Bài Giáo Lý của ĐTC: Lời Cầu Nguyện trong Phần Thứ Nhì của Sách Khải Huyền

Phaolô Phạm Xuân Khôi 9/14/2012

“Không có lời cầu nguyện nào là không cần thiết và vô dụng”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 41 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư ngày 12 tháng 9 năm 2012 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục bàn về cầu nguyện trong Thánh Kinh bằng cách suy niệm về lời cầu nguyện trong Phần Thứ Nhì của Sách Khải Huyền.

* * *

Anh chị em thân mến,

Thứ tư tuần trước tôi đã nói về cầu nguyện trong phần thứ nhất của Sách Khải Huyền, giờ đây chúng ta đi sang phần thừ nhì của sách. Trong lúc ở phần thứ nhất, lời cầu nguyện hướng về đời sống nội tại của Hội Thánh, thì phần thứ nhì chú ý đến toàn thể thế giới. Thực ra, Hội Thánh hành trình qua lịch sử, và là một phần của lịch sử theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Cộng đoàn lắng nghe sứ điệp của Thánh Gioan được người đọc trình bày, đã tái khám phá ra nhiệm vụ hợp tác trong việc phát triển Nước Thiên Chúa của mình như “các tư tế của Thiên Chúa và của Đức Kitô” (Kh 20:6, x. 1:5, 5:10), và nó mở ra cho thế giới của loài người. Ở đây, có hai cách sống trong một mối quan hệ biện chứng giữa họ. Cách sống thứ nhất có thể được gọi là “hệ thống của Đức Kitô,” mà cộng đoàn vui sướng thuộc về, và cách sống thứ nhì là “những hệ thống của thế gian chống lại Nước Trời và giao ước, bị tác động bởi ảnh hưởng của Thần Dữ”, là kẻ qua việc lừa dối con người, muốn xây dựng một thế giới chống lại thế giới mà Đức Kitô và Thiên Chúa muốn (x. Ủy ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Thánh Kinh và Luân Lý, Nguồn Gốc Thánh Kinh của Cách Sống Kitô giáo, 70). Cho nên cộng đoàn phải có khả năng giải thích trong chiều sâu lịch sử mà mình đang sống, qua việc học phân biệt các biến cố bằng đức tin để hợp tác bằng hành động trong việc phát triển Nước Thiên Chúa. Công việc giải thích và phân biệt này, cũng như hành động, phải được đi liền với cầu nguyện.

Trước hết, sau lời kêu gọi kiên trì của Đức Kitô, là Đấng trong phần thứ nhất của Sách Khải Huyền, đã nói bảy lần: “Ai có tai, hãy nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với Hội Thánh” (x. Kh 2:7,11,17,29; 3:6,13,22), cộng đoàn được mời lên Thiên Đàng để nhìn vào thực tại qua cặp mắt của Thiên Chúa; và ở đây chúng tôi tìm thấy ba biểu tượng, là những điểm qui chiếu mà từ đó chúng ta có thể giải thích lịch sử: ngai của Thiên Chúa, Chiên Con và cuốn sách (x. Kh 4:1 – 5:14).

Biểu tượng thứ nhất là cái ngai mà Thánh Gioan không mô tả Đấng ngồi trên đó, bởi vì Ngài siêu vượt bất kỳ cách diễn tả nào của loài người. Thánh nhân chỉ có thể gợi lên ý nghĩa về vẻ đẹp và niềm vui mà Thánh Nhân cảm thấy trước sự hiện diện của Ngài. Đấng bí ẩn này là Thiên Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng không còn đóng khung trên thiên đàng, nhưng đến gần con người, bước vào vào một giao ước với con người. Thiên Chúa, Đấng làm cho tiếng nói của Mình, biểu tượng bằng sấm sét, được người ta nghe thấy trong lịch sử, một cách bí nhiệm, nhưng có thật. Có một số yếu tố xuất hiện chung quanh ngai Thiên Chúa, như 24 kỳ lão và bốn sinh vật, không ngừng ca ngợi Chúa của lịch sử.

Như vậy biểu tượng thứ nhất là cái ngai. Biểu tượng thứ nhì là cuốn sách, trong đó có kế hoạch của Thiên Chúa cho các biến cố và cho loài người. Nó được niêm phong kín bằng bảy ấn tín, và không ai có thể đọc được nó. Trước sự bất lực của con người trong việc tìm biết kế hoạch của Thiên Chúa, Thánh Gioan cảm thấy một nỗi buồn sâu xa, đến nỗi ngài rơi nước mắt. Nhưng có một cách khắc phục sự mất tinh thần của con người trước sự huyền bí của lịch sử: có một người có thể mở cuốn sách và tiết lộ nó.

Và đây là biểu tượng thứ ba: Đức Kitô, Chiên Con đã bị giết trong Hy Tế Thập Giá, nhưng đang đứng như một dấu chỉ về sự Phục Sinh của Người. Và chính Chiên Con, là Đức Kitô đã chết và sống lại, từ từ mở niêm phong và tiết lộ kế hoạch của Thiên Chúa, ý nghĩa sâu xa của lịch sử.

Các biểu tượng này cho chúng ta biết những gì? Chúng nhắc cho chúng ta về cách thức phải biết giải thích những sự kiện bủa lịch sử và của cuộc đời mình ra sao. Bằng cách ngước mắt nhìn lên thiên đàng của Thiên Chúa, trong một quan hệ thường xuyên với Đức Kitô, bằng cách mở lòng trí mình ra cho Ngài trong lời cầu nguyện riêng và chung, chúng ta học nhìn vào những sự vật một cách mới mẻ và hiểu được ý nghĩa chân chính nhất của chúng. Cầu nguyện giống như một cửa sổ mở ra cho phép chúng ta luôn hướng đôi mắt về Thiên Chúa, không những chỉ để nhắc nhở chúng ta về mục tiêu mà mình đang hướng đến, mà còn để cho Thánh Ý Thiên Chúa soi sáng cuộc hành trình trần thế của mình, và giúp chúng ta sống với lòng nhiệt thành và quyết tâm.

Chúa hướng dẫn cộng đồng Kitô hữu đọc một cách sâu sắc hơn về lịch sử như thế nào? Trước hết và trên hết, qua việc mời gọi cộng đồng để tâm một cách hiện thực đến giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống. Vì thế Chiên Con mở bốn ấn tín đầu tiên của cuốn sách và Hội Thánh nhìn thấy thế giới, mà trong đó nó được đưa vào, một thế giới có nhiều yếu tố tiêu cực. Có những sự dữ mà con người vi phạm, như bạo lực, nảy sinh từ ước muốn chiếm hữu, tranh dành ưu thế với nhau, đến nỗi giết nhau (ấn tín thứ nhì); hay bất công, vì con người không tôn trọng luật pháp được ban hành cho họ (ấn tín thứ ba). Sau đó, thêm vào những sự dữ ấy là những sự dữ khác mà con người phải chịu, như sự chết, nạn đói, bệnh tật (ấn tín thứ tư). Phải đương đầu với những thực tại, thường là bi đát, cộng đồng Hội Thánh được mời gọi không bao giờ mất hy vọng, và tin chắc rằng sự toàn năng bề ngoài của Thần Dữ va chạm với sự toàn năng thật, là sự toàn năng của Thiên Chúa.

Và ấn tín thứ nhất mà Chiên Con mở ra chứa đựng chính thông điệp này. Thánh Gioan nói với chúng ta rằng: “Và tôi đã thấy, kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang cung. Người ấy được tặng một triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng” (Kh 6:2). Quyền năng của Thiên Chúa đã bước vào trong lịch sử loài người, một quyền năng không những chỉ có khả năng vô hiệu hóa sự dữ, nhưng thậm chí còn chinh phục nó. Màu trắng nhắc đến biến cố Phục Sinh: Thiên Chúa đã trở thành quá gần gũi với chúng ta đến nỗi Người đi xuống bóng tối của sự chết để chiếu sáng nó bằng ánh sáng huy hoàng của sự sống thần linh của Người: Người đã gánh lấy sự dữ của thế gian trên chính mình, để thanh tẩy nó bằng ngọn lửa tình yêu của Người.

Chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết về thực tại này của Kitô giáo như thế nào? Sách Khải Huyền cho chúng ta biết rằng cầu nguyện nuôi dưỡng cái nhìn về ánh sáng và niềm hy vọng sâu xa này trong mỗi ngưởi chúng ta và trong các cộng đồng của chúng ta: nó mời gọi chúng ta đừng để cho sự dữ khắc phục mình, nhưng thắng vượt sự dữ bằng điều lành, nhìn lên Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, là Đấng kết hợp chúng ta trong chiến thắng của Người. Hội Thánh sống trong lịch sử, không khép kín mình; nhưng can đảm đối diện với cuộc hành trình của mình giữa những khó khăn và đau khổ, bằng cách dứt khoát quả quyết rằng, chung cuộc sự dữ không chiến thắng được sự tốt lành, và bóng tối không làm lu mờ vinh quang của Thiên Chúa.

Đây là một điểm quan trọng đối với chúng ta; như những Kitô hữu, chúng ta không bao giờ có quyền bi quan; chúng ta biết rõ rằng dọc theo cuộc hành trình của cuộc đời, chúng ta thường gặp bạo lực, dối trá, thù hận và khủng bố, nhưng những điều đó không làm chúng ta nản chí. Trên hết, là kinh nguyện này dạy chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ của Thiên Chúa, của sự hiện diện và hành động của Ngài; thật ra, [nó dạy chúng ta] trở thành những ánh sáng của sự tốt lành tỏa rộng niềm hy vọng và chỉ về chiến thắng của Thiên Chúa.

Quan điểm này đưa chúng ta đến việc dâng lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa và Chiên Con: 24 kỳ lão và bốn sinh vật cùng hát “bài ca mới” mừng công trình của Đức Kitô, Chiên Con, Đấng làm cho “tất cả thành mới” (Kh 21:5). Nhưng sự đổi mới này trước hết và trên hết là một hồng ân mà chúng ta phải xin. Và ở đây chúng ta tìm thấy một yếu tố khác là nét đặc thù của cầu nguyện: sự tha thiết cầu xin Chúa rằng Nước Ngài trị đến, và xin cho con người có trái tim biết vâng phục chủ quyền của Thiên Chúa, xin cho Thánh Ý Ngài định hướng cuộc đời chúng ta và cuộc sống của thế giới.

Trong thị kiến chứa đựng trong Sách Khải Huyền, lời cầu xin này được đại diện bởi một chi tiết quan trọng: “24 kỳ lão” và “bốn sinh vật” cầm trong tay, cùng với cây đàn hạc đi kèm với bài hát của họ, “một cái chén bằng vàng đầy nhũ hương” (5:8 a), như được giải thích, “là những lời cầu nguyện của các thánh” (5:8 b); nghĩa là, nói về những người đã được lên với Thiên Chúa, còn tất cả chúng ta là những người đang lữ hành.

Và trước ngai Thiên Chúa, chúng ta thấy một thiên sứ đang cầm một bình hương bằng vàng, trong đó thiên sứ liên tục bỏ vào những hạt hương, như những lời cầu nguyện của chúng ta, mà hương thơm ngạt ngào được dâng cùng với những lời cầu nguyện lên trước nhan Thiên Chúa (x. Kh 8:1-4). Đó là một biểu tượng cho chúng ta biết rằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta, với tất cả những giới hạn, khó khăn, nghèo khổ, khô khan, yếu điểm mà chúng có thể có, được thanh lọc và lên đến tận trái tim của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta phải tin chắc rằng không có lời cầu nguyện nào là không cần thiết và vô dụng; không lời nào bị mất đi. Và chúng sẽ được trả lời, ngay cả thường bí ẩn, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và Lòng Thương Xót vô hạn. Thánh Gioan viết rằng Thiên sứ “cầm bình hương, lấy lửa trên bàn thờ bỏ đầy vào và ném xuống đất. Liền có tiếng sấm, tiếng sét, ánh chớp và động đất” (Kh 8:5).

Hình ảnh này có nghĩa là Thiên Chúa không coi thường lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài can thiệp và làm cho người ta cảm thấy quyền lực của Ngài và nghe được tiếng nói của Ngài trên trái đất, Ngài làm cho hệ thống của Sự Dữ bị rung chuyển và phá vỡ chúng. Thông thường thi khi chạm trán với sự dữ, chúng ta cảm thấy bất lực, nhưng cầu nguyện là phản ứng đầu tiên và hiệu quả nhất mà chúng ta có thể dâng lên và điếu ấy củng cố quyết tâm truyền bá sự tốt lành hàng ngày của chúng ta. Quyền năng của Thiên Chúa làm cho sự yếu đuối của chúng ta thành hiệu quả (x. Rm 8:26-27).

Tôi muốn kết luận bằng cách nhắc đến cuộc đối thoại cuối cùng (x. Kh 22:6-21). Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần: “Này, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22:7, 12). Lời tuyên bố ấy không những chỉ cho thấy viễn cảnh tương lai của thời sau hết; nhưng còn chỉ về hiện tại: Chúa Giêsu đến, Người thiết lập nơi cư ngụ của Người trong những ai tin vào Người và đón nhận Người. Sau đó, cộng đoàn, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, lặp đi lặp lại cho Chúa Giêsu lời mời khẩn cấp xin Người đến gần hơn, “Xin hãy đến” (Kh 22:17). Như “nàng dâu” (22:17) đang nóng lòng mong đợi sự viên mãn của cuộc hôn nhân. Lần thứ ba lời cầu xin được nhắc lại: “Amen. Xin hãy đến, Lạy Chúa Giêsu” (22:20 b), và người đọc kết thúc bằng một cụm từ chứng tỏ ý nghĩa của sự hiện diện này: “Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu với tất cả các Thánh” (22:21).

Sách Khải Huyền, bất chấp sự phức tạp của các biểu tượng, lôi cuốn chúng ta vào một kinh nguyện rất phong phú. Vì thế, chúng ta cũng được nghe, ngợi khen, cảm tạ, và chiêm ngắm Chúa, cùng cầu xin ơn tha thứ. Cấu trúc của nó như một kinh nguyên phụng vụ cộng đồng cao cả, cũng là một lời nhắc nhở hùng hồn để tái khám phá sự phi thường và quyền năng biến đổi của Bí Tích Thánh Thể. Tôi muốn đặc biệt thôi thúc anh chị em trung thành với Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, trung tâm và trái tim thật sự của tuần lễ! Sự phong phú của lời cầu nguyện trong Sách Khải Huyền làm cho chúng ta nghĩ về một viên kim cương, trong đó có hàng loạt những góc cạnh hấp dẫn, nhưng sự quý báu của nó nằm ở độ tinh khiết của cốt lõi của nó. Như thế, các hình thức gợi ý của kinh nguyện mà chúng ta gặp trong Sách Khải Huyền làm cho sự quý giá độc đáo và không thể diễn tả được của Chúa Giêsu Kitô được tỏa sáng. Xin cảm ơn anh chị em.