Thỉnh-thoảng người ta vẫn nói, không thể có giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II nếu không có hồng-y Ratzinger, và ngược lại không có hồng-y Ratzinger nếu không có giáo-chủ-Gio-an Phao-lô  II. Ngài là một nhà thần-học thiên-tài bên cạnh một nhà triết-học. Nhưng đã không ai biết được mục-tiêu của Giáo-chủ và rõ đươc ý-nghĩ của Ratzinger. Ngài đã đóng-góp nhiều cho triều-đại giáo-chủ này. Nếu không có cặp Wojtyla – Ratzinger thì Giáo-hội vào cuối thiên niên-kỉ này có lẽ đã khác.

 

Đó là câu mà tôi tất-nhiên không thể trả lời được. Nhưng tôi muốn cảnh-báo là không nên đánh-giá quá cao vai-trò của tôi. Dĩ-nhiên tôi được giao-phó một nhiệm-vụ quan-trọng, Giáo-chủ tín-nhiệm tôi, chúng tôi đã và sẽ tiếp-tục bàn và thảo với nhau về một số giáo-huấn quan-trọng. Vì thế trong các tài-liệu huấn-giáo của Giáo-chủ đều có một phần tiếng nói của tôi và chắc-chắn tôi đã dự phần trong việc xây-dựng nên giáo-triều này. Nhưng Giáo-chủ cũng có đường-hướng riêng của ngài.

Trước khi tôi tới ngài đã bắt đầu với bộ ba thông-điệp về Đấng cứu-chuộc nhân-loại, về Chúa Thánh-linh và về Lòng nhân-từ của Chúa rồi. Về lãnh-vực luân-lí xã-hội ngài cũng đã bắt đầu với ba tông-thư nói về vấn-đề học-thuyết xã-hội công giáo. Đó là những thứ xuất-phát từ kinh-nghiệm sống và từ triết-học riêng của ngài. Cả nhiệt-tình đại-kết nóng-bỏng cũng là điều nằm sâu trong tâm-trí và mọc rễ ngay trong cá-tính con người ngài – chữ „mọc rễ“ có lẽ thiếu năng-động, tôi muốn nói là cái làm ngài bận-tâm và thúc-đẩy ngài. Ngoài ra ngài dĩ-nhiên cũng có trao-đổi với tôi, mà không chỉ với tôi, về những đề-tài lớn. Ở đây chúng tôi có sự hoà-hợp thâm-sâu. Rồi đây hoàn-vũ Ki-tô giáo và nhân loại sẽ phán-quyết về sự ích-lợi của chuyện hoà-hợp làm việc này.

 

Có khi nào hai người bất đồng quan-điểm? Đã có lần nào ngài phản-đối hoặc chối-từ Giáo-chủ?

 

Bất đồng đúng nghĩa thì không có. Dĩ-nhiên, khi trao-đổi thông-tin cũng có lúc chúng tôi cho nhau biết điểm này điểm kia không đúng hoặc chưa biết rõ. Hoặc khi tranh-luận mỗi người có thể có cái nhìn khác nhau về vấn-đề. Nhưng bất đồng quan-điểm đúng nghĩa thì chưa bao giờ xẩy ra. Và tôi cũng chưa bao giờ chối-từ ngài điều gì.

 

Sinh-hoạt chung giữa hai người diễn ra cụ-thể như thế nào? Ngài gặp Giáo-chủ thường đều?

 

Trước hết là những buổi làm việc thông-thường. Bình-thường mỗi chiều tối thứ sáu trưởng Bộ tới gặp Giáo-chủ và thông-báo các kết-quả của Bộ mình (mỗi tháng một lần viên thư-kí Bộ làm báo-cáo này, đôi khi buổi tiếp-kiến bị bãi-bỏ). Đó là buổi làm việc thông-thường, qua đó chúng tôi trình cho Giáo-chủ về công-việc của chúng tôi. Giáo-chủ có sẵn tài-liệu làm việc trên bàn. Chúng tôi tường-trình kết-quả và Giáo-chủ quyết-định. Cũng có những buổi làm việc bất thường khi nhu-cầu đòi-hỏi.

Thời Phao-lô  VI đã có lệ nghỉ ngày thứ ba. Gio-an Phao-lô  II cũng tiếp-tục lệ đó. Ngài lợi-dụng ngày nghỉ trước giờ ăn trưa độ một đến một tiếng rưỡi cho mời một nhóm nhỏ tới chuyện-trò rồi cùng dùng bữa chung. Nhờ đó chúng tôi có thể gặp-gỡ trao-đổi với nhau từ 12 giờ tới 15 giờ. Buổi gặp này xẩy ra tương-đối đều và là cách gặp thứ hai. Vòng này lớn hơn, còn buổi chiều tối thứ sáu chỉ có mình tôi với Giáo-chủ.

Giáo-chủ tuỳ nhu-cầu triệu-tập những nhóm trao-đổi với những nhân-sự khác nhau - hoặc có thể là các giám-mục của một nước chẳng hạn -, qua đó mỗi người lần-lượt phát-biểu ý riêng trong vòng vài ba phút rồi thảo-luận chung. Nghĩa là Giáo-chủ muốn được thông-tin để nắm vững quan-điểm của hai phía, nếu như có sự trái-ngược nhau, hầu từ đó lần đi tới quyết-định đúng. Tóm lại có hai cách làm việc quan-trọng nhất, lần tiếp-kiến chiều thứ sáu và cuộc thảo-luận buổi trưa.

 

Ngài có thể kể ra một vài đề-tài nói chuyện trong những lần tiếp-kiến?

 

Đó là những đề-tài cần phải đi tới một quyết-định. Từ vấn-đề thần-học giải-phóng tới vai-trò các nhà thần-học trong Giáo-hội, các vấn-đề liên-quan tới luân-lí sinh-học v.v .. nghĩa là những vấn-đề của Bộ.

Khi phải thực-hiện những dự-án lớn thì chúng tôi trao-đổi tài-liệu cho nhau đều-đặn. Chẳng hạn như muốn ra một Tông-huấn, chúng tôi thảo-luận xem cần phải hình thành như thế nào. Sau khi đã có dự-thảo, chúng tôi lại thảo-luận trên tài-liệu đó. Chúng tôi không bao giờ đột-ngột trình ngài những đề-tài lớn, mà luôn can-thiệp bàn-luận với ngài từng giai-đoạn. Ngài nắm vững diễn-tiến và đôi khi trực-tiếp bắt tay vào từng giai-đoạn.

 

Sau đó Giáo-chủ có hỏi sự-việc ra làm sao rồi không?

 

Khi không được chúng tôi báo-cáo thì ngài hỏi.

 

Là quốc trưởng, Giáo-chủ là ông hoàng chuyên-chế cuối cùng ở Âu châu, là người đứng đầu Giáo-hội và là kế vị của tông-đồ Phêrô, ngài là tiếng nói sau cùng về những gì thuộc giáo-huấn đức tin. Vatican được xem là quá già-cỗi. Người ta bảo đó là một nhóm cụ già chỉ biết có mình mà thôi, chẳng còn quan-tâm gì tới nỗi âu-lo và khó-khăn của các cộng-đoàn giáo-xứ bên ngoài. Sự chậm-chạp kéo lê bất tận của Vatican đã trở thành châm-ngôn. Là một người trong cuộc, ngài thấy gì về hình-ảnh Vatican?

 

 Vatican trước hết là một quốc-gia, mà Giáo-chủ là quốc trưởng. Về lí-thuyết, đúng là ngài có mọi quyền trong tay, nhưng trên thực-tế ngài gần như chẳng bao giờ sử-dụng các quyền đó. Đó là một quốc-gia tí-hon, có một bộ máy hành-chánh gọi là Governatoraro, nghĩa là có một chính-phủ. Ngày nay còn có ban đại-diện cộng-sự viên nữa. Nghĩa là Vatican không đến nỗi lạc-hậu như người ta vẫn tưởng.

Về câu hỏi khác của ông: Đúng, Giáo-chủ là vị tối-cao canh-chừng đức tin, nhưng ngài không quyết-định một cách chuyên-chế, mà luôn lắng-nghe các giám-mục. Rõ-ràng Vatican làm việc chậm-chạp. Có nhiều lí-do, thứ nhất là vì công-việc ở đó phải thông qua quá nhiều tầng ban, thứ đến là vì sự cẩn-trọng bắt-buộc phải thế. Ngoài ra chậm một phần cũng là do ít người, và nơi đây diễn ra quá nhiều chuyện trong cùng một lúc nên mỗi sự-việc không tiến-hành được nhanh như mình muốn. Nhưng tôi không xem chậm là một khuyết điểm. Những việc ở đó, chẳng hạn như việc lãnh-đạo Giáo-hội, không nên giải-quyết hấp-tấp, mà cần phải kiên-nhẫn. Một số vấn-đề tự nó được giải-quyết với thời-gian mà chẳng cần phải quyết-định ngay.

Dĩ-nhiên các hồng-y đều già hoặc chẳng còn trẻ. Ưu điểm là nhờ kinh-nghiệm tuổi-tác nên các quyết-định chín-chắn hơn. Nhưng phải lưu-ý rằng thành-phần trẻ cũng có mặt. Chúng tôi đưa ra lệ, hễ nhận người vào làm thì người đó phải dưới 35 tuổi và không bao giờ được ở mãi trong Vatican, nhờ thế đã không thiếu tiếng nói của thành-phần trung-niên.

 

Người ta bảo, trước hết phải nắm đường đi nước bước của trò chơi quyền-lực trong Vatican đã, sau đó phải biết cách tham-gia.

 

Đúng ở một khía-cạnh, bởi vì đó cũng là nơi tiến thân và vì thế phải học cách tiến thoái để đi lên chứ nếu không thì bị đào-thải nhanh-chóng. Điều đó có, là vì trong Vatican cũng chỉ toàn là những con người bình-thường. Nhưng tôi thú thật tôi biết rất ít về chuyện đó. Khi vào đây, tôi đã là một hồng-y, không cần bận-tâm với quyền-lực hay danh-vọng tiến thân nên cũng chẳng quan-tâm gì tới chuyện này.

 

Có cái gì ở Vatican làm ngài bực mình không?

 

Tôi tin là có. Có lẽ nên giảm bớt bộ máy hành-chánh, nhưng ở đây tôi không có một đề-nghị cụ-thể nào. Các cơ-quan chẳng có bao nhiêu người, và so với con số tín-hữu hoàn-vũ thì cũng không phải là guồng máy hành-chánh quá lớn. Nhưng dù vậy, câu hỏi chính-đáng là có thể bớt nạn bàn-giấy rườm-rà để công-việc được hữu-hiệu hơn không. Song tổng-quan mà nói, tôi rất hài-lòng với sinh-hoạt trong Bộ của tôi. Điều làm cá-nhân tôi không thích là phải ôm-đồm nhiều quá. Trong thực-tế tôi thấy thật khó mà hoàn-thành được tất-cả nhiệm-vụ giao-phó. Tôi tự hỏi không biết làm sao để mình còn chu-toàn được việc trong những Bộ khác, và còn có chút giờ cho mình và cho những giao-tiếp riêng-tư.

 

Ngài có tên trong bao nhiêu bộ trong giáo-triều?

 

Trong năm bộ, hai hội-đồng và một uỷ-ban (Châu Mỹ la-tinh). Nhưng chỉ có hai bộ đòi-hỏi làm việc thường-đều, đó là Bộ giám-mục và Bộ truyền-giáo. Các Bộ giáo-hội đông phương, Bộ giáo-dục và phụng-vụ, Hội-đồng đại-kết là những cơ-chế không đòi-hỏi sinh-hoạt thường-đều, nhưng khá đầy việc để làm. Còn những cơ-chế khác hầu như chỉ có mặt. Nhưng chừng đó đã quá mệt rồi.

 

Tổng giám-mục Macinkus có lần dùng từ “Xóm các mụ giặt đồ” để chỉ Vatican. Ngài nói: “Chỉ cần tập-trung ba hay bốn linh-mục lại với nhau là họ bắt đầu kể xấu người khác”.

 

Trước mặt tôi, nói chung, chuyện đó không xẩy ra. Nhưng dĩ-nhiên nơi đâu có tập-trung quá đông người và nhiều chuyện bên nhau, ở đó tất có những bàn ra tán vào. Điều đó hẳn nhiên không tốt, nhưng tôi nghĩ đã là người thì không thể tránh được. Không nên có cái nhìn quá lí-tưởng về linh-mục. Tôi tin là chúng tôi phải khiêm-tốn thú-nhận rằng mình không khác hơn gì những người khác và cũng bị những định-luật tập-thể chi-phối như ai. Mỗi người phải cố-gắng chống lại thói đó. Tất-cả chúng tôi cũng luôn phải tự đặt ra cho mình một kỉ-luật chung. Nhưng tôi tin đó cũng là một may-mắn khi mọi người có cơ-hội trút-bỏ thái-độ tự-cao và phải chấp-nhận mình cũng như bao nhiêu người khác.

 

Tóm-tắt

 

Không dễ gì tìm được nơi ngài những công-thức hành-xử, đối-phó. Từ nhiều chục năm ngài luôn lội ngược dòng chảy. Đôi khi ngài có tự hỏi là mình đã làm đúng, là mình đã đưa ra được những dấu-chỉ đúng, và cũng đã tìm được lối diễn-tả hợp thời không?

 

Hẳn nhiên là mình phải tự hỏi như thế. Nhưng cám ơn Chúa là cũng đã có những người khác có thể nói cách khác, có thể làm những gì chính tôi không làm được. Mình trở nên khiêm-tốn hơn, mình học biết được đâu là biên-giới của khả-năng mình. Mình phải thấy việc làm của mình cũng chỉ là một đóng-góp bên cạnh các nỗ-lực khác. Ngoài những người ngồi nặn óc, những người giữ chức-vụ, cần có những người có ân-sủng đặc-biệt để châm ngòi cuộc sống. Vì thế tôi cố-gắng xem những gì mình có thể làm chỉ có ý-nghĩa khi lồng vào tương-quan nhiều mặt và chuyện tự phê-bình cũng là điều căn-bản đối với tôi.

 

Giả như ngài phải sống một mình trên một hòn đảo và chỉ được phép mang theo hai cuốn sách, thì như đã có lần trả lời, ngài sẽ mang theo cuốn Kinh thánh và cuốn Thú-nhận của thánh An-tịnh. Người ta chờ-đợi những thú-nhận nào của hồng-y Ratzinger?

 

Tôi không có những thú-nhận lớn như An-tịnh. Khi đặt vấn-nạn về cuộc sống và con đường của mình, Thánh-nhân đã làm sáng-tỏ toàn-thể sự hiện-hữu Ki-tô giáo. Tôi chỉ có thể để lại những đóng-góp khiêm-tốn. Những mẩu đó có ý-nghĩa gì cho nhân loại hay có giúp gì cho hiện-tại hay không, cái đó tôi không biết.

 

Có cái gì ngài đã làm, nhưng nay nghĩ lại ngài thấy giả như chuyện đó đừng làm thì hay hơn không ?

 

Thực ra chẳng có gì tôi đã làm mà ngày nay muốn rút lại. Có nhiều chuyện có lẽ ngày nay tôi sẽ làm khác, vì tuổi-tác đã giúp tôi nhìn vấn-đề từ lăng-kính khác.

 

Nhiều khi người ta có cảm-nghĩ là ngài muốn cất giữ điều gì đó, như một người cha trong gia-đình muốn lưu giữ cái gia-sản đã tạo nên bằng mồ hôi nước mắt. Nếu không phải là để cho chính con mình – chúng rõ-ràng là những kẻ không biết đánh giá và sử-dụng gia-sản đúng mức – thì ít là lớp cháu có thể thừa-hưởng và gia-sản không bị phung-phí. Nhìn lại công-việc của ngài trong tư-cách Bộ trưởng, ngài có nghĩ rằng mình cũng đã cản-ngăn được những biến-chuyển nguy-hiểm, mà công-luận đã không biết đến?

 

Tư-tưởng muốn lưu giữ chút gì lại, cả cho đàn cháu, tôi thấy thật đẹp. Bởi vì tôi thật-sự ước-ao sao cho sức toả sáng của vật quý này, đó là đức tin, và những cái thiện cái mỹ của cuộc sống đã khai hoa nở nhụy với nó, không bị mất đi. Tôi mong rằng những cái đó tiếp-tục được sử-dụng và nhìn ngắm. Còn về các thành-tựu, tôi nghĩ với tài-liệu về thần-học giải-phóng, về lãnh-vực luân-lí sinh-học và sách Giáo-lí là những gì chúng tôi đã đóng-góp ít nhiều vào những biến-chuyển của 15 năm qua. Nhất là những cuộc gặp-gỡ với các hội-đồng giám-mục đã đưa chúng tôi gần lại với nhau, và cũng đã giúp các giám-mục nhìn thấy sứ-vụ mình trong tinh-thần hiệp thông, hiệp-thông giữa các giám-mục, hiệp-thông với Rôma. Nhờ đó mà những nguy-cơ một chiều được cân bằng, điều thiết-yếu được nhận ra và qua đó biết đặt trọng-tâm vào một số công-việc.

 

Trong một tài-liệu do ngài kí ngài đã nhắc đến lời cảnh-cáo của tông-đồ Phaolô: “Hãy rao-giảng lời Chúa, hãy hoạt-động cho lời đó, mặc cho có người nghe hay không. Hãy liên-lỉ và kiên-trì trong việc cảnh-tỉnh, khiển-trách và cảnh-cáo. Vì sẽ có một thời người ta chẳng còn chịu nghe giáo-huấn lành-mạnh, mà tự ý quay ra tìm-kiếm những thầy dạy mới hợp với tai mình; và người ta chẳng còn đoái-hoài gì tới chân-lí, nhưng mê theo chuyện huyền-hoặc. Nhưng Bạn cứ tỉnh-tảo, chấp-nhận đau-khổ, rao-giảng Tin-mừng, trung-thành chu-toàn phận-vụ của Bạn”.

 

 Tôi không muốn lên mặt làm cao, nhưng tôi muốn nói rằng đoạn trên đã nói lên điều rất thiết-yếu mà tôi coi như chuẩn mức hành-động của tôi trong thời-đại này.

 

Đối với ngài có còn vấn-nạn gì như là vấn-nạn trên hết mọi vấn-nạn? Và nếu như ngài còn một câu hỏi để đặt ra cho tinh-thần thời-đại ngày nay thì ngài muốn hỏi điều gì?

 

Câu hỏi tôi có thể đặt ra cũng là câu hỏi của muôn người: Tại sao thế-giới này lại như vậy, đau-khổ trên thế-giới này mang ý-nghĩa gì, tại sao sự dữ trong thế-giới này lại mạnh như thế nếu Chúa thật là đấng quyền-năng?

 

Có lẽ Bộ tín-lí sẽ không có một người trưởng thứ hai với tầm-cỡ, với lí-lịch, với cái biết quán-thông, với lối suy-nghĩ, hành-xử và lòng tin như ngài. Không phải chỉ một thế-kỉ, nhưng là một thế-hệ đã bắt rễ từ thế-kỉ 19  sẽ chấm dứt với con người ngài. Có lần ngài nói: “Cái mới đang tới”. Ngài thấy chỗ đứng của mình trong lịch-sử như thế nào? Ngài đã mở cánh cửa bước vào cái mới rộng đến thế nào? Hay là phải đợi kẻ tới sau ngài làm công-việc đó?

 

Tôi muốn nhìn mọi chuyện thật tương-đối và muốn nói là hãy chờ xem và chúng ta sẽ thấy dáng-cỡ của người tới sau. Thời-điểm sẽ hoàn-toàn khác và do vậy những con người này sẽ có những hình-dạng khác. Còn chỗ đứng của tôi trong lịch-sử ở đâu thì chưa biết được. Chỉ biết chắc là những ai đã sống trong thế-kỉ này thì đã trải qua những biến-chuyển lớn và quả thực có dính-líu đâu-đó với thế-kỉ trước. Xem thế thì quá đúng là ngày nay hãy còn một liên-hệ rất sống-động với cái đang qua. Vì chúng ta bị đẩy vào một thế-giới khác lạ nên phải giữ-gìn và chuyển-giao sự tiếp-nối. Tôi đã cố-gắng làm chuyện đó. Nhưng rồi đây, với biến-chuyển của lịch-sử mai ngày, điều đó có còn giữ vai-trò quan-trọng nữa hay không thì ta chưa biết. Chúng ta đang chứng-kiến những đổi-thay to-lớn của thời-đại mình, nhưng đâu là những viễn-ảnh sẽ mở ra, điều đó chúng ta chưa nhìn ra được. Tôi tin rằng tôi nhận được nhiệm-vụ phải giữ và chuyển-giao cái nối-tiếp này, đồng thời làm cách nào để giới-thiệu nó với một lịch-sử càng ngày càng chuyển-biến mau-lẹ.

 

Người ta cho rằng có hai Ratzinger: một người trước khi tới Rôma, cấp-tiến, và một ông canh-chừng đạo bảo-thủ và nghiêm-nhặt ở Rôma. Người ta nói chàng thiếu-niên thần-học với miệng-lưỡi cấp-tiến đã trở thành ông già bảo-thủ bất đắc-ý với những cái nhìn đôi khi tuyệt-vọng. Chính ngài có lần nói: Joseph Ratzinger này vẫn luôn trung-thành với mình, chỉ những kẻ khác đã thay-đổi mà thôi.

 

Tôi tin tôi đã nói điều rất cơ-bản, là tôi vẫn giữ nguyên quyết-định nền-tảng của cuộc đời tôi, là tôi tin Chúa trong đức Ki-tô qua Giáo-hội và cố-gắng sống cho niềm tin đó.  Quyết-định đó đã triển-nở qua các giai-đoạn cuộc đời, và tôi mừng là nó đã không bị đông lạnh ở một điểm nào. Tuổi-tác làm thay-đổi con người, ông già 70 không nên ra sức để trở lại tuổi 17 và ngược lại. Tôi muốn trung-thành với cái biết nền-tảng của tôi, đồng thời cũng luôn rộng mở cho những thay-đổi cần-thiết. Và hoàn-cảnh chung-quanh cũng làm thay-đổi vị-thế con người, nó bỗng-chốc đứng trong một màng lưới với những trục-độ khác. Các vấn-đề của Giáo-hội ngày nay khác với những chuyện cách đây 30 năm. Hoàn-cảnh vì thế đã đem lại một giá-trị khác cho những gì con người nói và làm. Tôi không chối-cãi đời mình có những phát-triển và đổi-thay, nhưng tôi luôn giữ cho những phát-triển và đổi-thay đó diễn-biến trên một bản-sắc nền-tảng và chính khi thay-đổi, tôi luôn cố-gắng trung-thành với cái bản-sắc đó. Ở đây tôi đồng-ý với hồng-y Newman khi ngài nói, sống là biến-đổi và ai đã sống nhiều người đó cũng có khả-năng biến-đổi.

 

Mỗi nhiệm-vụ thường có cái giá của nó. Nhiệm-vụ càng lớn, chẳng hạn như việc phục-vụ chân-lí, thì giá lại càng cao.

Phục-vụ chân-lí là một từ lớn và là cái “ý-muốn cao-cả nhất” của nghề tôi đang làm. Nhưng chuyện phục-vụ đó dĩ-nhiên chỉ xẩy ra trong những hình-thức tầm-thường, qua những chuyện rất khác nhau, rất đơn-giản, nhỏ-bé, âm-thầm đâu đó. Ý-muốn nền-tảng vẫn là phục-vụ sự thật, nhưng trên thực-tế tôi toàn lo chuyện thư-từ, đọc tài-liệu, tiếp-xúc thảo-luận v.v..

Cái giá đối với tôi là đã không thể thực-hiện được hết cái mình muốn, nghĩa là đã không cùng đóng-góp được nhiều vào những thảo-luận tinh-thần lớn của thời-đại, không hình thành được một công-trình riêng. Bởi tôi phải lao vào những cái nhỏ-nhặt và đa-diện của những mâu-thuẫn và biến-cố xẩy ra. Tôi đành phải gạt ra một bên phần lớn những gì mình thích mà quay về với nhiệm-vụ thường nhật của mình. Và tôi phải từ-bỏ ý-nghĩ muốn đọc cái này muốn viết cái nọ để trở về với nhiệm-vụ được giao.

 

Giờ đây ngài bằng lòng với cuộc đời, ngài là người hạnh-phúc?

 

Phải, bằng lòng, vì sống ngược với mình và với đời mình là điều vô nghĩa. Và tôi cũng tin là mình đã có thể làm được đôi điều có ý-nghĩa một cách khác hơn những gì mình dự-trù và mong-đợi. Tôi thật tình cám ơn Chúa về cuộc sống mà Ngài đã đặt-định cho tôi.

 

Tin, cậy, mến, những nhân-đức nền-tảng – chúng có ý-nghĩa gì trong đời sống của hồng-y Joseph Ratzinger?

 

Chúng ta đã nói nhiều về tin. Nó trước hết là cội-nguồn của cuộc sống, là quyết-định nền-tảng nhận-biết Chúa và chấp-nhận Ngài. Nó là chìa khoá để cắt nghĩa mọi thứ khác.

Tin là hi-vọng, hị-vọng cái thế-giới không thiện-hảo này sẽ không cứ mãi bất thiện như thế. Với cái nhìn thuần thực-nghiệm, ta có thể nói sự dữ là sức mạnh chính ngự-trị thế-giới. Hi-vọng theo nghĩa Ki-tô giáo là nhìn-nhận có sự dữ nhưng đồng thời cũng vững tin vào tương-lai. Hạt nhân của tin là chấp-nhận mình được Chúa thương và vì thế, không những phải đáp-trả lời Ngài mà còn chấp-nhận công-trình tạo-dựng, chấp-nhận các thụ-tạo, nhất là con người, cố gắng nhìn ra hình-ảnh Chúa trong mỗi con người và nhờ vậy mình trở nên một kẻ sẵn-sàng thương-yêu.

Điều đó không dễ. Nhưng với tiếng thưa Vâng nền-tảng, với niềm xác-tín Chúa đã tạo nên con người, Ngài nâng-đỡ họ và họ không thể đơn-thuần xấu, thì tình yêu sẽ có chỗ tựa và từ niềm tin hi-vọng sẽ nẩy mầm. Hi-vọng như vậy bao gồm cái nhìn tin-tưởng vào thế-giới đầy hiểm-hoạ, nhưng nó hoàn-toàn không có nghĩa là không tưởng: Bởi vì mục-tiêu của hi-vọng không phải là một thế-giới sáng-lạn trong tuơng-lai, nhưng là sự sống đời-đời. Mong-chờ một thế-giới mới tốt-đẹp hơn là điều không lợi cho ai cả, vì thế-giới đó không phải là của chúng ta, và mỗi người trong chúng ta phải sống cho thế-giới mình, cho hiện-tại của mình. Thế-giới của thế-hệ mai-sau chủ-yếu sẽ do tự-do của thế-hệ mai-sau hình thành nên, bàn tay của chúng ta chỉ góp phần rất hạn-chế vào đó mà thôi. Nhưng cuộc sống đời-đời mới là tương-lai của tôi và đó mới là sức mạnh ghi dấu lịch-sử.