THIỀN  VỚI

ĐỨC  KY-TÔ ?

 

 

 

Phải đọc trọn vẹn cả 4 cuốn Phúc-âm trong bộ Thánh-kinh Tân-Ứơc để có thể dám trả lời câu hỏi trên đây.

 

Nhất là sau khi đã theo chân một số các nhà tu-đức qua Đông-phương tìm-hiểu cặn-kẽ về Thiền. Một khi ta còn đầy-đủ niềm tin vào giáo-lý của đạo Chúa, ta sẽ  biết làm gì và  dừng lại ở đâu, để gọi là mình có thể NGỒI THIỀN VỚI CHÚA hay không.

 

Ta sẽ mượn những kinh-nghiệm qúy-giá nhất từ nơi các Thiền-sư, đã thừa-hưởng gia-tài kiến-thức về việc tập-trung tư-tưởng và vận-dụng tâm-trí dể tạo niềm thanh-thóat và an-bình cho hồn mình.

 

Nghĩa là về lãnh-vực tôn-giáo, thay vì cái nền-tảng chối bỏ một Thượng-đế tòan năng, chối bỏ cái Ngã cá-thể của mình, chối bỏ những liên-hệ và trách-nhiệm , chối bỏ những luật-lệ thường ngày…,chúng ta sẽ đặt vào đó tòan-vẹn bộ giáo-lý Phúc-Âm làm căn-bản cho mọi sự.

 

Với Đức Ky-Tô, ta hiểu rằng theo Ngài, phục-vụ Ngài cũng như vâng-lời Ngài chính là tìm thấy sự tin-tưởng, an-bình và tự-do nhất cho lòng-trí, bởi vì Ngài là Đường, là Chân-lý và là Sự Sống. Cái tự-do này, cái giải-thoát khỏi mọi lo âu này, cái bình-an thảnh-thơi này, có phải là những yếu-tố lớn đưa ta vào Thiền không ?

 

Thế thì hãy thử ngồi xuống đi, để lòng mình lắng xuống, nhắm mắt lại, rồi đơn-giản nghĩ tới một tư-tưởng  nào đó từ sách Phúc-Âm.  Tha-hồ áp-dụng các kỹ-thuật cấp cao của nhà Thiền. Và hồn ta sẽ lâng-lâng với cuộc hạnh-ngộ tuyệt-vời nhờ thấy kết-hợp với chính Chúa.

 

Muốn gọi là mình được giác-ngộ ư ? Tốt lắm. Nằm gọn trong lòng Chúa (theo kiểu nói của thánh Au-gu-tinh) như thế, sao mà chẳng Ngộ cho được !

 

Trong lúc bên nhà Phật dạy rằng phải diệt dục để hết khổ, phải thấy rõ đời là vô-thường, phải tẩy sạch lòng trí khỏi mọi giáo-điều trói buộc, rồi mang những tâm-thức ấy vào cuộc tham Thiền, thì ở đây, ta mơ ước một điều duy-nhất là tìm theo thánh-ý Chúa và kết-hợp với Ngài. Thật giản-dị. Rất đơn-sơ. Thiền với Chúa như vậy khác chi ru ta vào giấc ngủ đầy hoa và mộng ?

 

Hãy thử bắt chước cha Sỹ-Qúy để tìm Thiền theo cách dễ-dàng đơn-giản nhất. Rồi ta sẽ quen.

Thiền theo phương-thức này chắc-chắn phải là cách cầu-nguyện cấp cao nhất ( đưa tâm hồn lên gặp-gỡ và kết-hợp với Chúa ).

 

Nào ta mở sách Phúc-Âm ra. Tốt hơn hết là theo thứ-tự các biến-cố cuộc đời, sinh-họat và việc giảng-dạy của Chúa Giê-su.

                              

Mở đầu với những chi-tiết về việc Ngài từ-bỏ trời cao, hạ mình xuống làm người, sinh nơi hang đá nghèo-hèn, chạy trốn qua Ai-cập, rồi về sống âm-thầm lam-lũ tại Nazareth…., chắc hẳn Thiền phái Đại-thừa bên Trung-hoa phải khâm-phục lắm. Chúa đâu có chịu thua Phật qua cái mục ‘cứu nhân độ thế’ ! Vậy là ta có bao đề tài để suy-niệm, để noi gương và để hy-vọng sẽ được đến cùng Ngài ( như lời phát-biểu của thánh-sử Gio-an : Còn những ai đón nhận Ngôi-lời thì được Ngài nâng lên hàng nghĩa-tử ).

 

Dịp Chúa khởi-sự cuộc rong-ruổi bước chân truyền-giáo, chắc ai cũng phải cảm-động khi đọc về các người cộng-tác và theo phục-vụ Chúa, từ Gioan tiền-hô tới các phụ-nữ thiện-nguyện, nhất là các môn-đệ và 12 tông-đồ : ai nấy đều từ-bỏ hầu như mọi sự. Đấy là cái mẫu gương tạo nên cái tự-do, khỏi bị vướng-mắc ràng-buộc trên đường tìm chân-lý. Không đáng cho ta noi gương và suy-niệm sao ?

 

Buổi đàm-luận của Chúa với học-giả Ni-cô-đê-mô mà không tuyệt-vời ư ? Câu chuyện ‘tái-sinh’ huyền-nhiệm trong Thánh-thần kêu gọi việc rũ-sạch mọi giá-trị và hiểu-biết cũ, để hòan-tòan ‘lột xác’ và đi vào khung-cảnh thần-linh mới. Ta tha hồ mà suy Thiền !

 

Có lẽ nhà học-giả này đã được ‘ngộ’ vào phút chót, để rồi đổi thay cả cuộc đời.

 

Gần như Ni-cô-đê-mô, người thiếu-phụ xứ Samaria cũng đã tình-cờ gặp Chúa, để rồi Ngài phá vỡ cái vỏ dĩ-vãng tối-đen của bà, giúp bà bước theo hướng đi mới, hoan-hỉ với ‘nước hằng sống’ Chúa hứa ban. Thật tốt để ta đem vào suy-niệm.

 

Khi mở tới đọan Chúa giảng về Tám Mối Phúc Thật, ta quen gọi là Bài Giảng Trên Núi, còn các chuyên-gia Thánh-kinh gọi là Hiến-Chương Nước Trời, ta sẽ đặc biệt gặp thấy những tư-tưởng cao-vời khác lạ bậc nhất từ miệng Chúa.

 

Nói về 8 mối Phúc thì mối nào cũng độc-đáo gây ngạc-nhiên và bất-ngờ. Tất cả đòi người nghe phải cau đôi mày và kẻ muốn thực-hiện phải xét lại khả-năng. Như đây là lời kêu-gọi ‘lột xác’ vì Nước Trời. Nhưng cái mối Phúc đầu tiên (phúc cho ai có tinh-thần nghèo-khó) quả thật đã như bao-trùm cả 7 mối kia để mời những ai muốn theo Chúa phải lột-xác tòan-vẹn.

 

Chúa xuống thế  không nhằm làm ta ra nghèo. Nghèo chắc gì đưa đến chữ yêu; nhưng nếu muốn thực sự yêu Chúa thì phải tập sống nghèo, như Ngài đã nên nghèo cho ta đựoc giàu no ơn-phúc. Ở đây Chúa không cấm ta sở-hữu của cải, có nhiều cũng không sao, miễn là đừng làm nô-lệ cho vật-chất, và tinh-thần không ham-mê tiền-bạc.

 

Suy về Thiền ở đây thật là tuyệt-vời. Nó luôn đòi ta thấy mình lúc nào cũng là trần-trụi, không làm chủ thứ gì, vì mãi ý-thức ‘của đời chóng qua’. Ngày đêm sẵn-sàng để Chúa ‘quấy rầy’ và đòi chuyển rời như Abraham xưa.

 

Cơ-nguyên của việc đòi-hỏi tình-nguyện nghèo ở đây là lòng phó-thác vẹn-toàn nơi Chúa. Khi ta dư-đầy, đâu cần Chúa đến giúp ! Đúng như lời mi gọi ‘Hãy lo tìm nước Trời trước, rồi Chúa sẽ lo-liệu cho mọi nhu-cầu sau’.

 

Nào khác chi với cái ý-niệm xa-tránh Tham Sân Si bên nhà Phật. Với đạo Chúa, nó còn vang-vọng một lời hứa ‘rồi nay mai sẽ có Nước Chúa Trời làm sản-nghiệp’, nghĩa là được chia-sẻ mọi sự cùng chính Đấng làm chủ cả vũ-trụ.

 

Đến đọan Chúa dậy các môn-đệ về cái nhu-cầu phải biết ‘từ bỏ mình’ mà theo Chúa thì ta lại càng tìm ra một đề-tài lý-thú nữa cho chuyện tìm Thiền. Thật tuyệt khi nghe Chúa khẳng-định rằng ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn kẻ nào sẵn-sàng bỏ mình thì sẽ giữ được ! Nghĩa là càng cho đi thì càng nhận được trở lại. Như hệt lời Chúa phán ở một nơi khác : Nếu hạt giống có rơi xuống đất, có thối đi thì mới mong có ngày nảy mầm rồi sinh ra đuợc bông lúa.

 

Phải chăng đây là hình-ảnh của Thiền đòi biến mình thành ra cái Vô trước, rồi mới mong nhìn ra cái Hữu ?

 

Tới lúc Chúa lên tiếng kêu gọi mọi người phải nên như con-trẻ, thì ta lại càng thấy bầu-khí Thiền ở chỗ cần rũ bỏ những mớ kiến-thức nặng-nề, những ‘túi khôn’ rởm đầy dị-hợm ai cũng ưa khóac lên mình, nhất là khi giao-tiếp với tha-nhân. Tâm-tư con-trẻ sẽ là cái điều-kiện không thể thiếu để hướng về cõi thần-thiêng.

 

Bài học đừng trói buộc mình vào những lề-luật bên ngoài và vô-nghĩa cũng giúp ta một đề-tài nữa : Không nên sống gỉa-hình, nhưng cần chú-trọng vào cái Tinh-thần, cái Tâm bên trong. Chính cái Tâm này làm nên giá-trị đích thực của đời ta.

 

Khi thánh Gio-An tả câu truyện Chúa chữa người mù từ bẩm sinh, cùng với những lời Chúa tuyên-bố cao-siêu của Chúa, ta mới nhìn ra cái tầm quan-trọng của sự ‘giác-ngộ’ trong tâm-tư những ai muốn theo Chúa. Nhiều khi ta bị mù trong hồn, bởi u-mê lầm-lạc, mà cứ ngỡ mình sáng. Thiền đòi ta ‘tỉnh-thức’ ở chỗ này.

 

Hãy dành chút thời-giờ ngồi suy-niệm về chuyện này. Thử nhắm mắt tưởng-tượng ta đang mù, hầu khao-khát được Chúa ban ánh-sáng vĩnh-cửu của Ngài.

 

Mẩu truyện ngắn-ngủi giữa Chúa và người thanh-niên xin theo làm môn-đệ Ngài (khi Ngài đòi về bán của-cải cho kẻ nghèo, thì anh đã tiu-nghỉu bỏ đi), cũng như những điều-kiện Chúa nêu ra cho ai muốn theo chân Ngài, thật sự cho ta thấy hình-ảnh ‘rũ bụi trần’ của Thiền : Cáo có hang, chim có tổ, nhưng ‘Con Người’ không có chỗ tựa đầu. Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Cầm cày không được ngó lại đằng sau.

 

Cũng không kém thú vị khi ta đọc tới khúc Chúa ghé thăm gia-đình thân ở Bê-ta-nia-a, với cái chi-tiết bà chị là Martha phàn-nàn với Chúa về người em là Maria không chịu phụ giúp mình trong việc bếp núc, vì cô này cứ muốn ngồi nghe lời Chúa. (Phúc-âm không nói tới cậu út là Lazarô, sau này chết  đã 4 ngày  được Chúa cho sống lại, lúc đó đang làm gì và ở đâu). Bấy giờ Chúa mới nhẹ-nhàng trách Martha : Con lo-lắng bối-rối về nhiều thứ quá, cái điều quan-trọng nhất của đời người thì em con đã chọn được, con có biết không ?

 

Lại một nẻo Thiền nữa ở chỗ này. Con người ưa làm đời mình ra phức-tạp rắc-rối, bày ra lắm thứ nhu-cầu không cần-thiết, để rồi trói-buộc mình vào tối ngày sáng đêm. Không nên ham-hố của đời mà thôi vẫn chưa đủ, nhưng còn phải bớt lo-lắng ăn gì mặc gì, rồi lại phải học ‘làm tóan trừ’ nữa : phải thường xuyên giảm-thiểu cái danh-sách về những điều-kiện thế này thế nọ mới có thể ‘sống’ được.

 

Với kẻ tin Chúa, điều cốt-yếu vạn-thuở vẫn là lắng nghe, tìm hiểu rồi đem ra thực-hành Lời của Ngài. Bởi Lời của Chúa đem ta đến gặp được chính Ngài.

 

Dụ-ngôn về người phú-hộ bất-nhân chỉ lo tích-trữ và hưởng-thụ của đời, mà rồi chẳng đoái-hòai chi tới anh hành-khất nghèo nằm ăn xin ngòai cửa, để rồi bị hình-phạt hỏa-ngục, cũng bổ-túc thêm cho đề-tài nói trên.

 

Không lâu sau, đó Chúa còn lên-tiếng  cảnh-cáo những người giàu (thiếu tinh-thần khó-nghèo) như sau : Con lạc-đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người-lắm-của-cải vào nước Trời !

 

Gần tới dịp Chúa chịu khổ-nạn, Ngài còn dạy một bài-học để đời : Của César hãy trả cho César, còn điều gì thuộc về Thiên-Chúa thì hãy trả cho Thiên-Chúa. Ai cũng niệm-suy được rằng cảnh-vực thần-linh không thể đem hòa lẫn với những yếu-tố trần-tục chóng qua.

 

Liên-tục kế-tiếp là lời khẳng-định về sự sống lại của mọi nhân-sinh; Dụ-ngôn 10 cô trinh-nữ nhắc-nhở thái-độ luôn sẵn-sàng tỉnh-thức; Câu-truyện Chúa rửa chân môn-đệ để dạy bài học khiêm-hạ và phục-vụ; Dụ-ngôn cây nho và nhánh nho đòi ta liên-kết với Chúa. Nhất nhất đều cho ta những đề-mục thật quý-gía để suy Thiền.

 

Bài Thiền chung-cuộc có thể dựa vào sự chết hào-hùng của Chúa để cứu chuộc mọi người. Chúa đã cho đi hết. Ngài đã đón nhận sự trống -rỗng, sự hủy-diệt tòan vẹn, để sau đó đón-nhận sự Phục-sinh vinh-hiển dài lâu.

 

Thiền với Chúa ? Còn gì cao-đẹp, ý-nghĩa hơn !

 


Trở về trang Mục Lục