Bài Giáo Lý của ĐTC về Năm Đức Tin: Thiên Chúa là Cha Toàn Năng

Phaolô Phạm Xuân Khôi1/31/2013

 “Chính ở đó, trên Thánh Giá vinh quang, là nơi biểu hiện của sự cao cả của Thiên Chúa như “Cha Toàn Năng.”

Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ mười lăm của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Sảnh Đường Phaolô VI hôm thứ tư ngày 30 tháng 1, 2013. Hôm nay ĐTC tiếp tục những bài Giáo Lý về Kinh Tin Kính trong loạt Bài Giáo Lý về Đức Tin.

* * *

Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý Thứ Tư tuần trước, chúng ta đặt trọng tâm vào những lời của Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa.” Tuy nhiên, bản tuyên xưng đức tin xác định lời tuyên bố này: Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Thành trời đất. Như vậy giờ đây tôi muốn cùng anh chị em suy niệm định nghĩa cơ bản đầu tiên về Thiên Chúa mà Kinh Tin Kính cho chúng ta: Ngài là Cha của chúng ta.

Ngày nay nói về đạo làm cha không phải là điều luôn luôn dễ dàng. Đặc biệt là ở Tây Phương, việc các gia đình bị tan vỡ, việc say mê nghề nghiệp mỗi ngày một gia tăng, những lo âu và thường cố gắng cân bằng ngân sách gia đình, sự hiện diện khắp nơi của các phương tiện truyền thông trong đời sống hàng ngày với những phân tâm của chúng là những yếu tố có thể ngăn cản một mối liên hệ an bình và xây dựng giữa những người cha và con cái. Đôi khi việc truyền thông trở nên khó khăn, niềm tin bị yếu dần và mối liên hệ với khuôn mặt người cha có thể trở thành vấn đề; và do đó việc tưởng tượng Thiên Chúa như một người cha cũng trở nên khó khăn vì không có những mô hình đầy đủ để qui chiếu. Đối với những người đã có kinh nghiệm về một người cha quá độc đoán và thiếu linh động, hoặc thờ ơ và thiếu tình cảm, hoặc thậm chí vắng mặt, thì không dễ dàng để nghĩ một cách bình thản về Thiên Chúa như Người Cha và phó thác cho Ngài với lòng tin tưởng.

Tuy nhiên mặc khải trong Thánh Kinh giúp chúng ta khắc phục những khó khăn này bằng cách nói với chúng ta về một Thiên Chúa, Đấng chỉ cho chúng ta việc làm “cha” thật có nghĩa là gì, và đặc biệt là Tin Mừng cho thấy Thánh Nhan Thiên Chúa như một Người Cha yêu thương đến nỗi ban cả chính Con Ngài để cứu độ nhân loại. Như thế việc quy chiếu về khuôn mặt người cha giúp chúng ta hiểu ít nhiều về tình yêu của Thiên Chúa, là điều, tuy nhiên, vẫn còn vô cùng lớn hơn, trung thành hơn, tổng thể hơn so với bất cứ người nào. Chúa Giêsu nói rằng “Có ai trong các con, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá sao? Hay nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con là những người tội lỗi, mà còn biết cho con cái các con những quà tốt, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, lại chẳng ban cho những ai cầu xin Ngài những của tốt lành bội phần sao?” (Mt 7:9-11; x. Lc 11:11-13. ). Thiên Chúa là Cha chúng ta vì Ngài đã chúc lành và chọn chúng ta trước khi tạo thành thế gian (x. Eph 1:3-6), Ngài đã làm cho chúng ta thực sự thành con cái trong Chúa Giêsu (x. 1 Ga 3:1). Và, như Người Cha, Thiên Chúa đồng hành cùng chúng ta trong cuộc đời với tình yêu, bằng cách ban cho chúng ta Lời Ngài, các giáo huấn của Ngài, ân sủng của Ngài và Thần Khí của Ngài.

Ngài, như được mặc khải trong Chúa Giêsu, là Chúa Cha, Đấng nuôi nấng chim trời mà không bắt chúng phải gieo gặt, và trang điểm những bông hoa ngoài đồng bằng những mầu sắc tuyệt vời, với y phục đẹp hơn những y phục của vua Salômôn (x. Mt 6:26- 32 và Lc 12:24-28). Chúa Giêsu nói thêm rằng chúng ta có giá trị hơn nhiều so với hoa và chim trên trời! Và nếu Ngài đủ tốt lành để làm cho “mặt trời của Ngài mọc lên soi cả người xấu lẫn người tốt, và mưa xuống trên cả người công chính lẫn người bất chính.” (Mt 5:45), thì chúng ta có thể luôn luôn tin thác vào sự tha thứ của Cha, mà không sợ hãi và hoàn toàn tin tưởng, khi chúng ta sai lạc. Thiên Chúa là Người Cha tốt lành đón chào và ôm chầm lấy người con lạc đường và ăn năn (x. Lc 15:11 tt), Ngài tự ý ban mình cho những ai cầu xin Ngài (x. Mt 18:19, Mc 11:24, Ga 16:23), cùng ban bánh bởi trời và nước hằng sống là bánh và nước ban sự sống đời đời (x. Ga 6:32;51;58).

Chính vì thế mà người cầu nguyện bằng Thánh Vịnh 27 bị kẻ thù bao quanh, bị ác nhân và những kẻ vu cáo bao vây, trong khi tìm trong kinh nguyện sự trợ giúp từ Chúa, và kêu cầu Ngài, có thể cho chúng ta một lời chứng đầy đức tin khi ông nói: “Dầu cha mẹ con đã bỏ con, thì Chúa cũng sẽ đón nhận con.” (câu 10). Thiên Chúa là Cha, Ngài không bao giờ bỏ rơi con cái Ngài, một Người Cha đầy yêu thương nâng đỡ, trợ giúp, đón chào, tha thứ, giải cứu với một lòng trung thành vượt trên lòng trung thành của con người rất nhiều, để mở ra một bình diện của cõi vĩnh hằng. “Vì tình yêu của Ngài tồn tại đến muôn đờì”, được lặp lại sau mỗi câu của Thánh Vịnh 136 như một kinh cầu, phác họa lại lịch sử cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa Cha không bao giờ phai tàn, Ngài không bao giờ chán ngán chúng ta; Ngài là tình yêu tự hiến đến cực đoan, thậm chí đến nỗi hy sinh Con Ngài. Đức tin cho chúng ta sự chắc chắn này, là điều trở thành một đá tảng vững chắc trong việc xây dựng cuộc đời chúng ta: chúng ta có thể đương đầu với tất cả những giây phút khó khăn và nguy hiểm, kinh nghiệm về đen tối của cuộc khủng hoảng và của những thời gian đau khổ, được nâng đỡ bởi đức tin của mình rằng Thiên Chúa không bỏ chúng ta một mình và luôn luôn ở gần, để cứu chúng ta và đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

Chính trong tình yêu của Chúa Giêsu mà Thánh Nhan nhân từ của Cha trên trời được tỏ lộ một cách trọn vẹn. Chính nhờ biết Người mà chúng ta cũng có thể biết Chúa Cha (x. Ga 8:19; 14:7); chính nhờ thấy Người mà chúng ta có thể thấy Chúa Cha, bởi vì Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người (x. Ga 14:9-11). Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” như bài thánh thi của Thư gửi tín hữu Côlôxê định nghĩa Người, “ là trưởng tử của mọi tạo vật,…là người đầu tiên sinh ra từ cõi chết”,”Nhờ Người chúng ta được ơn cứu độ, được ơn tha tội” và hòa giải muôn loài “dù là loài dưới đất hay trên trời trong khi đem lại bình an nhờ máu Người trên thập giá” (x. Col 1:13-20).

Đức tin vào Thiên Chúa Cha đòi buộc chúng ta phải tin vào Chúa Con, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong khi nhận ra trong Thánh Giá cứu độ mặc khải cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta qua việc ban cho chúng ta Con Ngài. Thiên Chúa là Cha chúng ta qua việc tha thứ tội lỗi chúng ta và đem chúng ta đến niềm vui của cuộc sống phục sinh. Thiên Chúa là Cha chúng ta qua việc ban cho chúng ta Thần Khí làm cho chúng ta thành con cái và cho phép chúng ta gọi Ngài, trong Chân Lý, là “Abba, Lạy Cha!” (x. Rm 8:15). Vì vậy, khi dạy chúng ta cầu nguyện, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thưa “Lạy Cha” (Mt 6:9-13; x Lc 11:2-4).

Như thế, việc làm Cha của Thiên Chúa là tình yêu và sự ân cần vô hạn nghiêng mình trên chúng ta, những người con yếu đuối, thiếu thốn tất cả mọi sự. Thánh Vịnh 103, bài thánh thi tuyệt vời về lòng thương xót của Thiên Chúa, công bố: “Như người cha xót thương con cái mình, Chúa cũng xót thương những kẻ kính sợ Ngài. Vì Ngài biết chúng ta được tạo nên bằng gì, Ngài nhớ rằng chúng ta chỉ là cát bụi.” (cc 13-14). Chính sự bé nhỏ của chúng ta, bản tính nhân loại yếu hèn của chúng ta và sự mỏng dòn của chúng ta trở nên một lời khẩn cầu với lòng thương xót của Chúa để Ngài biểu lộ sự cao cả và sự ân cần của một người Cha bằng cách giúp đỡ chúng ta, tha thứ cho chúng ta và cứu độ chúng ta.

Và Thiên Chúa đáp lại lời khẩn cầu của chúng ta bằng cách sai Con Một Ngài, Đấng đã chết và đã sống lại vì chúng ta. Người bước vào sự yếu đuối của chúng ta và làm điều mà đơn phương con người không bao giờ có thể làm được: Người tự mình gánh lấy tội lỗi của thế gian, như một chiên con vô tội, và mở lại cho chúng ta con đường đến hiệp thông với Thiên Chúa, làm cho chúng ta thật sự thành con cái Thiên Chúa. Chính ở đó, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, là nơi mà Thánh Nhan dứt khoát của Chúa Cha được tỏ lộ trong tất cả ánh quang của nó. Và chính ở đó, trên Thánh Giá vinh quang, là nơi biểu hiện của sự cao cả của Thiên Chúa như “Cha Toàn Năng.”

Nhưng chúng ta có thể thắc mắc: làm sao chúng ta có thể nghĩ đến một Thiên Chúa toàn năng khi nhìn lên Thánh Giá của Đức Kitô? Trên đó quyền năng của sự dữ đi xa đến nỗi giết Con Thiên Chúa? Chúng ta chắc chắn muốn một sự toàn năng của Thiên Chúa theo kiểu mẫu tư tưởng và ước muốn của mình: một Thiên Chúa “toàn năng” là Đấng giải quyết những vấn đề, Đấng can thiệp để giúp chúng ta tránh khỏi những khó khăn, Đấng chiến thắng các quyền lực đối nghịch, Đấng thay đổi tiến trình của các biến cố và loại bỏ đau khổ. Vì thế ngày nay nhiều thần học gia nói rằng Thiên Chúa không thể toàn năng, nếu không thì đã không có thể có quá nhiều đau khổ, quá nhiều sự dữ trên thế gian. Thực ra, đứng trước sự dữ và đau khổ, đối với nhiều người và đối với chúng ta, việc tin vào Thiên Chúa là Cha và tin rằng Ngài toàn năng trở nên một vấn đề, một điều khó khăn; một số người đang tìm trú ẩn nơi các ngẫu tượng, bằng cách nhượng bộ cám dỗ để tìm một câu trả lời nơi một sự toàn năng được coi là “ma thuật” và những lời hứa hão huyền của nó.

Tuy nhiên, đức tin vào Thiên Chúa toàn năng đẩy chúng ta qua những con đường rất khác: học để biết rằng những tư tưởng của Thiên Chúa khác với của chúng ta, những con đường của Thiên Chúa khác với những con đường của chúng ta (x. Is 55:8), và ngay cả sự toàn năng của Ngài cũng khác: nó không được diễn tả như là một sức mạnh tự động hoặc tùy ý, nhưng được đánh dấu bằng một sự tự do yêu thương và phụ tử. Thực ra, Thiên Chúa, qua việc tạo ra các sinh vật tự do, ban cho chúng sự tự do, đã từ bỏ một phần quyền năng của Ngài, để cho chúng ta có khả năng dùng sự tự do của mình. Vì vậy, Ngài yêu thương và tôn trọng sự tự do đáp trả lời mời gọi của Ngài bằng tình yêu của chúng ta. Là một người Cha, Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên con cái của Ngài và sống như vậy trong Con Ngài, trong sự hiệp thông, trong sự mật thiết hoàn toàn với Ngài. Sự toàn năng của Ngài không được diễn tả bằng bạo lực, không được diễn tả trong việc tiêu diệt tất cả các quyền lực đối nghịch như chúng ta muốn, nhưng được diễn tả trong tình yêu, lòng thương xót, sự tha thứ, việc chấp nhận sự tự do của chúng ta và không ngừng kêu gọi sự hoán cải của tâm hồn, trong một thái độ chỉ xem ra có vẻ yếu đuối - Thiên Chúa dường như yếu đuối, nếu chúng ta nghĩ về việc Chúa Giêsu Kitô cầu nguyện, và để cho Người bị giết chết. Đó là một thái độ có vẻ yếu đuối, bao gồm kiên nhẫn, hiền hậu và tình yêu, cho thấy rằng đó là cách thế thật sự để thành mạnh mẽ! Đó là quyền năng của Thiên Chúa! Và quyền năng này sẽ chiến thắng! Hiền nhân của Sách Khôn Ngoan thưa cùng Thiên Chúa cách này: “Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải. Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu,... Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa, lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống.” (11:23-24, 26).

Chỉ có ai thực sự có quyền năng mới có thể chịu đựng nổi sự dữ và tỏ lòng từ bi; chỉ có ai thực sự có quyền năng mới có thể thực sự tận dụng sức mạnh của tình yêu. Và Thiên Chúa, Đấng mà tất cả mọi sự đều thuộc Ngài vì mọi sự đều được dựng nên bởi Ngài, biểu lộ sức mạnh của mình bằng cách yêu thương tất cả mọi người và tất cả mọi sự, bằng cách kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải của loài người chúng ta, là những người mà Ngài muốn có như con cái. Thiên Chúa chờ đợi sự hoán cải của chúng ta. Tình yêu toàn năng của Thiên Chúa không có giới hạn, đến độ “Ngài đã không tha cho chính Con Ngài, nhưng trao nộp Người vì tất cả chúng ta” (Rm 8:32). Sự toàn năng của tình yêu không phải là sự toàn năng của quyền lực thế gian, nhưng là món quà hoàn toàn tự hiến, và Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, mặc khải cho thế gian sự toàn năng thật của Chúa Cha, bằng cách ban sự sống của Người cho những kẻ tội lỗi là chúng ta. Đây là quyền năng thực sự, chân chính và hoàn hảo của Thiên Chúa: đáp lại sự dữ không bằng sự dữ nhưng bằng sự lành, đáp lại những lời lăng nhục bằng sự tha thứ, đáp lại hận thù giết người bằng tình yêu ban sự sống. Vì vậy, sự dữ thực sự bị chinh phục vì nó đã được tình yêu của Thiên Chúa rửa sạch; do đó sự chết cuối cùng bị đánh bại, bởi vì được biến đổi thành hồng ân sự sống. Thiên Chúa Cha cho Chúa Con sống lại: cái chết, kẻ thù vĩ đại (x. 1 Cor 15:26), bị nuốt trửng cùng chất độc của nó bị tước đoạt (x. 1 Cor 15:54-55), nên chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và có thể đến gần thực tại làm con cái Thiên Chúa của mình.

Vì vậy, khi chúng ta nói “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng,” chúng ta bày tỏ đức tin của mình trong quyền năng của tình yêu Thiên Chúa là Đấng, trong cái chết của Con Ngài, đã đánh bại hận thù, sự dữ và tội lỗi cùng mở cửa cho chúng ta vào sự sống đời đời, là sự sống của những con cái muốn được mãi mãi ở trong “Nhà Cha”. Việc nói: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng”, trong quyền năng của Ngài, theo cách làm Cha của Ngài, luôn luôn là một hành động của đức tin, của việc hoán cải, của việc biến đồi tâm trí, tất cả tình yêu và toàn thể cách sống của chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Chúa duy trì đức tin của mình, giúp chúng ta thực sự tìm thấy đức tin cùng ban cho chúng ta sức mạnh để rao giảng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh cùng làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Xin Thiên Chúa cho chúng ta có thể nhận được món quà “làm con” của mình, để sống trọn vẹn thực tại của Kinh Tin Kính, trong khi phó thác cho tình yêu của Chúa Cha và sự toàn năng đầy thương xót của Ngài, Đấng là chân lý toàn năng và cứu độ chúng ta.

 


Tủ Sách Giáo Lý