm nhận được trái tim và tâm hồn của người Châu Á anh em và những diễn đạt chân thực nhất. Thay vì đặt niềm tin Ki-tô giáo trên một nền tảng lung lay, cuộc đối thoại với các nền văn hóa tôn giáo và truyền thống khác sẽ thúc đẩy người Ki-tô hữu tìm ra con đường xác thực để sống và biểu lộ niềm tin Ki-tô giáo của riêng mình giữa những người theo các niềm tin khác. Như vậy sẽ giúp họ khám phá sự phong phú đa dạng trong niềm tin của mình mà có lẽ họ chưa từng biết đến trước đây. Cuộc đối thoại đó sẽ giúp họ phân định dưới ánh sáng của Lời Chúa làm thế nào để niềm tin của họ vào Đức Ki-tô có thể trở nên phong phú hơn nhờ các truyền thống tôn giáo khác, những gì trong các nền văn hóa tôn giáo này cần được thanh tẩy, chữa lành và làm cho trọn vẹn trước khi thẩm thấu vào trong thực hành niềm tin Ki-tô giáo.

B. Ưu tiên của việc làm chứng

Với bối cảnh đa tôn giáo của Châu Á, sứ mạng rao giảng Tin Mừng sẽ phải bao gồm trước tiên là việc làm chứng cho tình yêu của Chúa Cha một cách trực tiếp và đơn sơ nhất.[100] Điều này có nghĩa là bằng cách sống như Đức Ki-tô, người Ki-tô hữu và các cộng đoàn Ki-tô hữu được kêu gọi để thu hút những anh chị em ngoài Ki-tô giáo đến với đức tin vào một Thiên Chúa được Đức Ki-tô mạc khải. Phần lớn, điều này có thể được biểu lộ dưới hình thức hiện diện và liên đới với con người để làm cho họ cảm thấy được quan tâm chăm sóc trong tình cảnh nghèo khó khốn cùng của họ. Đó cũng có thể là đáp ứng nhu cầu của con người như Đức Ki-tô đã thực hiện trong Tin Mừng, cho họ cảm thấy mình được tiếp đón và quan trọng hơn cả những cơ cấu và tổ chức. “Có lẽ việc làm chứng này cho Thiên Chúa sẽ làm cho nhiều người nhận ra vị Chúa vô danh mà họ vẫn tôn thờ, hay vẫn tìm kiếm theo tiếng gọi bí ẩn của trái tim khi họ trải nghiệm sự trống rỗng của tất cả các thần tượng. Nhưng việc rao giảng Tin Mừng cách trọn vẹn cho thấy rằng đối với con người thì Đấng Sáng Tạo không phải là một quyền năng vô danh và xa vời. Người là Cha và chúng ta là anh chị em của nhau trong Thiên Chúa.”[101] Giữa những đa dạng và nhiều khi là xung đột với đủ mọi kiểu cách khác nhau, theo tiếng gọi của Chúa, Giáo Hội được kêu gọi để làm chứng bằng đời sống của mình đối với sự hiệp nhất và hòa hợp ban tặng sự sống, trở thành một dấu chỉ hữu hình và khí cụ cho sự hiệp nhất như thế.[102] Cùng với đức tin và sự cam kết Ki-tô giáo của mình, người tín hữu có một vai trò đặc biệt trong cuộc đối thoại này do sự hiện diện và hành động của họ giữa thế giới – gia đình, chính trị, giáo dục, văn hóa, môi trường xã hội. Như men trong bột, họ được chỉ thị hướng những hoạt động của con người và lịch sử đến sự viên mãn cánh chung mà mọi con người thiện tâm đều hy vọng.

C. Sự hiệp nhất và niềm hy vọng Ki-tô giáo

Một cuộc đối thoại tôn trọng và yêu thương với các nền văn hóa tôn giáo khác luôn nhằm công bố Đức Ki-tô trong tinh thần chia sẻ kho tàng vĩ đại nhất của mình. Trong bối cảnh đa tôn giáo cụ thể của Châu Á, điều này phải là hình thức lý tưởng của việc rao giảng Tin Mừng, để với lòng khiêm tốn và hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta tìm cách chia sẻ với những anh chị em ngoài Ki-tô giáo sự viên mãn của Đức Ki-tô, vốn là kế hoạch của Thiên Chúa cho toàn bộ công cuộc sáng tạo, trong tổng thể và trong sự đa dạng kỳ diệu và tuyệt vời của công trình này. Cuộc tìm kiếm chung Thiên Chúa và mối dây huynh đệ mà mọi người chia sẻ sẽ luôn là nguồn hy vọng rằng một ngày kia toàn thể nhân loại có thể được quy tụ nên một trong tình phụ tử của một Thiên Chúa duy nhất.

D. Thánh Thể trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa tôn giáo

Gia đình, hòa giải, chia sẻ cuộc sống, tình liên đới, lòng hiếu khách, sự phục vụ, tình yêu thiên nhiên, thinh lặng và chiêm niệm chỉ là một vài trong số những giá trị quý báu mà người dân Châu Á cùng chia sẻ, bất luận tín ngưỡng tôn giáo nào. Trong cử hành Thánh Thể của chúng ta, những giá trị này đều có và được đề cao một cách mạnh mẽ và tuyệt vời. Việc tham dự Thánh Thể của chúng ta phải củng cố khát khao bảo vệ những giá trị rất quý báu này và thúc đẩy chúng ta có hành động cụ thể để hiện thực hóa những giá trị ấy ngay giữa những láng giềng Châu Á của chúng ta. Việc tham dự Thánh Thể phải gia tăng nơi chúng ta niềm xác tín rằng ước mơ của Thiên Chúa một lần nữa quy tụ tất cả chúng ta, con cái của Người vào trong một Gia Đình của Người và diễn giải niềm xác tín này thành cuộc đối thoại và phân định trong cầu nguyện, nỗ lực không ngừng để loan báo ước mơ thần linh này cho “hàng giáo phẩm” và hoàn toàn tuân theo các ngài bằng những hành động phục vụ hiệu quả. Những hành động ấy vừa giảm thiểu ảnh hưởng áp bức của tội lỗi trên đời sống con người, vừa kiến tạo nền hòa bình và thịnh vượng nơi đó họ có thể vui hưởng một cách trọn vẹn hơn phẩm giá của họ theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa.

Một mặt, vì Thánh Thể có mục đích biến đổi “những người ở trong Giáo Hội thành một đền thánh của Chúa, thành nơi cư ngụ cho Thiên Chúa trong Thần Khí, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.”[103] Mặt khác, trong sứ mạng cụ thể của Giáo Hội tại Châu Á đa tôn giáo, Thánh Thể củng cố một cách tuyệt vời quyết tâm và sức mạnh của người Ki-tô hữu “để rao giảng Đức Ki-tô và như thế trình bày Giáo Hội với những người bên ngoài như một dấu chỉ được nêu cao giữa các dân tộc, để quy tụ lại những con cái tản mát của Thiên Chúa, cho đến khi chỉ có một đoàn chiên và một chủ chiên.”[104]

VII. TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI NGHÈO

Sứ mạng của Giáo Hội tại Châu Á phải được thực hiện trong sự đối thoại với người nghèo. Đó là vì châu lục này tuy giàu có về văn hóa và dân ở đây thì giàu có về những giá trị nhân bản và tôn giáo, nhưng đa số lại sống trong trong những hoàn cảnh nghèo khó, cô thế, bên lề xã hội, trở thành nạn nhân và chịu đau khổ. Họ nghèo không phải vì lục địa này thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên và vật chất, mà vì họ bị tước đoạt quyền tiếp cận tài nguyên và của cải vật chất mà họ cần để sống theo đúng phẩm giá cũng như bảo đảm một tương lai ổn định cho họ và gia đình họ. Những cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội bất công và áp bức ngăn cản họ thụ hưởng di sản thiên nhiên phong phú từ mảnh đất của mình.

A. Chọn lựa ưu tiên cho người nghèo

Đối diện với hoàn cảnh đặc thù tại Châu Á, nơi rất nhiều người nghèo đói và không có được ngay cả những nhu cầu cơ bản để sống xứng đáng với phẩm giá con người, Giáo Hội tại Châu Á có ơn gọi đặc biệt để làm một Giáo Hội của người nghèo. Giáo Hội Châu Á phải đặt người nghèo, người thiếu thốn và người bị áp bức vào ngay tuyến đầu của đời sống và sứ mạng của mình. Cũng như cuộc đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa, cuộc đối thoại của Giáo Hội với người nghèo là một đòi buộc luân lý và thần học. Lý do đầu tiên tại sao Giáo Hội phải đảm nhận lựa chọn ưu tiên này đối với người nghèo chính là tấm gương của Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên nghèo khó và “tự đồng hóa mình với người nghèo một cách đặc biệt” (x. Mt 25:40): “Amen, Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”[105] Đó là tình yêu ưu tiên không phải để loại trừ bất cứ ai, mà chỉ nói lên rằng người nghèo, người thiếu thốn, người bị bóc lột có được quyền ưu tiên trong mối quan tâm, phục vụ và trợ giúp của Giáo Hội. Toàn bộ Kinh thánh, Cựu Ước và cả Tân Ước, đầy dẫy những chứng từ cho sự kiện người nghèo luôn chiếm một vị trí đặc ưu trong trái tim của Thiên Chúa, và ít nhất chúng ta cũng thấy được ngay trong đời sống và sứ mạng của Đức Ki-tô mà các sách Tin Mừng đã hùng hồn làm chứng.[106]

B. Những hệ lụy và hậu quả

Các giám mục Châu Á đã phân định trong nhiều năm rằng Giáo Hội tại Châu Á phải ngày càng trở thành “một Giáo Hội của người nghèo” với tất cả những hệ lụy và hậu quả của nó.[107] Là một Giáo Hội của người nghèo trước tiên ám chỉ rằng những người được đặt lên làm mục tử đoàn chiên của Chúa tại Châu Á phải sống một cuộc sống giản dị mà qua đó người nghèo có thể nhận thấy các ngài chia sẻ cảnh nghèo khó của họ. Cũng nhờ đời sống giản dị này, vốn là dấu chỉ sáng chói của Tin Mừng trong hành động, người nghèo sẽ cảm nhận từ trong lòng sự gần gũi đích thực với các mục tử của mình và sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi đến với các mục tử để được giúp đỡ và hướng dẫn.

Hệ lụy thứ hai của tình yêu ưu tiên mà Giáo Hội dành cho người nghèo là Giáo Hội phải dấn thân tích cực can thiệp cho sự giải thoát và thăng tiến tình cảnh sống của người nghèo. Có nghĩa là phục vụ sự phát triển và đời sống con người – dấn thân vào những công tác quan trọng rong lãnh vực y tế, giáo dục, và kiến tạo hòa bình. Đây là một ơn gọi liên quan đến mỗi người chứ không dành riêng cho một số ít: “Chính anh em hãy cho họ ăn!” (Mc 6:37).[108] Điều đó cũng có nghĩa là cổ vũ một thái độ liên đới giữa mọi người – “não trạng mới suy nghĩ theo chiều hướng cộng đồng và ưu tiên cho đời sống của mọi người hơn là sự chiếm đoạt tài sản bởi một vài người… vốn là một phản ứng tự nhiên của những người công nhận chức năng xã hội của tài sản và mục tiêu phổ quát của của cải như là những thực thể đến trước việc sở hữu riêng.”[109]

Hệ lụy thứ ba của Giáo Hội trong chọn lựa ưu tiên cho người nghèo là phải giữ lập trường ngôn sứ chống lại những hậu quả tiêu cực của việc toàn cầu hóa về văn hóa và kinh tế, tác động còn đang tiếp diễn của món nợ nước ngoài lên đời sống của người nghèo, và sự hủy hoại môi trường mà tiến bộ khoa học, kinh tế và công nghệ mang đến. Chương trình “vì sự tiến bộ” này thường gây tác hại to lớn cho con người và gia đình của họ, đặc biệt là người nghèo. Có nhiều vấn đề nhân bản, văn hóa và đạo đức có liên quan mà Giáo Hội và người Ki-tô hữu phải chú ý. Chính sự quan tâm đến những vấn đề cấp bách này là một phần của “sứ mạng” trong thời đại chúng ta.

C. Đáp trả lời kêu gọi: hành động vì người nghèo, cùng đi với người nghèo

Đại Hội lần thứ nhất của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á vào năm 1974 đã thách đố Giáo Hội tại Châu Á (và các Giáo Hội địa phương) “tiếp tục nỗ lực để ngày càng trở thành Giáo Hội của người nghèo (anawim), một Giáo Hội không chỉ hành động vì người nghèo như một tổ chức từ thiện, mà thực sự lao động cật lực vì người nghèo, chia sẻ cuộc sống và khát vọng của họ, hiểu rõ nỗi tuyệt vọng và niềm hy vọng của họ, cùng đi với họ trong cuộc tìm kiếm một nhân loại đích thực nơi Đức Giê-su Ki-tô.”[110]

Bước đầu tiên mà Giáo Hội phải thực hiện để hành động vì người nghèo và cùng đi với họ tại Châu Á là nhận diện những người nghèo này là ai và ở đâu và họ đang khổ sở vì hình thức nghèo đói nào. Họ là người vô gia cư đầy dẫy ngoài đường phố hay dựng chỗ trú ẩn tạm bợ ở khu ổ chuột. Họ là người tị nạn trốn chạy khỏi những nước bị chiến tranh xâu xé hay những chính thể áp bức ở quê hương mình, hay là di dân và lao động nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội sống tốt đẹp hơn cho gia đình họ, thường phải chịu cảnh không bạn hữu, xa lạ về văn hóa, bất lợi về ngôn ngữ, và dễ tổn thương về kinh tế. Họ là người bản địa hay bộ tộc thường bị phân biệt đối xử vì văn hóa, màu da, chủng tộc, giai cấp, địa vị kinh tế, hay vì cách suy nghĩ của họ. Họ là phụ nữ, nạn nhân của bạo lực gia đình và đang bị mua bán như hàng hóa trong nạn mãi dâm, du lịch và công nghiệp giải trí. Họ là trẻ em, chưa từng được hưởng hòa bình trên quê hương mình, và là nạn nhân của những hình thức bóc lột và bạo hành cùng cực khác nhau, như nạn ấu dâm và lao động trẻ em.[111] Nhưng họ cũng là những người bị ngăn cấm thể hiện trọn vẹn tiềm năng và tài năng của họ, bởi vì họ thiếu hay không có cơ hội học hành và kiếm được việc làm trong đất nước của họ, hoặc chẳng có được gì hết.

Giáo Hội phải hành động vì họ không chỉ theo kiểu trao tiền và hàng cứu trợ sau cuộc tàn phá của một cơn bão hay động đất, mà cũng phải cùng với họ, đưa họ vào trong nhiệm vụ biến đổi những cơ cấu tổ chức vốn duy trì tình trạng nghèo đói và thiếu thốn của họ. Giáo Hội cũng phải thực sự cam kết và nỗ lực đem lại công bằng xã hội trong xã hội chúng ta– những hành động được nuôi dưỡng bởi lời cầu nguyện và phân định, để những hành động ấy sẽ luôn thực sự được thánh ý Thiên Chúa thúc đẩy ngõ hầu giải thoát dân Người, mà không có sự can thiệp của bất kỳ ý thức hệ nào chủ trương không có Thiên Chúa.

 

D. Thánh Thể trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với người nghèo

Trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với người nghèo, một mặt, Thánh Thể nêu cao và tái khẳng định những giá trị loại trừ nguyên nhân nghèo đói. Thánh Thể đối chất với tính ích kỷ và sự tham lam là gốc rễ của nhiều hình thức bất công bằng tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô. Thánh Thể đặt vấn đề về sự hững hờ và chủ nghĩa cá nhân khiến con người vô cảm với người nghèo khổ, trong khi Đức Ki-tô mời gọi chúng ta trở thành một gia đình gọi Thiên Chúa duy nhất là “Cha chúng con.” Thánh Thể chống lại những kiểu lãnh đạo toàn trị áp bức, đặt lợi ích kinh tế chính trị lên trên con người, bằng lối lãnh đạo phục vụ của Đức Ki-tô, đó là sự lãnh đạo của một vị làm Thầy và làm Chúa, nhưng lại rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13:13). Trên hết, Thánh Thể thách đố chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa duy vật, đối xử với người nghèo và người yếu thế như hàng hóa và công cụ có thể sử dụng để kiếm chác lợi lộc và lạc thú, bằng sự trao ban chính mình của Đức Ki-tô, bẻ ra và chia sẻ bản thân để người khác được sống. Vì “mỗi một cuộc cử hành Thánh Thể đều làm cho quà tặng từ chính sự sống của Chúa Ki-tô chịu đóng đinh hiện diện một cách bí tích cho chúng ta và cho toàn thế giới.”[112] Từ việc tham dự Thánh Thể, chúng ta được sai đi để làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả anh chị em của mình.[113]

Mặt khác, chúng ta được gặp gỡ Đức Giê-su trong Thánh Thể như “Bánh sự sống” (Ga 6:35). Bởi vì Người vừa là “Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Đnl 8:3) và vừa là “bánh từ trời xuống” (Ga 6:51), “bánh cho người nghèo” được lãnh nhận trong phần công bố Lời Chúa và khi Hiệp Lễ. Người là “bánh hằng ngày” mà chúng ta cầu xin trong kinh Lạy Cha. Khi Hiệp Lễ, Chúa Giê-su trao ban chính mình làm bánh nuôi chúng ta. Và vì thế, đến lượt mình, chúng ta phải đi đến với những anh chị em đang đói và trở nên bánh nuôi sống họ trong tình yêu và lòng thương xót, trong những công việc từ thiện, cho đi sự sống và cho đi cách hào phóng. Cử hành Thánh Thể quả thực đầy tràn những dấu chỉ cho thấy là Thánh Thể nói lên lựa chọn ưu tiên của Đức Ki-tô và của Giáo Hội cho người nghèo như thế nào trong sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội tại Châu Á.[114]

VIII. SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TRONG ĐỐI THOẠI VỚI GIỚI TRẺ

Châu Á được xem là lục địa của giới trẻ vì gần hai phần ba dân số là người trẻ và là quê hương của khoảng 60% giới trẻ của thế giới. Hơn nữa, đại đa số giới trẻ và trẻ em này đều nghèo. Sứ mạng truyền giáo trong cuộc đối thoại với giới trẻ Châu Á đòi hỏi phải đặt họ vào vị trí ưu tiên trong việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, bởi vì chỗ đứng quan trọng nhưng dễ tổn thương của họ trong xã hội và trong Giáo Hội.

A. Tương lai và hiện tại của Giáo Hội

Đối với Giáo Hội, giới trẻ không chỉ là tương lai của thế giới mà còn là gia tài quý giá hiện nay của Giáo Hội.[115] Giáo Hội nhận ra rằng mình phải đối xử với giới trẻ không những như người trưởng thành trong tương lai, mà quan trọng hơn như thực tại của hôm nay. Giáo Hội đảm nhận trách nhiệm chuẩn bị và đào tạo người trẻ cho những vai trò tương lai của họ như là nắm giữ guồng máy lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Tuy nhiên với năng lực tuổi trẻ, nhiệt tình và nhiều tháo vát, họ còn là những tác nhân năng động cho sự thay đổi hiện nay và do đó là nguồn hy vọng trong xã hội và trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, họ cũng dễ tổn thương nhất trước nhiều sức mạnh hủy hoại trong xã hội và thường là nạn nhân của cơ cấu bóc lột. Hơn bao giờ hết, những thực tại gây tác hại lên chính giới trẻ của chúng ta ngày nay vừa nhiều vừa đa dạng. Toàn cầu hóa, thay đổi chính trị, và bùng nổ truyền thông đều ảnh hưởng triệt để đến đời sống của giới trẻ mọi nơi tại Châu Á.[116] Giới trẻ đến từ mọi hoàn cảnh sống, thành thị và thôn quê, giàu và nghèo, có học hay thất học, có việc làm hay thất nghiệp, có tổ chức hay không có tổ chức, tất cả đều bị những cơn sóng của văn hóa đương đại xoay vần. Vì thế, giới trẻ cũng là hôm nay của Giáo Hội. Họ phải nằm trong số những ưu tiên mục vụ hiện nay của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội có thể sẵn sàng thu hút họ vào việc mục vụ sáng tạo và hiệu quả cho người khác, đặc biệt là những người đồng trang lứa.

B. Giới trẻ và thách đố trở thành ‘mảnh đất tốt’

Khi thẳng thắn thừa nhận rằng giới trẻ Châu Á ngày nay đối diện với nhiều vấn đề phức tạp, Giáo Hội Châu Á bắt buộc phải “nhắc nhở giới trẻ về trách nhiệm của họ đối với tương lai của xã hội và Giáo Hội, và khích lệ cũng như hỗ trợ họ trong mọi bước đi để bảo đảm rằng họ sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm đó.”[117] Phải mở rộng việc chăm sóc mục vụ thích hợp và phù hợp đối với họ, trên hết là bằng cách “gieo chân lý Tin Mừng nơi họ như một mầu nhiệm vui mừng và giải thoát cần được biết đến, được sống và chia sẻ với niềm xác tín và lòng can đảm.”[118] Nhưng vì thế giới họ đang sống bây giờ đầy những đá sỏi và gai góc, và cả sức nóng cháy da, việc chăm sóc mục vụ giới trẻ cũng nhằm giúp giới trẻ trở thành “mảnh đất tốt” nơi hạt giống Lời Chúa có thể gieo trồng, đâm rễ, phát triển và sinh hoa trái gấp trăm lần (x. Mt 13:1-8).

Việc chăm sóc mục vụ giới trẻ sẽ có nghĩa là cùng đồng hành trên con đường của họ, điều này không phải là dễ dàng, không chỉ do những thay đổi nhanh chóng và triệt để đang diễn ra xung quanh họ, mà còn do những thay đổi mạnh mẽ họ đang trải qua về thể chất, tình cảm, tâm lý, và linh đạo vào giai đoạn phát triển này của đời người. Việc chăm sóc mục vụ này nhằm chuẩn bị mảnh đất trước khi gieo hạt, làm mềm đất để đất tiếp nhận hạt giống. Nó cũng tìm cách làm cho họ thêm mạnh mẽ để chống lại nhiều ảnh hưởng và những sự phân tâm đang cạnh tranh với sự quan tâm và năng lực của họ và có thể bóp nghẹt sự phát triển đức tin ban đầu của họ. Khía cạnh chăm sóc mục vụ này là cần thiết ngay trước khi hay trong khi gieo trồng Lời Chúa – để họ có thể là mảnh đất tốt nơi hạt giống Lời Chúa có thể đâm chồi, cắm rễ, phát triển và sinh hoa trái dồi dào.

C. Huấn luyện giới trẻ

Sứ mạng giáo dục của Giáo Hội tại Châu Á. Trong sự đa dạng lớn lao vốn là đặc điểm của bối cảnh cụ thể của Châu Á, nền giáo dục Ki-tô giáo phải trang bị cho giới trẻ bước vào một cuộc đối thoại đầy ý nghĩa với giới trẻ của những niềm tin khác. Nền giáo dục như thế, dù chính thức ít hay nhiều đều hàm chứa sự giáo dục tốt hơn cho giới trẻ về những chân lý và giá trị cơ bản của niềm tin Ki-tô giáo trước tiên, rồi sau đó là những chân lý và giá trị cơ bản của các niềm tin khác. Hơn nữa đại đa số giới trẻ này không có khả năng chi trả cho nền giáo dục chính thức vì nghèo khó. Giáo Hội tại Châu Á phải tìm những cách thức sáng tạo khác để đưa giáo dục Ki-tô giáo đến với giới trẻ, mà trước tiên là dạy giáo lý cho họ[119] nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần của Đức Ki-tô, dẫn họ đến chỗ tham gia tích cực và thông hiểu vào mầu nhiệm phụng vụ,[120] và thúc đẩy họ hoạt động tông đồ. Những trợ giúp hữu ích khác sẽ là các phương tiện truyền thông, những nhóm phát triển tâm lý và thể lý khác nhau, và các hội đoàn giới trẻ.

Đồng hành cùng giới trẻ. Nhưng việc đào tạo giới trẻ trong bối cảnh truyền giáo tại Châu Á còn hàm chứa việc đồng hành với họ nhằm tìm kiếm hòa bình và ý nghĩa cuộc sống, trong những nỗ lực bảo đảm một tương lai ổn định hơn cho chính họ và những người họ yêu thương, và trong cuộc chiến chống lại sự mê hoặc của những ý thức hệ sai lầm, đam mê nhất thời, thói xấu và cả sự tuyệt vọng. Tại Châu Á, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới hết sức thành công do Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khởi sự vào năm 1985 đã tạo ra mô hình tương ứng - đó là Đại Hội Giới Trẻ Châu Á nơi người trẻ từ các nước Châu Á khác nhau có thể trải nghiệm một cảm thức mạnh mẽ thuộc về một cộng đoàn qua việc cầu nguyện chung và cử hành Thánh Thể, chia sẻ kinh nghiệm sống, làm việc với nhau, chia sẻ bữa ăn, cùng hát và nhảy múa bên nhau. Nhờ những sự kiện ấy, giới trẻ nhận ra rằng Giáo Hội ở bên họ, bước đi sát bên họ, tin tưởng vào những gì họ có thể làm được bằng sức sống tuổi thanh xuân và thiện chí của họ, và giao trách nhiệm cho họ.

Đồng hành với giới trẻ còn có nghĩa là nhìn nhận vai trò quan trọng của họ trong Giáo Hội hiện nay và như là tương lai của Giáo Hội.[121] Đó là nhìn giới trẻ như những nguồn lực chứ không phải những vấn đề. Điều này có nghĩa là lắng nghe và đồng hành với họ để cùng hiện diện cầu nguyện và hướng dẫn. Đó là tạo thuận lợi để họ học hỏi từ chính kinh nghiệm của mình chứ không từ những câu trả lời soạn sẵn, cho họ tham gia nhiều hơn vào tiến trình đưa ra quyết định, chứ không chỉ đòi hỏi họ thực hiện những quyết định người khác đưa ra. Việc này chắc chắn đòi hỏi mỗi quốc gia, giáo phận và giáo xứ có một Ủy Ban Giới Trẻ để chỉ đạo và điều hành các hoạt động này của Giáo Hội nhân danh giới trẻ. Chỉ khi giới trẻ được công nhận là những tác nhân và người đồng sự trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, tiềm năng trọn vẹn của họ mới được nở hoa.

D. Những tác nhân và người hoạt động hàng đầu

Giới trẻ, bao gồm đa số người Châu Á, không chỉ biết tiếp nhận việc chăm sóc mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội. Nhiều người đã ở tuyến đầu trong sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội qua những công tác tông đồ yêu thương và phục vụ khác nhau, đặc biệt vì lợi ích của các bạn trẻ khác. Với lòng nhiệt thành và năng lực, ngay bây giờ họ có thể được tin cậy để đảm nhận những vai trò lãnh đạo tích cực trong việc lên kế hoạch và thực hiện những hoạt động liên quan đến họ.

Ngày nay chúng ta chứng kiến sự ra đời và phát triển của những hội đoàn và phong trào chủ yếu gồm giới trẻ. Đây có thể xem là hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi bùng lên những lối đường mới để đáp ứng những kỳ vọng và tìm kiếm của họ về một linh đạo sâu xa và một cảm nhận được thuộc về đích thực hơn. Tuy nhiên điều cần thiết là phải bảo đảm rằng những hội đoàn này tham gia tích cực vào những nỗ lực mục vụ chung của Giáo Hội.[122]

E. Thánh Thể trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với giới trẻ

Thánh Thể, cuộc đối thoại tình yêu. Sứ mạng của Giáo Hội ngày nay bao gồm việc hướng dẫn giới trẻ đến với Thánh Thể để nuôi dưỡng họ trước nhiều bấp bênh và vấn nạn. Vì chính trong buổi quy tụ Thánh Thể mà Giáo Hội có thể dấn thân tốt nhất cho giới trẻ nhằm công bố cho họ Tin Mừng của Đức Ki-tô để từ đó họ có được sự đáp ứng độc đáo và thỏa đáng đối với những khát vọng sâu xa nhất của họ.[123] Từ việc gặp gỡ Đức Ki-tô Thánh Thể trong Lời Chúa và bí tích, họ được soi sáng và hướng dẫn trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Trong Thánh Thể, Đức Giê-su nhìn giới trẻ bằng tình yêu đặc biệt như đã dành cho người thanh niên trong Tin Mừng và mời gọi họ đi theo Người (x. Mc 10:21) trong mối tương quan yêu thương với Chúa Cha và trong sứ mạng cứu độ của Người đối với nhân loại và thế giới.

Thánh Thể, trường học đầu tiên về giá trị Ki-tô giáo. Bằng việc dấn thân tham dự tích cực vào Thánh Thể - trong việc chăm chú lắng nghe, qua những thái cử thích hợp và phong phú, trong sự tuân giữ thinh lặng đúng lúc, hay thực hiện các thừa tác vụ cụ thể khi cử hành Thánh Thể - giới trẻ có thể được huấn luyện tốt nhất cho các vai trò hiện tại và cả tương lai của họ trong Giáo Hội và trong xã hội. Trong cuộc đối thoại Thánh Thể, Giáo Hội có nhiều điều để nói với giới trẻ, và giới trẻ, với sức sống và nhiệt tình của mình, cũng có nhiều điều để chia sẻ với Giáo Hội.[124] Quanh bàn tiệc Lời Chúa và Thân Mình Đức Ki-tô, Giáo Hội cống hiến lời chỉ dẫn và của dưỡng nuôi[125] nhờ đó người trẻ có thể được chuẩn bị để trở thành “mảnh đất tốt” nơi hạt giống Lời Chúa có thể nảy mầm, đâm rễ, phát triển và sinh hoa kết trái dồi dào. Thánh Thể là trường học hoàn hảo để họ có thể học hỏi giá trị của sự hiện diện nhờ đó xây dựng các mối tương quan và cộng đoàn, giá trị của ý nghĩa về lòng cảm tạ và trách nhiệm đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và giá trị của phục vụ và hy sinh vốn mang lại sự sống, chữa lành và sự toàn vẹn cho người khác.

Thánh Thể như sự thông truyền. Quan tâm tới việc giới trẻ bị thu hút vào những phương tiện truyền thông xã hội khác nhau và thành thạo trong việc sử dụng chúng, Giáo Hội sẽ thể hiện vai trò đúng đắn khi trình bày Thánh Thể với họ như sự hiện thân cao cả và lý tưởng nhất của truyền thông, nơi tình bằng hữu được thiết lập và nuôi dưỡng, nơi hy vọng, ước mơ, niềm vui và lo âu được chia sẻ, và nơi mà những mục tiêu cao đẹp và sự hậu thuẫn được thực hiện cùng nhau. Trong trường học Thánh Thể, giới trẻ sẽ học biết rằng sự thông truyền không chỉ là trao đồi ý tưởng và cảm xúc, mà còn ở mức độ sâu xa nhất, là sự hiến thân trong tình yêu.[126] Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi nói với giới trẻ rằng Đức Ki-tô thiết lập Thánh Thể như một “hình thức truyền thông hoàn hảo và thân mật nhất giữa Thiên Chúa và con người,” vốn dẫn đến “sự hiệp nhất khả thể sâu xa nhất giữa người nam và người nữ.”[127] Thánh Thể là nơi diễn ra sự truyền thông sâu xa và biến đổi con người nhất - đáp trả lời khẩn cầu, xin Chúa Cha nhờ Con của Người sai Chúa Thánh Thần xuống để bánh và rượu, cũng như cả cộng đoàn, trở thành Thân Mình Đức Ki-tô.

IX. ĐỨC MARIA VÀ THÁNH TH TRONG S MNG TRUYỀN GIÁO CA GIÁO HI

Khi gần kết thúc việc suy tư về Thánh Thể và sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta hướng về Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng đồng thời là hiện thân của Mầu Nhiệm Thánh Thể và là mẫu gương tuyệt hảo cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

A. Đức Maria, Mẫu Gương và Mẹ của Giáo Hội truyền giáo

“Người Ki-tô hữu Châu Á có lòng yêu mến đậm sâu với Đức Maria, tôn kính Mẹ như là Mẹ của mình và như Mẹ của Đức Ki-tô.”[128] Thánh Gio-an Phao-lô II đã nhắc lại câu nói trên của Thượng Hội Đồng Giám Mục trong Phiên họp Đặc Biệt dành cho Châu Á vào năm 1998. Bài thánh ca dành cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tổ chức tại Manila năm 1937 có một câu nói về người Phi Luật Tân là một dân tộc có lòng yêu thương và kính mến đặc biệt đối với Mẹ Maria: “pueblo amante de Maria (một dân tộc yêu mến Mẹ Maria).” Những lời tôn vinh ấy khẳng định lòng yêu mến đặc biệt mà dân tộc trên lục địa này dành cho Mẹ Đấng Cứu Thế mà họ trìu mến gọi là Mẹ của họ. Những lời tôn vinh ấy cũng chứng tỏ Đức Mẹ quan trọng như thế nào trong hành trình truyền giáo của Giáo Hội tại Châu Á. Đức Mẹ là mẫu mực của Giáo Hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng bởi vì Mẹ đã cộng tác mật thiết vào công trình cứu độ của Con mình[129] và bởi vì Mẹ nêu gương cho hành trình truyền giáo mà Giáo Hội đã và đang tiếp tục thực hiện.

Vì Đức Maria là người đầu tiên đã nhận được Tin Mừng trong biến cố Truyền Tin trước khi đem Tin Mừng ấy đến với bà Ê-li-sa-bét trong chuyến Thăm Viếng của mình, và đến với toàn thế giới qua biến cố Hạ Sinh Con của mình, thế nên Giáo Hội cũng được kêu gọi trước tiên trở thành một cộng đoàn tiếp nhận Tin Mừng và rồi đi rao giảng Tin Mừng.[130] Dưới chân Thập Giá, Đức Ki-tô phó thác Giáo Hội và sứ mạng rao giảng dưới sự chăm sóc của Đức Mẹ: “Thưa bà, đây là con bà” (Ga 19:26-27). “Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội rao giảng Tin Mừng, và không có Mẹ chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu được tinh thần tân phúc âm hóa.”[131]

Đức Maria, người đầu tiên nhận lãnh Tin Mừng. Đức Maria đã nghe Lời Chúa trong “Tin Mừng đầu tiên” được sứ thần Gáp-ri-en loan báo. Tiếng Fiat của Mẹ, lời ‘xin vâng’ dứt khoát trước tiếng gọi của Thiên Chúa, là một sự cởi mở trọn vẹn con người và hiện hữu của Mẹ cho thánh ý Thiên Chúa. Đó là hành động vâng phục và tín thác hoàn toàn, Mẹ giao phó cuộc đời mình cho kế hoạch của Thiên Chúa. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ mang thai Con Thiên Chúa làm người; Thiên Chúa mặc lấy xác phàm nơi cung lòng Mẹ. Mẹ ban tặng cho Con Thiên Chúa bản tính nhân loại. Và trong đức tin, Mẹ hoàn toàn gắn kết với sứ mạng cứu độ của Chúa Con trong lịch sử.

Những diễn biến tiếp theo trong cuộc đời của Mẹ - viếng thăm bà Ê-li-sa-bét, mạc khải cho thánh Giu-se về người con trong lòng Mẹ, sinh hạ Đức Giê-su tại Bê-lem, dâng hiến Con lên Đền Thờ và lời tiên tri của ông Si-mê-ôn, ba nhà đạo sĩ đến viếng, Thánh Gia trốn sang Ai-cập, lạc mất và tìm thấy con trẻ Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, Mẹ không hiểu nhiều về những chuyện diễn ra, nhưng suy đi nghĩ lại trong lòng các biến cố và lời nói ấy – là sự rao giảng Tin Mừng của Mẹ. Trong cách này, đức tin của Mẹ, tính cách môn đệ và trên hết là tình mẫu tử thiêng liêng vốn là vận mạng của Mẹ, được hình thành.

Mẹ Maria, người rao giảng Tin Mừng. Khi viếng thăm bà Ê-li-sa-bét, Mẹ mang đứa con trong lòng đến vùng đồi núi xứ Giu-đê. Diện đối diện với Mẹ Maria, bà Ê-li-sa-bét đang mang thai “được tràn đầy Chúa Thánh Thần” và đứa con trong lòng bà được Thần Khí đánh động (Lc 1:41, 44). Và bà Ê-li-sa-bét nói với Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin” (c. 45) và Maria đáp lại: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (c. 46). Mẹ Maria rút ra từ kho tàng của những lời mà Mẹ suy ngẫm trong lòng với Chúa Thánh Thần, và loan báo điều ấy như Tin Mừng, như Phúc Âm cho nhân loại.

Vào giờ đã định, Mẹ Maria sinh hạ người Con mặc lấy xác phàm của Chúa Cha từ cung lòng Mẹ. Mẹ ban cho chúng ta Đức Giê-su. Mẹ nâng Người lên trước các mục đồng và các đạo sĩ. Mẹ đặt Người vào vòng tay của ông già Si-mê-ôn, và ông vui mừng biết rằng lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện. Lời yêu cầu của Mẹ tại tiệc cưới Ca-na mang đến dấu chỉ đầu tiên trong những dấu chỉ mà Con của Mẹ thực hiện. Lời Mẹ nói với người phục vụ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Và Mẹ tiếp tục nói những lời này với mọi thế hệ mai sau.

Khi Con của Mẹ rao giảng cho các đám đông, Mẹ tiếp nhận lời của Người và suy ngẫm trong lòng, để sau đó chia sẻ lời của Người cho Giáo Hội non trẻ. Mẹ của các Tông Đồ, Mẹ hiện diện giữa họ khi Thần Khí xuống trên họ dưới hình lưỡi lửa vào ngày Giáo Hội, được Thần Khí ban sức mạnh, lần đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.

Như thế Mẹ Maria là người đầu tiên được loan báo Tin Mừng, là môn đệ đầu tiên, cũng như là Tông Đồ đầu tiên. Trong mọi thời đại, từ thời các Tông Đồ đến ngày tận thế, Mẹ luôn hiện diện trong Giáo Hội rao giảng Tin Mừng – Giáo Hội truyền giáo.

B. Đức Maria trong cuộc đối thoại truyền giáo của Giáo Hội

Với các nền văn hóa đa dạng của Châu Á. Trong sứ mạng của Giáo Hội giữa các nền văn hóa đa dạng của Châu Á, Đức Maria là mẫu gương cho chứng tá Ki-tô giáo đích thực mà giữa bối cảnh đa văn hóa của Châu Á, mẫu gương này là một cách rao giảng Tin Mừng và Nước Thiên Chúa thuyết phục và hấp dẫn hơn so với những lập luận trí thức.[132] Đó là lời chứng phát sinh từ sự hiệp thông thân thiết và không thể tách rời với Thiên Chúa vốn thôi thúc con người vội vã chạy đến giúp đỡ người thân cận đang cần đến.[133] Những câu chuyện Đức Mẹ đến thăm và giúp đỡ người chị họ trong giai đoạn mang thai khó khăn nhất, và lời chuyển cầu của Mẹ nhằm cứu giúp đôi cô dâu chú rể còn trẻ khỏi cơn bối rối trong tiệc cưới Ca-na đã minh họa một cách tuyệt vời lòng nhiệt thành truyền giáo mà Giáo Hội phải có. Từ Đức Mẹ, Giáo Hội biết rằng trước tiên chính bằng cách cư xử và cuộc sống của mình – quan tâm đến con người, từ ái với người nghèo, làm chứng cho tinh thần nghèo khó và thanh thoát, cho tự do trước những thế lực trần gian, làm chứng cho sự thánh hóa – Mẹ sẽ phúc âm hóa thế giới.[134] Giáo Hội nhìn nơi Đức Maria việc làm chứng bằng đời sống mà nhờ đó “người Ki-tô hữu khuấy động lên những chất vấn không thể cưỡng lại nơi trái tim của những ai nhìn thấy họ sống như thế nào.”[135]

Với các truyền thống tôn giáo khác. Trong bối cảnh đa tôn giáo của Châu Á, con người và vai trò của Đức Maria là điểm quy chiếu cho những tín đồ của niềm tin khác, bởi vì nơi Mẹ tỏa chiếu giá trị phổ quát của tình mẫu tử vượt lên trên các nền văn hóa và tôn giáo. Do đó không ngạc nhiên gì “trên khắp Châu Á, có hàng trăm đền đài Đức Mẹ, nơi không chỉ các tín hữu Công Giáo mà cả tín đồ các tôn giáo khác cũng đổ về.”[136] Trước khi là Mẹ Đấng Cứu Thế và là Mẹ Giáo Hội, Mẹ là trưởng nữ của Ađam[137] và do đó cũng chia sẻ bản tính và phẩm giá chung với gia đình nhân loại, bao gồm cả những người theo các tôn giáo khác. Họ không có khó khăn gì khi nhìn thấy mẫu gương niềm tin nơi con người của Mẹ. Con người Đức Maria là một trong những lĩnh vực Giáo Hội có thể đưa vào trong cuộc đối thoại hiệu quả với Hồi giáo, một trong những tôn giáo lớn có số người tin theo đông đảo nhất tại Châu Á, bởi vì người Hồi giáo cũng tôn kính Mẹ và đôi khi chạy đến với Mẹ với lòng sùng mộ.[138]

Việc làm chứng, yếu tố đầu tiên và trên hết của cuộc đối thoại giữa Giáo Hội với tín đồ của các niềm tin khác, tìm thấy một tấm gương và niềm hứng khởi nơi đời sống và sứ mạng của Đức Maria. Cuộc sống lặng lẽ phục vụ và trung thành cộng tác với thánh ý Thiên Chúa của Mẹ trong việc nâng cao số phận con người sẽ được đức tin thúc đẩy và sự chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa nuôi dưỡng, cũng chính là con đường cho Giáo Hội truyền giáo giữa những truyền thống tôn giáo khác.

Với người nghèo. Đức Maria là hiện thân của tình yêu ưu tiên cho người nghèo của Thiên Chúa và của Giáo Hội. Mẹ là người phụ nữ của sự phục vụ hiệu quả, nâng cao người nghèo và người thiếu thốn, thể hiện trong cuộc viếng thăm bà Ê-li-sa-bét và trong việc can thiệp cho đôi vợ chồng trẻ trong tiệc cưới tại Ca-na. Tấm gương của Đức Maria chỉ cho chúng ta biết phải vội vã chạy đến, hiện diện nơi các anh chị em cần chúng ta, và rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát con người khỏi cảnh áp bức và ủi an những khi ưu phiền.[139] Nơi Đức Maria, Giáo hội trong sứ mạng truyền giáo tìm thấy một người mẹ tự thúc đẩy mình dấn thân vào những công việc phục vụ cụ thể và trong sự cảm thương ngõ hầu thực sự nâng cao hoàn cảnh của người nghèo, vào những lý tưởng bảo vệ công lý cho những người không có phương tiện theo đuổi điều đó, vào việc giúp xây dựng một xã hội nơi mà mọi người, ngay cả những người nghèo nhất trên đời, cũng có thể hưởng được đầy đủ cuộc sống nhân bản và nhân phẩm của mình. Người nghèo tìm thấy nơi Đức Maria trái tim của một người mẹ đến với mọi người, nhưng đặc biệt là những người nhỏ mọn nhất trong các con cái của Mẹ, vì họ là những người cần đến Mẹ nhất.

Tình yêu ưu tiên như thế dành cho người nghèo được khắc họa tuyệt đẹp trong Kinh Magnificat của Đức Maria.[140] Mẹ ca tụng Thiên Chúa, Đấng vẫn đoái thương nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn của Mẹ giữa mọi người nữ và đến hết mọi đời. Nhưng Mẹ cũng tán dương Thiên Chúa, Đấng đã nâng cao người nghèo và người cô thế qua muôn thế hệ - Người dẹp tan lòng trí kiêu căng, hạ bệ kẻ quyền thế khỏi ngai vàng, nâng cao người hèn mọn, ban cho người đói khát được no đầy điều tốt, và đuổi kẻ giàu có trở về tay không (x. Lc 1:51-53).

Với giới trẻ. Giáo Hội phó thác giới trẻ và trẻ em ở châu lục này cho Đức Mẹ, như Đức Ki-tô đã phó thác người môn đệ trẻ tuổi cho Mẹ Người dưới chân Thập Giá: “Thưa bà, đây là con bà” (Ga 19:26). Vào một thời điểm trong cuộc đời mình, giống như con trẻ Giê-su, giới trẻ và trẻ em ngày nay đang được huấn luyện để lớn lên “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Họ đang khám phá bản thân và phân định ơn gọi đặc thù của mình trong Giáo Hội cũng như thế giới và Giáo Hội hướng họ đến với Mẹ Maria khi nhắc lại lời Chúa Giê-su trên Thập Giá: “Hỡi con, đây là mẹ con” (Ga 19:27). Giáo Hội xem giới trẻ ngày nay là nguồn hy vọng cho xã hội và cho Giáo Hội và đồng thời nhận thấy rằng nhiều người trong số họ “gặp phải âu lo, lừa dối, thống khổ và sợ hãi thế giới, cũng như những cám dỗ gắn liền với tình trạng của họ.”[141] Thế nên Giáo Hội nêu cao cho họ hình ảnh Đức Maria đi theo Con của Mẹ từ đầu sứ mạng của Người cho đến đỉnh điểm trên Thập Giá. Nơi Mẹ, họ chắc chắn sẽ tìm thấy một người mẹ chăm sóc, dưỡng nuôi, và hướng dẫn như Mẹ đã làm với Con Thiên Chúa nhập thể. Cùng với Mẹ, Giáo Hội dẫn dắt nhiều người trẻ ngày nay đến với Đức Ki-tô, Đấng duy nhất là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:5).

C. Đức Maria và Thánh Thể trong sứ mạng của Giáo Hội

Nhờ mối quan hệ đặc biệt với Thánh Thể, Đức Maria dẫn dắt chúng ta đến bí tích cao cả nhất này để tìm thấy trong đó nguồn mạch và cùng đích của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Như trong cung lòng trinh khiết của Mẹ, Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại khiến Người trở thành Bí Tích Tình Yêu của Chúa Cha, thì trong Thánh Thể, Đức Ki-tô tiếp tục là Bí Tích của Chúa Cha qua tính cách bí tích của Giáo Hội – Ngài hiện diện nơi con người thừa tác viên, trong khi công bố Lời Chúa, trong cộng đoàn cầu nguyện và ca hát, nhưng đặc biệt là trong Thánh Thể.[142] “Thân mình bị nộp vì chúng ta và hiện diện dưới các dấu chỉ bí tích cũng chính là thân mình mà Đức Maria đã cưu mang trong lòng!”[143] Nhờ việc gắn bó mật thiết với Con mình khi dâng hiến Người làm Bánh Sự Sống và Bánh Hằng Sống cho thế giới được sống nhờ hy tế của Người trên Thập Giá, lời tiên tri của ông Si-mê-ôn rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim Mẹ đã được ứng nghiệm (x. Lc 2:34-35).

Từ trường học của Đức Maria. Giáo Hội có thể học hỏi từ trường học của Đức Maria, “người nữ của Thánh Thể,” thái độ nội tâm thích hợp và cần thiết để cử hành và sống các mầu nhiệm cứu độ một cách hiệu quả:[144] lắng nghe, suy ngẫm và hiện diện tích cực, hết lòng quan tâm đến thế giới và nhân loại, và mở lòng ra với sự viên mãn cánh chung của tất cả những gì nhân loại hy vọng. Đức Maria là tấm gương cho việc tôn sùng Thánh Thể, vốn tìm cách cụ thể hóa trong những công tác yêu thương và phục vụ cũng như mở ra cho các tín hữu niềm hy vọng cánh chung. Vì đối với người tín hữu khi thờ phượng, Đức Mẹ hiện diện như một tấm gương trong việc lắng nghe Lời Chúa và ghi khắc vào lòng, trong việc ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã ban những ơn trọng đại cho mình và cho nhân loại, trong việc đem Đức Ki-tô cũng như quà tặng niềm vui và cứu độ của Người đến với mọi người chúng ta gặp, trong việc cầu nguyện và chuyển cầu cho nhu cầu của mọi người, trong việc nuôi dưỡng đời sống ân sủng mà chúng ta nhận được qua các bí tích, trong việc dâng mình kết hợp với lễ dâng của chính Đức Ki-tô lên Chúa Cha, trong việc khẩn cầu Chúa đến, và trong việc tỉnh thức chờ ngày Chúa đến.[145]

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Với những lời này, Đức Maria tiếp tục nói với Giáo Hội của Đức Ki-tô Con của Mẹ, chú trọng đến những lệnh truyền của Người ngõ hầu thực hiện những gì Người đã làm trong Bữa Tối Sau Cùng và trên đồi Can-vê để “tưởng nhớ đến Người.” Nhưng Mẹ cũng kêu gọi Giáo Hội dấn thân cho mầu nhiệm cao cả nhất này bằng sự dấn thân lặng lẽ nhưng tích cực của Mẹ vào sứ mạng tông đồ của Giáo Hội. Mẹ ở bên các Tông Đồ của Con Mẹ khi họ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong lúc liên tục cầu nguyện (x. Cv 1:14), Đấng là Tôn Sư và là Hướng Dẫn Viên mà Người đã hứa ban cho họ để thực thi sứ mạng của mình (x. Ga 14:16-17; Ga 16:13-14). Mẹ chắc chắn đã ở bên thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên, những người siêng năng tham dự “nghi thức bẻ bánh” (Cv 2:42). Mẹ tiếp tục hiện diện, với Giáo Hội và làm Mẹ của Giáo Hội, mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Thể.[146] Do đó Giáo Hội chưa bao giờ ngừng xin Mẹ cầu nguyện cho (trong Kinh Cáo Mình) và tôn vinh Mẹ (trong Kinh Nguyện Thánh Thể) bởi vì thật là chính đáng khi “Thánh Thể, là việc cử hành cao cả nhất những mầu nhiệm cứu độ Thiên Chúa thực hiện qua Đức Ki-tô trong Chúa Thánh Thần, nhất thiết phải nhắc đến Thánh Mẫu của Đấng Cứu Độ, Mẹ đã liên kết một cách không thể tách rời với những mầu nhiệm này.”[147]

Cuối cùng, cùng với Đức Maria, Giáo Hội hát lên bài ca Thánh Thể như Kinh Magnificat của Mẹ, nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ, để hoàn thành lời đã hứa với các tổ phụ, công bố những mầu nhiệm diệu kỳ của Đức Ki-tô, mầu nhiệm nhập thể cứu độ, mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, đang khi chờ đợi niềm hy vọng vinh quang ngày cánh chung.[148]

X. NIM HY VNG VINH QUANG (SPES GLORIAE)

Vào cuối cuộc hành trình, chúng ta hãy quay lại với lời của thánh Tông Đồ: “Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” để khám phá Thánh Thể biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa đang khi chúng ta tiền dự vào việc Chúa đến như thế nào, trong thời gian và trong lịch sử.

A. Thánh Thể và “vinh quang Thiên Chúa”

Lời tung hô của cộng đoàn Thánh Thể sau khi truyền phép đúc kết một cách thích hợp sự thể hiện đường hướng cánh chung vốn được biểu thị qua việc tham dự bàn tiệc của Chúa (x. 1 Cr 11:26): chúng con công bố Đức Ki-tô chịu chết và sống lại “cho đến khi Người lại đến.” Thánh Thể là sự trương lực hướng tới cùng đích, là hưởng nếm trước niềm vui trọn vẹn Đức Ki-tô đã hứa (x. Ga 15:11). Theo một nghĩa nào đó, đây là sự mong đợi Vương Quốc chung cuộc, “bảo đảm cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ.”[149] Trong niềm mong đợi đầy tín thác rằng “niềm hy vọng hồng phúc ấy được hoàn tất và Đức Giê-su Ki-tô Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến.”[150]

Thánh Thể, vốn đồng thời là hạt giống và là mục đích của sứ mạng truyền giáo, thể hiện trải nghiệm về vinh quang Thiên Chúa, mà trung tâm điểm là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, cuộc thương khó, cái chết và phục sinh vinh quang của Người. Chính trên Thập Giá mà vinh quang đích thực của Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta, bởi vì ở đó Chúa Cha bày tỏ gương mặt xót thương và tình yêu của Người nơi Chúa Con đến mức chấp nhận chịu chết để cứu độ mọi loài thụ tạo và công trình sáng tạo của Người.

Vì thế “Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, niềm hy vọng đạt tới vinh quang” được mạc khải cho chúng ta không gì khác hơn là toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su, một kế hoạch vẫn tiếp tục hiện diện trên thế giới, qua những yếu tố thời gian và lịch sử, nhưng sẽ được hoàn tất khi Chúa Giê-su giao phó Vương Quốc cho Chúa Cha.

Từ Chủ Nhật này sang Chủ Nhật khác, khi được quy tụ nhân danh Chúa, chúng ta cử hành vinh quang của Chúa trong mỗi Thánh Lễ. Lúc đó, chúng ta gặp gỡ chính Đức Giê-su chịu đóng đinh – Người sống lại, hiện đang sống, được giương cao lên trước thế giới đã đóng đinh Người. Giờ đây, cái chết được biến đổi thành niềm vui nhờ tình yêu, và sự phục sinh của chúng ta được thể hiện trong nỗ lực yêu thương như Đức Giê-su đã yêu thương. “Gloria Dei vivens homo; vita autem hominis visio Dei. Vinh quang của Thiên Chúa chính là con người sống tràn đầy sung mãn, và sự sống của con người là tầm nhìn của Thiên Chúa.”[151]

B. Bữa tiệc Mê-si-a

Ý nghĩa về vinh quang tương lai của Nước Thiên Chúa sẽ đến được vị ngôn sứ diễn tả bằng hình ảnh một cuộc lữ hành cánh chung của con người đi đến núi thánh của Thiên Chúa, nơi sứ mạng truyền giáo kết thúc bằng bữa Đại Tiệc Mê-si-a được dọn sẵn cho mọi dân tộc và quốc gia: “Trên núi này Ðức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.” (Is 25:6-8)

Thánh Thể, lời tiên báo bữa tiệc cánh chung này, xuất hiện như là “bí tích của sứ mạng được hoàn tất,” nơi mà khát vọng chung của nhân loại được mãn nguyện: hiệp thông với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ là tất cả cho tất cả mọi người ở mọi nơi mọi lúc, và tình huynh đệ phổ quát.

Ở đó, trên núi thánh, mọi dân nước sẽ quy tụ lại để ăn bữa tiệc chung cuộc mừng Đức Chúa. Họ sẽ chiêm ngắm nhan thánh Chúa, họ sẽ trở thành dân của Người và họ sẽ ca tụng Người bằng đôi môi thuần khiết: “Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa.” (Tv 86:10). Và Thiên Chúa sẽ đáp lại muôn dân nước trên toàn thế giới bằng muôn phúc lành tuyệt vời vượt trên mọi biên giới: “Ta giáng phúc cho Ai-cập, dân của Ta, cho Át-sua, công trình tay Ta làm ra, và cho Ít-ra-en, cơ nghiệp của Ta” (Is 19:25).[152]

Trương lực cánh chung được trình bày trong Thánh Thể khích lệ cuộc lữ hành lịch sử của chúng ta, gieo hạt giống hy vọng sống động trong sự dấn thân hàng ngày của mỗi người trong công việc cụ thể của mình. Trong khi thực sự chờ đợi “trời mới” và “đất mới” (x. Kh 21:1), người Ki-tô hữu khơi dậy ý thức trách nhiệm của mình với thế giới hiện nay, bảo đảm rằng họ không bỏ qua trách nhiệm công dân trái đất của mình. Vào thời điểm lịch sử này thực ra họ đóng góp, dưới ánh sáng Tin Mừng Lu-ca, vào việc kiến tạo một thế giới vì lợi ích con người và hoàn toàn đáp lại thánh ý Thiên Chúa.

Việc cử hành Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế mô tả trước bữa tiệc cánh chung khi thời gian tới hồi viên mãn mà mọi người đều được mời tham dự.

C. Tình yêu Thiên Chúa ôm lấy nhân loại

Chúng ta quay trở lại Thánh Thể, bí tích sự hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô. Trong đó Chúa ôm lấy mọi con người và thể hiện sự hiệp nhất của toàn bộ công trình sáng tạo, dù chưa trọn vẹn. Sứ mạng truyền giáo tự bản chất là công việc diễn tiến trong khi chờ đợi bữa Đại Tiệc Mê-si-a khi thời gian tới hồi viên mãn. Động thái này khởi đầu từ mỗi cộng đoàn Thánh Thể tụ họp nhau quanh bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa.

Loan truyền Chúa chịu chết “cho đến khi Người lại đến” (1 Cr 11:26) đòi hỏi những ai tham dự Thánh Thể sự cam kết biến đổi cuộc đời mình trở thành “Thánh Thể.” Chính sự biến hình cuộc sống này, kết hợp với việc biến đổi thế giới theo Tin Mừng, biểu lộ trương lực cánh chung của cuộc cử hành Thánh Thể và của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu: “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến” (Kh 22:20).

Có nhiều đòi hỏi cần chú trọng liên quan đến tầm nhận thức của thời đại chúng ta: hòa bình, công lý và tình liên đới trong những mối tương quan giữa các dân tộc, việc bảo vệ sự sống con người. Và có nhiều mâu thuẫn làm u ám bầu trời thế giới “toàn cầu hóa” của chúng ta, nơi mà người yếu thế, hèn mọn và nghèo đói nhất không có chút mảy may hy vọng. Ở đây và bây giờ niềm hy vọng Ki-tô giáo phải tỏa sáng! Cũng chính vì điều này mà Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Thánh Thể, khắc ghi sự hiện diện của Người bằng lời hứa về một nhân loại được tình yêu của Người đổi mới. Đặc biệt là Tin Mừng Gio-an, thay vì tường thuật việc thiết lập Thánh Thể, lại trình bày câu chuyện “rửa chân” trong đó Chúa Giê-su trở thành Thầy của sự hiệp thông và phục vụ (x. Ga 13:1-20). Và về phần mình, tông đồ Phao-lô coi việc tham dự của cộng đoàn vào Bữa Tiệc của Chúa là bất xứng khi diễn ra trong bối cảnh chia rẽ hay trong sự dửng dưng với người nghèo (x. 1 Cr 11:17tt).[153]

Trong Thánh Thể sự đa dạng văn hóa – ngôn ngữ, lịch sử và truyền thống – được đón nhận như biểu lộ sự phong phú của con người, sự đa dạng vô hạn những tài nguyên và tài năng của nhân loại. Sự đa dạng này không cản trở tinh thần hiệp nhất Ki-tô giáo nhưng làm cho sự hiệp nhất này nhập thể và nên phong phú. “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.… Vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” (x. Is 60:3-5).

“Của cải muôn dân nước” không gì khác hơn là văn hóa và trải nghiệm tôn giáo đa dạng mà các dân tộc sáng tạo với trí thông minh và đôi tay của họ, những kho tàng khôn ngoan và truyền thống thế trần của họ, những con đường cụ thể khác nhau của con người.

Khi bữa tiệc Mê-si-a được chuẩn bị, mà trong đó sự hiệp thông với Đức Ki-tô sẽ biến đổi mọi biên giới con người, thì ngay bây giờ, trong cộng đoàn Thánh Thể, những văn hóa về đạo đức, kinh tế, chính trị và xã hội khác nhau cũng được Thần Khí biến đổi trong niềm cảm tạ hướng đến một nền văn minh mới.

Trong mỗi Thánh Lễ, Thiên Chúa tuyên bố sự chúc phúc của Người cho mọi chủng tộc và đất nước bằng những lời tiên tri soi sáng con đường của chúng ta: “Ta giáng phúc cho Ai-cập, dân của Ta, cho Át-sua, công trình tay Ta làm ra, và cho Ít-ra-en, cơ nghiệp của Ta” (Is. 19:25). Ta giáng phúc cho nước Nga, Sômalia, Bôlivia, Trung Quốc, những công trình của tay Ta, và cho Phi Luật Tân, Phi Luật Tân, cơ nghiệp của Ta… Amen, Amen.[154]



[1] Nghi Thức Rô-ma, De Communione et de Cultu Mysterii Eucharistici extra Missam (1973), 112.

[2] Xc. Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (SC), 2; x. Jn 10:16.

[3] Ivi, 10. Xc. Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium (LG), 11.

[4] Xc. John Paul II, In Portu Principis, ad episcopos Consilii episcopalis Latino-Americani sodales (9 marzo 1983), số 3, AAS 75, par. 1, 778.

[5] Benedict XVI, Homily at the Eucharistic Celebration for the solemn inauguration of the 13th Ordinary Assembly of the Synod of Bishops (7/10/2012).

[6] Ibid.

[7] Ơn gọi truyền giáo đặc biệt này của Phi Luật Tân tại Châu Á đã được nói rõ bởi Đức Giáo hoàng Phao-lô VI trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài đến Phi Luật Tân vào năm 1970 và bởi Đức giáo hoàng Gioan Phao-lô II trong Đại hội Giới trẻ Thế giới tổ chức tại Malina.

[8] Dựa trên tường thuật của ông Antonio Pigafetta, một quý tộc người Italia, ông giữ nhật ký hành trình được thực hiện bởi năm con tàu Tây Ban Nha theo lệnh của ngài Ferdinand Magellan (người Bồ Đào Nha), sau này trở thành  vua của nước Tây Ban Nha với danh hiệu là Charles V: Relazione del primo viaggio al globo terraqueo (English translation: A. Pigafetta, Magellan's Voyage. A Narrative Account of the First Circumnavigation, trans. R. Skelton, New York: Dover Publications, Inc., 1969).

[9] Xc. CBCP, Pastoral Letter Landas ng Pagpapakabanal on Filipino Spirituality (2000), số 62; Episcopal Commission on Catechesis and Catholic Education, Catechism for Filipino Catholics (1997), số 1669.

[10] Xc. Landas ng Pagpapakabanal, số 62; Catechism for Filipino Catholics, số 1669.

[11] Catechism for Filipino Catholics, số 1670.

[12] Xc. Acts and Decrees of the Second Plenary Council of the Philippines (1990), số 103.

[13] Xc. đặc biệt trong Col. 1: 15-20.

[14] Xc. SC, 5.

[15] Kinh tiền tụng I Mùa Phục Sinh.

[16] Từ Lời nguyện sau Bài đọc thứ 7 của lễ Vọng Phục Sinh; Xc. SC, 5.

[17] Xc. SC, 6.

[18] Ivi.

[19] SC, 6, trích dẫn từ Công đồng Tren-tô, Khóa họp XIII, Sắc Lệnh on the Holy Eucharist, c. 5 (Denzinger, 1644).

[20] SC, 7.

[21] Xc. St. Augustine, Tractatus in Ioannem, VI, số 13, cited in SC, 47.

[22] Xc. Leo Magnus, Tractatus LXXIV.2, ed. A. Chavasse (CCL 138A) Turnhout 1973, 457: “Quod itaque Redemptoris nostri conspicuum fuit in sacramenta transivit...”.

[23] Xc. SC, 47.

[24] LG, 9.

[25] Benedict XVI, Tông huấn Verbum Domini (VD) (20/9/2010), số 91.

[26] Xc. St. Augustine, Sermon 272:13-14, trong E. Rotelle (ed.), The Works of Saint Augustine. A Translation for the 21st Century, part III, vol.7, trans. E. Hill, New York 1993, 300-301: “Vì thế nếu chính anh em là thân mình Đức Ki-tô và là chi thể của thân mình này, thân mình mầu nhiệm dành cho anh em, được đặt ở trên bàn tiệc của Chúa; những gì anh em lãnh nhận chính là mầu nhiệm dành cho anh em, chính anh em là những gì mà anh em đáp lại A-men, và bởi vì đáp lại như thế anh em diễn tả sự tán thành của mình”.

[27] Xc. John Paul II, General Audience (21/6/2000); Xc. John Paul II, Tông Thư Dies Domini (DD) (5/7/1998), 45.

[28] Ibid.

[29] Nghi thức thánh lễ, trong Sách lễ Rô-ma, ấn bản thứ 3, số 1.

[30] Xc. R. Cabié, The Order of Mass of Paul VI, trong The Church at Prayer 2: The Eucharist, Collegeville 1986, 193.

[31] Xc. General Introduction to the Lectionary for Mass, 2nd ed., (21/01/1981), số 6, 7.

[32] Pope Francis, Tông huấn Evangelii Gaudium (EG) (24/11/2013), 110; Paul VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (EN), 22.

[33] General Introduction to the Lectionary..., 6. Xc. VD, 91.

[34] Ivi, 99.

[35] Xc. EG, 135.

[36] General Introduction to the Lectionary..., 7.

[37] Xc. J. Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development (Missarum Sollemnia) 2, trans. F. Brunner, New York 1951, 2-3. Jungmann liên kết thực hành cổ xưa này với Irênê, Tertullianô, Hippolytô thành Rô-ma, và Cyprianô. Một ít bánh và rượu do cộng đoàn dâng tiến sẽ được dành để sử dụng cho hy tế Thánh Thể, phần còn lại sau đó được phân phát cho người nghèo.

[38] Ordo Romanus I, trong M. Andrieu (ed.) Les Ordines Romani du Haut Moyen Age II. Les textes (Ordines I - XIII), (Spicilegium Sacrum Lovaniense. Études et documents 23), số 78-84, 93-94.

[39] Xc. Jungmann, The Mass... 2, 6-8.

[40] Luật chữ đỏ chỉ dẫn: “Lúc bắt đầu Phụng vụ Thánh Thể, có thể có một đoàn rước các tín hữu mang theo lễ phẩm cho người nghèo được dâng tiến cùng với bánh và rượu.”

[41] In Matthaeum hom. 50,3-4, PG 58, 508-509.

[42] W. Rordorf-A. Tuilier, Didache: La Doctrine des Douze Apôtres (Sources Chrétiennes 248) Paris2 1998.

[43] Benedict XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis (SAC) (22/2/2007), 88.

[44] Xc. John Paul II, Tông Huấn Ecclesia in Asia (EA) (6/11/1999), 49.

[45] Ivi, 34.

[46] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rô-ma, 90.

[47] Xc. SAC. 85.

[48] Xc. John Paul II, Tông Thư Mane nobiscum Domine (MND), 10/2004- 10/2005 (7/10/2004), 24.

[49] Xc. SAQ 51.

[50] Lời nguyện Hiệp lễ Chúa Nhật XXV Thường niên: ut redemptionis effectum et mysteriis capiamus et moribus.

[51] Xc. SC, 6.

[52] Xc. EA, 29.

[53] Ibid.

[54] Xc. Ủy ban Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, Dialogue and Proclamation. Reflection and Orientations on Interreligious Dialogue and the Proclamation of the Gospel of Jesus Christ (19/5/1991).

[55] Xc. GS, đặc biệt số 23.42; VATICAN II, Sắc Lệnh Ad Gentes (AG) (7/12/1965), đặc biệt số 5 và 10.

[56] Xc. EA, số 29.

[57] Liên  Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), Evangelization in Modern Day Asia. First FABC Phiên Họp Khoáng Đại (1974), trong For All the Peoples of Asia 1. FABC Các tài liệu từ 1970-1991, ed. F. J. Eilers, Quezon City 1997, số 14.

[58] Trong Phiên Họp Khoáng Đại FABC lần thứ I, tổ chức tại Đài Bắc (22-26/4/1974), lần đầu tiên cuộc đối thoại ba chiều này được phát biểu, Xc. For all the Peoples of Asia, vol. 1, Manila: IMC Publications, 1984, 25-41.

[59] Xc. FABC, Phiên Họp Khoáng Đại lần thứ 7 (2000), trong For All the Peoples of Asia III, số 4.

[60] Bishops' Institute for Missionary Apostolate I (Baguio), số 5.

[61] EA, 20.

[62] Ibid; Xc. Phiên họp đặc biệt về Châu Á của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Relatio post disceptationem, 15.

[63] Telling the Story of Jesus in Asia. The Message of the First Asian Mission Congress, Chiang Mai, Thailand (18-22/10/2006).

[64] Xc. Faith Encounters in Social Action IV (Kuala Lumpur), 12.

[65] Dialogue and Proclamation..., 82.

[66] EG, 110; Xc. EA, 2 and 19; Paul VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (EN), 22.

[67] Dialogue and Proclamation..., 82.

[68] Bishops' Institute for Interreligious Affairs IV/7 (Tagaytay), số 10.

[69] Dialogue and Prodamation..., 82.

[70] EG, 137; Xc. DD, 41.

[71] Xc. EA, 24.

[72] Xc. FABC, Living the Eucharist in Asia. Final Document of the IX FABC Phiên Họp Khoáng Đại (10-16/8/2009).

[73] Ibid.

[74] Xc. Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, Thư mục vụ Landas ng Pagpapakabanal, trong Filipino Spirituality (2000), 71-74.

[75] Ivi, số 75-76.

[76] EA, 6.

[77] Ivi, 7.

[78] EG, 62.

[79] A. J. Chupungco, Mission and Inculturation: East Asia and the Pacific, trong The Oxford History of Christian Worship, ed. G. Wainwright-K. B. Westerfield Tucker, Oxford: Oxford University Press, 2006, 665.

[80] Xc. Consultation on Evangelization and Inculturation, trong For All the Peoples of Asia III. FABC Các tài liệu từ 1997-2001, ed. E.-J. Eilers, Quezon City: Claretian Publications, 2002, 218.

[81] Xc. Conclusions of the Asian Colloquium on Ministries in the Church (Hong Kong, 3/3/1977), trong For All the Peoples of Asia I. FABC Các tài liệu từ 1970-1991, ed. G. B. Rosales-C. G. Arevalo, Quezon City: Claretian Publications, 1997, 70.

[82] Church Issues in Asia in the context of Evangelization, Dialogue and Proclamation. Conclusions of the Theological Consultations (Thailand, 3-10/11/1991), trong For All the Peoples of Asia II. FABC Các tài liệu từ 1992-1996, ed. F.-J. Eilers, Quezon City: Claretian Publications, 1997, 201.

[83] AG, 10.

[84] Xc. Letter of Participants of the First Bishops Institute for Missionary Apostolate, Baguio City, Philippines, 27/7/1978, trong For All the Peoples of Asia I. FABC Các tài liệu từ 1970-1991, ed. G. B. Rosales-C. G. Arevalo, Quezon City: Claretian Publications, 1997, 94.

[85] Xc. Chupungco, Op. cit., 662.

[86] Xc. EA, 22.

[87] EN, 48.

[88] Ibid.

[89] Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La-tinh, The Puebla Document (1979), số 465.

[90] Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, New National Catechetical Directory for the Philippines, Manila 2007, số 308.

[91] EG, 125.

[92] Ibid.

[93] EA, 6.

[94] Xc. AG, 11.

[95] Xc. Vatican II, Tuyên ngôn Nostra aetate (NA) (28/10/1965), 2.

[96] Xc. AG, 10.

[97] SC, 1.

[98] AG, 11.

[99] Ivi, 22.

[100] Xc. EN, 26.

[101] Ibid.

[102] LG, 1.

[103] SC, 2.

[104] Ibid.

[105] EA, 34; Xc. EG, 186.

[106] Xc. EG, 187.

[107] Xc. Cuộc họp các Giám mục Á Châu, Message of the Conference (Manila 1970), trong FAPA 1, 5. Thật rõ ràng, từ cuộc họp đó, Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn Giáo hội tại Á Châu phân định để Giáo hội này ngày càng trở thành Giáo hội của người nghèo.

[108] Xc. EG,188; Xc. Bộ Giáo lý Đức tin, Libertatis Nuntius (6/8/1984), 11.

[109] EG, 188-189.

[110] FABC, Evangelization in Modern Day Asia. Statement of the First Plenary Assembly, trong For all the Peoples of Asia 1, các tài liệu từ 1970-1991 cit., 15.

[111] EA, 34

[112] SAC, 88.

[113] Ibid.

[114] Xc. Section III. B Eucharist and Mission, đặc biệt trong phần Chuẩn Bị Lễ Vật, Kinh Nguyện Thánh Thể và Hiệp Lễ.

[115] FABC, Youth, Hope of Asian Families. Statement of the 4th Asian Youth Day, 30/7 – 5/8/2006, Hong Kong, trong For all the Peoples of Asia 4. Các tài liệu từ 2002-2006, Quezon City: Claretian Publications 2007, 167.

[116] FABC, A Renewed Church in Asia: A Mission of Love and Service, trong FABC Các tài liệu từ 1997 tới 2001, cit., 9-10.

[117] EA, 47.

[118] Ibid.

[119] Xc. Vatican II, Sắc Lệnh Christus Dominus (CD), số 13-14.

[120] SC, 14.

[121] FABC, A Renewed Church in Asia: A Mission of Love and Service, cit., 10.

[122] EG, 105.

[123] Xc. John Paul II, Tông Huấn Christifideles Laici (CL) (30/12/1988), 46.

[124] Ibid.

[125] Xc. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rô-ma, số 28.

[126] Xc. Hướng dẫn Mục vụ Communio et Progressio về các phương thế truyền thông xã hội (23/5/1971), 11.

[127] Ibid.

[128] EA, 51.

[129] SC, 103.

[130] EN, 15.

[131] EG, 284.

[132] EA, 42; John Paul II, Thông Điệp Redemptoris Missio (RM) (7/12/1990), 42.

[133] Xc. EN, 41.

[134] Xc. EN, 41; RM, 42.

[135] EN, 21.

[136] EN, 51.

[137] Xc. Paul VI, Exploring the Mystery of the Church. Address of Pope Paul VI at the Close of the Third Session of the Second Vatican Ecumenical Council (21/11/1964).

[138] Xc. NA, 3.

[139] Xc. Thượng Hội Đồng Giám Mục 1971, “Justice in the World,” Introduction. 1971

[140] Xc. John Paul II, Thông Điệp Redemptoris Mater (RM) (25/3/1987), 37.

[141] CL, 47.

[142] Xc. SC, 7.

[143] John Paul II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (EDE), 56 (17/4/2003), 56.

[144] Ivi, 53.

[145] Xc. Bộ Phụng Tự Thánh, Orientations and Proposals for the Celebration of the Marian Year 1987­1988 (3/4/1987).

[146] Xc. EDE, 57.

[147] Bộ Phụng Tự Thánh, Orientations... cit, 19. Xc. SC,103; LG, 53, 57.

[148] Xc. EDE, 58.

[149] Điệp ca Tin Mừng Kinh chiều II Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.

[150] Sách Lễ Rô-ma, embolism sau Kinh Lạy Cha.

[151] I-rê-nê thành Lyon, Adversus haereses 4, 20, 7 (SC 100/2, 648).

[152] Jame Cardinal L. Sin, The Eucharist: Summons and Stimulus, Call and Challenge to Evangelization, trong Christ, Light of Nations, Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 45; Città del Vaticano 1994, 764.

[153] Xc. Ecclesia de Eucharistia, 20.

[154] Jame Cardinal L. Sin, The Eucharist, cit., 766.


Mục Lục Năm Thánh Thể