III. THIÊN CHÚA GIÁO

 

 

Mấy chữ “Thiên Chúa Giáo” tự nó đã nói lên mối tương quan giữa nhân loại với một Vị Thượng Đế tối cao, Đấng được tin là toàn năng đã làm nên mọi sự.

 

Thiên Chúa Giáo cũng được hiểu ngầm là một Đạo được mạc khải : Được chỉ vẽ bởi chính Đấng tối cao đó, thay vì đạt được nhờ đi tìm tòi suy luận bằng trí óc con người.

 

Cụ thể là các tín điều đã được chỉ dạy nơi sách Thánh Kinh, những sách được viết bởi người trần, nhưng qua sự linh ứng của Thiên Chúa.

 

Tín điều căn bản hàng đầu là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất làm chủ toàn thể vũ trụ ; và theo Thánh Kinh, Ngài diễn tả mình là Đấng Tự Hữu (Ego sum qui sum).

 

Ngài đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật từ hư vô, có thể qua một tiến trình tiệm tiến lâu dài.

 

Ngài đã dựng nên các thiên sứ thiêng liêng vô hình, và giữa chim muông cầm thú, đã dựng nên loài người có hồn và xác.

 

Chẳng may vì Ông Bà Nguyên Tổ đã phạm tội bất tuân lệnh Chúa, nên Ngài ra án phạt nặng nề kéo theo nhiều hậu quả tai hại khôn lường.

 

Nhưng vì thương, Ngài đã hứa sẽ sai Đấng Cứu Chuộc để cứu vớt con người.

 

Đồng thời Ngài cũng chuẩn bị đường cứu độ bằng cách tuyển lựa dân tộc Dothái như dân riêng để duy trì niềm tin chân chính.

 

Ngài đã ban giới luật, đã dùng các án quan vua chúa hướng dẫn cũng như dùng các Sứ Ngôn để dạy dỗ chuẩn bị tâm hồn dân chúng.

 

Chẳng may, quá hợm hĩnh, kiêu căng với tôn giáo riêng của mình (Dothái giáo = Jusdaism), họ đã đi lạc con đường Thiên Chúa mong muốn.

 

Họ đã nhiều lần bất trung phản bội với chính Thiên Chúa. Tệ hại hơn cả là khi chính Chúa sai Con Ngài xuống trần gian để đem lại nguồn cứu độ, dân Dothái chẳng những đã không muốn đón nhận mà lại ra tay giết đi.

 

Thực ra, vì là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, khi xuống trần, đã mượn thân xác hữu hình như mọi người, để dạy dỗ và làm gương cho chúng ta, nên sau khi thọ hình, Ngài đã phục sinh vinh hiển.

 

Đức Kitô đến chẳng những để cứu thế mà còn để bổ túc tất cả những gì thiếu sót trong Lề Luật Đạo cũ, thời Cựu Ước.

 

Những giáo huấn của Ngài và các Tông Đồ đã được gom lại thánh Thánh Kinh Tân Ước, như để hoàn tất mọi điều mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại.

 

Ngài chịu khổ đau và chịu chết để dạy loại người về ý nghĩa của đau khổ và cái chết.

 

Ngài sống lại để chứng minh Ngài đã chiến thắng tất cả và bảo đảm cho ta sẽ được sống mãi với Ngài, nếu thực tâm muốn đi theo Ngài.

 

Ngài đã lập nên Giáo Hội để hướng dẫn và thánh hóa chúng ta,  bằng nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt bằng ơn sủng qua việc lãnh nhận các nhiệm tích ; có các vị Tông Đồ cũng như các đấng kế vị thay mặt Ngài coi sóc đời sống thiêng liêng của tín hữu.

 

Thế là thay vì giữ dân Dothái làm dân riêng, Đức Kitô đã mời gọi các người tin theo Ngài trở thành dân mới của Thiên Chúa, và người ta bắt đầu nói đến KITÔ GIÁO từ đó, dẫu rằng Kitô giáo luôn nằm trong khuôn khổ Đạo Thiên Chúa.

 

Ở đây, người ta được biết nhiều hơn về chính Thiên Chúa (như Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi), cũng như về cuộc sống và ý nghĩa đời người, nhất là biết rõ những phương thức chính đáng để sống và chuẩn bị cho cuộc đời vĩnh cửu mai sau.

 

Khoảng 6 thế kỷ sau khi Đức Kitô xuống thế, bên miền Trung Đông có một người tên là Ma-hô-mét tự xưng là phát ngôn nhân chính thức và cuối cùng của Thượng Đế (ông gọi là đấng Allah), để rồi lập ra Hồi Giáo (Islamism). Ma-hô-mét viết ra tập sách Coran như tóm gồm mọi giáo thuyết của ông. Trong sách này có nhiều điểm tương đồng với sách Cựu Ước của thời dân Dothái, nhưng lại có vô số quan niệm và điều thực hành khác biệt trong đời sống.

 

Hồi Giáo đã có cơ hội phát triển mau lẹ và mạnh mẽ đi các nơi, nhất là trong “thế giới” Ảrập. Không may, Hồi Giáo đã có nhiều va chạm và thường rất ác cảm với Kitô Giáo cũng như Dothái Giáo.

 

Tiếp đến thế kỷ 10, một biến cố khác đáng buồn là ngay trong nội bộ Kitô Giáo, một nhóm bên Đông Âu tự tách ra lập thành Giáo Hội Đông Phương (tự gọi là Chính Thống Giáo). Họ không muốn tuân phục quyền phổ quát của Giáo Chủ Kitô Giáo ở La Mã nữa, đồng thời tạo nên một số nghi thức mới riêng biệt. Từ đó, Kitô Giáo nguyên thủy thường được gọi là Công Giáo La Mã để phân biệt với giáo phái mới kia. Rồi đau thương hơn nữa, tới thế kỷ 16, từ bên Châu Âu, ông Luther cùng với một số đồng bạn đã khởi xướng thuyết Cải Cách để lập thành Giáo Hội Tin Lành (gốc gọi là Thệ Phản), dần dần với nhiều nhóm nhỏ với những giáo thuyết khác biệt ở nhiều nơi. Đa số đều chỉ nhận Đức Tin làm căn bản và chỉ muốn dựa hoàn toàn vào Sách Thánh, thay vì còn phải vâng phục vào phán quyết của Giáo Quyền.

 

Thế là, cùng thuộc Kitô Giáo, cùng là  Thiên Chúa Giáo, người ta đã xé tấm áo nguyên thủy ra thành nhiều mảnh.

 

Ở chương sau, chúng ta sẽ thảo luận về Giáo Hội nguyên thủy này


Trở về trang Mục Lục